Giáo viên Hà Nội “ngậm cay, nuốt đắng”, Công đoàn Giáo dục ở đâu?

18/12/2019 06:00
Xuân Dương
(GDVN) - Công đoàn Giáo dục Hà Nội đã có ý kiến gì trước sự thật là quyền và lợi ích hợp pháp của nhà giáo bị xâm phạm nghiêm trọng như vậy?

Báo Tienphong.vn trong bài “Cay đắng giáo viên Hà Nội bị tước đóng bảo hiểm: 'Ngồi' trên đống lửa” đưa tin:

“Điều kiện để tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên hợp đồng là có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước. Tuy nhiên, rất nhiều giáo viên ở Hà Nội đang ngậm cay, nuốt đắng khi trường không thực hiện việc đóng bảo hiểm cho họ”. [1]

Bài báo tiết lộ một “bí mật” ai cũng biết: “Nhiều giáo viên hợp đồng ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội có thâm niên công tác trong ngành Giáo dục từ 10-24 năm nhưng thời gian gần đây cũng chỉ được ký hợp đồng ngắn hạn 3 tháng/lần.

Hiện tại mức lương mà những giáo viên này được hưởng khoảng 1,2 triệu đồng/tháng (thấp hơn mức lương tối thiểu - NV) và không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội trong từng ấy năm công tác”.

Vai trò của tổ chức công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội như thế nào trong việc bảo vệ quyền lợi của giáo viên. (Ảnh minh họa:V.N)
Vai trò của tổ chức công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội như thế nào trong việc bảo vệ quyền lợi của giáo viên. (Ảnh minh họa:V.N)

Tại huyện Ứng Hòa: “Lương giáo viên hợp đồng là 1.490.000 đồng (bằng mức lương cơ bản - NV), nhiều giáo viên mừng vì được đóng bảo hiểm.

Tuy nhiên, đến khoảng 1 tháng trước kỳ thi tuyển viên chức, kế toán lại hoàn trả lại khoản tiền đó và thông báo là chưa được đóng bảo hiểm”!

Bài báo nêu trên đăng vào ngày 12/12/2019, kết hợp với thông tin “Hàng trăm giáo viên bị “cắt” hợp đồng, “về vườn”… chăn vịt trước kỳ tuyển viên chức” [2], vậy sự “bình đẳng trước pháp luật” của khá nhiều nhà giáo thủ đô phải hiểu như thế nào?

Nếu Tienphong.vn mở rộng điều tra tại các quận huyện còn lại trên toàn Hà Nội thì tình hình có khá hơn?

Với thực trạng nêu trên, câu hỏi đầu tiên phải đặt ra là vai trò của tổ chức công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội.

Theo quy định trong Điều lệ Công đoàn Việt Nam, mọi tổ chức công đoàn, bao gồm cả Công đoàn Giáo dục Việt Nam - cấp trên trực tiếp của Công đoàn Giáo dục Hà Nội - có nhiệm vụ:

“Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động thuộc ngành.

Nghiên cứu tham gia xây dựng pháp luật, các chế độ, chính sách lao động, tiền lương, bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ, chính sách khác có liên quan đến người lao động cùng ngành, nghề; tham gia cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lãng phí…”.

Thành phố Hà Nội nói rõ điều kiện xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng lâu năm
Thành phố Hà Nội nói rõ điều kiện xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng lâu năm

Được biết kế hoạch phối hợp giữa Công đoàn giáo dục Hà Nội và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội năm học 2018 - 2019 có bốn nội dung, trong đó có:

“Phối hợp chỉ đạo công tác tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước các quy định của ngành; phối hợp thực hiện tốt công tác chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành…”. [3]

Lời lẽ, kế hoạch đưa ra quả đẹp như mơ, vậy bao nhiêu năm qua Công đoàn Giáo dục Hà Nội đã làm được những gì để “Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động thuộc ngành Giáo dục thủ đô”?

