Vào tháng 8/2010, khi Hà Nội chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội thì lãnh đạo Bộ Xây dựng đã “vội vã” nhập từ Trung Quốc một khối mô hình quy hoạch chung Thủ đô, trị giá tới 3,15 triệu USD (hơn 60 tỷ đồng).
Mô hình quy hoạch này được Bộ Xây dựng đặt phía Trung Quốc làm từ khoảng nửa năm trước đó, tức đầu năm 2010.
Cung triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Quốc gia. |
Bộ Xây dựng cho biết, tiền làm mô hình là tiền tài trợ của nước ngoài, trong đó Công ty POSCO (liên doanh với Hàn Quốc) tài trợ 2,8 triệu USD và Công ty Tinh Vũ (Thượng Hải, Trung Quốc) tài trợ 350.000 USD.
Trả lời trên báo chí, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho biết, do diện tích khối mô hình lớn, gồm hai mô hình to, mỗi mô hình khoảng 600 - 700 m2 và 12 mô hình nhỏ (mỗi mô hình 40 - 50 m2).
Khối mô hình này có chiều cao chưa từng có đối với dạng mô hình từng được biết đến ở Việt Nam.
Công văn Thông báo của Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) về việc phối hợp các công tác hoàn thiện mô hình quy hoạch xây dựng thủ đô Hà Nội. |
Kết luận cuộc họp về công tác nghiệm thu và thanh toán lần 5 cho việc sản xuất và lắp đặt mô hình quy hoạch Thủ đô Hà Nội có bút phê chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn. |
Theo ông Toàn, toàn bộ lô hàng đã được nhập về cảng Hải Phòng và sẽ được lắp ráp tại Hà Nội trong những ngày tới. Mô hình sẽ được đưa vào trưng bày tại Cung Triển lãm Kiến trúc quy hoạch Quốc gia vào đúng dịp đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Đây là dự án mô phỏng “Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050” do Bộ Xây dựng chủ trì.
Khi nhập về, khối mô hình có nội dung mô phỏng quy hoạch “Trung tâm Hành chính Quốc gia đặt tại Ba Vì” và quy hoạch “Trục Thăng Long”, gồm 14 mô hình lớn nhỏ (có nhiều mô hình lớn, diện tích mỗi cái từ 400 - 600m2) làm bằng các chất liệu đồng, gỗ, nhựa mica. Trong đó có một khối bằng đồng mô tả kiến trúc Hà Nội cổ, một khối về kiến trúc nội đô Hà Nội hôm nay và tương lai gần...
Tuy nhiên, vào ngày 17/8/2010, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ phản đối Trung tâm hành chính đặt tại Ba Vì và trục Thăng Long.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, trung tâm chính trị- hành chính quốc gia luôn là chỉnh thể thống nhất, không tách rời. Khu vực Ba Đình luôn là trung tâm chính trị - hành chính Quốc gia hoặc hành chính qua các thời kỳ trong lịch sử đất nước.
Mô hình nhập từ Trung Quốc mới đưa vào sử dụng nhưng thiết bị hỏng hóc mà Cung Triển lãm liệt kê. |
Hành động “cầm đèn chạy trước ô tô” của Bộ Xây dựng khiến nhiều chuyên gia, nhà quản lý phản đối gay gắt, ngay sau đó Bộ này buộc phải điều chỉnh mô hình cho phù hợp với đồ án quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Không chỉ “vội vã” nhập khẩu mô hình từ Trung Quốc, mà chất lượng khối mô hình trên cũng là điều đáng phải lo ngại, khi mà sự cố hỏng hóc liên tục khiến Cung Triển lãm Kiến trúc, quy hoạch Quốc gia phải kiến nghị Nhà nước “rót” gần chục tỷ đồng để sửa chữa, thay thế.
Kiến trúc sư Đặng Đức Trí, nguyên Giám đốc Cung Triển lãm Kiến trúc, quy hoạch Quốc gia cho biết: Khối mô hình do Cục Phát triển đô thị (bên A) ký với đối tác là Công ty Tinh Vũ, Trung Quốc (bên C) – đơn vị sản xuất mô hình và Công ty OKTOKI Imaginering (bên D) giám sát. Với hệ thống quản lý các bên A, B, C, D tưởng như chặt chẽ và có chất lượng nhưng kỳ thực hậu quả là trục trặc ngay sau khi đưa vào hoạt động.
