Chưa có 1 đánh giá chính thống nào về hiệu quả các Chương trình liên kết quốc tế

11/01/2023 06:36
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiện nay, sinh viên muốn theo học chương trình liên kết quốc tế thì có nhiều, tuy nhiên không phải thí sinh nào cũng đủ điều kiện tiếng Anh để tham gia.

Hiện nay, bức tranh liên kết đào tạo quốc tế đang tồn tại một số hạn chế khiến dư luận đặt ra câu hỏi về chất lượng của các chương trình như: Chuẩn đầu vào thấp, yêu cầu về trình độ ngoại ngữ ở khâu xét tuyển đầu vào chưa được chú trọng, các yếu tố minh bạch trong chương trình đào tạo chưa đầy đủ,...

Bàn về vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh - nguyên Phó giám đốc (học thuật) của Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ Chất lượng giáo dục (EQTS) thuộc Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam, cho rằng vấn đề chủ yếu của liên kết quốc tế hiện nay chính là năng lực tiếng Anh của người học.

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh - nguyên Phó giám đốc (học thuật) của Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ Chất lượng giáo dục (EQTS) thuộc Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh - nguyên Phó giám đốc (học thuật) của Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ Chất lượng giáo dục (EQTS) thuộc Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam. Ảnh: NVCC

Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, qua theo dõi về hoạt động của chương trình liên kết quốc tế trong các cơ sở giáo dục đại học thời gian qua, bà có đánh giá như thế nào về hiệu quả thực tiễn của các chương trình này?

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh: Theo tôi, cho đến nay, vẫn chưa có một nỗ lực chính thống nào trong việc đánh giá hiệu quả các chương trình liên kết quốc tế.

Đối với các trường công, việc triển khai liên kết quốc tế sẽ dễ dàng hơn so với các trường tư, do có sẵn về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên… Trong khi các trường tư vốn dĩ học phí đã cao, đầu vào thấp, việc triển khai liên kết quốc tế chắc chắn không thuận lợi bằng.

Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu học các chương trình liên kết quốc tế đã có phần giảm hơn so với trước kia. Do vậy, ở thời điểm hiện tại nếu các trường đại học muốn mở thêm chương trình liên kết thì sẽ rất khó để cạnh tranh.

Đánh giá về chất lượng đào tạo, tôi thấy rằng chất lượng các chương trình liên kết quốc tế ở nước ta hiện nay nhìn chung chưa cao. Đặc biệt, khi so sánh chất lượng đào tạo cùng chương trình ở các nước sở tại thì rõ ràng chất lượng các chương trình liên kết sẽ khó có thể ngang bằng. Tuy nhiên, một khía cạnh nào đó chúng ta cũng phải thừa nhận rằng nhìn chung các chương trình liên kết vẫn được đánh giá cao nếu xét về năng lực tiếng Anh. Sinh viên thuộc chương trình liên kết quốc tế đa số sẽ có lợi thế hơn về ngoại ngữ, đây là một điểm cộng lớn khi đi xin việc.

Phóng viên: Vậy đầu vào các chương trình liên kết quốc tế thường chỉ lấy điểm học bạ trung bình từ 6,5 trở lên, không yêu cầu kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và chứng chỉ ngoại ngữ tại thời điểm nhập học liệu có phải là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo không, thưa bà?

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh: Tôi cho rằng việc xét tuyển đầu vào với mức điểm học bạ từ 6,5 điểm là điều bình thường. Đối với nước ngoài, nếu đã tốt nghiệp phổ thông, khi vào đại học với số điểm từ 6,5 - tức là mức điểm trung bình khá, như vậy về cơ bản là đã đạt yêu cầu. Tất nhiên đối với các trường danh tiếng với mức độ cạnh tranh cao như Harvard, Stanford thì yêu cầu sẽ cao hơn rất nhiều.

Ở Việt Nam, có thể do thực tế lạm phát điểm cao, nên người Việt sẽ đánh giá điểm 6,5 là thấp, nếu thi vào đại học hệ đại trà thì chắc chắn rằng các em thi vào trường công sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, đối với nước ngoài, đầu vào không quan trọng bằng đầu ra, và vào đại học thì học được mới là điều quan trọng.

Điều tôi lo ngại hơn chính là về năng lực ngoại ngữ của người học. Hiện nay nhiều trường vì đảm bảo tuyển sinh đủ chỉ tiêu nên chấp nhận cho sinh viên nợ chứng chỉ ngoại ngữ, tuy nhiên điều này rất dễ dẫn tới 2 hệ lụy.

Thứ nhất, nếu tuyển các sinh viên có trình độ ngoại ngữ còn khoảng cách khá xa với yêu cầu của chương trình, vậy với lộ trình học thêm tiếng Anh 1 kỳ, hay thậm chí 1 năm thì liệu năng lực các em có thật sự đáp ứng được yêu cầu chương trình? Việc nợ chứng chỉ ngoại ngữ sẽ kéo dài đến bao giờ?

Thứ hai, chính vì sinh viên không đủ năng lực ngoại ngữ, sau một thời gian học, chính các em cũng có thể chán nản, thêm nữa học phí cũng không phải là rẻ, có thể sinh viên sẽ rời đi, hoặc nhà trường “dễ dãi” tạo điều kiện để sinh viên theo học chương trình chính thức - mà như vậy rõ ràng sẽ không thể đảm bảo được chất lượng đào tạo.

Theo ý kiến cá nhân tôi, việc cho sinh viên nợ chứng chỉ ngoại ngữ có thể được, tuy nhiên cần phải ở một mức độ nào đó chấp nhận được, ví dụ sinh viên chưa kịp thi chứng chỉ IELTS do chưa có các đợt thi mới, hay sinh viên đã đạt trình độ tiếng Anh tiệm cận với yêu cầu của chương trình học,... chứ không phải tuyển sinh “ồ ạt”, không sàng lọc sinh viên đáp ứng yêu cầu.

