EMagazine

Một thập kỷ vun bồi văn hóa chất lượng trong giáo dục đại học: Làm thật để đi xa

Một thập kỷ vun bồi văn hóa chất lượng trong giáo dục đại học: Làm thật để đi xa

20/05/2025 06:30
Thùy Linh

GDVN -Văn hóa chất lượng không phải là hoạt động mang tính thời điểm mà phải được nhất quán xuyên suốt toàn bộ hoạt động đào tạo, NCKH, phục vụ cộng đồng, quản trị ĐH.

LTS: Văn hóa chất lượng là một trong những yếu tố cốt lõi trong việc phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Tại Việt Nam, từ khi Luật Giáo dục đại học năm 2012 được ban hành, kiểm định chất lượng đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các cơ sở giáo dục đại học, tạo nền tảng vững chắc cho việc hình thành và phát triển văn hóa chất lượng trong toàn hệ thống.

Một thập kỷ qua, các cơ sở giáo dục đại học không chỉ thực hiện kiểm định để đạt chứng nhận, mà còn từng bước phát triển năng lực tự đảm bảo chất lượng nội bộ, hướng tới xây dựng và duy trì một văn hóa chất lượng bền vững.

Để hiểu rõ hơn về hành trình từ nhận thức vì văn hóa chất lượng – hành động vì văn hóa chất lượng – hiệu quả vì văn hóa chất lượng trong gần 10 năm qua, hôm nay, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Phóng viên: Thưa Cục trưởng, “văn hóa chất lượng” là một khái niệm ngày càng được nhấn mạnh trong quản trị đại học hiện đại. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, cách hiểu và vận dụng khái niệm này còn rất khác nhau.

Nhìn lại hành trình thực hành nâng cao văn hóa chất lượng trong suốt 10 năm qua, Cục trưởng đánh giá chuyển biến lớn nhất trong nhận thức và hành động về văn hóa chất lượng ở các cơ sở giáo dục đại học là gì?

Cục trưởng Huỳnh Văn Chương: Văn hóa chất lượng trong giáo dục đại học là một quá trình hình thành và phát triển lâu dài, gắn liền với nhận thức, hành động và cam kết bền vững của toàn bộ hệ thống giáo dục, đặc biệt là từng cơ sở giáo dục đại học. Đó là khi chất lượng không chỉ là khẩu hiệu, cũng không chỉ được thể hiện trong các văn bản chính sách, mà đã thực sự ăn sâu vào tư duy, hành vi, cách thức quản lý và tổ chức đào tạo của nhà trường.

Ở nước ta, văn hóa chất lượng đã trải qua những bước tiến quan trọng, từ giai đoạn nhận thức đến hành động thực chất vì văn hóa chất lượng và đang hướng đến hiệu quả vì văn hóa chất lượng.

gs.png

Cột mốc đáng chú ý đầu tiên là năm 2012, khi Luật Giáo dục đại học lần đầu tiên quy định kiểm định chất lượng là yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, để thực thi hiệu quả, cần có một khoảng thời gian để ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan, nhất là ban hành bộ tiêu chuẩn, tiêu chí vừa phải phù hợp với điều kiện giáo dục đại học Việt Nam vừa có lộ trình thích ứng với các chuẩn quốc tế về kiểm định. Đến năm 2015, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên được cấp chứng nhận kiểm định chất lượng, sau đó là Trường Đại học Giao thông vận tải,…. Từ đó đến nay, chúng ta đã có một thập kỷ triển khai và thực hiện văn hóa chất lượng thông qua đánh giá và kiểm định trong môi trường giáo dục đại học.

Đến nay có gần 250/271 cơ sở đào tạo, khoảng 2.400 chương trình đào tạo thực hiện đánh giá và đạt chuẩn kiểm định chất lượng trong đó có gần 700 chương trình đạt chuẩn kiểm định quốc tế, đặc biệt, nhiều cơ sở và chương trình đã vào chu kỳ 2 (sau 5 năm). Trong đó, tốc độ phát triển nhanh phải nói đến giai đoạn kể từ Luật Giáo dục đại học sửa đổi (Luật 34/2018/QH14) có hiệu lực từ 1/7/2019, xu hướng số chương trình đào tạo được đánh giá và tham gia kiểm định bởi tổ chức nước ngoài ngày càng tăng.

