Thời gian qua, một số phần tử lập ra cái gọi là "Ban vận động” thành lập “Hội nhà báo Việt Nam độc lập”.
Họ tung ra những bài viết phủ nhận mọi thành tựu văn hóa của đất nước, cho rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng thì “các quyền tự do cơ bản của con người thực tế bị vi phạm nghiêm trọng” nên “đè nặng lên tâm lý sáng tạo của người cầm bút, làm mờ nhạt và tắt lụi các tài năng”...
Thực tiễn lịch sử chứng minh: Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo sự nghiệp báo chí là tất yếu khách quan, mọi hoạt động lãnh đạo của Đảng là nhằm bảo đảm quyền tự do báo chí và quyền tự do sáng tạo tác phẩm báo chí.
Để phản bác những thông tin sai lệch về tự do báo chí ở Việt Nam, trong bài báo này, Báo Quân đội nhân dân điểm lại những nét cơ bản thực tiễn sinh động tự do báo chí và một số vấn đề đặt ra đối với sự phát triển của báo chí Việt Nam trong giai đoạn mới.
“Thông tin độc lập cũng như thông tin tự do là những cái không thể có trong một xã hội nằm dưới sự kiểm soát của một đảng cộng sản như Việt Nam” - một tổ chức theo dõi nhân quyền có trụ sở tại Mỹ vừa “báo cáo phúc trình” về tình hình Việt Nam như vậy.
Một số phần tử cơ hội chính trị trong nước cũng nhân đó tán phát các bài viết “tiếp âm, khuếch đại” cho rằng “tình hình ngày càng tồi tệ, những nhà báo dám nói, dám viết trong nước đang không chốn dung thân”.
Đây là những luận điệu không có gì mới, nhưng để rộng đường dư luận, chúng tôi muốn cùng bạn đọc nhìn nhận một cách toàn diện, đầy đủ về tự do báo chí ở Việt Nam hiện nay...
Diễn đàn tin cậy, rộng khắp của nhân dân
Cách đây gần 100 năm, năm 1919, nhà yêu nước Việt Nam Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị Véc-xai bản “Yêu sách 8 điểm” của nhân dân Việt Nam đã đề cập một khát vọng cháy bỏng của người Việt lúc đó là tự do báo chí.
Dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam hoàn toàn không có tự do báo chí.
Năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã vùng dậy làm nên Cách mạng Tháng Tám, dựng lên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với mục tiêu “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc”.
Nhưng để có độc lập, tự do, thống nhất đất nước thực sự, nhân dân Việt Nam đã phải kiên cường kháng chiến suốt 30 năm chống lại hai cuộc xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Hiến pháp của nước Việt Nam mới kể từ bản đầu tiên năm 1946 đến bản tiếp theo năm 1959, 1980, 1992 và gần đây nhất năm 2013 đều khẳng định công dân có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí.
Luật Báo chí năm 2016, có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 đã khẳng định quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí với những điều luật cụ thể; xác lập các nội dung luật pháp tương ứng nhằm tạo điều kiện và bảo đảm để quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí được tổ chức, quản lý một cách dân chủ, công bằng, văn minh, phù hợp với yêu cầu của tiến trình xây dựng, phát triển đất nước.
Có thể nói, là một chính đảng ra đời từ khát khao độc lập, tự do của nhân dân, hơn ai hết, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng quyền tự do báo chí, coi đó là mục tiêu lãnh đạo, mục tiêu cầm quyền của mình.
Ảnh minh họa: TTXVN. |
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến năm 2016, cả nước có 858 cơ quan báo chí in, 105 cơ quan báo điện tử, 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí; 66 đài phát thanh, truyền hình; một hãng thông tấn quốc gia, với gần 18.000 nhà báo được cấp thẻ đang hoạt động trên khắp mọi vùng miền của Tổ quốc và ở nước ngoài.
Tỷ lệ phủ sóng phát thanh và truyền hình đều vượt 98% diện tích cả nước. Tỷ lệ người sử dụng internet chiếm hơn 52% dân số.
Số lượng báo in và thời lượng phát sóng phát thanh, truyền hình cơ bản đã thỏa mãn nhu cầu chính đáng về thông tin, nghe nhìn của người dân.
Báo chí Việt Nam không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng. Mới đây nhất, một đối tượng sử dụng ô tô chèn hỏng máy quay của phóng viên VTV đang tác nghiệp tại Sóc Sơn, Hà Nội đã lập tức bị khởi tố.
Hoạt động quản lý nhà nước bảo đảm để không một cá nhân, tổ chức nào hạn chế, cản trở báo chí hoạt động.
Ngày 21/6/2017, tổng kết Giải Báo chí Quốc gia năm 2016, đồng chí Thuận Hữu trên cương vị Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Báo chí cả nước đã thông tin trung thực, nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện các diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế-xã hội ở trong nước và quốc tế, đồng thời làm tốt vai trò diễn đàn xã hội rộng lớn và tin cậy của nhân dân.
