Sáu cường quốc thế giới và Iran đã kết thúc cuộc đàm phán hạt nhân căng thẳng vào cuối ngày 31/3, nhưng không thành công như mong đợi khi vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận cuối cùng như kế hoạch.
Các nhà ngoại giao tham gia đàm phán P5+1. |
RIA Novosti dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết các bên đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ về "tất cả các khía cạnh quan trọng" trong vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Iran và dự kiến sẽ được công bố vào ngày 1/4.
Tuy nhiên, để hoàn tất tất cả các chi tiết trong thỏa thuận này trước khi đạt được thỏa thuận cuối cùng sẽ cần phải mất thêm 6 tháng đàm phán nữa.
Các thỏa thuận sơ bộ sẽ bao gồm việc xác minh các cơ chế bảo đảm bản chất hoà bình của chương trình hạt nhân của Tehran, các quy định về việc dỡ hoặc nâng các biện pháp trừng phạt, ông Lavrov nói.
Tuy nhiên, mục tiêu đạt được một thỏa thuận cuối cùng trong việc kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran vẫn là một thử thách lớn đối với những nước tham gia đàm phán khi tất cả vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Iran vẫn cương quyết khẳng định "quyền hạt nhân" của mình trong suốt các vòng đàm phán căng thẳng, mà theo đó chính phủ Tehran muốn duy trì quyền nghiên cứu hạt nhân, dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Hamid Baidinejad, một nhà đàm phán cấp cao của Iran cho biết Tehran sẵn sàng đàm phán cho đến khi bế tắc đã được giải quyết, nhưng "không muốn có một thỏa thuận hạt nhân chỉ vì để có một thỏa thuận và một thỏa thuận cuối cùng phải đảm bảo các quyền hạt nhân của Iran".
Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho biết tại Washington rằng, các nhà đàm phán của Mỹ sẽ không chờ đợi cho đến các cuộc đàm phán tiếp theo vào ngày 30/6 nếu không thể đạt được một thỏa thuận chính trị sơ bộ tại vòng đàm phán lần này.
Một nguồn tin cho biết phái đoàn Đức nói với Reuters, thỏa thuận vẫn còn là một câu hỏi mở, không biết có thành công hay không. Vẫn quá sớm để nghĩ về việc kết thúc. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói với các phóng viên ở Lausanne: "Chúng ta đang tiến về phía trước, nhưng nó khá phức tạp".
Bất đồng về việc làm giàu uranium của Iran và tốc độ gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đã đe dọa phá hủy thỏa thuận có thể chấm dứt bế tắc kéo dài 12 năm và làm giảm nguy cơ của một cuộc chiến tranh Trung Đông.
Đại diện Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Đức và Iran sẽ tiếp tục gặp gỡ trong sáng ngày 1/4 để cùng ký kết bản thỏa thuận sơ bộ trước khi công bố chính thức./.