Cụ thể, sau vài tuần vận hành, hệ điều khiển mô hình mắc lỗi liên tục (chương trình chạy loạn) nên Công ty Tinh Vũ phải đến khắc phục. Tuy nhiên, chỉ vài ba lần đến sửa, Công ty Tinh Vũ cũng “mất liên lạc” với lãnh đạo Cung Triển lãm.
Hệ thống điều khiển của mô hình hơn 60 tỷ đồng đang bị hỏng hóc nghiêm trọng. Ảnh MC |
Ông Trí bức xúc: “Mặc dù mô hình có giá trị lên đến 60 tỷ đồng nhưng khi nhận bàn giao, chúng tôi chỉ được học cách tắt bật theo đúng quy trình.
Đến khi quy trình đó bị trục trặc, chúng tôi hỏi Cục Phát triển đô thị về nội dung hợp đồng và công tác bàn giao hệ điều hành có trong hợp đồng hay không để tìm ra mật khẩu cốt lõi, để điều khiển bộ não của hệ điều hành, nhưng nội dung hợp đồng không được biết”.
Bị Công ty Tinh Vũ của Trung Quốc “bỏ mặc” mô hình 60 tỷ đồng, lãnh đạo Cung Triển lãm đã nhiều lần họp bàn, tự mày mò và tham vấn thông tin từ các chuyên gia lập trình ở Việt Nam. Các ý kiến đều đề nghị Cung Triển lãm thay mới hệ điều hành.
Sau vài lần đến sửa chữa, Công ty Tinh Vũ của Trung Quốc đã "lặn mất tăm". Ảnh MC |
Ngày 10/6/2016, Cung Triển lãm Kiến trúc, quy hoạch Quốc gia có Tờ trình số 17/CXDQG-KT dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, trong đó phát sinh gần 8 tỷ đồng cho việc thay thế hệ thống điều khiển 02 mô hình quy hoạch chính tại Cung.
Nguyên Giám đốc Cung Triển lãm Kiến trúc, quy hoạch Quốc gia khẳng định: “Hợp đồng ký kết giữa Bộ Xây dựng và Công ty Tinh Vũ không có nghiệm thu, thiếu nội dung chính là chuyển giao lại hệ thống điều khiển phần mềm để duy trì việc bảo hành, bảo trì, sửa chữa… Vì thế, đã và đang gây thiệt hại, lãng phí cho Nhà nước cả chục tỷ đồng”.
Không chỉ bức xúc về chất lượng các khối mô hình quy hoạch Thủ đô đang đặt tại Cung Triển lãm, mà kiến trúc sư Đặng Đức Trí còn lo ngại, Công ty Tinh Vũ đã thu thập hết dữ liệu quy hoạch “nhạy cảm” của Hà Nội và… bỏ chạy về nước.
“Trong hơn 02 năm, công ty Tinh Vũ được cấp chi tiết mọi thông tin, tư liệu, dữ liệu hiện trạng toàn bộ các công trình, dự án trọng điểm của toàn thành phố Hà Nội nên tôi nghĩ dữ liệu bí mật Quốc gia đã bị công ty này thu thập hết.
Công ty Tinh Vũ cũng không lấy hết số tiền đã ký trong hợp đồng mà “bỏ chạy” khi chưa thanh lý hợp đồng, do vậy vấn đề tài chính là có bất minh vì không quyết toán hết cho bên C (Công ty Tinh Vũ), số tiền thừa sẽ đi về đâu?”, ông Trí cho biết.
Thiết nghĩ, nội dung về quyết định đầu tư, ký kết, mua sắm, chính sách bảo hành, tài chính... mô hình quy hoạch chung Hà Nội với số tiền hơn 60 tỷ đồng cũng cần được Đoàn kiểm tra số 471 của Bộ Chính trị (do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Trưởng đoàn) kiểm tra, làm rõ và kiến nghị xử lý nghiêm minh nếu có sai phạm.