Mỗi năm có hàng ngàn phụ nữ và trẻ em bị mua bán vì thương mại và xâm hại

08/10/2017 08:00
Trần Phương
(GDVN) - Địa bàn trọng điểm diễn ra ở biên giới Việt - Trung (70%), biên giới Việt Nam - Campuchia (11%) và biên giới Việt Nam - Lào (6,3%).

Đây là những con số được đưa ra tại Hội thảo quốc tế “Dịch vụ công tác xã hội với lao động trẻ em và trẻ em bị mua bán” vừa diễn ra tại Viện Khoa học Lao động Thương binh Xã hội trong 2 ngày 6 - 7/10/2017.

Hội thảo đã thu hút gần 90 đại biểu là đại diện đến từ nhiều bộ ngành khác nhau  và các đại diện đến từ các hiệp hội, các trung tâm, cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội, giảng viên các trường đại học cao đẳng trong cả nước.

Theo đó, Giai đoạn 2011 - 2015, có 2.205 vụ mua bán người được phát hiện; 3.342 đối tượng bị bắt giữ và giải cứu được 4.495 nạn nhân. Năm 2016, cả nước phát hiện 388 vụ với 521 đối tượng, lừa bán 715 nạn nhân.

Trong số những nạn nhân này, trẻ em phải chịu nhiều tổn thương sâu sắc, có trường hợp sự an nguy đến tính mạng như bị bắt cóc để bán nội tạng, làm nô lệ tình dục, cưỡng bức lao động.

Địa bàn trọng điểm diễn ra ở biên giới Việt - Trung (70%), biên giới Việt Nam - Campuchia (11%) và biên giới Việt Nam - Lào (6,3%).

Bà Nguyễn Thị Hằng, phát biểu khai mạc Hội thảo (Ảnh: ban tổ chức cung cấp)
Bà Nguyễn Thị Hằng, phát biểu khai mạc Hội thảo (Ảnh: ban tổ chức cung cấp)

Phát biểu khai mạc, Bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Ủy viên trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề Công tác xã hội Việt Nam nhấn mạnh:

“Lao động trẻ em và trẻ em bị mua bán, xâm hại là những đối tượng phải chịu tổn thương nặng nề về mặt thể chất và tinh thần, các em cần được nhà nước và toàn xã hội quan tâm chăm sóc và cung cấp dịch vụ bảo vệ an toàn, tạo cơ hội hòa nhập cộng đồng và phát triển, được sống trong môi trường gia đình cha mẹ đẻ, được tiếp cận thuận lợi với dịch vụ giáo dục, chăm sóc, trị liệu tâm lý xã hội; được thực hiện đầy đủ các quyền theo quy định của công ước quốc tế về Quyền trẻ em và Luật trẻ em năm 2016”

Tại Hội thảo, các diễn giả và đại biểu đã nêu bật được số lượng, tỷ lệ trẻ em lao động, các nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động trẻ em và trẻ em bị mua bán trong đó có nhấn mạnh đến nguyên nhân nghèo đói và di dân và ảnh hưởng của nó đến sức khỏe thể chất, tinh thần, an sinh xã hội và tương lại của các em.

Trong đó, các con số đưa ra tại hội thảo cho thấy, riêng đối với lao động trẻ em thì nhiều em đang phải vật lộn để mưu sinh trên đường phố, trong các hộ gia đình, tại các công trường và trong các doanh nghiệp… tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi từ 15 đến 17 tuổi (gần 58%).

Trong số đó, 85% trẻ em sinh sống ở khu vực nông thôn và 15% sống ở khu vực thành thị.

Lao động trẻ em tập trung chủ yếu ở ba nhóm ngành nghề: nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp - xây dựng. Trong đó, nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất, gần 1,18 triệu em (chiếm 67%).

Điều kiện làm việc nặng nhọc, độc hại gây tổn hại không nhỏ đến sức khỏe của các em và việc phải tham gia lao động sớm cũng đẩy các em tới môi trường có nhiều cạm bẫy, tệ nạn xã hội; gia tăng nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại, mua bán.

Trần Phương