Lobby kiểu Tây và “vận động” kiểu ta

25/09/2016 08:14
Trương Khắc Trà
(GDVN) - Lobby là lãnh đạo, người nhà lãnh đạo sẽ tạo thành một mạng lưới các chốt cắm ở những vị trí quan trọng “điều chỉnh” cơ chế cho lợi ích “trôi” về túi gia đình.

Thuật ngữ “lobby” là sản phẩm của nền văn hóa và xã hội Mỹ, có nghĩa là “vận động hàng lang”, điều đặc biệt ở chỗ thuật ngữ này ra đời trong môi trường chính trị bằng các phi vụ vận động, thuyết phục nghị sỹ trên chính trường nhằm tác động vào thể chế, luật pháp theo hướng có lợi nhất cho nhiều người.

Từ chính trị lobby lan ra lĩnh vực kinh tế và được luật pháp Mỹ thừa nhận như là một nghề hợp pháp.

Vì được sự bảo hộ của luật pháp, nghề lobby tại Hoa Kỳ phát triển rất mạnh.

Đến năm 2006, con số này đã tăng lên tới 4.516, đến nay ước tính có khoảng 13.700 lobbyist (người làm nghề loobby) và khoảng 300 công ty “lobby” có đăng ký kinh doanh.         Theo thống kê của từ điển Wikipedia tiếng Việt, vào năm 1998 có 1.447 công ty và tổ chức thuê “lobby” để giải quyết các vấn đề về ngân sách.

Vận động kiểu ta, khá là mệt vì lắm cửa. Hình minh họa trên Vietnamnet
Vận động kiểu ta, khá là mệt vì lắm cửa. Hình minh họa trên Vietnamnet

Nghề lobby tại Hoa Kỳ phát triển mạnh do nước này là đối tác kinh tế, chính trị quan trọng hàng đầu của hầu hết các nước trên thế giới, và nguồn ngân sách từ Washington cũng vô cùng “béo bở” đối với các doanh nghiệp trong nước.

Hiểu rộng ra lobby tại Hoa Kỳ và một số nước châu Âu hiện nay như là một ngành kinh tế dịch vụ kiểu như Marketing, chuyên nhận các “đơn hàng” và sau đó “vận động hành lang” để tập hợp các nhân vật có ảnh hưởng trong xã hội tạo sức nặng để giải quyết vấn đề.

Lịch sử ngành này đã ghi nhận cú “lobby” kinh điển của Tổng thống Mỹ - Nixon cho hãng đồ uống nổi tiếng Pepsi, khi ông đã thuyết phục Tổng bí thư Liên Xô lúc đó là Khrushchev cùng nâng và cụng ly Pepsi để chụp ảnh lên báo ở hội chợ Moscow năm 1959.

Lobby kiểu Tây và “vận động” kiểu ta ảnh 2

Quan chức đã “hạ cánh”, những ai đã bị lôi ra xử lý?

Sau khi bức ảnh này được đăng đã mở ra một thời kỳ hoàng kim cho Pepsi vươn lên đứng ngang hàng với Coca… và tất nhiên số tiền người ta chi ra không hề nhỏ chút nào.

Lobby sinh ra ở Mỹ, phù hợp với văn hóa và con người Mỹ nên nó phát huy những mặt tích cực, những “hành lang” trong chính trị, kinh tế ở phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng không bị cho là xấu vì nó không phương hại đến lợi ích của đại đa số người dân.

Ở Việt Nam “vận động hành lang” trong chính trị hay kinh tế là hành vi bị nghiêm cấm bởi luật pháp vì nó tạo ra “nhóm thân hữu” và xuất hiện “lợi ích nhóm”.

Trong kinh tế “lobby” sẽ dẫn đến độc quyền và tạo ra giá cả độc quyền, suy cho cùng lợi ích sẽ “chảy” vào túi một số ít người có quyền hành trong xã hội.

Chẳng ai thừa nhận, thậm chí che dấu nhưng những gì xảy ra trong công tác bổ nhiệm cán bộ gần đây đã tạo ra những “hành lang” thênh thang trên đường quan lộ cho một vài gia đình, phải chăng đó thực chất là những cú lobby đúng quy trình?

Sẽ chẳng bao giờ sai vì lãnh đạo và người nhà lãnh đạo sẽ tạo thành một mạng lưới các chốt cắm ở những vị trí quan trọng để “điều chỉnh” cơ chế sao cho lợi ích “trôi” về túi gia đình mình càng nhiều càng tốt.

Dĩ nhiên, con ông bà nào không quan trọng bằng việc có năng lực thực sự, không phải chỉ có đồng nghiệp cùng cơ quan tín nhiệm (buộc phải tín nhiệm!?) mà là được nhân dân tín nhiệm, kinh qua nhiều vị trí từ thấp đến cao chứ không phải là những cú “nhảy cóc” bằng “lò xo” siêu bật!