Đặc biệt, rất nhiều tác phẩm được giải thưởng năm nay đã phát hiện, phê bình, đấu tranh với những mảng tối của đời sống xã hội, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí cùng những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.
Tại lễ tổng kết, những người làm báo Việt Nam cũng thẳng thắn nhìn lại những hạn chế, yếu kém của báo chí cách mạng, mà nổi cộm là vụ việc 50 cơ quan báo chí thông tin sai lệch về việc nước mắm truyền thống nhiễm độc.
Rất nhiều ý kiến khách quan của bạn bè quốc tế, khi chứng kiến không khí cởi mở của báo chí nước ta đã thừa nhận Việt Nam thực sự là đất nước của nền báo chí dân chủ và tự do.
Nhưng, vẫn còn nhiều ý kiến thiếu khách quan từ bên ngoài cho rằng, với việc Hiến pháp năm 2013 khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với Nhà nước và xã hội; qua đó khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí thì báo chí trở thành công cụ tuyên truyền của Đảng, báo chí dù “100 hay 1000 tờ” thì cũng vẫn như nhau, chỉ “tô hồng nghị quyết của Đảng”.
Họ không dám nhìn thẳng vào hiện thực đảng chính trị lãnh đạo nhà nước và xã hội là vấn đề khách quan trên toàn thế giới đương đại.
Hiện nay, bất kể quốc gia nào cũng có vai trò lãnh đạo của đảng chính trị. Đảng nào trở thành đảng cầm quyền đều có đường lối, mục tiêu của họ với mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội.
Báo chí đương nhiên không thể tách rời sự lãnh đạo đó. Ở các quốc gia có nhiều đảng phái chính trị, quyền lãnh đạo đối với báo chí của đảng cầm quyền chủ yếu thông qua hoạt động quản lý và chi phối của chính quyền.
Trong khi nhiều đảng cầm quyền trên thế giới né tránh nói về hoạt động lãnh đạo của họ đối với báo chí, thì Đảng Cộng sản Việt Nam (với sự đồng ý của tuyệt đại đa số nhân dân, được hiến định trong Hiến pháp năm 2013) lại công khai và nhận trách nhiệm lãnh đạo về mình, coi đó là điều kiện quyết định bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí tại Việt Nam.
Thực chất của “tự do báo chí vô hạn”
Ở các nước đa đảng, báo chí luôn được xem là “chiến trường” tranh giành ảnh hưởng của các đảng chính trị. Nhiều người lầm tưởng ở một số nước đó có một nền “tự do báo chí vô hạn”.
Vừa qua, trong các cuộc bầu cử tổng thống hay quốc hội của một số nước, chúng ta được chứng kiến truyền thông ở đó đăng tải những thông tin mà các ứng viên xâm phạm đời tư của nhau, thoải mái miệt thị, phỉ báng nhau trên truyền hình.
Nhiều “chiến sĩ dân chủ” trong nước lập tức đăng đàn ca ngợi, cho rằng như vậy là “tự do không giới hạn” và điều này “chỉ có ở những chế độ tự do, nơi không có đảng cộng sản lãnh đạo”.
Sự thực thì ai cũng biết, truyền thông quốc tế gọi đó là những cuộc bầu cử “tồi tệ chưa từng thấy”.
Rõ ràng, trong những cuộc cãi vã đó, quyền lợi của cử tri hầu như bị lãng quên; đường hướng phát triển đất nước trở thành thứ yếu.
Bản thân các cuộc tranh luận trên truyền hình-lẽ ra là diễn đàn quan trọng cung cấp thông tin cho người dân để họ đánh giá chính xác về các ứng viên, lại biến thành trò giải trí “rẻ tiền", "câu khách” của các hãng truyền thông.
Theo số liệu công bố trong sách “Species of Political Parties: A New Typology”, xuất bản tại Anh, một cuộc khảo sát tại 151 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới cho thấy, hiện có hơn 1.600 đảng phái chính trị đang hoạt động.
Một số nước có nhiều đảng chính trị như Hoa Kỳ có 112 đảng, Anh có 97 đảng… Nhiều nước, cả phương Tây và phương Đông, chỉ có một đảng chính trị.
Việc mỗi quốc gia có một hay nhiều đảng chính trị tùy thuộc vào quá trình phát triển tự nhiên của nước đó và số lượng nhiều hay ít không nói lên mức độ dân chủ, tự do ở từng nước.
Nước Mỹ có 112 đảng chính trị nhưng từ khi lập quốc đến nay chỉ có hai đảng thay nhau cầm quyền là Dân chủ và Cộng hòa, các đảng khác chỉ có “tính chất minh họa” cho “nền dân chủ”.
Ở Xin-ga-po, có rất nhiều đảng chính trị nhưng chỉ có Đảng Nhân dân hành động cầm quyền...
