Lo thi thố, bội thực phong trào, GV, học sinh có toàn tâm dạy và học được?

05/12/2022 06:28
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lo thi thố, giáo viên không còn nhiều thời gian dành cho giảng dạy, học sinh cũng bị sao nhãng chuyện học hành có thể ảnh hưởng chất lượng học tập.

Bên cạnh việc truyền đạt kiến thức trong các giờ lên lớp thì các hoạt động phong trào trong trường học cũng góp phần thực hiện tốt vai trò trong việc giáo dục toàn diện cho học sinh.

Tuy nhiên, một số trường học hiện nay đã và đang lạm dụng quá nhiều các hoạt động phong trào. Thay vì tổ chức một cách nhẹ nhàng, tự nhiên thì không ít trường học lại đặt nặng thành tích, chấm điểm thi đua, tạo áp lực lớn cho giáo viên dẫn đến sự cạnh tranh giữa các lớp.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Lo thi thố, giáo viên không còn nhiều thời gian dành cho việc giảng dạy, học sinh cũng có thể bị sao nhãng chuyện học hành dẫn ảnh hưởng đến chất lượng học tập.

Thầy và trò bội thực các hoạt động phong trào

Ngoài việc dạy học, hiện có rất nhiều phong trào được triển khai ở các trường học. Nào là phong trào của giáo viên, rồi đến phong trào của học sinh cứ liên tục diễn ra đôi khi triển khai cùng thời điểm nên cứ chồng chéo lên nhau càng tạo áp lực lớn cho các thầy cô giáo.

Riêng giáo viên trong một năm học có rất nhiều phong trào. Nào là thi giáo viên dạy giỏi, thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm và giải pháp hữu ích. Rồi phong trào những tiết dạy tốt để chào mừng các ngày lễ.

Ngoài ra, còn khá nhiều cuộc thi yêu cầu tham gia như thi sáng kiến kinh nghiệm, thi thiết kế giáo án điện tử, thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến, thi an toàn giao thông trực tuyến, thi khoa học kỹ thuật, thi đồ dùng dạy học…

Không chỉ giáo viên, học sinh cũng có rất nhiều phong trào. Có thể điểm tên một số hoạt động phong trào dành cho học sinh luôn được nhiều trường học triển khai trong năm học. Đó là, giao lưu theo chủ điểm (mỗi tháng một chủ điểm) như chủ điểm An toàn giao thông, chủ điểm môi trường, chủ điểm phòng tránh xâm hại, phòng chống đuối nước…;

Tiếng hát măng non (tiếng hát chim sơn ca); văn nghệ chào mừng các ngày lễ, tết (ngày 20/11; Tết Nguyên đán; ngày 3/2; ngày 8/3; ngày 30/4 và 1/5…); vẽ tranh an toàn giao thông; thi lồng đèn; mâm cỗ Trung thu, đêm hội trăng rằm; Cuộc thi Ý tưởng trẻ thơ; thi khoa học kỹ thuật...

Rồi các phong trào được xem là mũi nhọn như Rung chuông vàng, trạng nguyên tiếng Việt, Toán tuổi thơ, vở sạch chữ đẹp và Hoạt động trải nghiệm dưới cờ tuần nào cũng có.

Gánh nặng phong trào chuyện học hành có thể bị xem nhẹ

Dù là phong trào của học sinh nhưng vai trò của giáo viên là chủ yếu. Bởi thế, nếu tính cả phong trào của thầy cô cùng với các phong trào của học sinh thì một năm mỗi giáo viên phải cõng ít nhất hơn chục hoạt động phong trào.

Gặp trường có hiệu trưởng không nặng thành tích, không muốn chạy theo phong trào bề nổi mà chú trọng nhiều vào công tác giảng dạy thì số lượng các phong trào tổ chức trong năm sẽ ít đi, khi đó giáo viên và học sinh cũng đỡ khổ.

Tuy nhiên không ít trường, hiệu trưởng muốn danh tiếng nên liên tục tổ chức các hoạt động phong trào, khiến cho giáo viên quay cuồng còn học sinh thì bị chểnh mảng học tập.

Dù là phong trào của giáo viên hay của học sinh thì các thầy cô giáo vẫn luôn tập trung cao độ để ôn luyện với mong muốn sẽ đạt kết quả tốt.

Khi giáo viên đã tham dự một hội thi nào đó thì luôn có mong muốn đạt kết quả tốt. Bởi thế, thời gian chuẩn bị cho hội thi, nhiều thầy cô giáo cũng khó có thể chu toàn cho những tiết dạy trên lớp.

Nhà trường, tổ chuyên môn vẫn thường xuyên hỗ trợ giáo viên bằng những tiết dạy để thầy cô an tâm ôn luyện. Có thầy cô chia sẻ, thi xong giáo viên dạy giáo viên giỏi cấp tỉnh hoặc tiết thao giảng chuyên đề cấp tỉnh, thành phố cũng sụt gần 3 ký.

Rồi, phong trào của học sinh nhưng thầy cô luôn đóng vai trò chủ đạo và phải chuẩn bị gần như từ A đến Z. Từ việc viết lời dẫn, lời giới thiệu, viết kịch bản, lo trang phục và tập dượt mỗi ngày.

Ở những trường học không đưa vào thang điểm chấm thi đua còn đỡ, một số trường chấm điểm thi đua để xếp thứ hạng của lớp. Thành tích của lớp ảnh hưởng trực tiếp đến giáo viên chủ nhiệm. Bởi thế, giáo viên luôn phải bỏ thời gian, công sức để tập luyện hy vọng lớp mình không "đội sổ”.

Đối với trường học 2 buổi/ngày, học sinh phải học 7 tiết/ngày. Không ít thầy cô muốn tập cho học sinh đã phải lấy thời gian giảng dạy để tập luyện. Không chỉ giáo viên mất tiết dạy mà học sinh cũng mất luôn tiết học.

“Một tháng trường em tổ chức 2 hoạt động ngoại khoá. Để hoạt động thành công, giáo viên phải tranh thủ giờ dạy tập tiểu phẩm cho học sinh. Trong khi lịch ngoại khoá trùng với thời gian ôn tập thi cuối kì. Thật sự là không còn thời gian để ôn tập cho các em luôn”, một đồng nghiệp bức xúc chia sẻ.

Về lý thì tham gia các hoạt động ngoại khóa sẽ giúp các em học sinh có thời gian giải trí, vui chơi, thưởng thức hoạt động nghệ thuật để giải tỏa bớt những căng thẳng trong việc học tập. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp học sinh cải thiện tốt chất lượng học tập.

Tuy nhiên, việc một số trường học lại quá đặt nặng thành tích, một số cơ sở giáo dục lại tổ chức vinh danh những trường học có hoạt động phong trào nổi trội đã tạo ra những cuộc đua “ngầm” giành thứ hạng giữa các lớp, các trường học.

Điều này đã tạo ra nhiều áp lực cho giáo viên và học sinh làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giáo dục.

Vì thế, không ít thầy cô mong mỏi trường học đừng chạy theo thành tích, đừng lấy số lượng các phong trào tổ chức trong năm làm căn cứ để xếp loại lớp, đánh giá giáo viên và làm thước đo danh tiếng của nhà trường.

Trường học chỉ nên tổ chức những hoạt động phong trào thật sự cần thiết một cách tự nhiên, nhẹ nhàng. Và như thế, mới thật sự đem lại sân chơi bổ ích cho các em học sinh.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên