Lương, phụ cấp, thăng hạng chức danh nhà giáo và chuyện vòng vo chính sách (2)

03/05/2021 07:00
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nói mà không làm tức là nói dối và mỗi lời nói dối đều có tội với dân chúng, đều là khoản nợ với lịch sử, với sự thật.

(Tiếp theo kỳ 1)

2. Việc thực hiện chính sách và luật pháp liên quan đến giáo dục:

Để thấy rõ cung cách thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến giáo dục và nhà giáo tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chỉ cần xem xét tại hai thành phố lớn nhất và quan trọng nhất nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và một vài địa phương khác.

Tại Hà Nội: Tạp chí điện tử Baohiemxahoi.vn cơ quan của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong bài “Hà Nội: Nhiều giáo viên hợp đồng không được đóng BHXH, BHYT” trích ý kiến của Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Mỹ Đức:

“Ngay từ năm 2003 (trước khi sáp nhập về Hà Nội), tỉnh Hà Tây (cũ) đã có chủ trương đóng Bảo hiểm xã hội cho giáo viên hợp đồng của huyện theo mức lương cơ sở, nhưng trên thực tế không đóng”. [2]

“Hàng trăm giáo viên, nhân viên đang công tác ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam) “kêu cứu” khi đi dạy nhiều năm nhưng chưa một lần được đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. [3]

Báo điện tử Baochinhphu.vn số ra ngày 01/11/2017 viết:

Lương hưu của giáo viên mầm non thấp là tình hình chung của nhiều địa phương và do thời gian đóng BHXH ngắn. Mức đóng BHXH chủ yếu chỉ tính trên mức tiền lương tối thiểu chung (sau gọi là lương cơ sở, hiện nay là 1.300.000 đồng/tháng) nên lương hưu thấp (khoảng 60% của lương cơ sở).

Theo bài báo, lương hưu của một giáo viên sau 37 năm làm việc chỉ bằng khoảng 60% lương cơ sở và được bù cho bằng lương cơ sở (1.300.000 đồng/tháng).

Bài viết: “Giáo viên Hà Nội “ngậm cay, nuốt đắng”, Công đoàn Giáo dục ở đâu?” đã buộc phải nêu câu hỏi:

“Công đoàn Giáo dục Hà Nội đã có ý kiến gì trước sự thật là quyền và lợi ích hợp pháp của nhà giáo bị xâm phạm nghiêm trọng như vậy?”. [4]

Ảnh minh hoạ: Khều

Ảnh minh hoạ: Khều

Ngày 12/02/2020, Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (hcmcpv.org.vn) trong bài “Trước 31/12/2020, phải hoàn thành tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên năm 2020” trích dẫn văn bản của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục – Bộ Giáo dục và Đào tạo về tổ chức thi/xét thăng hạng giáo viên năm 2020 như sau: [5]

1/ Xây dựng và ban hành kế hoạch thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập năm 2020 trước ngày 31/03/2020;

2/ Báo cáo kế hoạch tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập năm 2020 của các bộ ngành, địa phương gửi về Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 06/04/2020;

3/ Hoàn thành tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên năm 2020 trước ngày 31/12/2020.

Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan trực thuộc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng cần phải nói thêm là không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh mà còn một số tỉnh/thành phố khác cũng không tổ chức thăng hạng nghề nghiệp năm 2020 cho nhà giáo.

Là thành phố được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ chịu trách nhiệm về việc thăng hạng viên chức đối với các nhà giáo của thành phố chắc chắn phải biết giáo huấn của Người về tinh thần trách nhiệm của cán bộ đảng viên:

“Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy... là không có tinh thần trách nhiệm”.

Vậy tại sao Sở Nội vụ và Sở Giáo dục và Đào tạo lại không thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được công khai trên chính cơ quan ngôn luận của Thành ủy? [6]

Đến đây xin nêu hai câu hỏi:

Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cụ thể là Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục có trách nhiệm ra sao trong việc văn bản ban hành không được địa phương thực hiện?

Phải chăng văn bản do một Cục thuộc Bộ ban hành không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên không có giá trị bắt buộc với cấp dưới hoặc địa phương?

Thứ hai, tổ chức Công đoàn các cấp trong ngành Giáo dục Việt Nam từ Trung ương tới các trường đã có ý kiến gì trước việc một số địa phương không tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp năm 2020 đối với nhà giáo?

Rất nhiều vụ việc, nhà giáo và dư luận không hề thấy các cấp Công đoàn trong ngành Giáo dục nơi xảy ra sự việc lên tiếng, vậy có nên đặt câu hỏi về hoạt động của các tổ chức này?

Nói mà không làm vốn là căn bệnh kinh niên nhiễm vào giáo dục trong thời gian quá dài, về điều này Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra đánh giá (trong Quyết định số 711-QĐ/TTg):

“Quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, “đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển” chưa thực sự được thấm nhuần và thể hiện trên thực tế”.

Nói mà không làm tức là nói dối và mỗi lời nói dối đều có tội với dân chúng, đều là khoản nợ với lịch sử, với sự thật.

Cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân cho rằng “Đào tạo tại chức là “nồi cơm” của cơ sở giáo dục đại học”.

Cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho rằng “Giáo dục là một trận đánh lớn”.

Cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu “Tôi không quan niệm giáo dục là trận đánh, giáo dục là con người, đó là công trình lớn, xây dựng nhiều năm”.

Tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nói: “Tôi rất mong muốn đời sống, thu nhập của người thầy được cải thiện”.

Những phát biểu trên đây có cho thấy chính xác vị thế của giáo dục Việt Nam và vai trò của nhà giáo trong nền giáo dục đó?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://laodong.vn/ban-doc/thu-nhap-theo-luong-moi-giam-toi-3-trieu-dong-nhieu-giao-vien-ban-khoan-832177.ldo

[2] http://baobaohiemxahoi.vn/vi/tin-chi-tiet-ha-noi-nhieu-giao-vien-hop-dong-khong-duoc-dong-bhxh-bhyt-1601c30e.aspx

[3] https://thanhnien.vn/giao-duc/giao-vien-hop-dong-keu-cuu-1137441.html

[4] https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/giao-vien-ha-noi-ngam-cay-nuot-dang-cong-doan-giao-duc-o-dau-post205458.gd

[5] https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/truoc-31-12-2020-phai-hoan-thanh-to-chuc-thang-hang-chuc-danh-nghe-nghiep-giao-vien-nam-2020-1491862247

[6] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/so-noi-vu-va-so-giao-duc-thanh-pho-ho-chi-minh-xin-dung-vo-cam-post217351.gd

Xuân Dương