Giai đoạn 2015-2018 (khi Luật 34 chưa có hiệu lực) có thể được xem là thời kỳ đầu hình thành nhận thức và bước đầu triển khai đánh giá và kiểm định chất lượng. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, đâu đó có cơ sở giáo dục đại học vẫn tiếp cận công tác kiểm định còn mới lạ và còn theo hướng hình thức, mang tính đối phó văn bản, tập trung vào việc hoàn thiện hồ sơ, minh chứng để đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, tiêu chí để phục vụ đoàn đánh giá ngoài và mong đạt kiểm định thay vì xem đây là cơ hội tốt để cải tiến chất lượng.

Ngay cả các đoàn đánh giá ngoài khi đó có lúc cũng bị đánh giá là làm việc đôi lúc cứng nhắc, quá phụ thuộc vào các văn bản pháp lý trong quản lý nên đâu đó có phản ánh đoàn đánh giá ngoài như kiểm tra, thanh tra. Ví dụ như Quyết định 70/2014/QĐ-TTg về Điều lệ trường đại học yêu cầu thiết lập Hội đồng trường (từ năm 2015), đây là vấn đề rất khó và rất ít cơ sở giáo dục đại học có Hội đồng trường, nhưng khi chưa có Hội đồng trường đương nhiên có thể trượt 1 tiêu chí, điều này khiến việc đối thoại và hiểu biết lẫn nhau giữa các bên còn nhiều hạn chế, thậm chí căng thẳng.

Từ năm 2019 trở đi, cùng với việc Luật Giáo dục đại học sửa đổi có hiệu lực và đặc biệt là sau Quyết định 78/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ban hành năm 2022) phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giai đoạn 2022-2030, các cơ sở giáo dục bắt đầu bước vào giai đoạn hành động. Nhận thức được nâng lên rõ rệt, các trường chuyển từ bị động sang chủ động thực hiện tự đánh giá, đánh giá ngoài và kiểm định, tiếp nhận khuyến nghị của các đoàn đánh giá ngoài với tinh thần cầu thị, hợp tác và mong muốn được cải tiến chất lượng trong điều kiện cạnh tranh chất lượng và thương hiệu hiện nay.

Đánh giá và kiểm định không còn bị xem là gánh nặng hành chính mà đã trở thành động lực nội sinh về bảo đảm chất lượng bên trong thông qua các nhận định điểm mạnh, điểm tồn tại, các góp ý, khuyến nghị để cơ sở đào tạo xây dựng, rà soát chương trình đào tạo ra sao, xây dựng chuẩn đầu ra như thế nào, phương pháp kiểm tra, đánh giá, các phương thức phục vụ cộng đồng, làm sao tăng được tỷ lệ nguồn thu từ khoa học, công nghệ, quản trị tài chính gắn với hiệu quả…từ đó có các kế hoạch hành động và cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, quản trị và phục vụ người học.

Hiện nay, khi nhiều cơ sở giáo dục đại học đã và đang thực hiện kiểm định ở chu kỳ thứ hai (mỗi chu kỳ 5 năm), họ không còn lúng túng với yêu cầu về hồ sơ, minh chứng hay quy trình nữa. Thay vào đó, các cơ sở đã có sự tập trung mạnh hơn vào đánh giá hiệu quả, cải tiến thực chất các mặt hoạt động và mang tính chuyên nghiệp. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy văn hóa chất lượng đang từng bước được định hình vững chắc. Các đoàn đánh giá ngoài cũng đã thay đổi phương thức làm việc - không chỉ đánh giá đơn thuần mà còn tư vấn, hỗ trợ các trường trong hoạch định chiến lược, nâng cao năng lực tổ chức, đổi mới công nghệ và tăng cường trách nhiệm xã hội và bám sát sứ mạng, tầm nhìn, chiến lược.