Trước hết xin nói về một lĩnh vực cụ thể mà Công đoàn giáo dục Hà Nội và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội “phối hợp hành động”, đó là vai trò của Công đoàn trong việc thực hiện “chính sách pháp luật của Nhà nước”.

Theo quy định tại khoản 1, điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội:

“Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là công dân Việt Nam, bao gồm:  Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên;…”.

Luật quy định “Hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên” bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội. Các thày, cô giáo cũng mong muốn được đóng bảo hiểm xã hội nhưng không được.

Ai đã cho các cơ quan cấp huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cái quyền cao hơn luật pháp?

Công đoàn Giáo dục Hà Nội đã có ý kiến gì trước sự thật là quyền và lợi ích hợp pháp của nhà giáo bị xâm phạm nghiêm trọng như vậy?

Vì sự việc đã kéo dài nhiều năm nên đủ cơ sở để cho rằng tiếng nói (nếu có) của Công đoàn Giáo dục Hà Nội trong việc bảo vệ người lao động ngành là quá yếu ớt.

Nước mắt nhà giáo, nỗi buồn Thủ đô!
Nước mắt nhà giáo, nỗi buồn Thủ đô!

Vậy tổ chức này đại diện cho ai và tồn tại để làm gì?

Phải chăng Công đoàn Giáo dục Hà Nội chỉ có nhiệm vụ “Tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước” chứ không có trách nhiệm giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước với cơ quan công quyền?

Lẽ nào Công đoàn Giáo dục Hà Nội chỉ có nhiệm vụ nói chứ không cần phải làm?

Thứ hai, trách nhiệm của cơ sở sử dụng lao động, cụ thể là chính quyền cấp huyện, thành phố và các cơ sở giáo dục phổ thông tại Hà Nội:

Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội quy định:

1. Người sử dụng lao động có các trách nhiệm sau đây:

a) Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 92 và hằng tháng trích từ tiền lương, tiền công của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 91 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội;

Điều 92. Mức đóng và phương thức đóng của người sử dụng lao động

“Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng trên quỹ tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của người lao động quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 2 của Luật này như sau: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 11% vào quỹ hưu trí và tử tuất; từ năm 2010 trở đi, cứ hai năm một lần đóng thêm 1% cho đến khi đạt mức đóng là 14%...”.

Chính quyền cấp huyện và các cơ sở giáo dục không thể phớt lờ luật pháp nếu không được cấp trên bật đèn xanh. Cấp trên ở đây không chỉ là Sở Giáo dục và Đào tạo mà còn là  Ủy ban Nhân dân, Hội đồng nhân dân thành phố dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thành ủy.

Theo quy định nêu trên, “người sử dụng lao động” - tức là Ủy ban Nhân dân cấp huyện và thành phố Hà Nội - phải đóng vào quỹ bảo hiểm 15% trên “quỹ tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của người lao động”.

Trả lương hợp đồng thấp (1,2 triệu đồng/tháng), quịt không đóng bảo hiểm cho người lao động, thậm chí còn không cho người lao động đóng bảo hiểm, đây không thể là cách hành xử của cơ quan công quyền trong một nhà nước luôn đề cao thượng tôn pháp luật?

Người viết hy vọng ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và bà Trần Thị Thu Hà - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội sẽ có ý kiến về tình trạng trốn đóng bảo hiểm cho người lao động và cũng không cho người lao động đóng bảo hiểm tại các nơi mà báo Tienphong.vn đã phát hiện./.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.tienphong.vn/giao-duc/cay-dang-giao-vien-ha-noi-bi-tuoc-dong-bao-hiem-ngoi-tren-dong-lua-1497237.tpo

[2] https://www.nguoiduatin.vn/hang-tram-giao-vien-bi-cat-hop-dong-ve-vuon-chan-vit-truoc-ky-tuyen-vien-chuc-a459585.html

[3]http://congdoanhanoi.org.vn/trangchitiet.aspx?idtin=417066&group=1195

Xuân Dương