Món quà lớn nhất của cô là sự thành đạt của em

19/11/2019 06:43
Lê Hoa
(GDVN) - Nghề giáo chúng tôi không cần phải quà cáp cao sang, không cần những câu từ vinh danh nhưng sáo rỗng, chỉ cần học trò trở thành người có ích cho xã hội là đủ.

Giáo viên mẫu giáo, tiểu học luôn vất vả với học sinh vì ngoài việc dạy, thầy cô còn bỏ khá nhiều công sức để chăm sóc các em vì giai đoạn này học sinh còn quá nhỏ.

Tình cảm thầy cô và học trò (Ảnh minh họa vtv.vn)
Tình cảm thầy cô và học trò (Ảnh minh họa vtv.vn)

Thế nhưng những thầy cô giáo mẫu giáo và tiểu học lại được ít học sinh nhớ đến. Vì sao ư? Có lẽ vì lúc đó, các em còn quá nhỏ chăng? Vì quá nhỏ nên ít cảm nhận được tình yêu thương, sự chăm sóc của các thầy cô giáo.

Thế nên, thầy cô nào được học sinh cũ (đặc biệt khi đã thành đạt) nhớ đến và về thăm phải thật sự đặc biệt lắm.

Và tôi chính là một trong những thầy cô giáo may mắn đó.

Tôi quá bất ngờ khi gặp lại em

Vào một đêm mưa, ngay khi chiếc đồng hồ báo đã 22 giờ đêm, tôi vô cùng bất ngờ khi thấy một chàng trai trẻ mặc quân phục bước vào nhà.

Trên tay cầm một gói bánh và một cây viết, em hỏi: “Cô có nhận ra em không ạ?” Tôi ngỡ ngàng nhưng cũng nhận ra: “ Em là Lịch học sinh lớp 4 cô chủ nhiệm năm cô mới ra trường?”.

Em nói tiếp: "Dạ! Suốt 9 năm qua, em vẫn nhớ cô, em đã đỗ đại học và hiện đang học Trường Sĩ quan đặc công ngoài Hà Tây. Hôm nay nghỉ hè, em về thăm cô. Em chờ cô ở quán nước trước nhà từ đầu tối đến giờ".

Món quà lớn nhất của cô là sự thành đạt của em ảnh 2
Xúc động vô cùng những lá thư động viên HS Lớp học Hy vọng

Một cảm xúc thật khó tả, một niềm xúc động dâng trào dâng lên không nói nỗi thành lời.

Tôi được nâng lên, bay lên và kí ức bộn bề nhọc nhằn thời đó chợt hiện về xâm chiếm.

Kỉ niệm ùa về

Tôi làm sao quên được em, cậu học trò nghèo nhưng rất nghị lực. Chỉ là cuộc sống vất vả bộn bề không cho chúng tôi gặp nhau.

Tôi và em nhắc lại nhiều kỉ niệm. Nhớ nhất là tiết Mĩ thuật “ vẽ ước mơ của em”.

Tiết học ấy, tôi ra đề “Em hãy vẽ ước mơ của mình”. Có em thì vẽ bông hoa, có em vẽ ngôi nhà tô màu cẩn thận. Bài của em là hình vẽ bút chì nguệch ngoạc. Tôi nhìn không ra, gọi em lên giải thích.

Khi em chỉ cái giếng và cái gàu, tôi mới hình dung được. Tôi cho em 10 điểm vì năm đó còn cho điểm số nhưng với điều kiện: “Nếu cô biết nhà em có giếng, cô sẽ lấy lại”.

Một tuần sau em bị bệnh, giờ ra chơi, tôi chở em bằng chiếc xe đạp cũ về nhà. Nhà em cách trường 2 km. Thế mà có lúc em phải đi bộ đến trường.

Do sa cơ, bố mẹ em dẫn 3 con vào đây lập nghiệp. Mượn một miếng đất dựng một căn nhà vách đất nho nhỏ nên không có giếng. Cả gia đình phải đi xin từng gàu nước về dùng, đi mua từng thùng nước về ăn.

Thấm nỗi vất vả, cơ cực nên hình ảnh cái giếng và cái gàu đi cả vào nỗi khát khao, vào ước mơ của một đứa trẻ lên 10 như em.

Ra về, tôi cứ thương em mãi nhưng tôi cũng bận rộn và khó khăn nên cũng chỉ chăm lo cho các em học sinh như nhau. Em học giỏi nên lại càng không phải bận tâm nhiều.

Mới ra trường, nhiệt huyết tuổi trẻ nhiều nên tôi cũng hết lòng vì học sinh chứ không nhớ những những gì đặc biệt dành riêng cho em nhưng không hiểu sao em lại nhớ tôi và nhiều kỉ niệm đến vậy?

Từ đó, cứ dịp Tết và hè nào em cũng về thăm tôi.

Món quà lớn nhất của cô là sự thành đạt của em ảnh 3
Những “mẹ hiền” lặng thầm mà cao cả

Có năm 29 Tết, tôi nằm liệt giường, em đến thăm và dọn nhà, bày biện, nấu cháo cho tôi.

Sau Tết còn chở cô vào Biên Hòa khám bệnh vì biết cô say xe.

Ngày 19/ 11/2014, lúc hơn 12 giờ đêm, tiếng chuông điện thoại vang lên. Tôi giật mình khi biết em gọi đến.

Đang rất lo vì không biết có chuyện gì để em phải gọi giờ này, bỗng một giọng nói ấm áp, thân thương vang lên:

“Cô ơi! Còn chút nữa là đến ngày Nhà giáo Việt Nam. Em đang ra đảo để bảo vệ lãnh thổ (năm này Trung Quốc mang giàn khoan 981 vào biển đông), em sợ ra xa mất sóng nên em gọi chúc mừng cô trước”.

Lúc ấy, tôi vừa hạnh phúc lại vừa lo và hằng ngày tôi luôn ngóng tin, cầu nguyện cho em và các chiến sĩ nơi ấy được bình an.

Ngày 26/3 vừa qua, dù chỉ được nghỉ phép vài ngày để lo mộ cho bố nhưng em vẫn đến trường  dựng trại vui cùng các em nhỏ.

Trong em toát lên một nghị lực phi thường và một tấm lòng thiện lương ấm áp. Tôi thấy mình may mắn vì đã được làm cô giáo của học trò như thế.

Cho đến bây giờ, thỉnh thoảng em lại nhắn tin hỏi thăm và dặn dò: “Cô nhớ giữ gìn sức khỏe nha cô”. Chỉ thế cũng đủ cho tôi cảm thấy vui và hạnh phúc vô cùng.

Nghề giáo của chúng tôi không cần phải quà cáp cao sang, không cần những câu từ vinh danh nhưng sáo rỗng, chỉ cần học trò trở thành người có ích cho xã hội và còn nhớ tới mình như thế.

Tất cả điều đó, đã là động lực tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi tiếp tục những chuyến đò kế tiếp nhau vượt qua mọi gian lao để cập bến bờ tri thức.

Lê Hoa