Phải nhấn mạnh rằng, phần lớn giá trị mà công tác đánh giá, kiểm định mang lại là vô hình, rất khó để đo đếm toàn bộ như các hoạt động khác vì đó là niềm tin, là sự minh bạch, là cam kết chất lượng với người học và toàn xã hội. Đây cũng là lý do vì sao hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng hệ thống kiểm định, dù chi phí bỏ ra không nhỏ mặc dù về lý thuyết đã có cơ quan quản lý nhà trước và các cơ sở giáo dục đại học có công khai, giải trình và chịu trách nhiệm. Bởi lẽ, không một cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành nào có thể trực tiếp kiểm tra, giám sát, cầm tay chỉ việc từng hoạt động cụ thể trong hàng trăm trường đại học mà đều cần đến một cơ chế độc lập, khách quan, có chuyên môn, chính là các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục là công cụ thay nhà nước và xã hội để thực hiện chức năng này. Đây cũng là cách để cân bằng lợi ích và trách nhiệm giữa ba bên: Nhà nước - Nhà trường - Xã hội và tạo niềm tin cho cộng đồng, gắn với hội nhập quốc tế bình đẳng về chất lượng.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, các trường ngày càng quan tâm hơn đến kiểm định và xếp hạng quốc tế như một bước tiến tất yếu. Đây không chỉ là yêu cầu để khẳng định vị thế mà còn là đòi hỏi từ phía người học, doanh nghiệp và đối tác quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa. Ngay chính tại Việt Nam cũng như nhiều tổ chức công nhận văn bằng của mỗi quốc gia khác, để được công nhận văn bằng nước ngoài khi có đề nghị thì một yêu cầu quan trọng là cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo đạt kiểm định và hoạt động hợp pháp nước sở tại, vì vậy chúng ta cũng phải chấp hành các điều kiện này khi ra quốc tế.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng, vẫn còn nhiều thách thức và nhiều việc đặt ra. Trước hết là vấn đề thể chế và chính sách. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, đồng thời thúc đẩy cải tiến và hoàn thiện khung đảm bảo chất lượng của các cở sở giáo dục. Về phía các cơ sở giáo dục, cần thay đổi tư duy từ “làm cho xong” sang “làm cho đúng và làm để tốt hơn hoặc làm đúng trước khi làm tốt, đã làm tốt cần làm tốt hơn”, từ đối phó sang cải tiến, đảm bảo rằng từng đồng chi phí bỏ ra cho đánh giá, kiểm định phải đem lại giá trị thực tiễn và hướng đến người học. Đặc biệt, nâng cao năng lực, nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giảng viên trong toàn bộ quá trình đánh giá, kiểm định là yếu tố then chốt.

Cuối cùng, một trong những “hộp đen” lớn nhất hiện nay chính là đội ngũ kiểm định viên cả về số lượng và chất lượng. Mặc dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực đào tạo, nhưng kinh nghiệm thực tiễn còn chưa đồng đều, dẫn đến đâu đó còn có sự e ngại nhất định từ phía các trường khi tiếp cận kiểm định trong nước. Đây là điều có thể hiểu được, vì lịch sử kiểm định của chúng ta còn tương đối mới. Do đó, việc ưu tiên tổ chức các kỳ sát hạch chất lượng của Nhà nước để chọn được đội ngũ kiểm định viên tốt nhất, việc trao đổi hợp tác và học hỏi kinh nghiệm quốc tế, kết hợp chuyên gia nước ngoài về kiểm định để tư vấn, hỗ trợ các trung tâm kiểm định trong nước, đồng thời đầu tư bài bản vào đội ngũ kiểm định viên trong nước là hướng đi bắt buộc nếu muốn xây dựng một hệ sinh thái đánh giá, kiểm định chất lượng bền vững, tin cậy và hội nhập.

Phóng viên: Trong xây dựng văn hóa chất lượng, vai trò tiên phong và định hướng của Ban lãnh đạo nhà trường cần và nên được thể hiện như thế nào, thưa Cục trưởng?

Cục trưởng Huỳnh Văn Chương: Trước hết, vai trò của người hiệu trưởng và ban giám hiệu là yếu tố then chốt. Hiệu trưởng và thầy cô trong ban giám hiệu chính là người phải thể hiện rõ sự kiên định và quyết tâm trong việc xây dựng và duy trì hệ thống bảo đảm chất lượng. Văn hóa chất lượng không phải là một hoạt động mang tính thời điểm, mà phải được nhất quán xuyên suốt toàn bộ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng và quản trị đại học.

