GS. Đỗ Thanh Bình: Lịch sử là môn bắt buộc, không gây xáo trộn gì

17/07/2022 06:44
Trần Lý
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Xét trên tổng thể kết cấu toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông mới, khi Lịch sử là môn bắt buộc cũng không làm xáo trộn hoặc ảnh hưởng tới các phân môn khác.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành kế hoạch về việc thực hiện môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, cụ thể xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh, thẩm định chương trình Lịch sử cấp trung học phổ thông phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học (lớp 10, lớp 11, lớp 12) để dạy cho tất cả học sinh thay vì là môn lựa chọn như đã được ban hành trước đó.

Trước thông tin này, nhiều người lo ngại khi sửa môn Lịch sử từ “lựa chọn” thành “bắt buộc” sẽ làm xáo trộn, ảnh hưởng đến chương trình tổng thể, các môn học khác...

Trước những lo lắng như vậy, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Đỗ Thanh Bình - một chuyên gia tham gia vào việc điều chỉnh môn Lịch sử, Tổng chủ biên sách giáo khoa môn Lịch sử bộ sách Cánh Diều, nguyên Trưởng Khoa Lịch sử (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội).

Giáo sư Đỗ Thanh Bình (Ảnh: Trần Lý)

Giáo sư Đỗ Thanh Bình (Ảnh: Trần Lý)

Phóng viên: Việc thay đổi vị trí môn Lịch sử từ lựa chọn sang bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới đối với cấp trung học phổ thông có ảnh hưởng tới tổng thể các môn học không, thưa Giáo sư?

Giáo sư Đỗ Thanh Bình: Xét trên tổng thể kết cấu toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông mới, khi Lịch sử trở thành môn bắt buộc cũng không làm xáo trộn hoặc ảnh hưởng tới các phân môn khác.

Cụ thể, trước đây các em học 7 môn bắt buộc, 5 môn tự chọn thì nay sẽ thành 8 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương, Lịch sử) và 4 môn lựa chọn theo tổ hợp. Nghĩa là mỗi em học sinh vẫn học tổng số 12 môn học.

Tôi thấy nhiều người cho rằng sẽ phải chỉnh sửa chương trình Lịch sử cấp trung học cơ sở. Tuy nhiên, điều này không cần thiết. Những nội dung nào ở trung học cơ sở đã học rồi nếu ở trung học phổ thông có gì trùng lặp thì cắt bỏ. Hơn nữa, chương trình Lịch sử trung học cơ sở vẫn tiếp tục được coi như nền tảng tạo cho các em kiến thức chung cốt lõi, đến trung học phổ thông sẽ học theo các chủ đề mang tính khái quát, nâng cao hơn.

Chương trình điều chỉnh có gì khác biệt so với chương trình khi thiết kế môn Lịch sử là môn lựa chọn ở cấp trung học phổ thông, thưa Giáo sư?

Giáo sư Đỗ Thanh Bình: Khi Lịch sử là môn lựa chọn thì gồm 70 tiết/năm chứa những chủ đề cốt lõi và 35 tiết chuyên đề nghiêng về lựa chọn nghề nghiệp. Phần chủ đề cốt lõi này sẽ được đưa vào phần bắt buộc khi điều chỉnh.

Trước đó, chúng tôi đã phải tổ chức rất nhiều buổi họp, hội thảo phân tích, góp ý để đưa ra được số lượng tiết học phù hợp dạy đại trà tất cả học sinh. Sau khi cân nhắc nhiều lần, các chuyên gia cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất tinh giản còn 52 tiết.

Tôi cho rằng, giảm xuống 52 tiết/năm là phù hợp, còn em nào học ngành xã hội nhân văn hoặc định hướng theo Lịch sử thì ngoài 52 tiết bắt buộc sẽ học thêm 35 tiết chuyên đề chuyên sâu. Như vậy, chương trình mới điều chỉnh thành 156 tiết/3 năm học (lớp 10, lớp 11, lớp 12) nhiều hơn so với chương trình 2006 hiện nay là 140 tiết/3 năm học. Việc có tăng thêm tiết học nhưng không tăng quá nhiều, tôi đánh giá điều này là phù hợp.

