Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhu cầu học tập và nâng cao trình độ ở nước ngoài của học sinh, sinh viên Việt Nam không ngừng tăng lên, xuất phát từ mong muốn tiếp cận nền giáo dục chất lượng cao hơn, mở rộng cơ hội nghề nghiệp toàn cầu và phát triển bản thân. Để hiện thực hóa ước mơ này, nhiều người đã tìm đến sự hỗ trợ của các công ty tư vấn du học, những đơn vị đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin, định hướng lựa chọn trường, ngành học và hỗ trợ các thủ tục hồ sơ phức tạp.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thiết thực mà các công ty tư vấn du học mang lại, ngày càng có nhiều lo ngại về đạo đức kinh doanh của một số công ty, đặc biệt là xu hướng ưu tiên lợi nhuận hơn lợi ích của học sinh, sinh viên.
"Muôn hình vạn trạng" dịch vụ tư vấn du học
Theo tìm hiểu của phóng viên, các dịch vụ tư vấn du học trên thị trường chủ yếu được chia thành hai loại.
Thứ nhất là những trung tâm có liên kết với các trường đại học trên thế giới, nhận tiền “hoa hồng” của nhà trường khi tuyển được sinh viên (tạm gọi là agency). Agency tư vấn miễn phí, học sinh chỉ trả các khoản bắt buộc như phí xét duyệt hồ sơ, phí nộp bảng điểm, visa (thị thực), đặt cọc học phí, bảo hiểm…
Một số agency được học sinh và phụ huynh ưu tiên nếu có nhiều liên kết với nhóm trường thuộc Top 100 đại học hàng đầu thế giới. Các agency lớn thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo tư vấn du học có sự tham gia từ đại diện các trường đại học quốc tế. Tuy nhiên, agency có xu hướng tập trung hơn đến phần hoàn thiện thủ tục, không thể chỉnh sửa chi tiết hồ sơ cho học sinh.
Thứ hai là những đơn vị tư vấn độc lập (tạm gọi là independent) có ít liên kết hoặc không liên kết với các trường đại học. Independent có thu phí tư vấn từ học sinh vì không hưởng tiền môi giới từ trường học. Nhiều học sinh muốn tìm cố vấn hỗ trợ lên lộ trình săn học bổng và chỉnh sửa hồ sơ sẽ tìm đến các chuyên gia độc lập.
Người viết trao đổi có nhu cầu tư vấn du học và được các trung tâm mời đến các buổi tư vấn. Nếu chưa xác định nguyện vọng, trung tâm khuyên nên đăng ký nhiều trường ở các quốc gia khác nhau để có nhiều sự lựa chọn. Một số quốc gia được miễn phí nộp hồ sơ, nhưng với nền giáo dục đắt đỏ như Mỹ, chỉ riêng phí nộp hồ sơ và bảng điểm vào nhiều trường có thể lên tới hàng nghìn đô la.

Trong một hội nhóm của du học sinh Việt Nam tại Đức, chị L.D chia sẻ có người cháu được trung tâm tư vấn đi du học tại Đức. Gia đình được nghe những lời giới thiệu hấp dẫn như miễn học phí 100%, học xong được Chính phủ Đức cho thêm vài trăm triệu đồng, nếu làm việc luôn tại Đức lương khởi điểm tối thiểu cũng hơn 30 triệu đồng.
Tuy nhiên, để được đăng ký học, gia đình phải đóng cho công ty tư vấn 259 triệu đồng, bao gồm toàn bộ chi phí xử lý hồ sơ du học, công chứng các loại giấy tờ trong hồ sơ, chi phí xin visa, chứng thực bằng cấp, học phí học tiếng Đức và các chi phí còn lại cho đến khi trung tâm có thể đảm nhiệm. Trong đó, chi phí học tiếng Đức là 1.700 đô la (khoảng 50 triệu đồng) và không hoàn lại trong mọi trường hợp. Đây mới chỉ là mức chi phí ban đầu đóng cho công ty tại Việt Nam.