Ở Anh, sau bê bối nghe lén và vi phạm đạo đức báo chí của tờ News of the World bị phanh phui (năm 2011), Chính phủ Anh đã thành lập một tổ chức giám sát báo chí với những quyền can thiệp mạnh mẽ khiến tờ Daily Mail (Anh) thừa nhận, chưa bao giờ, báo chí Anh lại bị chính trị can thiệp sâu rộng đến như vậy.
Như vậy, trong tình hình thế giới hiện nay, sự can thiệp của các đảng chính trị vào báo chí là một thực tế khách quan.
Ở Việt Nam, nhân dân Việt Nam chắc chắn không bao giờ chấp nhận để những tổ chức chính trị ngoài vòng pháp luật tham gia “lãnh đạo” báo chí.
Một số vụ việc tiêu cực ở cơ sở vừa qua, người dân đi khiếu kiện nhưng kiên quyết từ chối chia sẻ thông tin với một số tờ báo nước ngoài hoặc từ chối gặp mặt một số người tự xưng là đại diện “xã hội dân sự”.
Đó là những thứ “tự do", "dân chủ” mà nhân dân ta không chấp nhận, đòi hỏi Đảng ta phải đấu tranh, loại bỏ.
Bạn đọc, nhân dân cũng đòi hỏi báo chí trong nước phải đấu tranh, lên án cách làm “báo cáo phúc trình” dựa trên những chứng cớ là nguồn tin từ mạng xã hội chưa được kiểm chứng, thậm chí đã được chứng minh là ngụy tạo như một vài tổ chức nhân quyền đang làm để “đánh giá” mức độ dân chủ, tự do ở Việt Nam.
Dù tình hình còn nhiều phức tạp, nhưng nhân dân ta luôn thấy rõ và thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với báo chí nước nhà, coi đó là điều kiện tiên quyết để bảo đảm tự do báo chí.
“Lợi ích nhóm” và tự do báo chí
Sự tồn tại “lợi ích nhóm” đã và đang tác động không nhỏ đến tự do báo chí của mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ở Mỹ, có một thực tế là chỉ có 1% số dân siêu giàu của nước Mỹ nắm 90% của cải của đất nước.
Phần lớn các tờ báo, các tập đoàn truyền thông lớn đều nằm trong tay những tỷ phú siêu giàu này.
Vì vậy, Giáo sư người Mỹ Uy-li-am F.Vu (Đại học Tổng hợp Stanford) đã nhận xét: “Một nền báo chí mà đã trở thành con tin của các tỷ phú, thì không còn là một nền báo chí tự do, cũng như khi nó là con tin trong tay chính phủ”.
Còn nhà báo Ben Ba-di-ki-an viết trong cuốn sách “Độc quyền thông tin đại chúng” rằng: “Phần lớn những gì mà người Mỹ đọc trong các tờ báo của họ và nhìn màn hình đều là sản phẩm của một nhóm những công ty khổng lồ”.
Tổng thống Mỹ đương nhiệm Đô-nan Trăm, từ trước bầu cử cho đến nay vẫn liên tục tố cáo báo chí Mỹ đưa nhiều tin tức giả mạo và thiên vị...
Thực tế đời sống báo chí của nước Mỹ cho thấy, tự do báo chí không bị quyết định bởi thể chế đa đảng hay một đảng.
Không phải cứ “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” thì có tự do báo chí. Dân chủ thực chất là quyền làm chủ của nhân dân. Tự do báo chí thực chất là một quyền của nhân dân.
Vì vậy, ở đâu đảng cầm quyền thực sự là đại diện của dân, do dân, vì dân thì ở đó có tự do báo chí. Ở đâu “lợi ích nhóm” hoành hành, đảng cầm quyền chỉ đại diện cho số ít thì đời sống báo chí ở đó sẽ phát triển méo mó, lệch lạc.
Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền. Điều đó chẳng những đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013, được nhân dân thừa nhận trong thực tế mà còn được toàn thế giới công nhận.
Hiện nay, Đảng ta có quan hệ đối ngoại với hơn 200 đảng chính trị thuộc 114 nước trên thế giới, trong đó có rất nhiều đảng cầm quyền.
Tháng 7/2015, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã có cuộc đón tiếp lịch sử và hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phòng Bầu Dục, Tuyên bố về tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ khẳng định hai nước tôn trọng thể chế chính trị của nhau.
Chưa bao giờ vị thế chính trị trên trường thế giới của Đảng Cộng sản Việt Nam lại được tôn trọng và công nhận rộng rãi như hiện nay.
Đó là điều kiện thuận lợi để Đảng ta lãnh đạo phát triển một nền báo chí cách mạng và tiến bộ.
Chúng ta kiên trì nguyên tắc không chấp nhận báo chí tư nhân, chính là để báo chí không bị rơi vào vòng tay thâu tóm của bất kỳ “nhóm lợi ích” nào.
(Còn nữa)