Chủ quyền biển đảo vào đề thi
Theo ghi nhận của phóng viên có mặt tại Hội đồng thi THPT Minh Khai – Từ Liêm (Hà Nội) trước khi kết thúc thời gian làm bài, phóng viên ghi nhận không khí ở đây mọi thứ đều trật tự, bên ngoài cổng trường nhiều phụ huynh mặc dù trời nắng vẫn cố chờ con.
Bên trong, dù đã làm xong bài nhưng chưa hết thời gian nên các thí sinh chưa được ra ngoài. Tại Hội đồng này hầu hết các thí sinh đều làm bài xong sớm. Tuy nhiên, khi được hỏi thì các em nói rằng đề Địa lý năm nay không phải là dễ, cũng không khó, ở mức trung bình.
Em Anh Thư, học sinh trường THPT Minh Khai nhận định, các câu hỏi xoáy quanh kiến thức trong sách, nhưng có phẩn sâu hơn nên làm mất nhiều thời gian. Câu hỏi không quá dài nhưng thí sinh phải có tư duy phân bố thời gian và kiến hợp lí mới có thể làm hết được. “So với các đề trước mà em từng tham khảo, đề Địa lí năm nay bình thường, không khó. Câu thực hành (biểu đồ) sát với chương trình. Ước em được khoảng 7-8 điểm” Anh Thư mỉm cười cho biết.
Điềm tĩnh hơn, Nguyễn Hà Long học sinh Trường THPT Xuân Thủy cho biết, độ khó trong đề Địa lý sáng nay mức bình thường, với học sinh trung bình có thể làm được: “Do em thi khối A nên môn xã hội em cố gắng làm tốt câu nào hay câu đó. Hôm này được mang Atlat Địa lý vào nên em cũng dựa vào đó để làm cũng nhiều, tuy nhiên cũng chỉ mong được 5 điểm”.
Cũng tại Hội đồng thi THPT Minh Khai, em Dương Minh Trang chia sẻ, đề năm nay tổng hợp được kiến thức phổ phổ thông, đề ra đúng vào trọng tâm chương trình ôn thi tốt nghiệp. Chính vì vậy, nhiều câu dựa vào Atlat có thể làm được bài.
Đáng chú ý ở môn thi Địa lý sáng nay, trong phần câu hỏi của đề thi có nêu: “Việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong giải quyết các vấn đề về biển đảo có ý nghĩa như thế nào?”. Một số thí sinh cũng đánh giá, ý 1 của câu hỏi này khá hay vì nó gắn với tính thời sự hiện nay, khi vấn đề tranh chấp biển đảo trong khu vực đang nóng bỏng và thủ tướng Việt Nam cũng vừa có bài phát biểu quan trọng về vấn đề này tại hội nghị Sangri-La.
Sau khi kết thúc 1/2 quãng đường thi tốt nghiệp THPT, ông Bùi Văn Phúc – Chủ tịch Hội đồng thi THPT Minh Khai cho biết, cho tới sáng hôm nay có 672 thí sinh tham gia dự thi, chỉ duy nhất có một học sinh ốm phải nghỉ. Trong 3 môn thi vừa qua không có thí sinh nào vi phạm qui chế hay bị nhắc nhở. Không có thí sinh đi muộn, đồng thời giám thị cũng không có ai vi phạm.
|
Thí sinh cho biết, đề Địa lý độ khó ở mức trung bình. Ảnh Xuân Trung |
Về chống tiêu cực trong thi cử, ông Phúc cho biết từ hôm qua tới sáng nay chưa thấy thí sinh nào sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình trong phòng thi: “Tôi nghĩ không có vì thí sinh đi thi là xác định đỗ, làm tốt bài. 12 năm học các em sẽ tập trung vào làm bài hơn là đi chống tiêu cực. Nếu có thì những em đó không xác định là đỗ hoặc buông xuôi”.
Học sinh có thể đạt được 6-7 điểm là dễ dàng Tại khu vực quận Hà Đông (Hà Nội), nhiều thí sinh đánh giá đề thi môn Địa lý năm nay không khó, học sinh trung bình, khá có thể đạt được 6-7 điểm là dễ dàng. Thí sinh Nguyễn Thị Ngọc, học sinh Trường THPT Phương Nam cho biết, được sử dụng Atlat nên dễ dàng hơn, mặt khác phần kiến thức trong câu hỏi yêu cầu rất rõ ràng vì thế Ngọc tin chắc mình không thể thấp dưới 7 điểm với môn thi này. Qua ngày đầu tâm lí thoải mái, em Nguyễn Hồng Hạnh, học sinh trường THPT Phương Nam vui mừng cho biết: “Mặc dù, môn Địa không phải là môn em đầu tư học cật lực, nhưng với đề thi bám sát nội dung chương trình học thì nhiều bạn như em có thể hoàn thành sớm 10-15 phút và có thêm thời gian ngồi soát lại bài. Xong môn này, xem như em cũng bớt lo lắng về kỳ thi tốt nghiệp và tâm lý cũng thoải mái hơn với những môn còn lại”. Cho đến thời điểm này, các sỹ tử đã đạt phân nửa của kỳ thi tốt nghiệp và có thể nói rằng, hầu hết đề thi được đánh giá là vừa sức với tất cả các thí sinh, việc đạt điểm cao chỉ cần làm bài chu đáo cẩn thận và nắm chắc kiến thức thì không hề khó. Tại Hội đồng thi THPT Nguyễn Văn Huyên, em Lưu Công Hoàng chỉ mất 45 phút làm bài rồi ngồi chơi, mặc dù chưa làm xong. Công Hoàng cho hay bỏ ý 1 câu 2 – Phân tích sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên lãnh thổ ở nước ta, vì theo Công Hoàng câu này khó mà em không học kỹ nên cũng không biết “bịa” thế nào.
