Mạnh tay xử lý quảng cáo sai sự thật 'biến' thực phẩm chức năng thành thần dược

05/09/2021 06:10
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thời gian vừa qua, Cục An toàn thực phẩm đã có nhiều động thái xử lý, khuyến cáo công khai các sản phẩm quảng cáo sản phẩm không phù hợp nội dung đã được xác nhận

Thời gian qua, từ công tác hậu kiểm việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên internet và môi trường mạng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phát hiện nhiều website đang quảng cáo các sản phẩm này có nội dung không phù hợp với nội dung đã được Cục xác nhận. Các nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Trong đó việc sử dụng website, trang thông tin thông tin điện tử, mạng xã hội Facebook, Zalo, Instargram...cùng với hình ảnh của người nổi tiếng, chia sẻ của các bác sĩ, dược sĩ kèm theo những từ ngữ quảng cáo sản phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh… là những chiêu trò mà các đơn vị bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang sử dụng.

Chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe”, trên trang công cụ tìm kiếm Google hiện ra vô vàn các kết quả các về loại thực phẩm này với các tác dụng hỗ trợ sức khỏe cho con người.

Hay chỉ ít phút lướt mạng xã hội, cũng dễ dàng bắt gặp những quảng cáo “được tài trợ” của các sản phẩm này để tiếp cận được nhiều khách hàng.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay trên thị trường nhiều loại Thực phẩm bảo vệ sức khỏe với quảng cáo được “thổi phồng” công dụng, “đánh trúng” tâm lý của các khách hàng có vấn đề về sức khỏe, từ đó gây nên những hiểu nhầm cho người tiêu dùng là sản phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh mà ngay lập tức mua để “khỏi bệnh”.

Để chấn trỉnh tình trạng bát nháo, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã công bố và xử phạt hàng loạt các đơn vị kinh doanh; sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Đồng thời, trong các thông báo của mình, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cũng đã có hàng loạt các quyết định xử lý xử phạt, thu hồi Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, thậm chí là thu hồi Giấy chứng nhận GMP (GMP là viết tắt của Good Manufacturing Practices - Thực hành sản xuất tốt) của nhiều đơn vị sản xuất.

Đơn cử như ngày 07/6/2021 Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 175/QĐ-ATTP về việc thu hồi hiệu lực Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Zawa do Công ty cổ phần Dược phẩm Locifa chịu trách nhiệm công bố.[1]

Trước đó, tại hầu hết các trang website, facebook,... sản phẩm này vẫn liên tục được đăng tải các quảng cáo với nội dung, hình ảnh dung tục, phản cảm, có công dụng như thuốc chữa bệnh “ tăng cường sinh lý tức thì, phong độ duy trì bền vững”.

Quyết định về việc thu hồi hiệu lực giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Zawa do Công ty cổ phần Dược phẩm Locifa chịu trách nhiệm công bố. Ảnh: vfa.gov.vn

Quyết định về việc thu hồi hiệu lực giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Zawa do Công ty cổ phần Dược phẩm Locifa chịu trách nhiệm công bố. Ảnh: vfa.gov.vn

Hay “Zawa - sản phẩm tăng cường sinh lý dạng nước đầu tiên tại Việt nam”... Cùng với đó là hàng loạt các hình ảnh nam nữ phản cảm, các video clip chia sẻ của các bác sĩ đầu ngành về nam học và hiếm muộn, các ca sĩ diễn viên tên tuổi,... để dụ người tiêu dùng mua sản phẩm...

Một trong những chiêu lách của các đơn vị vi phạm là mỗi khi cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế xử lý các trang website quảng cáo lừa dối khách hàng, họ lập tức cho rằng đó không phải là trang web của đơn vị mình và không chịu trách nhiệm với những thông tin quảng cáo đó.

Thậm chí, các đối tượng còn mua tên miền nước ngoài, sau đó dựng trang quảng cáo, khiến cơ quan quản lý gặp khó khăn khi truy vết và xử lý theo quy định của pháp luật.

Những trang website này đã bị Cục An toàn thực phẩm cảnh báo và xử lý.

Một điểm khiến việc giải quyết triệt để vấn đề này gặp khó là việc kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe có nguồn lợi nhuận lớn khiến cho nhiều kẻ sẵn sàng vi phạm. Vì thé, ngoài sự vào cuộc của Cục An toàn thực phẩm cũng cần sự chung tay của các đơn vị khác và đặc biệt là người tiêu dùng.

Điển hình như Thực phẩm bảo vệ sức khỏe của Công ty Cổ phần Dược phẩm Quốc tế Eva Care một ngày bị thu hồi đến 4 công bố sản phẩm [2]

Các sản phầm này đều quảng cáo như thần dược, công dụng đều được quảng cáo sai sự thật. Sự vào cuộc kịp thời của Cục An toàn thực phẩm đã giúp người tiêu dùng thông thái hơn khi lựa chọn.

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó quy định rõ việc quảng cáo thực phẩm chức năng phải khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh; Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc".

Cũng tại Khoản 4, Điều 70 Nghị định 158/2013, được sửa đổi tại Nghị định 28/2017 quy định cấm quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm chức năng.

Mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2021/NĐ-CP, ngày 29/3/2021, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/20201. Theo đó mức xử phạt cao nhất lên tới 200 triệu đồng và buộc khắc phục thu hồi sản phẩm.

Thời gian qua, nhất là trong đợt dịch COVID-19, Cục An toàn thực phẩm đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc với Facebook xử lý các chủ tài khoản bán sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo sai sự thật. Nhưng thực tế, tình trạng vi phạm quảng cáo vẫn rất phức tạp. Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho biết, việc quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng chữa khỏi hẳn bệnh là hoàn toàn sai.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc gia đã đánh giá cao việc xử phạt và công bố xử phạt những đơn vị vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế.

Bác sĩ Lâm cho biết: "Tôi cho rằng đó là việc cần thiết, việc xử phạt sẽ có tính răn đe và góp phần dẹp loạn những quảng cáo không đúng sự thật khiến người tiêu dùng hoang mang thiếu đi sự lựa chọn tốt".

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, tất cả các sản phẩm chức năng được quảng cáo và gắn mác bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng cần phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt của Bộ Y tế.

"Những đánh giá của Bộ Y tế sẽ dựa trên các cơ sở khoa học, có sự nghiên cứu đánh giá tác động đối với sức khỏe con người, do đó, người tiêu dùng trước khi sử dụng cần tham khảo kỹ các thông tin của ngành y tế. Không thể cứ tin vào những lời quảng cáo có tính một chiều của nhà sản xuất để rồi những hậu quả về mặt sức khỏe tự mình phải gánh chịu", Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm cho biết.

"Hiện tại, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng nhiều, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm hiểu các thông tin về sản phẩm mình dự định sử dụng, đồng thời có sự tham vấn các chuyên gia y tế. Nên là người tiêu dùng thông thái.

Trước khi mua sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng cần tìm hiểu thông tin về sản phẩm, như: Thành phần, công dụng, cảnh báo… trên trang web: www.vfa. gov.vn của Cục An toàn thực phẩm và những trang web của Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng quốc gia...", bác sĩ Lâm cho biết thêm.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vfa.gov.vn/

[2] https://vfa.gov.vn/so-lieu-bao-cao/thu-hoi-hieu-luc-giay-tiep-nhan-dang-ky-ban-cong-bo-mot-so-san-pham-thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-cua-cong-ty-cp-duoc-pham-quoc-te-eva-care.html

Trần Phương