Ngày 13/2, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có bài viết phản ánh về những bức xúc của học viên khóa 16, 17 Chương trình liên kết Thạc sĩ Quản trị kinh doanh quốc tế của Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh liên kết với Trường Đại học Quản trị Paris, Cộng hòa Pháp (gọi tắt là Chương trình EMBA).
Không thể để người học bỏ cả đống tiền rồi chạy theo Trường Đại học Quốc tế đòi quyền lợi chính đáng
Theo đó, có khóa người học đã nhận bằng cách đây hơn 1 năm nhưng từng không được công nhận nguyên nhân do bằng tốt nghiệp được cấp là theo mẫu của Trường (Trường Đại học Quản trị Paris - PV), không phải là mẫu được công nhận theo hệ thống giáo dục Pháp. Cũng theo thông tin trả lời mới nhất từ Trường Đại học Quốc tế nêu: "Tại thời điểm ngày 22/1/2025, Nhà trường nhận được câu hỏi từ Quý báo. Trước đó, Cục Quản lý Chất lượng đã có Công văn số 2128/QLCL-CNVB ngày 10/12/2024 về việc sẽ công nhận văn bằng cho chương trình liên kết PGSM nếu hồ sơ đáp ứng đủ các yêu cầu của quyết định phê duyệt".
Được biết, việc chấp nhận công nhận văn bằng cho chương trình này được đưa ra sau khi, các bên liên quan giải trình và có hội đồng thẩm định chương trình để công nhận mức độ tương đương về trình độ văn bằng cho người học. Điều này cũng gây nhiều băn khoăn vì trong Công văn số 220/QLCL-CNVB ngày 17/3/2023 của Cục Quản lý chất lượng gửi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh về việc văn bằng chương trình liên kết đào tạo với Trường Đại học Quản trị Paris có nêu: "Theo thông tin do mạng lưới Trung tâm thông tin châu Âu - Trung tâm thông tin công nhận học thuật Quốc gia, Cộng hòa Pháp cung cấp: Văn bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh cấp trong khuôn khổ chương trình liên kết đào tạo giữa PGSM và Trường Đại học Quốc tế - ĐHQG TPHCM là văn bằng theo mẫu của Trường. Mặt khác, các văn bằng do trường tự cấp không được cơ quan thẩm quyền về giáo dục của Cộng hòa Pháp công nhận. Đối với các văn bằng này, Chính phủ Cộng hòa Pháp không công nhận và không kiểm soát chất lượng...".
Vụ việc này đặt ra rất nhiều câu hỏi liên quan đến khả năng thẩm định các chương trình liên kết để được công nhận văn bằng tại Việt Nam và trách nhiệm của Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh khi đặt người học vào tình thế "chạy theo" nhà trường để đòi quyền lợi như vụ việc này.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hậu - Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học giáo dục thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phân tích: "Bất cứ một cơ sở nào trước tiếp nhận chương trình liên kết từ một đơn vị khác thì việc đầu tiên là họ sẽ tìm hiểu về chương trình đó như thế nào. Điều này là để tránh rủi ro và để nhà trường không tự biến mình thành nơi "đổ trách nhiệm".
![Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hậu - Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học giáo dục thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: VOV gs-tran-hau-6041.jpg](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/cadwpmdwp/2025_02_13/gs-tran-hau-6041-7629-3348.jpg)
Nêu lên một số góp ý để cơ quan quản lý có thể kiểm soát tốt với việc thực hiện chương trình liên kết tại một số trường đại học hiện nay, Phó Giáo sư Trần Hậu cho rằng, sau các sự việc tương tự xảy ra gần đây thì cần có một cơ quan chuyên môn, tư vấn và thực hiện vai trò giám sát đối với các trường đại học có đào tạo chương trình liên kết.
Điều này là để cơ quan quản lý nắm rõ về thực trạng hoạt động, triển khai chương trình tại các nhà trường nhằm giám sát về chất lượng. Bên cạnh đó có thể giúp các trường đại học đánh giá chất lượng và lường trước những rủi ro khi thực hiện.
Vị Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học giáo dục thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chia sẻ thêm: "Để không xảy ra những sự việc tương tự trong tương lai và không làm phí phạm thời gian, công sức của người học thì các cơ quan quản lý cũng nên có những đợt tổng rà soát điều kiện pháp lý tại các cơ sở giáo dục có tổ chức thực hiện chương trình liên kết.
Thông qua đó, yêu cầu các nhà trường phải trình bày đầy đủ và thuyết phục về phôi bằng của trường đại học nước ngoài sẽ cấp cho học viên phải có minh chứng được công nhận tại quốc gia đó. Nếu đơn vị nào thiếu các tiêu chí này thì yêu cầu dừng việc đào tạo cho học viên.