|
Tại Hội đồng thi Trường THPT Minh Khai, nhiều thí sinh ra sớm ở môn Địa lý. Ảnh Xuân Trung |
Tại khu vực tỉnh Thanh Hóa, Hải Anh – Học sinh Trường THPT Đào Duy Từ cho biết, đề Địa lí dàn trải đều kiến thức ở các vùng miền, đòi hỏi học sinh phải ôn tập kĩ, nếu không thì điểm không qua mức trung bình. “Em làm bài ở mức độ khá, vừa đủ thời gian, có thể được khoảng 7 điểm” Hải Anh tự tin cho biết. Văn Thắng, học sinh học bổ túc chia sẻ, lúc đầu em hơi lúng túng khi nhận đề. Do kiến thức hạn chế nên làm bài không được tốt lắm: “Em mong sẽ được 5 điểm, tình hình trong phòng thi cả giám thị và thí sinh đều nghiêm túc”. Tại Bắc Giang, theo ông Ngô Thanh Sơn- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang, toàn tình có 19.488 thí sinh ĐKDT. Trong ngày thi đầu tiên toàn tỉnh có 26 thí sinh bỏ thi (20 em ở THPT và 6 em hệ GDTX). Tính tới buổi sáng hôm nay chưa phát hiện thí sinh nào vi phạm qui chế. Chiều qua có 1 thí sinh tai nạn giao thông phải nghỉ thi môn Hóa, sau khi đưa đi bệnh viện chụp, chiếu tình trạng sức khỏe ổn định tốt. Tuy nhiên, do bỏ 1 môn thi nên thí sinh này sẽ không thi các môn sau đó. Ông Ngô Thanh Sơn cũng thông tin, do học lực của thí sinh này loại giỏi nên đủ điều kiện để hưởng đặc cách. Tình hình trật tự, an ninh khu vực thi, theo báo cáo của các Hội đồng thi trong toàn tỉnh là nghiêm túc, không có tình trạng như những năm trước (vụ tiêu cực tại Trường THPT Đồi Ngô). Tuy nhiên, ông Sơn cũng nói rằng đây là điều chủ quan, còn khách quan thì chưa có thông tin. Năm nay Trường THPT Đồi Ngô không tổ chức thi, ông Sơn giải thích do năm 2013 lượng học sinh đông (350 thí sinh) nên cơ sở vật chất tại trường THPT Đồi Ngô không thể đáp ứng và phải ghép với các trường khác. Về qui định thí sinh được mang các thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi, ông Ngô Thanh Sơn cũng cho biết, các Hội đồng thi đều chưa thấy thí sinh nào mang thiết bị vào, đó là về quan sát bằng mắt thường của giám thị, tuy nhiên những thiết bị nhỏ thì chưa thấy. “Chủ quan tôi cho rằng học sinh đi thi hầu hết không có thí sinh mang thiết bị vì trước đó chúng tôi đã làm tốt công tác tuyên truyền, khuyến khích thí sinh mang thiết bị vào nhưng phải theo đúng Quy chế và hội đồng phải kiểm soát được” ông Sơn nói.
Đề Địa lí dễ nhưng vẫn có chỗ “gài bẫy”
Nhận định về đề Địa lí sáng nay, cô giáo dạy Địa lí Nguyễn Thị Minh Đỗ trường
THPT Đào Duy Từ - Hà Nội chia sẻ, đề thi năm nay so với năm trước kiến thức nhẹ hơn, ngắn hơn nhưng kiến thức vẫn trải dài chương trình từ tự nhiên đến lao động, việc làm, kinh tế… phù hợp với trình độ học sinh. Hệ thống các câu hỏi trong bài học sinh dễ gỡ điểm nhưng trong đề có câu hỏi yêu cầu học sinh phải tư duy là câu hỏi: Nguồn lao động nước ta có những thế mạnh gì? Tại sao việc làm là vấn đề kinh tế - xã hội lớn ở nước ta hiện nay? Câu hỏi này bắt buộc học sinh phải phân tích nguyên nhân và phải có kiến thức Địa lý chắc chắn mới phân tích kỹ được”.
Đánh giá về câu hỏi Biển đảo, cô giáo Đỗ cho rằng đây là vấn đề có phần nhạy cảm. Với câu hỏi này, giáo viên là người có kinh nghiệm sẽ có ý thức dạy kỹ cho học sinh bởi vì đây là vấn đề phù hợp với tình hình thời sự hiện nay và cũng không quá khó, phù hợp với học sinh.
Về câu hỏi trong phần chương trình chuẩn và chương trình nâng cao là câu hỏi “bẫy” học sinh. Học sinh phải hết sức để ý và đọc kỹ câu hỏi mới làm bài đúng được chứ không sẽ trình bày thừa, tràn lan và dễ mất điểm. Phổ điểm của môn Địa lí năm nay có thể ở mức 6-7 điểm.
Xuân Trung