Liệu Philippines có giúp Trung Quốc "biến không thành có"?

03/03/2018 07:14
Tiến sĩ Trần Công Trục
(GDVN) - Trung Quốc muốn “cùng thăm dò, khai thác” trong phạm vi biển chiếm trên 90% diện tích Biển Đông dựa theo yêu sách đường “lưỡi bò” phi lý đã bị bác bỏ.

Thuật ngữ "đồng sở hữu" (co-ownership) được Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đưa ra sau câu bông đùa bị các nhà lập pháp và người dân lên án: Trung Quốc có thể biến Philippines trở thành một tỉnh của họ như Phúc Kiến, nếu muốn

Ông Rodrigo Duterte lập luận rằng: Trung Quốc đã đề nghị Philippines “thăm dò, khai thác chung”. Nó giống như 2 nước “đồng sở hữu”. Điều đó tốt hơn nhiều so với chiến tranh."(?!). 

Đầu tháng Hai, Ngoại trưởng Philippines, Alan Peter Cayetano, cho biết Philippines và Trung Quốc đang tích cực theo đuổi thỏa thuận “thăm dò chung” trong các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông: 

"Tôi có thể nói với các bạn rằng, chúng tôi đang theo đuổi nó một cách mạnh mẽ, bởi vì chúng tôi cần nó". 

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ảnh: SCMP.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ảnh: SCMP.

Ngoại trưởng Philippines lưu ý thêm, 2 nước đã đạt được thỏa thuận trong cuộc họp song phương của họ về Biển Đông. Manila và Bắc Kinh sẽ nghiên cứu riêng về các quy định pháp lý về “thăm dò chung”, trước khi cùng nhau đưa ra một khuôn khổ thống nhất.

Để góp phần làm sáng tỏ bản chất đích thực của các khái niệm được đề cập trong các ý kiến phát biểu nói trên, chúng tôi xin bổ sung thông tin, cùng với những nhận xét, bình luận có liên quan sau đây:

1. “Cùng thăm dò, khai thác” là gì?

Đây là một giải pháp tạm thời có thể được các bên thỏa thuận trong quá trình đàm phán phân định khu vực chồng lấn tạo ra bởi các vùng biển được xác lập theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982;

Nó là giải pháp có tính thực tiễn để giúp giải quyết loại tranh chấp trong việc hoạch định ranh giới các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn.     

Tại Điều 74 và Điều 83 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, qui định về việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa giữa các quốc gia ven biển nằm kề hoặc đối diện nhau đã ghi rõ:  

“Trong khi chờ ký kết thỏa thuận nói ở Khoản 1, các quốc gia hữu quan, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính thực tiễn và để không phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận dứt khoát trong giai đoạn quá độ này. 

Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến việc hoạch định cuối cùng.” (Khoản 3). 

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.

Trong thực tế, vận dụng quy định này của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, các quốc gia ven biển đã thỏa thuận áp dụng giải pháp “hợp tác phát triển ( khai thác) chung” (Joint-development) ở vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa chồng lấn. 

Như vậy, nếu yêu sách ranh giới biển và thềm lục địa nào không dựa vào các tiêu chuẩn của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 thì đương nhiên không được xem xét để áp dụng giải pháp tạm thời “hợp tác khai thác chung” có giá trị thực tiễn này. 

Rõ ràng là, theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, “hợp tác cùng phát triển” chỉ có thể áp dụng trong “vùng chồng lấn” được hình thành bởi yêu sách của các bên liên quan khi vận dụng các quy định của Công ước này để xác định các vùng biển và thềm lục địa của họ và vì vậy, họ cần đàm phán phân định. 

2. Khái niệm “đồng sở hữu” là gì và có đồng nghĩa với khái niệm “hợp tác cùng thăm dò, khai thác” không?

Khái niệm “đồng sở hữu” được ông Dưerte giải thích rằng cả hai nước Philippines và Trung Quốc đều có quyền sở hữu ngang nhau tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, kể cả nguồn tài nguyên tồn tại ở đấy: 

“Nó giống như 2 (nước) chúng ta đồng sở hữu. Điều đó tốt hơn nhiều so với chiến tranh." (Phát biểu của ông Rodrigo Duterte tại thành phố Marawi ngày 28/2, theo CNN Philippines). 

Theo chúng tôi, khái niệm “đồng sở hữu” do ông Duterte nêu lên không đồng nghĩa với khái niệm “cùng phát triển” theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển1982;

Nó càng không đúng với bản chất của sáng kiến “hợp tác cùng thăm dò khái thác” trong Biển Đông do Trung Quốc nêu ra và đang tìm mọi cách thực hiện nhằm hợp thức hóa yêu sách “lưỡi bò” phi lý của họ.