Từ thực tiễn cũng như qua kết quả đánh giá ngoài cũng cho thấy hiện nay tại nhiều cơ sở giáo dục đại học, hoạt động nghiên cứu khoa học và công tác bảo đảm chất lượng vẫn còn tồn tại khoảng cách. Nhiều trường mới chỉ mới chú trọng và gắn chất lượng với đào tạo, thông qua các tiêu chí như chuẩn đầu ra, xây dựng chương trình, kiểm tra, đánh giá điểm số,... mà chưa gắn kết chặt chẽ với các hoạt động bảo đảm chất lượng về nghiên cứu khoa học. Trong khi đó, một đề tài nghiên cứu với sản phẩm, số lượng bài báo, giá trị ứng dụng - đều là các yếu tố có thể và cần được đưa vào hệ thống bảo đảm chất lượng.

Hiệu trưởng và ban giám hiệu phải là người "dẫn dắt cuộc chơi" này. Ở nhiều trường, hiệu trưởng và ban giám hiệu không chỉ tiên phong trong việc thúc đẩy văn hóa chất lượng, mà còn trực tiếp là chuyên gia trong lĩnh vực này. Vai trò định hướng và gương mẫu từ người đứng đầu sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tới toàn bộ bộ máy từ ban giám hiệu đến các khoa, phòng ban, giảng viên và sinh viên. Văn hóa chất lượng chỉ thật sự hình thành khi toàn hệ thống vận hành một cách nhất quán, có mục tiêu và có trách nhiệm.

Thứ hai, Ban lãnh đạo nhà trường cần nghiêm túc trong việc cải tiến chất lượng nội bộ. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang triển khai xây dựng khung bảo đảm chất lượng bên trong làm cơ sở cho các trường vận hành hệ thống của mình một cách chủ động và hiệu quả.

Mặc dù khung bảo đảm chất lượng bên trong đã được đề cập rõ trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi và Quyết định số 78/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, song vẫn chưa nhiều trường triển khai bài bản và hiệu quả, vẫn đang chờ Bộ ban hành một khung chung, đây là điểm cần sớm khắc phục và hoàn thành để có sự thống nhất trong thời gian tới. Năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành khảo sát các cơ sở giáo dục đại học, các trung tâm kiểm định trên cả nước để đủ căn cứ khoa học, thực tiễn đề xuất khung thống nhất. Nếu cơ sở giáo dục đại học xây dựng được hệ thống khung nội bộ tốt, việc triển khai bảo đảm chất lượng sẽ trở nên thuận lợi, hiệu quả và bền vững. Kinh nghiệm này chúng ta có thể học hỏi từ các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan,…

Cuối cùng, cần thay đổi cách tiếp cận trong quản trị chất lượng, từ kiểm soát sang trao quyền. Trước đây, hiệu trưởng và ban giám hiệu thường chỉ định khoa và giảng viên tham gia kiểm định theo chuẩn trong nước hay ABET, AUN-QA… Tuy nhiên, hiện nay, nhiều trường đã chuyển sang trao quyền tự chủ nhiều hơn. Hiệu trưởng và ban giám hiệu đóng vai trò định hướng chiến lược và đặt ra yêu cầu chất lượng ở mức cao nhất; còn việc lựa chọn mô hình kiểm định nào, cách thức triển khai ra sao - được giao cho đơn vị thực hiện, với tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm. Đây là bước tiến lớn thể hiện tư duy quản trị tiên tiến, phù hợp với văn hóa chất lượng thực chất, không hình thức.

1.png

Phóng viên: Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những giải pháp gì để văn hóa chất lượng thực sự đi vào chiều sâu và trở thành một phần trong nếp vận hành thường xuyên của các cơ sở giáo dục đại học?

Cục trưởng Huỳnh Văn Chương: Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai nhiều giải pháp mang tính hệ thống và chiến lược nhằm thúc đẩy văn hóa chất lượng trở thành một phần cốt lõi trong hoạt động thường xuyên của các cơ sở giáo dục đại học.

