Liêm chính khoa học "đi vào" quy định của Quỹ Nafosted

24/02/2022 06:40
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo quy định mới của Quỹ Nafosted, những nhà khoa học nhận tài trợ từ Quỹ Nafosted sẽ phải tuân thủ 11 quy định về liêm chính nghiên cứu.

Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) ban hành quy định về liêm chính nghiên cứu áp dụng đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do quỹ này tài trợ, hỗ trợ.

Quy định áp dụng đối với nhà khoa học và nhóm nghiên cứu, tổ chức chủ trì, đơn vị nghiên cứu do quỹ tài trợ, hỗ trợ; cơ quan điều hành của quỹ, chuyên gia đánh giá; hội đồng khoa học của quỹ và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Việc ban hành quy định liêm chính nghiên cứu nhằm đảm bảo tính trung thực, tin cậy trong tổ chức thực hiện và kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ do Qũy tài trợ, hỗ trợ. Đồng thời, thúc đẩy tinh thần khoa học trung thực, công bằng, qua đó góp phần xây dựng cộng đồng khoa học uy tín, lành mạnh.

Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia Ban hành Quy định về Liêm chính nghiên cứu áp dụng đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Quỹ tài trợ. (Ảnh: Chụp màn hình)

Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia Ban hành Quy định về Liêm chính nghiên cứu áp dụng đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Quỹ tài trợ. (Ảnh: Chụp màn hình)

Quy định này xác định 4 nguyên tắc đảm bảo liêm chính nghiên cứu, bao gồm: Trung thực trong mọi khía cạnh của nghiên cứu; Trách nhiệm giải trình đối với việc thực hiện nghiên cứu; Chuyên nghiệp và công bằng trong hợp tác nghiên cứu và đánh giá khoa học; Quản lý tốt nguồn lực và triển khai nghiên cứu.

Quy định cũng đặt ra các trách nhiệm của nhà khoa học tham gia các nhiệm vụ do Nafosted tài trợ.

Thứ nhất, nhà khoa học phải chịu trách nhiệm về độ tin cậy đối với nghiên cứu do mình tham gia thực hiện. Không sao chép kết quả nghiên cứu của chính mình, của người khác và xem đây là kết quả nghiên cứu mới. Tham chiếu, trích dẫn đầy đủ các kết quả nghiên cứu và ý tưởng khoa học của các tác giả khác mà công trình nghiên cứu tham khảo, sử dụng.

Thứ hai, phải hiểu rõ và tuân thủ các quy định và chính sách liên quan đến nghiên cứu.

Thứ ba, phải sử dụng phương pháp nghiên cứu phù hợp, đưa ra kết luận dựa trên phân tích khoa học, báo cáo kết quả và lập luận một cách đầy đủ, khách quan.

Thứ tư, nhà khoa học lưu trữ tài liệu, hồ sơ các nghiên cứu đã thực hiện đầy đủ, rõ ràng và chính xác để có thể thẩm định hoặc mô phỏng lặp lại trong các trường hợp cần thiết.

Thứ năm, phải chia sẻ công khai và kịp thời dữ liệu và kết quả nghiên cứu trong phạm vi cho phép.

Thứ sáu, nhà khoa học chịu trách nhiệm đối với các nội dung công việc và kết quả nghiên cứu do mình thực hiện trong các công trình công bố, hồ sơ đăng ký tài trợ, báo cáo và tài liệu có liên quan khác. Danh sách tác giả phải bao gồm đầy đủ và chỉ những người đáp ứng được các tiêu chí về quyền tác giả. Thông tin của tác giả phải ghi đúng theo thực tế (địa chỉ, email theo cơ quan công tác hoặc tổ chức khoa học và công nghệ nơi tác giả thực hiện nghiên cứu tại thời điểm gửi đăng công trình).

Thứ bảy, ghi nhận trong các công trình công bố (mà mình là tác giả) vai trò của các cá nhân hay tổ chức đã có đóng góp quan trọng cho nghiên cứu (bao gồm nhà tài trợ, bảo trợ và những người liên quan khác) nhưng chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chí làm đồng tác giả.

Thứ tám, Công khai các xung đột lợi ích có thể ảnh hưởng đến độ tin cậy của các đề xuất nghiên cứu, công trình công bố.

Thứ chín, hạn chế bình luận chuyên môn ngoài lĩnh vực nghiên cứu chính của mình khi tham gia vào các cuộc thảo luận công khai về ứng dụng và tầm quan trọng của các kết quả nghiên cứu. Phân biệt rõ ý kiến chuyên môn và nhận định dựa trên quan điểm cá nhân.

Thứ mười, phải báo cáo về việc vi phạm liêm chính nghiên cứu. Báo cáo cho cơ quan thẩm quyền khi có nghi ngờ về hành vi sai trái trong nghiên cứu bao gồm giả mạo, làm sai lệch, đạo văn hoặc các hành vi thiếu trách nhiệm khác làm giảm độ tin cậy của nghiên cứu, ví dụ như bất cẩn, liệt kê sai danh sách tác giả, không báo cáo dữ liệu mâu thuẫn hoặc sử dụng các phương pháp phân tích sai lệch.

Cuối cùng, các nhà khoa học cần nhận thức nghĩa vụ đạo đức, cân nhắc lợi ích và rủi ro đối với xã hội trong quá trình thực hiện nghiên cứu.

Khi có thông tin về vi phạm liêm chính nghiên cứu, tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ Nafosted cần thực hiện 3 bước: yêu cầu nhà khoa học và tổ chức có liên quan giải trình; tổ chức đánh giá thông tin thông qua Hội đồng khoa học, chuyên gia đánh giá độc lập hoặc Hội đồng đánh giá độc lập; và đề xuất phương án xử lý, trình Hội đồng quản lý Nafosted xem xét, quyết định. Trường hợp có vi phạm liêm chính nghiên cứu, Nafosted sẽ xử lý như đối với trường hợp vi phạm đạo đức khoa học quy định tại các thông tư của Bộ Khoa học và Công nghệ và các văn bản hiện hành khác.

Xem toàn bộ quy định, TẠI ĐÂY.

Phạm Minh