Liệu Philippines có giúp Trung Quốc "biến không thành có"? ảnh 3

Ông Rodrigo Duterte muốn thăm dò chung với Trung Quốc ở Biển Đông

Tại sao? Chúng tôi xin nêu một số lý do sau đây:

Thứ nhất: Như phân tích ở trên, trong khi đàm phán, nếu các bên chưa nhất trí một đường phân định cuối cùng, nghĩa là chưa nhất trí phân chia phạm vi thuộc quyền sở hữu của các bên liên quan, thì mới tính đến việc áp dụng giải pháp tạm thời “hợp tác cùng phát triển”;

Nhưng giải pháp này phải đi kèm với điều kiện tiên quyết là không làm ảnh hưởng đến việc phân chia phạm vi thuộc quyền sở hữu mả mỗi bên đều cho là của riêng mình đối với “vùng chồng lấn”.

Vì vậy, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 không có quy định nào đề cập đến khái niệm “đồng sở hữu”.

Thứ 2: “Cùng thăm dò, khai thác” là chủ trương mà Trung Quốc luôn luôn đề cao, như là một giải pháp thực tế, thể hiện “thiện chí” của Trung Quốc.

Trung Quốc cho rằng nó hoàn toàn “phù hợp” với các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Vì vậy, các bên tranh chấp cần sớm thỏa thuận tổ chức thực hiện. 

Nghĩa là Trung Quốc muốn “cùng thăm dò, khai thác” trong phạm vi biển chiếm trên 90% diện tích Biển Đông dựa theo yêu sách đường “lưỡi bò”, một yêu sách phi lý đã bị bác bỏ bởi hẩu hết các quốc gia ven biển trong khu vực, quốc tế, đặc biệt là Phán quyết Tòa Trọng tài 12/7/ 2016.

Thứ 3: Đánh đồng hai “khái niệm” này là một sự “mặc nhiên thừa nhận” yêu sách phi lý của Trung Quốc. 

Nếu đây đúng là một chủ trương chính thức của Nhà nước Philippines thì có thể nói rằng Philippines đã từ bỏ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ, chí ít là một nửa các quyền và lợi ích hợp pháp trong các vùng biển và thềm lục địa được xác lập theo đúng quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. 

Liệu Philippines có giúp Trung Quốc "biến không thành có"? ảnh 4

Chớ bông đùa với độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ quốc gia

Điều này sẽ tạo tiền đề cho Trung Quốc tiếp tục gây sức ép đối với các quốc gia ven biển khác xung quanh Biển Đông để được quyền “cùng thăm dò, khai thác” tài nguyên thiên nhiên trong các vùng biển, thềm lục địa hợp pháp của các quốc gia này. 

Như vậy, Trung Quốc đã thành công trong kế hoạch “biến không thành có”, biến vùng không có tranh chấp thành vùng tranh chấp, để từng bước khống chế, tiến tới độc chiếm Biển Đông. 

Thứ 4: Tuy nhiên, chúng tôi không tin rằng phát biểu của Tổng thống  Rodrigo Duterte nói trên là chủ trương chính thức của Nhà nước Philippines. 
Phải chăng đây vẫn chỉ là một câu nói “hài hước” hay “nửa đùa, nửa thật” theo phong cách “bất thường” của vị Tổng thồng này?  

Bởi vì, khi đề cập đến khái niệm “đồng sở hữu”, ông Rodrigo Duterte không nói rõ rằng "đồng sở hữu" ở đây là ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, hay các nguồn tài nguyên trong đó. 

Bởi vì, Hiến pháp Philippines năm 1987 nói rằng, các tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa là của riêng của Philippines. 

Hiến pháp nước này cấm "khai thác chung" trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Không ai được phép làm trái Hiến pháp, kể cả vị nguyện thủ quốc gia, dù có phát biểu như thế nào đi chăng nữa. 

Để minh họa cho nhận định này, chung tôi xin đề cập đến phát biểu của  Ngoại trưởng Philippines, Alan Peter Cayetano, đầu tháng Hai vừa qua. 

Ông đã cho biết Philippines và Trung Quốc đang tích cực theo đuổi các cuộc “thăm dò chung” trong các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Philippines lưu ý, 2 nước đã đạt được thỏa thuận trong cuộc họp song phương của họ về Biển Đông... ( theo Philippines Daily Inquirer ngày 1/3). 

Theo chúng tôi, đây chính là cách “chữa cháy” cho những tuyên bố có vẻ “hớ hênh” của vị Tổng thống “phi truyền thống” này. 

Đây mới chính là quan điểm chính thống của Philippines về mặt nguyên tắc:

“Manila và Bắc Kinh sẽ nghiên cứu riêng về các quy định pháp lý về “thăm dò chung”, trước khi cùng nhau đưa ra một khuôn khổ thống nhất… việc này hoàn toàn tuân thủ Hiến pháp và chịu sự giám sát của Tòa án tối cao Philippines”. 

Như vậy, khái niệm “đồng sở hữu” không được ông Ngoại trưởng nhắc đến trong tuyên bố của mình và phạm vi áp dụng “cùng thăm dò khai thác” trong vùng biển tranh chấp;

Phạm vi “cùng thăm dò khai thác” cụ thể là ở đâu cũng còn đang trong quá trình thảo luận… nhưng phải trên cơ sở phải “hoàn toàn tuân thủ Hiến pháp và chịu sự giám sát của Tòa án tối cao Philippines”.

Tiến sĩ Trần Công Trục