Trong trường hợp đã đạt được tư cách lưu trú nhưng không tiếp tục tham gia với trung tâm, người học sẽ phải trả những chi phí trong quá trình tư vấn tuyển sinh theo quy định nhà trường bên phía Đức và phải chịu bồi thường 2.000 đô la (gần 52 triệu đồng) cho trung tâm.
Thấy mức giá cao, chị L.D khuyên người nhà không nên ký hợp đồng. Tuy nhiên, mẹ cháu vẫn cho con đi vì mong muốn thành đạt ở nước ngoài.

Dù đã đóng đến hàng trăm triệu đồng, người học vẫn có nguy cơ không được học nghề như công ty hứa hẹn. Trao đổi với phóng viên, M. – một thanh niên có nguyện vọng du học nghề tại Đức cho hay, đầu năm 2023, M. được tư vấn bởi Công ty I. có trụ sở tại Đông Anh, Hà Nội. Đại diện công ty – bà H. cam kết sẽ có người đại diện tại Đức hỗ trợ tìm hợp đồng đào tạo và đồng hành trong suốt quá trình sinh sống và học tập tại nước này.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của nam sinh, thực tế không như hứa hẹn. Theo hợp đồng, thời gian nhập học được ghi rõ là ngày 01/04/2024. M. đã bay sang Đức đúng thời gian nhưng khi đến nơi, người tên C. – được giới thiệu là đại diện Công ty I. tại Đức – đưa ra nhiều lý do trì hoãn, cho biết doanh nghiệp tiếp nhận đã đủ chỉ tiêu.
Sau khi trực tiếp tìm đến doanh nghiệp, nam sinh bất ngờ khi nhận được phản hồi rằng hợp đồng hoàn toàn không có hiệu lực. Mặc dù Công ty I. không xác minh tính pháp lý của hợp đồng, họ vẫn thu phí 130 triệu đồng (chưa bao gồm chi phí làm visa và khám sức khỏe).
Nam sinh liên hệ lại công ty để tìm giải pháp, nhưng công ty chỉ hứa hẹn hỗ trợ 500-700 euro (khoảng 20 triệu đồng). Không đạt được thỏa thuận chung, M. phải tự bỏ tiền tìm hợp đồng mới. Một nữ học viên khác cũng đi theo tư vấn của công ty I., đã bị từ chối cấp visa do phát hiện hợp đồng không có hiệu lực.
Mất tiền mua sự bức xúc
Ở thị trường tư vấn du học độc lập, chi phí cho người cố vấn rất đa dạng, từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Dù vậy, không phải cố vấn nào cũng có tâm với học viên.
Có nguyện vọng du học tại Pháp theo chương trình học bổng France Excellence, bạn T.A, 29 tuổi, từng bỏ 5 triệu đồng đăng kí một khóa hướng dẫn 9-10 buổi từ một cố vấn săn học bổng nổi tiếng. Vị chuyên gia có nhóm về học bổng du học với hơn 500 nghìn thành viên nên được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Theo T.A, đây chỉ là khóa cơ bản, còn muốn được chuyên gia tư vấn chuyên sâu theo hình thức 1:1 phải trả phí từ 15 triệu đồng.
Đến lớp, T.A phải học chung với gần 100 học viên khác, với đủ loại trình độ và nhu cầu du học khác nhau. "Học viên quá đông, từ các em trung học phổ thông, các bạn học đại học, đến các bạn học thạc sĩ tìm học bổng PhD và cả người đi làm như tôi cũng có. Chưa kể số lượng các nước được nhắm đến cũng quá nhiều, Anh, Mỹ, Úc, Canada, Hàn Quốc, Trung Quốc, Châu Âu đủ cả. Tôi không hiểu tôi bỏ hơn 1 tiếng đồng hồ nghe hỏi đáp về các học bổng mình không quan tâm làm gì, trong khi tôi phải trả tiền để có mặt trong lớp" - T.A chia sẻ.
