Diễn biến mới nhất việc Trường Trung học phổ thông Tô Hiệu (tỉnh Sơn La) cắt đất làm bãi gửi xe, dựng căng-tin kiếm tiền học sinh gây bức xúc trong phụ huynh, học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đã lập đoàn thanh tra tiến hành xác minh, làm rõ.
Ngày 10/10, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phan Ngọc Sơn – Chánh thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cho biết: “Ngày 8/10, Sở công bố quyết định thanh tra và tiến hành lập đoàn thanh tra.
Trường phổ thông Tô Hiệu cắt đất làm bãi gửi xe kiếm tiền từ học sinh |
Đoàn sẽ thanh tra nhiều nội dung tại Trường trung học phổ thông Tô Hiệu. Trong đó có nhiều nội dung Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh.
Hiện, Đoàn thanh tra đã vào cuộc và đang thu thập tài liệu. Khi nào có kết quả thanh tra, chúng tôi sẽ thông tin đến các cơ quan báo chí”.
Ông Phan Ngọc Sơn cũng cho biết: “Sở cũng chỉ đạo Ban giám hiệu Trường trung học phổ thông Tô Hiệu dừng toàn bộ các hoạt động trông giữ xe, mở căng tin trong trường.
Ngoài ra, Sở cũng ban hành văn bản yêu cầu tất cả các trường trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm quy định về trông giữ phương tiện giao thông của học sinh và việc mở căng-tin trong trường học”.
Thông tin đến phóng viên, một phụ huynh Trường Trung học phổ thông Tô Hiệu cho biết, học sinh được giáo viên chủ nhiệm thông báo “Theo quyết định của ban giám hiệu từ 1/10, nhà xe không thu tiền và không tổ chức trông xe. Các học sinh chú ý tự bảo quản tài sản”.
Phụ huynh này cũng cho hay: “Hết tháng 9, nhà trường đã dừng thu tiền gửi xe. Như trường hợp con nhà tôi đã đóng cả năm 9 tháng là 450.000 đồng tiền gửi xe, hiện chưa thấy trường thông báo nhận lại tiền hay bao giờ trả lại.
Thiết nghĩ các con đến trường học tập, nhà trường cần tạo điều kiện có chỗ để xe. Nhà trường lại thu tiền để xe 50.000 đồng/tháng thì hơi quá, bởi nhà nước đã đầu tư cơ sở vật chất bao gồm cả nhà để xe cho học người học và giáo viên”.
Từ đầu năm học mới, nhà xe "xã hội hóa" trong Trường Trung học phổ thông Tô Hiệu đã đi vào hoạt động thu tiền trông giữ xe của học sinh. Ảnh: NVCC. |
Trước đó, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, nhiều phụ huynh và giáo viên Trường Trung học phổ thông Tô Hiệu phản ánh, để chuẩn bị cho năm học 2018-2019, nhà trường cho thuê đất “xã hội hóa” làm 2 nhà để xe cho học sinh có thu phí.
Thời điểm chưa bước vào năm học mới, nhà trường cho dựng khung sắt, làm mái che 2 nhà xe mới. Không ít phụ huynh nghĩ là trường làm để phục vụ chỗ để xe miễn phí cho học sinh, nhưng thực tế nhà trường cho thuê đất để người ngoài vào đầu tư nhằm mục đích thu tiền gửi xe của học sinh.
Đầu năm học nhà trường đã thu 9 tháng tiền trông giữ phương tiện giao thông của học sinh. Cụ thể, đối với xe máy điện nhà trường thu 50.000 đồng/xe/tháng, cả năm 9 tháng là 450.000 đồng, còn xe đạp là 25.000 đồng/xe, cả năm là 225.000 đồng.
Trường hợp học sinh không gửi xe theo tháng, gửi xe theo lượt sẽ cao hơn.
Không chỉ gửi xe, một số phụ huynh Trường Trung học phổ thông Tô Hiệu còn bức xúc trước việc nhiều năm nay nhà trường cũng cắt đất cho người ngoài vào thuê đất làm 4 căng-tin trong trường.
Cảnh ăn quà vặt, tụ tập hút thuốc lào… rất phản cảm tại căng-tin khiến phụ huynh rất lo lắng và bất an.