Phóng viên: Bảng xếp hạng của các trường đối tác liệu có phải là một yếu tố quan trọng khi đánh giá các chương trình liên kết không, thưa bà?

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh: Theo góc nhìn cá nhân, tôi ở Việt Nam đang có sự sùng bái thái quá đối với các bảng xếp hạng. Đây là một nguồn thông tin không phải ai cũng có thể hiểu được một cách dễ dàng, trừ những người trong giới chuyên môn đã có sự tìm hiểu về các bảng xếp hạng; còn với các bảng xếp hạng chủ yếu theo kiểu "bầu chọn" thì không thực sự có nhiều ý nghĩa.

Các bảng xếp hạng có nhiều loại khác nhau, có bảng xếp hạng có giá trị, bảng không có nhiều giá trị… Và khi so sánh, chúng ta cũng cần xét đến các yếu tố cùng loại trường, cùng đối tượng, cùng điều kiện,... Do vậy chúng ta không thể lấy bảng xếp hạng để đánh giá một trường tốt hay không tốt được, nó chỉ nên là yếu tố mang tính chất tham khảo mà thôi.

Ở Mỹ có 4.000 trường, và tất nhiên trường có hạng sẽ tốt hơn trường không tên không tuổi, điều này đúng. Tuy nhiên cũng không thể nói các trường không có trong bảng xếp hạng là những trường không tốt. Hay ở trong nước mình, liên quan đến bảng xếp hạng trường đại học, chúng ta cũng biết rằng ở Việt Nam thời gian gần đây đang có những “nghi vấn” liên quan đến sự thăng hạng đột ngột của một số trường lớn. Có rất nhiều cách để có mặt trong các bảng xếp hạng, không phải lúc nào cũng dựa vào thực chất, do vậy đây không phải là một yếu tố đáng tin cậy tuyệt đối khi chúng ta đánh giá các chương trình liên kết quốc tế.

Phóng viên: Vậy theo Tiến sĩ, các cơ sở giáo dục đại học ở nước ta cần quan tâm đến yếu tố nào khi chọn đối tác liên kết?

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh: Theo tôi, vấn đề về kiểm định chất lượng là yếu tố mà các trường nên đặc biệt lưu ý. Kiểm định khác với bảng xếp hạng, nó là các yếu tố đạt chuẩn mực tối thiểu theo yêu cầu của nhà nước sở tại.

Các yếu tố về kiểm định thường sẽ dễ gặp rủi ro nếu chúng ta liên kết với đại học ở Mỹ. Vì đặc thù ở quốc gia này, việc mở các cơ sở giáo dục đại học hoàn toàn là tự do, chính quyền Mỹ không can thiệp. Việc kiểm định tại Mỹ cũng hoàn toàn tự nguyện và đây là cách giới chuyên môn thực hiện tự kiểm soát chất lượng của mình. Nhà nước chỉ đóng vai trò công nhận kết quả kiểm định của những tổ chức thực sự có uy tín và minh bạch mà thôi.

Ở Úc thì vấn đề kiểm soát chất lượng các trường được nhà nước quản lý chặt chẽ hơn, tương tự việc quản lý về kiểm định chất lượng của nhà nước Việt Nam với các cơ sở giáo dục đại học.

Với nước Anh, nhiều năm trở lại đây, nước này cũng đã có nhiều quy định chặt chẽ hơn với các trường chủ trương xuất khẩu giáo dục nhằm bảo vệ hình ảnh giáo dục nước nhà.

Phóng viên: Bà nhận thấy thách thức lớn nhất của các trường khi triển khai chương trình liên kết quốc tế đó là gì?

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh: Như tôi đã đề cập trước đó, vấn đề lớn nhất hiện nay vẫn là năng lực ngoại ngữ của người học. Các yếu tố khác như đối tác, chương trình liên kết,... về cơ bản đã được cải thiện hơn rất nhiều so với giai đoạn đầu mới triển khai.

Hiện nay, người muốn theo học chương trình liên kết quốc tế thì có nhiều, tuy nhiên số lượng thí sinh đủ điều kiện tiếng Anh để tham gia học thì lại lại ít. Do vậy, bài toán đặt ra chính là các trường phải tìm được tệp người học khá giả, đủ kinh phí để trả học phí, đồng thời giỏi ngoại ngữ và cùng theo một ngành đào tạo để đủ sĩ số mở lớp.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, khi trường nào cũng cần sinh viên thì việc tuyển đủ sinh viên như kế hoạch đặt ra không phải là điều dễ dàng với nhiều trường, không chỉ riêng với chương trình liên kết quốc tế mà bao gồm cả các hệ đại trà của các cơ sở giáo dục đại học.

Rút lại, tôi cho rằng tiếng Anh vẫn là một thách thức với giáo dục đại học của Việt Nam. Làm sao để học bằng tiếng Anh, đọc sách bằng tiếng Anh, làm bài bằng tiếng Anh vẫn là một hành trình dài, liên quan đến cách học và giảng dạy từ cấp bậc phổ thông đến đại học. Giải quyết được vấn đề này thì có lẽ chất lượng giáo dục của các chương trình liên kết quốc tế và chất lượng giáo dục Đại học nói chung sẽ được cải thiện đáng kể, khi cả người học lẫn người dạy có thể khai thác tối đa lợi ích của nguồn tài nguyên bằng tiếng Anh phong phú mà việc liên kết quốc tế có thể đem lại.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh!

Bắc Sơn