Nói nhảy cóc vì chẳng còn từ nào hay hơn để diễn tả khi dư luận bàn tán về con của một vị quan to nhất tỉnh làm Chủ tịch huyện chỉ một thời gian rất ngắn (cụ thể là giữa hai kỳ họp của Hội đồng Nhân dân huyện) sau đó rút về tỉnh và bổ nhiệm sang lãnh đạo đơn vị trí quản lý kinh tế hái ra tiền là công ty cao su.

Thử hỏi đó là quy trình kiểu gì mà nhanh đến vậy?

Mới đây là câu chuyện của một tỉnh nghèo phía Bắc đất nước có đến 8 người thân của vị quan đầu tỉnh nắm những chức vụ lãnh đạo chủ chốt từ huyện đến tỉnh, đó là chưa thống kê hết những người có họ hàng chưa (chờ) được bổ nhiệm.

Lobby kiểu Tây và “vận động” kiểu ta ảnh 3

"Hỗn quan - Quan hỗn"

Chưa bàn đến đúng sai vì hiệu quả công việc và năng lực công tác sẽ nói lên tất cả những sự kiện này cũng vỡ ra nhiều nghi hoặc.

Dù muốn hay không thì thân hữu của vị lãnh đạo ấy đã tạo ra một “hành lang” dài dằng dặc trải khắp toàn tỉnh, khắp các ngành từ chính trị đến kinh tế, văn hóa. 

Ai đủ dũng cảm để ngồi vào cái ghế mà người nhà ông quan to nhất tỉnh ấy đã được quy hoạch? Có phải đây là những cú bổ nhiệm làm “quà” biếu lãnh đạo từ các huyện và Sở ngành?

Hỏi chỉ… để hỏi, vì thật khó có câu trả lời chính xác, vậy nên chẳng ai biết được sự thể đỏ đen thế nào nhưng có một điều chắc chắn rằng trong số hàng trăm nghìn cử nhân, Thạc sỹ đang thất nghiệp, tìm đỏ mắt cũng không thấy ai “hậu duệ”, vậy thì “hậu duệ” đi đâu?

Hay là theo quy trình nào đó để ngồi vào những vị trí đã dọn sẵn mà số còn lại mơ cũng chẳng thấy!

Câu chuyện nhân sự “cây nhà lá vườn” xem ra vẫn còn kéo dài thêm những cơ quan, những địa phương lần lượt bị báo chí và dư luận soi rọi, tương tự như Hà Giang, lần này trung tâm Pháp y thành phố Đà Nẵng đã ưu tiên cho người nhà thiếu bằng cấp chuyên môn vào biên chế trong khi bác sỹ, giám định viên phải hợp đồng.

Ông giám đốc Trung tâm này thẳng thắn thừa nhận bổ nhiệm vì… thương chứ không có chuyện chạy chọt, vậy là những người không được thương phải đợi đến bao giờ mới được bổ nhiệm?

Nếu như ông thủ trưởng cơ quan nào cũng có tình “thương” kiểu này thì hàng ngàn cơ quan trên khắp đất nước khỏi phải mất công tuyển dụng lựa chọn nhân sự chất lượng, Chính phủ cũng khỏi hao tiền tốn của xây dựng đề án này chương trình nọ để thu hút nhân tài.

Lobby kiểu Tây và “vận động” kiểu ta ảnh 4

Những sai lầm “vụn vặt”: Công tác cán bộ

Lý luận Mác – Lênin khái quát rằng mâu thuẫn và đấu tranh giải quyết mâu thuẫn chính là động lực cho sự vận động và phát triển, ngược lại điều hòa và dập tắt mâu thuẫn là kìm hãm sự tiến bộ.

Thật khó hình dung sự đấu tranh và giải quyết mâu thuẫn ấy sẽ diễn ra như thế nào khi mà các vị trí quan trọng trong một địa phương, cơ quan đều cùng ruột thịt máu mủ, hay là họ sẽ thỏa hiệp, điều hòa mâu thuẫn?

Nói rộng ra, cạnh tranh công bằng chính là phương pháp tốt nhất gạt bỏ các yếu tố hạn chế, yếu kém để tìm ra nhân tố xứng đáng đại diện cho sự phát triển.

Công tác nhân sự không nằm ngoài tác động quy luật chọn lọc tự nhiên này. Giống như sinh sản cận huyết trong sinh học là nguồn cơn sinh ra các căn bệnh mang tính hủy diệt các thế hệ tiếp theo.

Người dân đang nóng lòng đợi chờ kết quả những việc cần làm rõ như chỉ đạo của Trung ương về công tác nhân sự và chẳng bao giờ hạ “nhiệt” nếu mỗi ngày danh sách “cả họ làm quan”, những cú “nhảy cóc” thần kỳ… cứ dài thêm mãi.

Trương Khắc Trà