Thứ nhất, về phương diện pháp lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực tham mưu sửa đổi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học. Điểm mới quan trọng trong dự thảo lần này là vấn đề bảo đảm chất lượng sẽ không chỉ được đặt ở một chương riêng biệt gắn với đánh giá, kiểm định mà được thể hiện rõ là có vai trò xuyên suốt của chất lượng trong toàn bộ hệ thống giáo dục đại học. Hệ thống đánh giá sẽ gồm ba lớp: (1) cơ sở tự đánh giá; (2) công cụ giám sát, đánh giá của Nhà nước; (3) kiểm định độc lập để công nhận và thúc đẩy cải tiến liên tục. Đây là bước đi mang tính nền tảng nhằm điều chỉnh thể chế cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới, trong đó các điều kiện bảo đảm chất lượng sẽ được nâng lên tiệm cận với chuẩn mực quốc tế và khu vực.

Thứ hai, trên cơ sở các Nghị quyết lớn của Trung ương có nội dung về giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ bám sát mục tiêu phấn đấu đưa một số cơ sở giáo dục đại học Việt Nam vào top 100, 200, 500 của các bảng xếp hạng đại học thế giới. Để làm được điều đó, công tác kiểm định và đánh giá cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo phải thực chất, không hình thức hay đối phó; đồng thời tiến đến hội nhập sâu rộng với hệ thống giáo dục đại học toàn cầu. Việc xếp hạng đại học, vốn trước đây chưa được đề cập thì nay sẽ được đưa vào trong chương đánh giá và kiểm định chất lượng trong Luật Giáo dục đại học như một công cụ phản ánh mức độ phát triển và uy tín học thuật. Đánh giá – kiểm định và xếp hạng phải có mối liên quan ràng buộc với nhau theo phương châm lấy bảo đảm chất lượng làm mục tiêu cốt lõi.

Thứ ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định lại mối quan hệ giữa kiểm định - cải tiến – giá trị thiết thực. Kiểm định không phải là “tấm vé” để thực hiện một nhiệm vụ nào khác, mà phải trở thành một công cụ để tự cải tiến không ngừng. Chỉ khi các cơ sở giáo dục thực hiện đánh giá, kiểm định ngay cả khi không bị bắt buộc, nghĩa là họ nhận thức được giá trị thực sự của chất lượng, thì văn hóa chất lượng mới thực sự bén rễ và lan tỏa. Ngược lại, nếu đánh giá, kiểm định chỉ là hình thức để “đối phó” hay “trình diễn”, thì không nên tiếp tục theo hướng đó. Cần thay đổi tư duy từ “kiểm định để đạt điều kiện” sang “kiểm định để nâng tầm sứ mạng và tầm nhìn chính mình theo từng giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế”.

Thứ tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nghiên cứu đề xuất cơ chế để các cơ sở giáo dục được chủ động lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng uy tín, phù hợp với định hướng phát triển và triết lý giáo dục của mình kể cả trong nước và quốc tế. Việc nâng cao chất lượng kiểm định viên cũng là một nhiệm vụ cấp thiết. Nếu đội ngũ kiểm định viên không đổi mới và nâng cao năng lực, thì toàn bộ hệ thống sẽ khó tạo được đột phá.

Thứ năm, cần ứng dụng triệt để các thành công của chuyển đổi số trong công tác đánh giá và kiểm định, nhất là xây dựng cơ sở dữ liệu đúng, đủ, cập nhật, minh chứng online và liên thông minh chứng giữa các tiêu chuẩn, tiêu chí để giảm tối thiểu thời gian cho công tác kiểm tra và tìm kiếm minh chứng. Khi đó, đoàn đánh giá ngoài tập trung chính vào phân tích cơ sở dữ liệu, tìm hiểu nhà trường qua các bên liên quan, từ đó đưa ra các nhận định về các điểm mạnh và tồn tại của nhà trường và tập trung nhiều thời gian để đưa ra được các khuyến nghị thật xác đáng cho từng cơ sở và chương trình đào tạo phù hợp với thực trạng, tầm nhìn, sứ mạng.

