Giải mã "hiện tượng Đinh La Thăng”
Chỉ trong thời gian ngắn khi nhậm chức Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, ông Đinh La Thăng đã gây ấn tượng mạnh với dư luận bằng những phát ngôn, hành động quyết liệt khi xử lý công việc.
Việc ra lệnh sửa nhà cho Mẹ Việt Nam anh hùng; Đòi quan chức chấm dứt chơi tết, lo làm việc; Nói chuyện với Công ty Vinamilk khi biết nông dân Củ Chi không bán được sữa bò… đều nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ phía dư luận.
Trên cương vị là “Tư lệnh” ngành Giao thông vận tải, ông Thăng từng kiên quyết “trảm” chủ đầu tư chậm tiến độ khi thực hiện dự án.
Điển hình nhất phải kể đến việc ông đề nghị cách chức một lãnh đạo Công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội vì đề xuất mua toa tàu cũ của Trung Quốc, vừa bị dư luận phanh phui…
Câu hỏi đặt ra là, vì sao ông Đinh La Thăng lại tạo được sức hút mạnh mẽ đến vậy?
Ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa (ảnh: QUỐC TOẢN). |
Nhận định về vấn đề này, hôm 1/3, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng, vị Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã làm được những việc mà rất ít người dám làm.
“Việc giải quyết bức xúc của người dân là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước.
Trước đó, không ít cán bộ là lãnh đạo quan liêu, né tránh, ngại va chạm khi đối diện với các vấn đề gai góc trong xã hội kể cả những bức xúc của người dân.
Có khi là cả việc "trên bảo dưới không nghe", cán bộ không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, gây bức xúc cho dân, làm trì trệ bộ máy quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, những gì ông Thăng làm được khi tiếp quản nhiệm vụ mới đã điểm trúng “huyệt” những bức xúc kéo dài, củng cố niềm tin của người dân đối với cán bộ.
Đó cũng chính là cách ông Thăng tuyên chiến với tệ quan liêu, nhũng nhiễu của số ít quan chức hiện nay”, ông Cuông nhận định
Theo ông Cuông, không ít ý kiến cho rằng, là lãnh đạo
một thành phố lớn, ông Thăng không nên làm những việc nhỏ nhặt như vậy. Hoặc Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh “lạm quyền” trong giải quyết công việc. Tuy nhiên, nhận định trên chỉ đúng một phần.
“Không nên cố chấp theo kiểu tư duy “lấn sân”, bởi dù anh làm nhiệm vụ bên Đảng hay chính quyền cũng đều có chung mục đích là phục vụ nhân dân.
Tôi cho rằng, dù người ta làm được việc nhỏ mà có hiệu quả còn hơn những việc lớn chỉ nêu ra trên giấy, hoặc triển khai nhưng không có chuyển biến.
Cũng theo ông Lê Văn Cuông, những phát ngôn và hành động quyết liệt của ông Đinh La Thăng đồng thời là lời cảnh báo với những cán bộ yếu kém về chuyên môn đạo đức công vụ.
"Thông qua những việc làm của ông Đinh La Thăng, người ta cũng thấy rằng, bộ máy quản lý nhà nước ở một phạm vi nhất định có biểu hiện “khuyết tật”.
Nếu cán cán bộ cấp dưới làm tốt nhiệm vụ, thì chắc ông Thăng đã không phải “nhúng tay” vào những việc nhỏ như vậy”.
Thậm chí khi phát hiện dấu hiệu tiêu cực trong xử lý công việc, ông Thăng cũng nên xử lý ngay để làm gương, đồng thời cảnh báo cán bộ trong việc chỉnh đốn lại lề lối, tác phong làm việc.
Quan trọng hơn, người ta sẽ nhìn vào những việc lãnh đạo đã làm để noi theo, từ đó tạo ra sự quản lý, vận hành thống nhất.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng (ảnh: Danviet.vn) |
Đồng quan điểm trên, Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, hành động quyết liệt của vị Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh là tín hiệu tốt trong công tác quản lý nhà nước.
“Rõ ràng "hiệu ứng Đinh La Thăng"đã tạo ra sức hút không hề nhỏ trong dư luận.
Những hành động quyết liệt, dồn dập, liên tục của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đã tạo ra sức lan tỏa không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh mà còn ảnh hưởng tới nhiều tỉnh, thành phố khác.
Từ đó, người dân cảm thấy họ được gần hơn với lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo cấp cao.
Tuy nhiên, quyết tâm đó cũng đặt lên vai người đứng đầu không ít áp lực trong giải quyết công việc.
Người dân sẽ giám sát cán bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở những cam kết trước đó. Những việc làm đó có xứng đáng với những gì nhân dân mong đợi hay không?
Cũng theo Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An, còn quá sớm để đánh giá thành quả công việc của nhà quản lý, nếu chỉ nhìn vào kết quả bước đầu.
“Kết quả công việc phải là cả một quá trình nỗ lực phấn đấu. Không thể chỉ căn cứ vào vài việc nhỏ, ở thời điểm xuất phát mà đánh giá hiệu quả công việc cho cả một quá trình.
Nhưng tôi tin những người lãnh đạo dám nghĩ, dám làm sẽ góp phần thay đổi tình hình”, Đại biểu Bùi Thị An cho biết.
Thách thức còn ở phía trước
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng, những thác thức trước mắt đang chờ đợi nhà lãnh đạo trẻ như ông Đinh La Thăng là không hề nhỏ.
“Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế cả nước, do đó, những vấn đề liên quan tới hội nhập kinh tế đặt ra thách thức không hề nhỏ.
Vấn đề này chỉ được thực hiện tốt khi lãnh đạo biết phát huy nội lực với những lộ trình, giải pháp căn bản.
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An - đoàn Hà Nội (ảnh: Ngọc Quang) |
Bên cạnh đó, việc duy trì ổn định tăng trưởng, cải cách hành chính... cũng đặt ra cho các tân lãnh đạo những thách thức không nhỏ” Đại biểu Bùi Thị An nhận định.
Trong khi đó, ông Lê Văn Cuông cho rằng, vấn đề tội phạm, tắc đường, ngập úng, tham nhũng... là những vấn đề lớn, cần sự quyết liệt của tân lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh.
“Tuy nhiên, nếu chỉ mình ông Thăng sẽ không giải quyết được nhiều, nếu bộ máy quản lý không thống nhất, không vận hành trơn tru.
Quan trọng hơn, những thách thức đặt ra phải dựa vào dân để giải quyết.
Một khi lãnh đạo nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm, người dân sẵn sàng đồng hành vì sự phát triển chung”, ông Cuông nói.