Hỏi: Cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.
So với khung cơ cấu được ban hành từ năm 1993, khung cơ cấu này có nhiều điểm mới, tuy nhiên, theo ông, nếu đối chiếu với Luật Giáo dục hiện hành thì khung cơ cấu này có đáp ứng không?
TS.Lê Viết Khuyến: Tôi thấy rằng, khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân lần này có điểm mới so với khung cơ cấu cũ là đã tạo ra được 2 luồng, hàn lâm và ứng dụng trong giáo dục đại học để người học có thể học tiếp lên và để đa dạng các loại nhân lực, điều này phù hợp với xu hướng thế giới. Nhánh đại học thể hiện tiêu chí học vấn rõ ràng.
Tuy nhiên, nếu đối chiếu với Luật Giáo dục hiện hành thì khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân còn thể hiện nhiều bất cập.
Có thể thấy, khung cơ cấu chỉ chủ yếu tập trung ở các mảng giáo dục cơ bản (bao gồm giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở) và mảng giáo dục đại học.
Riêng khu vực giáo dục giữa giáo dục đại học và giáo dục trung học cơ sở còn nhiều bất hợp lý, lẫn lộn.
Khung cơ cấu hệ thống Giáo dục quốc dân theo Quyết định 1981/QĐ-TTg (Ảnh: giaoduc.net.vn) |
Sơ đồ không nêu rõ điều kiện đầu vào của các trình độ cũng như không chỉ ra căn cứ để liên thông lên cao đẳng (liệu có giống Luật Giáo dục nghề nghiệp hay không?).
Ở mảng giáo dục chuyên nghiệp (bao gồm các trình độ sơ cấp và trung cấp nghề) vẫn được tách ra riêng biệt, không được sắp xếp theo một trật tự nhất quán của hệ thống giáo dục quốc dân.
Trung cấp nghề, theo đó cho dù đã kéo ra 3 năm (không phải chỉ có 1- 2 năm như ở Luật Giáo dục nghề nghiệp) nhưng không thể xem là tương ứng với cấp độ THPT.
Như vậy, không thể khuyến khích học sinh đi theo luồng dạy nghề vì chẳng có ai tự nguyện bỏ thời gian và công sức đi theo luồng học nghề mà khi có nhu cầu học lên cao đẳng hoặc đại học lại phải “chạy” thêm một bằng tốt nghiệp THPT nữa.
Từ đó, tồn tại tình trạng học sinh theo luồng học nghề rất ít, trong khi sau THCS cho tới nay có gần 90% học sinh theo luồng THPT.
Nhiều địa phương đặt mục tiêu phổ cập THPT trong khi Nghị quyết 29/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo lại đặt mục tiêu phân luồng triệt để học sinh sau THCS.
Kết quả là rất thiếu lực lượng lao động có trình độ bậc trung. Để giải quyết vấn đề này, sau THCS cần phải có 2 luồng là luồng THPT và luồng trung học nghề (chứ không phải trung cấp) đó cũng là xu hướng của thế giới.
Cùng với đó phải “khơi thông” được học sinh từ trung học (nghề) lên cao đẳng và sau đó lên đại học định hướng thực hành - ứng dụng.
Vì vậy, cần sớm sửa đổi trung cấp thành trung học nghề để cấp học này bình đẳng với trung học phổ thông, tạo căn cứ pháp lý cho người học trung học nghề vừa có nghề để gia nhập thị trường lao động, lại vừa có cơ hội để học lên bậc cao hơn.
Tháng 11/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân gồm 4 cấp học: mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Trong đó mầm non gồm nhà trẻ và mẫu giáo; giáo dục phổ thông gồm tiểu học, THCS và THPT. Giáo dục nghề nghiệp gồm trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Giáo dục đại học gồm trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. |