Thứ sáu, cũng rất quan trọng đó là cần làm tốt công tác truyền thông để thay đổi nhận thức xã hội về văn hóa chất lượng. Trong đó, người học và gia đình cần hiểu rõ giá trị của việc học đại học tại những cơ sở có uy tín, được kiểm định độc lập và đạt chuẩn quốc tế, việc tìm kiếm các thông tin về bảo đảm chất lượng của nhà trường trước khi quyết định nộp hồ sơ vào học thành một thói quen bình thường như khi nộp hồ sơ vào học các trường quốc tế. Khi nhu cầu và kỳ vọng của xã hội tăng cao, các cơ sở giáo dục đại học buộc phải cải tiến để đáp ứng và cạnh tranh nguồn tuyển tốt. Đây chính là động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của hệ thống.

Cuối cùng, giáo dục và đào tạo là lấy việc phụng sự xã hội và nâng cao chất lượng con người làm mục tiêu tối thượng. Văn hóa chất lượng chỉ thật sự có chỗ đứng khi nó ăn sâu vào tư duy, hành động và đạo đức nghề nghiệp của từng cán bộ quản lý, giảng viên và nhà kiểm định.

anh-tk.png

Phóng viên: Cục trưởng có kì vọng gì trong phát huy văn hóa chất lượng ở từng cơ sở để giáo dục đại học Việt Nam không chỉ khẳng định vị thế trong khu vực mà còn vươn tầm quốc tế?

Cục trưởng Huỳnh Văn Chương: Tôi kỳ vọng rằng trong giai đoạn tới, văn hóa chất lượng sẽ thực sự thấm sâu vào tư duy và hành động của từng cơ sở giáo dục đại học, từng cán bộ quản lý, giảng viên và sinh viên. Từ đó, giáo dục đại học Việt Nam không chỉ khẳng định vị thế trong khu vực mà còn có thể vươn ra quốc tế một cách tự tin và bền vững.

Thứ nhất, cần tiếp tục tăng cường hội nhập quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi và áp dụng các chuẩn mực chất lượng toàn cầu. Thực tế trong 2-3 năm gần đây cho thấy, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ trong hội nhập, từ việc tham gia các mạng lưới kiểm định khu vực, đến việc áp dụng các bộ tiêu chuẩn quốc tế. Đây là nền tảng để nâng cao chất lượng thực chất, chứ không chỉ dừng lại ở việc “có kiểm định”.

Thứ hai, chất lượng phải được đặt cao hơn số lượng. Không thể vì mục tiêu mở rộng quy mô đào tạo mà đánh đổi chất lượng. Ví dụ, việc đầu tư để bồi dưỡng, tái cấu trúc một ngành đào tạo có thể mất 5-10 năm và đòi hỏi nguồn lực lớn, nhưng nếu làm đến nơi đến chốn thì sẽ tạo ra giá trị đột phá. Ngược lại, nếu làm ào ạt, hình thức thì dù tốn kém đến đâu cũng không thu được gì đáng kể.

Thứ ba, cần tiến tới tường minh về chi phí trong hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục, đặc biệt là kiểm định. Việc xây dựng khung chi phí kiểm định hợp lý, minh bạch, đi kèm với chuẩn đầu ra rõ ràng và giám sát độc lập, sẽ tạo ra niềm tin cho các cơ sở giáo dục khi đầu tư vào công tác này. Khi hiểu rõ “mình bỏ ra chi phí này để nhận lại giá trị gì” các trường sẽ chủ động hơn và làm thực chất hơn.

Thứ tư, phải xác định rằng chuẩn cơ sở giáo dục đại học chỉ là điều kiện tối thiểu, còn đánh giá và kiểm định là yêu cầu bắt buộc để cải tiến và vươn xa. Mọi cơ sở giáo dục đều cần trải qua đánh giá, kiểm định như một cơ chế công khai và giải trình khách quan và động lực cải tiến liên tục.

Cuối cùng, kỳ vọng lớn nhất của tôi là các cơ sở giáo dục đại học sẽ chủ động “sống với văn hóa chất lượng” như một phần tất yếu trong vận hành, không phải vì bị yêu cầu, mà vì chính nhu cầu phát triển bền vững và khát vọng vươn lên của chính họ. Khi chất lượng trở thành giá trị cốt lõi, thì tự khắc thương hiệu, uy tín, người học và cả sự ghi nhận trong nước và quốc tế sẽ đến.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Cục trưởng.

Thùy Linh