Hiệp hội đề nghị các cấp làm rõ ý kiến của Giáo sư Đào Trọng Thi

06/05/2017 07:37
Linh Hương
(GDVN) - Ngày 26/4, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã gửi công văn đề nghị làm rõ ý kiến của Giáo sư Đào Trọng Thi về vấn đề trường ngoài công lập.

Vừa qua, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận được ý kiến từ lãnh đạo khá nhiều trường đại học ngoài công lập phản ảnh sự bức xúc gay gắt đối với phát biểu của Giáo sư Đào Trọng Thi – nguyên Chủ nhiệm Ủy Ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Khóa 12 trong Hội nghị về Giáo dục đại học ngoài công lập diễn ra ngày 18/4/2017 tại Thành phố Hồ Chí Minh do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì. 

Trong phát biểu của mình, Giáo sư Thi có ý kiến rằng, không thừa nhận sự tồn tại của các trường đại học tư thục có lợi nhuận, đồng thời đã giải thích việc đưa vào các quy định cứng tại Điều 66 Luật Giáo dục đại học là nhằm mục đích từng bước chuyển đổi vai trò của sở hữu tư nhân đối với trường đại học tư thục qua cái gọi là “sở hữu chung không phân chia”. 

Chính phát biểu này của Giáo sư Thi đã làm cho các nhà đầu tư vào giáo dục cảm thấy rất lo lắng, không yên tâm đầu tư tiếp để phát triển nhà trường. 

Hiệp hội đề nghị các cấp làm rõ ý kiến của Giáo sư Đào Trọng Thi (Ảnh đăng trên giaoduc.net.vn)
Hiệp hội đề nghị các cấp làm rõ ý kiến của Giáo sư Đào Trọng Thi (Ảnh đăng trên giaoduc.net.vn)

Tuy Giáo sư Đào Trọng Thi không phát biểu với tư cách đương nhiệm nhưng ông từng chủ trì xây dựng Luật Giáo dục Đại học mà lại nêu lên một kiểu tư duy mang tính chất định hướng là dùng luật để từng bước chuyển các trường ấy sang một dạng trường công lập.
 
Điều này đi ngược lại với chủ trương đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là trong Nghị quyết 29-NQTW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Để ổn định tư tưởng các trường, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kính đề nghị Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo nên phát biểu rõ quan điểm chính thức về vấn đề này.

Quan điểm chính thức của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam về vấn đề trên đã thể hiện tại Công văn số 15/HH-VP ngày 23/2/2017 của Hiệp hội gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một số giải pháp cho các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập. 

Tại công văn này, Hiệp hội đã đề nghị:

- Dựa theo tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI và Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính Phủ, Nhà nước cần sớm có các chính sách khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

- Đối với các cơ sở giáo dục đại học tư thục (có lợi nhuận), “nếu đã xem trường đại học tư thục (có lợi nhuận) có đặc tính giống một “doanh nghiệp tư nhân” thì cần bám sát các quy định ở Luật doanh nghiệp. 

Do đó cần xóa bỏ các quy định cứng  “... dành ít nhất 25% (phần tài chính chênh lệch giữa thu và chi) để đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học...” và “... giá trị tài sản tích lũy được trong quá trình hoạt động... là tài sản chung không chia...” tại Điều 66 Luật Giáo dục Đại học; quy định cứng về sự có mặt của “đại diện cơ quan quản lý địa phương” trong Hội đồng quản trị tại Điều 17 Luật Giáo dục Đại học”.

Để ổn định tư tưởng cho các trường đại học ngoài công lập, chúng tôi kính mong các cấp lãnh đạo sớm cho ý kiến, đồng thời có chỉ đạo trực tiếp lên việc chuẩn bị sửa đổi các luật về giáo dục để những quan điểm cơ bản của Nghị quyết 29-NQ/TW về giáo dục ngoài công lập thực sự đi vào cuộc sống.

Linh Hương