Giám đốc Sở Giáo dục Sơn La không cho phép Trường Tô Hiệu cắt đất cho thuê |
Không ít bậc cha mẹ có con em theo học tại Trường trung học phổ thông Tô Hiệu bày tỏ sự khó hiểu trước việc nhà trường ngày càng “vẽ” ra nhiều dịch vụ, họ đang biến trường học thành nơi kinh doanh, kiếm tiền.
Lý giải về việc cắt đất cho thuê làm nhà trông giữ xe có thu phí, bà Nguyễn Thị Minh Thúy – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Tô Hiệu cho rằng, nhà xe trước của trường là nhà nước đầu tư, nhưng giờ làm chỗ để xe cho giáo viên và học sinh thuộc đối tượng chính sách.
Còn 2 nhà trông giữ xe mới dựng là nhà trường cho một số cán bộ, giáo viên trong trường thuê đất để họ đầu tư làm chỗ gửi xe cho học sinh có thu phí.
Bà Thúy cho biết: “Nhà trường tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên làm nhà trông giữ xe có thu phí chứ không cho người ngoài. Giáo viên trực tiếp đứng ra làm, sau đó họ thuê anh em, họ hàng, người ngoài trông giữ xe.
Nhà trường cho thuê 2 ô đất làm nhà trông giữ xe có giá 15 triệu đồng/năm. 2 ô đất này làm 2 nhà trông giữ xe có thể chứa khoảng 400 xe.
Về 4 căng-tin trong trường, bà Nguyễn Thị Minh Thúy thông tin: “Dịch vụ căng-tin ở sân sau thuộc khu B. Vì không có tiền đầu tư nên phần đất phía sau khu B vẫn để không, nên nhà trường cho thầy cô giáo thuê một phần đất làm căng-tin.
Cả 4 căng-tin đều là của các thầy cô trong trường làm, nhà trường cũng chỉ cho mượn đất. Mỗi căng-tin nhà trường cho thuê với giá 20 triệu đồng/năm. Việc này trường đã xin Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La làm dịch vụ căng-tin và đã được chấp thuận”.
Riêng khoản quỹ lớp, quỹ trường mỗi học sinh đóng 500.000 đồng, tính ra cả trường cả ngàn học sinh số tiền rất lớn mà phụ huynh không biết sử dụng vào việc gì. Ảnh: NVCC. |
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, một phụ huynh có con lớp 10 cũng bày tỏ sự bức xúc và khó hiểu trước một số khoản quỹ đầu năm. Nhiều loại quỹ mà phụ huynh cũng không rõ được sử dụng vào việc gì.
Cụ thể như quỹ hội phụ huynh 500.000 đồng/học sinh; quỹ lớp 100.000 đồng/học sinh, sổ liên lạc điện tử 100.000 đồng/học sinh; máy lọc nước 45.000 đồng/học sinh; tiền gửi xe 450.000 đồng/9 tháng/học sinh.
Đáng nói, phụ huynh này cũng chưa rõ khoản quỹ hội phụ huynh 500.000 đồng/học sinh như nhà trường giải thích là chia ra 300.000 đồng nộp cho trường, còn 200.000 đồng nộp cho ban đại diện cha mẹ học sinh lớp. Trong khi đó, quỹ lớp đã đóng 100.000 đồng/học sinh.
Theo phụ huynh, trường nói số tiền quỹ trên để sử dụng vào việc khen thưởng cho các con có thành tích, rồi các hoạt động của nhà trường…
Đáng chú ý, không ít phụ huynh cũng cho rằng, khoản tiền sổ liên lạc điện tử nhà trường thu mỗi học sinh 100.000 đồng/năm là không cần thiết đối với học sinh cấp 3.
Thực tế, sổ liên lạc điện tử thiết thực với các con học mầm non, cấp 1, cấp 2, còn cấp 3 các con đã lớn. Hơn nữa, một năm nhà trường không gửi được mấy tin nhắn cho phụ huynh.
Với hơn 1500 học sinh, tính ra mỗi năm phụ huynh phải chi tiền sổ liên lạc điện tử hơn 150 triệu đồng sẽ rất lãng phí.