Lính Trung Quốc tổ chức chào cờ bất hợp pháp tại bãi cạn James cách bờ biển Malaysia 80 km. |
Reuters ngày 27/2 đưa tin, sự hung hăng của Trung Quốc đã làm thay đổi lập trường của Malaysia trong vấn đề Biển Đông.
Chưa đầy 1 năm Trung Quốc đã tập trận 2 lần ở bãi cạn James cách bờ biển Malaysia khoảng 80 km đã gây sốc cho Kuala Lumpur và dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận với vấn đề Biển Đông, các nhà ngoại giao cấp cao nói với Reutes.
Cuộc tập trận mới nhất của Trung Quốc ở Biển Đông trong tháng trước đã thúc đẩy Malaysia lặng lẽ đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam và Philippines, 2 nước ASEAN phản ứng thẳng thắn nhất với các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông, thúc đẩy Bắc Kinh đàm phán bộ Quy tắc ứng xử (COC).
Malaysia có truyền thống hạ thấp mối quan tâm với các vấn đề an ninh trong khi theo đuổi mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của họ.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 26/1 đã đăng tải hình ảnh hàng trăm lính trung Quốc đứng trên boong chiến hạm đổ bộ với 2 tàu khu trục và 1 máy bay trực thăng "chào cờ khẳng định chủ quyền (bất hợp pháp) ở bãi James.
Tư lệnh Hải quân Malaysia sau đó đã bác bỏ thông tin từ truyền thông Trung Quốc và cho rằng tàu Trung Quốc tập trận xa bờ biển Malaysia. Có thể ông phủ nhận sự xâm nhập vì lực lượng của Malaysia đã không giám sát hoặc cảnh giác với tàu Trung Quốc.
Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc thường xuyên tổ chức tập trận bất hợp pháp tại khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. |
Nhận xét về động thái này của Bắc Kinh, Tang Siew Mun, cố vấn chính phủ từ Viện Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Malaysia nói: "Đó là một lời cảnh tỉnh rằng nó có thể xảy ra với chúng tôi, và nó đang xảy ra với chúng tôi. Trong một thời gian, chúng tôi tin tưởng mối quan hệ đặc biệt này. Bãi James đã chỉ ra cho chúng tôi."
Trong khi phản ứng công khai của Malaysia với sự cố 26/1 thường là ít quan trọng, các nhà ngoại giao cấp cao các nước ASEAN khác cho biết đối tác Malaysia của họ đã hoạt động mạnh hơn kể từ đó trong việc thúc đẩy một lập trường chung khi đàm phán với Trung Quốc về COC.
Chưa đầy 1 tuần sau sự cố 26/1, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman đã có chuyến thăm không báo trước tới Philippines, 2 bên đã trao đổi về vấn đề Biển Đông.
Sau đó, ngày 18/2 các quan chức Philippines, Malaysia và Việt Nam đã tổ chức một cuộc họp để phối hợp trong các chính sách đối với Trung Quốc về COC, một nhà ngoại giao nói với Reuters.
"Trong quá khứ chỉ có Philippines và Việt Nam là thúc đẩy các cuộc họp này, nhưng bây giờ chúng ta thấy Malaysia đã tích cực tham gia", nguồn tin cho biết.
Tại các cuộc đàm phán không báo trước, các quan chức đã đồng ý bác bỏ đường 9 đoạn (đường lưỡi bò, đường chữ U) của Trung Quốc ở Biển Đông, thúc đẩy tiến trình đàm phán ký kết COC và yêu cầu Brunei nhóm họp với 3 nước vào tháng tới tại Kuala Lumpur.
Thay đổi trong chiến thuật của Malaysia được đưa ra trước chuyến thăm Kuala Lumpur của Tổng thống Philippines trong tuần này và Tổng thống Mỹ trong tháng Tư.
Các quan chức Mỹ cũng đã công khai lập trường cứng rắn của họ với Trung Quốc ở Biển Đông trong những tuần gần đây. Điều này sẽ có ảnh hưởng đến ASEAN, trong quá khứ Mỹ không bao giờ nói rõ quan điểm của mình như vậy.
Ian Storey, thành viên cao cấp Việ Nghiên cứu Đông Nam Á từ Singapore nhận xét, sẽ có nhiều sự cố trong tương lai ở Biển Đông. Quân đội Trung Quốc sẽ xuất hiện nhiều hơn trong vùng biển Malaysia và điều này đòi hỏi Kuala Lumpur phải xác định lại chính sách của mình. Malaysia đã bắt đầu làm điều đó.
Hồng Thủy