Theo ông Dương Cao Thái Nguyên - Giám đốc Học viện Hàng không VN, hơn 30 năm qua, Học viện là cơ sở duy nhất đào tạo cơ bản nghề kiểm soát viên không lưu (KSVKL), đã có trên 30 khóa ở nhiều cấp độ đào tạo với hàng trăm KSVKL đang làm trong lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay. Tuy nhiên, công tác đào tạo, huấn luyện nguồn nhân lực KSVKL hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và các cơ quan quản lý, nhất là về chất lượng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện trạng trên như do quy chế tuyển sinh, quy định đào tạo, thu nhập thấp nên chưa thu hút được giáo viên giỏi...
Về đào tạo phi công, Học viện đang đào tạo phi công cơ bản (giai đoạn 1- tổ chức huấn luyện, khai thác và bảo dưỡng tàu bay 1 động cơ) tại sân bay Cam Ranh bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Pháp. Sau giai đoạn 1, các học viên sẽ tiếp tục đào tạo ở nước ngoài.
Sau khi nghe ý kiến của Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu, các cục, vụ chức năng của Bộ và các đơn vị trong ngành Hàng không, Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá, từ khi thành lập đến nay, Học viện Hàng không VN đã cung cấp nguồn nhân lực cho ngành Hàng không, đây là sự cố gắng lớn của Nhà trường.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2015 có được lực lượng KSVKL chất lượng tốt và đào tạo phi công trong nước, Bộ trưởng yêu cầu thành lập Ban chỉ đạo do Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu làm Trưởng ban, các thành viên là lãnh đạo các đơn vị trong ngành Hàng không.
Bộ trưởng yêu cầu Ban chỉ đạo xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực hàng không; tận dụng được nguồn lực, cơ sở hạ tầng của các đơn vị; đánh giá hiện trạng của các đơn vị để từ đó tạo sự liên kết hiệu quả; chủ động đề xuất các cơ chế chính sách. Ban chỉ đạo phải đưa ra lộ trình đào tạo cụ thể, theo hướng phần đào tạo trong nước ngày càng nhiều lên. Bộ trưởng nhấn mạnh, phải coi việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực hàng không chất lượng cao là yếu tố quan trọng quyết định khả năng cạnh tranh của Hàng không VN.