Theo thông tin từ Đài khí tượng thuỷ văn Trung Ương thì vào lúc 9 giờ 30 sáng ngày 30/9 vị trí tâm bão số 10 cách bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Trị khoảng 170km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16. Dự báo bão sẽ đổ bổ vào đất liền các vùng từ Quảng Trị đến Hà Tĩnh.
Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đúc Phát chỉ đạo công tác đối phó bão số 10 tại tỉnh Hà Tĩnh |
Để chống chọi với trận siêu bão này các ban ngành và người dân các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế đang cấp tốc hoàn thiện những công việc cuối cùng để phòng chống bão số 10.
Tại Nghệ An: Theo báo cáo mới nhất từ Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Nghệ An hiện nay toàn tỉnh đã kêu gọi được 4.037 phương tiện với 123.128 lao động về nơi trú ẩn an toàn. Hiện tỉnh cũng đang có 241 phương tiện với 1.125 ngư dân đang hoạt động ngoại tỉnh cũng đã vào nơi trú bão an toàn. Hiện có 17 phương tiện với 139 lao động của tỉnh đang hoạt động ở vùng bắt cá chung. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 80 phương tiện với 523 lao động của các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định và Quảng Ngãi vào trú ẩn an toàn.
Tại các hồ đập , điểm xung yêu, các tuyến đường dễ sạt lờ và bị ngập úng cũng đã cắt cử người túc trực canh gác 24/24 để đảm bảo an toàn và có phương án xử lý khi xảy ra. Cùng với đó lãnh đạo từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường cũng đã được điều động trực bão giúp dân và hướng dẫn người dân chằng chéo nhà cửa. Hiên tại tại Nghệ An đã bắt đầu có gió to và mưa lớn rải rác.
Tại Hà Tĩnh: Ngay trong đêm 29/9 và sáng ngày 30.9, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với các chính quyền địa phương đã di dời và chuyển 7000 hộ dân với khoảng 23. 000 người ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Đến khoảng 9 giờ 30 sáng nay mọi công tác di chuyển người dân gần như đã hoàn thành.
Người dân tại Hà Tĩnh nằm trong vùng nguy hiểm đang được sơ tán đến nơi an toàn |
Cùng với đó ngành giáo dục Hà Tĩnh cũng đã có công văn chỉ đạo các trường học neo giữ, chằng chéo các cơ sở vật chất tại các trường học. Đồng thời cho học sinh các trường nghỉ học để tránh bão số 10.
Tại các nút giao thông hay thường xuyên xảy ra sạt lở trên QL 15, QL8 các lực lượng phòng chống bão cũng đã sẵn sàng ứng phó khi có tình huống bất ngờ xảy ra.
Hiện tại Hà Tĩnh cũng đã kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú bão an toàn. Tuy nhiên, trong chiều ngày 29/9 trong lúc vào trú bão một thuyền đánh cá của ngư dân đã bị sóng đánh chìm tại huyện Nghi Xuân. Rất may không có thiệt hại về người.
Tại Quảng Bình: Vào sáng ngày 30/9, theo ghi nhận của phóng viên, người dân đã khẩn trương ứng phó với bão: dọc các tuyến đường quốc lộ các cây cối rậm rạp được công ty cây xanh chặt bỏ, đồng thời neo giữ lại những cây nhỏ không có khả năng bám trụ trước gió lốc; học sinh của hầu hết các trường trên địa bàn được nghỉ học, các quán ăn,quán cà phê đa số đóng cửa.
Các trường học tại tỉnh Quảng Bình đã cho học sinh nghỉ học để tránh bão số 10 |
Ông Hoàng Đức Liêm - Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình cho biết: Tỉnh đã có công văn gửi về tất cả các trường học, cơ sở giáo dục trong tỉnh cho học sinh nghỉ học từ ngày 30/9 cho đến khi hết bão số 10. Bên cạnh đó yêu cầu giáo viên, nhân viên cần phải thúc trực tại trường 24/24 nhằm ứng phó với bão kịp thời.
Cũng vào chiều ngày 29/9, ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão – tím kiếm cứu nạn tỉnh đã tổ chức họp khẩn cấp nhằm bàn về các biện pháp ứng phó kịp thời với bão số 10. Theo đó, đến thời điểm này, 585 tàu với 3.378 lao động đã vào bờ tránh trú bão.
Tại thành phố Đồng Hới, huyện Lệ Thủy, Bố Trạch… chính quyền địa phương cũng đã yêu cầu các cấp di chuyển các xà lan đến vị trí an toàn; xếp gọn vật tư nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về tài sản; trang bị phao cứu sinh và thuyền cứu hộ, đồng thời cử cán bộ kỹ thuật, công nhân trực 24/24 giờ. Sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm, những vùng dễ xảy ra tình trạng lũ quét, Ban chỉ huy quân sự, công an các huyện chuẩn bị phương tiện và lực lượng để sẳn sàng ứng cứu khi có bão, lụt lớn xảy ra.
Để đối phó với bão tỉnh Quảng Bình cũng đã di chuyển 6.111 hộ với 27.148 người của 7 huyện, thị trên địa bàn tỉnh nằm trong vùng đất sạt lở, ngập úng sâu đến nơi an toàn. Đến 10 giờ sáng nay mọi công tác di dời gần như đã hoàn thành.
Tại Quảng Trị: Các công tác chuẩn bị đối phó với bão số 10 cũng đã được chuẩn bị tương đối hoàn tất. Hiện tại các ban ngành của tỉnh Quảng Trị đang hết sức khẩn trương tiến hành những việc còn lại để chống chọi với bão dữ. Tại Quảng Trị cũng đã có 2.614 hộ với 8.392 người tại 10 huyện, thị nằm trong vùng nguy hiểm đã được di dời đến nơi an toàn.
Các tàu thuyền tại các âu biển cũng đã được neo giữ cẩn thận. Từ chiều ngày 29/9 nhiều người dân đã tiến hành chằng chéo và dùng bao cát để neo giữ nhà cửa đề phòng gió bão. Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Trị cũng đã chỉ đạo các lực lượng ban ngành trong tỉnh túc trực 24/24 để kịp thời ứng phó với những tình huống bất ngờ.
Tại Thừa Thiên Huế: Ngay trong đêm 29/8 và sáng ngày 30/9 khoảng 387 hộ với 1.509 tại 3 huyện Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang nằm trong vùng nguy hiểm đã được chuyển đến vùng an toàn. Tại các hồ đập xung yếu các lực lượng chức năng cũng đã tiến hành kè và túc trực để ứng phó.
Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP. Đà Nẵng và các tỉnh Tây Nguyên cũng đang khẩn trương các công tác phòng chống bão số 10. Tại các tuyến đường dễ xảy ra sạt lở và các điểm dễ xảy ra ngập úng sâu tại các tỉnh này người dân cũng đã được di dời đến nơi an toàn. Các tàu thuyền của ngư dân cũng đã được kêu gọi vào neo đậu nơi an toàn.
Xuân Hoà - Nguyễn Thanh - Xuân Minh - Trần Lê - An Đông