Ngoài ra, cần công bố lại các cơ sở giáo dục đại học và chương trình liên kết mà các trường đang thực hiện là đầy đủ tính pháp lý để người học có nhu cầu tìm hiểu được nắm rõ. Điều này là thể hiện trách nhiệm của nhà trường đối với người học, cũng là cách giảm thiểu tối đa rủi ro mà học viên phải chịu và ấm ức khi có bằng cấp trong tay mà văn bằng không được công nhận".
Trường Đại học cần công khai minh chứng chương trình liên kết bằng cấp sẽ được công nhận tại Việt Nam
Cùng quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đông Phương, nguyên cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, việc này có thiếu sót, hạn chế của Trường Đại học Quốc tế.
"Về mặt pháp lý, Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm đúng nguyên tắc. Bởi lẽ, văn bằng đó không được nhà nước sở tại nơi trường đại học đó đặt trụ sở công nhận thì tại Việt Nam không thể dễ dàng công nhận giá trị pháp lý của văn bằng đó được", Tiến sĩ Lê Đông Phương nhấn mạnh.
![Tiến sĩ Lê Đông Phương, nguyên cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: Mạnh Đoàn ts-le-dong-phuong-6415.jpg](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/cadwpmdwp/2025_02_13/ts-le-dong-phuong-6415-8799-590.jpg)
Đồng thời, Tiến sĩ Lê Đông Phương nhấn mạnh đến trách nhiệm của đơn vị được giao trách nhiệm tiếp nhận chương trình liên kết là Trường Đại học Quốc tế trong việc thẩm định lại tính pháp lý của văn bằng được cấp khi tiếp nhận chương trình từ một đơn vị khác.
"Để cho dư luận có cái nhìn rõ ràng hơn trong sự việc này thì nhà trường cũng cần đưa ra các minh chứng liên quan về thời điểm tiếp nhận chương trình từ Viện Đào tạo quốc tế. Đó là phải cho thấy rõ, khi tiếp nhận chương trình thì nhà trường có được chủ động trong việc thẩm định lại chương trình và tính pháp lý của văn bằng cấp cho học viên hay không?.
Nếu nhà trường được giao quyền chủ động và nắm rõ về tính pháp lý của văn bằng sẽ gặp khó khăn trong quá trình công nhận sau này nhưng vẫn tiếp tục thực hiện tuyển sinh các khóa sau thì cũng cần được xem xét trách nhiệm.
Sau đó, các cơ quan quản lý cũng cần vào cuộc để kiểm tra làm rõ về quá trình đưa chương trình liên kết vào giảng dạy từ trước đó. Đồng thời rà soát về thời điểm chuyển giao chương trình, các đơn vị đã thực hiện hết trách nhiệm của mình hay chưa để dẫn đến những thiệt hại với người học như hiện tại", Tiến sĩ Lê Đông Phương cho hay.
Chia sẻ dưới góc độ pháp lý, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon, đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, theo Khoản 3, Điều 14 Nghị định 86/2018 có quy định rất rõ ràng về trách nhiệm của các bên liên kết giáo dục. Các bên liên kết giáo dục gồm cơ sở giáo dục tại Việt Nam và cơ sở giáo dục tại nước ngoài đều phải chịu trách nhiệm về văn bằng cấp cho học viên.
![Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon, đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội. Ảnh: Trung Dũng gdvn-ls-long-7123-3892-4355-8032.jpg](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/cadwpmdwp/2025_02_13/gdvn-ls-long-7123-3892-4355-8032-1218-4208.jpg)
Luật sư Nguyễn Minh Long đưa ra một số khuyến nghị, trong đó nhấn mạnh việc các cơ quan chức năng cần phải quản lý chặt chẽ hơn với hoạt động liên kết giáo dục. Bởi lẽ, với các chương trình của nước ngoài, người học chủ yếu tin tưởng vào cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tuyển sinh. Đồng thời, việc học tập chương trình cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ đều tốn kém thời gian và rất nhiều tiền bạc nếu có rủi ro như trường hợp của Trường Đại học Quốc tế thì người học sẽ mất rất nhiều.
Đồng thời cần có quy định cụ thể hơn về các trường phải đăng ký hoặc có văn bản thông báo với cơ quan chức năng, với người học về pháp lý rõ ràng của các văn bằng liên kết trước khi thực hiện việc đào tạo và thu học phí người học. Đồng thời, cơ sở đó cũng phải có cam kết rõ ràng về việc chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại nếu xảy ra các rắc rối trong quá trình công nhận văn bằng.
"Đối với người học, cần cân nhắc lựa chọn các cơ sở giáo dục uy tín, đã có nhiều năm hoạt động trong việc giáo dục liên kết, đã từng có văn bằng được cơ quan chức năng thừa nhận để tham gia học. Tránh trường hợp mất thời gian và tiền bạc một cách lãng phí", Luật sư Nguyễn Minh Long nhấn mạnh.