Chương trình không phải làm mới hoàn toàn mà dựa trên chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, sau đó giảm bớt đi phần nội dung chuyên sâu với học sinh đại trà nhưng vẫn phải đảm bảo tính logic, hệ thống (có Lịch sử thế giới, Lịch sử khu vực, Lịch sử Việt Nam), tính liên thông (trung học cơ sở học theo "thông sử", còn trung học phổ thông theo chủ đề, chuyên đề) và cơ bản.

Theo kế hoạch, ngày 25/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành nội dung giảng dạy cho 52 tiết Lịch sử bắt buộc ở cấp trung học phổ thông, nhiều người lo ngại thời gian chỉnh sửa quá ngắn sẽ không đảm bảo được về nội dung chương trình, Giáo sư nghĩ sao về điều này?

Giáo sư Đỗ Thanh Bình: Thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo không phải một vài ngày gần đây mới bắt tay làm. Khi môn Lịch sử có khả năng là môn bắt buộc thì Bộ đã có động thái, xây dựng nhóm phát triển chương trình để khi có thông tin chính thức sẽ tiến hành điều chỉnh ngay. Còn trong trường hợp, môn Lịch sử là môn lựa chọn thì nhóm đó có nhiệm vụ chỉnh sửa, phát triển chương trình sau này (nếu cần).

Để tránh bị động, sau khi thành lập nhóm, Bộ yêu cầu nhóm suy nghĩ nếu môn Lịch sử từ môn lựa chọn chuyển sang bắt buộc thì chương trình nên thiết kế như thế nào. Chính vì vậy, khi Lịch sử chính thức là môn học bắt buộc từ năm học tới, nhóm phát triển chương trình đã làm việc rất năng suất, không những làm ban ngày, kể cả buổi tối cũng tiến hành họp trực tuyến.

Trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông 2018, giảm tải bớt phần nội dung chuyên sâu để phù hợp dạy đại trà, về cơ bản sự điều chỉnh này đã xong.

Một vài ngày tới sẽ tiến hành họp với giáo viên phổ thông và chuyên viên của các Sở Giáo dục và Đào tạo để nghe họ góp ý, kiến nghị. Sau khi tiến hành vi chỉnh sẽ tiến hành thẩm định chương trình và tập huấn giáo viên.

Thưa Giáo sư, lâu nay, môn Lịch sử luôn là môn học có điểm số khá thấp kể cả khi nó là môn bắt buộc. Vậy khi tiến hành dạy và học theo chương trình mới đối với lớp 10 từ năm học tới, cần làm gì để có thể nâng cao điểm số, chất lượng giáo dục của môn Lịch sử?

Giáo sư Đỗ Thanh Bình: Môn Lịch sử luôn có điểm số thấp, điều này tôi không phủ nhận. Chính vì vậy, với chương trình mới được thiết kế theo kiểu phát triển năng lực và phẩm chất này, vai trò của thầy cô vô cùng quan trọng và nặng nề.

Trước hết, thầy cô phải tạo được ấn tượng để học sinh yêu quý mình, có như vậy dù không theo chuyên sâu về Lịch sử nhưng học sinh vẫn yêu thích học. Bên cạnh đó, tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy, không thể dạy theo kiểu một chiều "rót" kiến thức vào đầu học sinh, “thầy đọc trò chép”. Bây giờ, trong một bài học thì thầy là chủ đạo, trò là chủ động cả hai bên tham gia vào giảng dạy.

Phương pháp dạy học phải linh hoạt, có thể tổ chức hoạt động cặp đôi, học tập theo nhóm, gợi được sự tương tác giữa thầy và trò, trò và trò. Đặc biệt, trong một giờ học thầy cô phải tổ chức một chuỗi các hoạt động dạy học.

Một nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục môn Lịch sử đó là cách ra đề thi. Tôi cho rằng, thi cử sau này sẽ phải thay đổi, đề thi không chỉ có trắc nghiệm mà còn có thể có cả tự luận.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư Đỗ Thanh Bình.

Trần Lý