Gương mẫu trong đời sống là tự nêu gương
Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng đã thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.
Bày tỏ sự ủng hộ, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có nhiều chia sẻ với Phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về vai trò, tầm quan trọng của việc nêu gương trong xã hội và đặc biệt là đối với Đảng viên trong bối cảnh hiện nay.
Theo vị nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những phương thức lãnh đạo cốt yếu của Đảng.
Việc nêu gương của những người giữ vị trí then chốt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng tạo động lực lớn, sức lan tỏa mạnh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ông Hùng cho rằng: “Ý nghĩa việc nêu gương là vô cùng quan trọng. Trong gia đình bố mẹ phải nêu gương cho con cái, anh chị phải nêu gương cho các em. Trong xã hội, người dân thường kính trọng những người có phẩm chất, đạo đức, tư cách xã hội.
Bây giờ là người lãnh đạo quản lý, tổ chức công việc, thực hiện vận động nhân dân thì phải nêu gương. Nêu gương là một hình thức tập hợp mọi người lại, đoàn kết tập thể. Thế cho nên muốn cho xã hội tốt đẹp thì phải đẩy mạnh công việc nêu gương.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng chúng ta đang xây dựng nhà nước, xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, do vậy tư cách người đảng viên phải tu dưỡng rèn luyện và gương mẫu trước quần chúng nhân dân. Đảng viên là phải gương mẫu.”
Nói về việc gương mẫu, ông Hùng bày tỏ quan điểm: “Gương mẫu tức là đang tự nêu gương.
Nếu cấp trên không gương mẫu thì cấp dưới họ khinh. Khi đã bị cấp dưới khinh rồi thì tư cách người lãnh đạo không còn nữa. Cấp trên nói cấp dưới không nghe. Không ai nghe ai cả thì như vậy xã hội lộn xộn còn gì nữa.
Ông Vũ QUốc Hùng cho rằng, nêu gương là phải gương mẫu. (Ảnh: Ngọc Quang) |
Cần phải nhấn mạnh một lần nữa là nêu gương là một công tác đặc biệt quan trọng.
Thật ra không thể so sánh nhưng cũng cần lưu ý rằng một người làm lãnh đạo thì phải rao giảng về tư cách, đạo đức, phương pháp làm việc, cả về chuyên môn cả về lối sống thế nhưng khi người đó không gương mẫu, không làm những việc mang tính chất nêu gương thì những lời nói của người đó nó còn phản tác dụng.
Nêu gương là việc tạo ra tin tưởng trong quần chúng nhân dân, những người xung quanh cảm thấy mến phục, yêu quý và lắng nghe mình. Có như vậy mọi việc sẽ xong”, ông Hùng cho biết.
Ngày xưa Bác Hồ từng dạy “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” |
Bên cạnh đó ông Hùng cũng cho rằng: “Muốn công tác nêu gương được phát huy tác dụng thì trước hết phải nêu gương từ những việc rất nhỏ đến từ Đảng viên, những người trực tiếp tiếp xúc với quần chúng nhân dân.
Từ những phẩm chất mẫu mực như cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư… đến lối sống lành mạnh và thân thiện đoàn kết với mọi người.
Là những người luôn luôn chấp hành tốt Chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.
Nếu là người lãnh đạo thì càng phải gương mẫu trong hành động cả khi đi khi đứng. Gương mẫu từ những việc nhỏ. Quan trọng nhất là phải nêu gương không tham lam.
Phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất dễ nhìn thấy, dễ cảm thấy nhất”.
Nói về phương pháp, ông Vũ Quốc Hùng cho rằng: “Đảng viên không phải nêu gương cho quần chúng bằng cách suốt ngày lôi sách kinh điển ra để đọc mà phải bắt đầu nêu gương bằng những hành động thiết thực trong cuộc sống của mình.
Đảng viên là phải nỗ lực trong học tập học tập, tu dưỡng rèn luyện bản thân”.
Bên cạnh đó, ông Hùng cũng nhấn mạnh: “Người Đảng viên càng phải xác định rằng vào Đảng không phải là để ăn chơi, hưởng lạc mà vào đảng là để cống hiến là để làm việc và để phục vụ tùy theo cương vị của mỗi người nhưng đã là đảng viên là phải có ảnh hưởng đến những người xung quanh mình”.
Nêu gương là một nét văn hóa có truyền thống của dân tộc
Nói về chuẩn mực đạo đức của việc nêu gương, ông Vũ Quốc Hùng cho rằng: “Nói về chuẩn mực đạo đức thì không chỉ trong Đảng mà trong xã hội cũng đã rất nhiều chuẩn mực rồi”.
Ông Vũ Quốc Hùng khẳng định, nêu gương là một nét văn hóa truyền thống của dân tộc: “Việc nêu gương cũng là một văn hóa của dân tộc Việt Nam, những tấm gương về đạo đức, về cuộc sống, về lòng yêu nước và cả những phẩm chất của những người phụ nữ cũng đã được lưu lại trong sử sách, con cháu đời sau vẫn đang noi theo.
Quy chuẩn đạo đức thời nào cũng có, việc nêu gương sẽ là sợi dây nối đoàn kết dân tộc và dân tộc mới có thể phát triển được.
Không có thời nào người ta theo một cái gương xấu là lãnh đạo nào mà chỉ “ăn tục nói điêu”, như vậy sao làm được nữa.”
Việc nêu gương theo ông Hùng phải bắt đầu từ việc nhỏ nhất bởi: “Lối sống lành mạnh là nằm ngay trong sự tu dưỡng của bản thân, cuộc sống gương mẫu trước sau như một.
Ở cơ quan thế nào thì về nhà cũng thế, từ đi đứng, lời ăn tiếng nói đến việc triển khai công việc… tất cả đều thể hiện sự rèn luyện và tu dưỡng bản thân, tự mình giám sát mình.
Không thể nói lối sống lành mạnh là chỉ thể hiện trước tập thể, khi có mọi người thì hành động một kiểu khi có một mình hoặc khác quần chúng đi là thể hiện kiểu khác theo kiểu lưu manh côn đồ”.
Không ai nghe một ông lãnh đạo mà suốt ngày chỉ biết "ăn tục, nói điêu" cả. (Ảnh minh họa: Petrotimes) |
Ông Vũ Quốc Hùng cũng cho rằng: “Chuyện nêu gương trong văn hóa dân tộc không có gì mới lạ cả, có rất nhiều trong ca dao tục ngữ, châm ngôn để tạo thành chuẩn mực rồi. Không phải ngẫu nhiên các cụ có câu: “Người trên ở chẳng chính ngôi, khiến cho kẻ dưới chúng tôi hỗn hào”.
Các cụ ta cũng có những quy định cụ thể về chuẩn mực về đạo làm tướng... Những sử liệu ghi tạo đền Trần là một ví dụ". Ông Hùng nêu.
Do đó, ông Hùng nêu quan điểm: “Việc chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của nhân dân là công việc thường xuyên, liên tục. Và phải coi đó là nhiệm vụ phát huy truyền thống văn hóa dân tộc”.