Cũng theo T.A, vị chuyên gia nổi tiếng chỉ xuất hiện buổi đầu và buổi cuối khóa học, còn người hướng dẫn trực tiếp là một người khác. Điều này chưa từng được thông báo trước khi đăng ký. Những tài liệu trong khóa không khác mấy với thông tin có thể dễ dàng tra cứu trên mạng.
Trong khóa hướng dẫn, T.A có quyền lợi nhờ chuyên gia đánh giá hồ sơ và thực hiện phỏng vấn mô phỏng một lần. Tuy nhiên khi nhắn tin nhờ chuyên gia giúp đỡ chỉnh sửa bản trình bày thông tin cá nhân, T.A chỉ nhận được phản hồi là đã ổn, không góp ý hay hướng dẫn gì thêm. Chuyên gia cũng không hề thực hiện phỏng vấn mô phỏng như cam kết ban đầu.
Được biết, với hình thức 1:1 phải đóng phí từ 15 triệu đồng, chuyên gia cũng chỉ giải đáp thắc mắc qua email. Vì chuyên gia rất bận rộn và có nhiều học viên, có người phải chờ hàng tuần mới được nhận xét hồ sơ.
T.A đặt câu hỏi: "Để hành nghề tư vấn du học ở Việt Nam thì cần được cấp phép, nhưng ngách tư vấn săn học bổng thì có vẻ chưa ai kiểm soát. Chuyên gia có 10 lớp với số lượng học viên 100 người/lớp, doanh thu ước tính từ loại hình này lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm. Ai có thể kiểm soát khoản thu nhập này, mà tôi đoán, biên lợi nhuận là rất khủng khiếp".
Với những học sinh có thành tích không tốt, dịch vụ viết hộ essay (bài luận xin học bổng), tổ chức các "dự án ngoại khóa" cho học sinh đứng tên... cũng hoạt động sôi nổi. Trong vai một sinh viên mới ra trường có nguyện vọng đi du học Úc, phóng viên có liên hệ với một đơn vị nhận viết hộ bài luận.
Đơn vị này cam kết “có kinh nghiệm 15 năm trong nghề, đội ngũ nhân viên tốt nghiệp ở các trường hàng đầu tại Anh và Úc, luôn đảm bảo chất lượng bài làm, không đạo văn, không AI, có báo cáo tiến trình làm bài”. Người đại diện cũng khoe có bạn sinh viên đã được học bổng 100% nhờ bài luận viết hộ.
Khi liên hệ, phóng viên chỉ cần cung cấp một số thông tin cá nhân đặc biệt. Chi phí cho bài luận ngắn là 1,1 triệu đồng và bài dài là 1,5 triệu đồng, có kèm chỉnh sửa cho đến khi khách hàng ưng ý.

Tư vấn du học không trung thực bị xử phạt như thế nào?
Nghị định số 88/2022/NĐ-CP ngày 26/10/2022 quy định phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Tư vấn không trung thực, không chính xác về các điều kiện liên quan đến tình trạng kiểm định chất lượng của chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục nước ngoài; học phí, sinh hoạt phí dự kiến và các loại phí liên quan; điều kiện sinh sống, chính sách làm thêm giờ theo quy định của nước tiếp nhận du học sinh; những khó khăn, rủi ro và bất trắc có thể gặp phải trong quá trình du học;
- Không thực hiện niêm yết công khai thông tin tại trụ sở và tại trang thông tin điện tử của tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học về các nội dung liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học theo quy định;
- Không thực hiện chế độ báo cáo việc tuyển sinh và đưa công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập; không báo cáo hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học theo quy định;
- Không thực hiện lưu trữ hồ sơ gửi công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập theo quy định;
- Sử dụng nhân viên tư vấn du học không có chứng chỉ nghiệp vụ tư vấn du học theo quy định.
Phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng khi không ký hợp đồng tư vấn du học với người có nhu cầu đi du học hoặc cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp hoặc ký hợp đồng không bảo đảm nội dung, nguyên tắc theo quy định; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học đối với người học đã được tư vấn và ra nước ngoài học tập.
Đối với hành vi ủy quyền hoặc cho thuê hoặc cho mượn giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học; nhận ủy quyền của tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học khác để kinh doanh dịch vụ tư vấn du học cho người có nhu cầu đi du học ở nước ngoài bị phạt từ 50 – 60 triệu đồng.
Nghị định số 88/2022/NĐ-CP cũng nêu rõ phạt tiền từ 60 – 80 triệu đồng đối với hành vi tiếp tục tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học trong thời gian bị đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.
Phạt tiền từ 80 – 100 triệu đồng đối với hành vi tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.
Khoản 1 Điều 118 Nghị định 125/2024/NĐ-CP quy định tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ tư vấn du học khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Gian lận để được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học;
- Trong quá trình hoạt động không bảo đảm điều kiện quy định tại Điều 116 Nghị định 125/2024/NĐ-CP;
- Vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ phải đình chỉ;
- Cho thuê hoặc cho mượn giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học;
- Không thực hiện trách nhiệm của tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học theo quy định;
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Vào tháng 10/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đã phối hợp với Công an tỉnh (PA03) tiến hành kiểm tra trực tiếp đối với 39 đơn vị kinh doanh dịch vụ tư vấn du học trên địa bàn.
Qua kiểm tra, Đoàn liên ngành đã phát hiện nhiều doanh nghiệp, tổ chức, văn phòng không có giấy phép hoặc có giấy phép nhưng không thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn tại địa điểm đã được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp giấy chứng nhận, không thực hiện báo cáo định kỳ; hoặc được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp giấy chứng nhận nhưng đã dừng hoạt động hoặc chưa hoạt động.
Cụ thể, đình chỉ kinh doanh dịch vụ tư vấn du học đối với 20 đơn vị không đảm bảo các điều kiện hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học theo quy định. Thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ tư vấn du học đối với 2 đơn vị dừng hoạt động hoặc không đủ điều kiện hoạt động. [1]
Trước đó, vào tháng 03/2023, đoàn kiểm tra gồm Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng và Công an thành phố cũng phát hiện 4 địa điểm thuộc địa bàn quận, huyện Ngô Quyền, Kiến An và An Dương thực hiện hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học nhưng chưa có giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ tư vấn du học. Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 45 triệu đồng. [2]
Sau nhiều phản ánh về hoạt động tư vấn du học, đào tạo nghề, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài... có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tháng 01/2025, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có văn bản yêu cầu các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức xử lý nội dung liên quan phản ánh của báo chí về hoạt động tư vấn du học. [3]
Qua đó có thể thấy, hành trình du học không hoàn toàn trải đầy hoa hồng như nhiều người lầm tưởng khi ngay bước đầu tiên đã có lắm gian truân. Trong giấc mơ chạm đến cánh cửa tri thức toàn cầu, sự tỉnh táo và chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ là hành trang vững chắc, giúp các gia đình tránh khỏi những rủi ro không đáng có.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://daibieunhandan.vn/ha-tinh-dinh-chi-hang-loat-doanh-nghiep-hoat-dong-dich-vu-tu-van-du-hoc-post394519.html
[2] https://thanhphohaiphong.gov.vn/4-don-vi-tu-van-du-hoc-o-hai-phong-bi-xu-phat.html
[3] https://nld.com.vn/tp-hcm-yeu-cau-xu-ly-nghiem-cac-hoat-dong-tu-van-du-hoc-dao-tao-nghe-vi-pham-phap-luat-196250110165928476.htm