Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa (trái) và người đồng cấp Philippines Albert del Rosario. |
Kyodo News ngày 5/6 đưa tin, Indonesia đã đề xuất nhóm họp Ngoại trưởng các nước ASEAN vào tháng 8 để đánh giá những căng thẳng trên Biển Đông, một nhà ngoại giao Philippines yêu cầu giấu tên hôm Thứ Năm cho biết.
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã đưa ra đề xuất này sau những leo thang ngày càng lớn của Trung Quốc để khẳng định "yêu sách chủ quyền" mà họ tuyên bố ở Biển Đông. Đó là cuộc họp cấp Ngoại trưởng, chủ yếu tập trung vào Biển Đông.
Hiện tại các hoạt động tham vấn đang được tiến hành để xác định ngày giờ và địa điểm cụ thể cho cuộc họp, nhưng dự kiến nó sẽ diễn ra trong tháng 8 tới. Philippines ủng hộ đề xuất này và cho rằng, cuộc họp là thông điệp mạnh mẽ cho Trung Quốc thấy, ASEAN rất quan ngại trước việc Trung Quốc ngày một hung hăng.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói với các phóng viên trước đó, Indonesia đưa ra đề xuất này với vai trò như một trung gian hòa giải.
"Tôi nghĩ rằng đã có một nỗ lực. Điều đó (tuyên bố chung Ngoại trưởng ASEAN đầu tháng trước bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông từ Myanmar) thực sự là một phát triển rất tích cực vì đây là lần đầu tiên chúng tôi đã có sự đồng thuận về Biển Đông ở cấp Ngoại trưởng sau một thời gian dài", ông Rosario cho biết.
"Đã có đề nghị chúng tôi cố gắng để làm điều này một lần nữa trên cơ sở những diễn biến mới gần quần đảo Hoàng Sa. Đây là ở cấp độ ASEAN", Ngoại trưởng Philippines đề cập tới vụ Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan Hải Dương 981 và kéo theo đội tàu hộ tống tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Ngoại trưởng Rosario cho biết, vẫn còn đó lo ngại về những gì đang xảy ra ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa với cuộc đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc. "Tôi không chắc chắn đề xuất ấy từ đâu, nhưng đó là một sáng kiến và mới được đưa ra gần đây", Ngoại trưởng Philippines cho biết.
Trong khi đó hôm qua Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết, có những bằng chứng cho thấy tàu Trung Quốc đang hoạt động cải tạo bất hợp pháp đá Ga Ven và đá Châu Viên (2 trong 6 bãi đá trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực xâm lược năm 1988 và cắm chân bất hợp pháp tại đây từ đó đến nay - PV).