Hiệu quả từ Hội thi nâng cao năng lực phụ đạo giúp HS hoàn thành chương trình

20/05/2025 06:52
Sơn Quang Huyến

GDVN - Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức Hội thi nâng cao năng lực phụ đạo giúp học sinh hoàn thành chương trình lớp học năm học 2024-2025.

Năm học 2024 -2025 Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức Hội thi nâng cao năng lực phụ đạo giúp học sinh hoàn thành chương trình lớp học lấn thứ nhất, dành cho giáo viên chủ nhiệm lớp ở các trường tiểu học trên toàn tỉnh.

Theo đó, nội dung hội thi giúp học sinh hoàn thành chương trình lớp học. Hình thức thi: Khảo sát 2 lần;
Lần 1: Tổ Giám khảo căn cứ vào danh sách học sinh do nhà trường/giáo viên đăng ký khảo sát năng lực đầu năm của học sinh tại các trường tham gia dự thi vào tháng 10, 11/2024.

Lần 2: Tổ Giám khảo căn cứ vào danh sách học sinh đã khảo sát lần 1 khảo sát lại năng lực cuối năm vào tháng 5/2025.

edfd90d7-49c0-413c-9615-b9845c59f674.jpg
Lịch khảo sát lần 2 Hội thi nâng cao năng lực phụ đạo giúp học sinh hoàn thành chương trình lớp học.

Căn cứ đánh giá học sinh: Kết quả khảo sát lần 2 của Tổ giám khảo; Kết quả bài kiểm tra cuối kỳ II của học sinh (chủ yếu 2 môn Toán, Tiếng Việt).

Tiêu chí đạt giải: Đối với giáo viên: Căn cứ vào số học sinh và kết quả đạt mức hoàn thành chương trình lớp học của mỗi lớp theo thực tiễn để xếp giải từ cao xuống thấp. Giáo viên xếp giải sẽ được công nhận danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi; Đối với nhà trường: xếp giải cao nhất đối với trường đạt 100% học sinh hoàn thành chương trình lớp học/chương trình tiểu học.

Hội thi nâng cao năng lực phụ đạo giúp học sinh hoàn thành chương trình lớp học đã được các thầy cô giáo tiểu học nhiệt tình hưởng ứng.

z6608150934492-ddd358a3aaa191894980122598c24a23.jpg
Cô giáo Trịnh thị Liên, Trường Tiểu học Quang Trung, thành phố Vũng Tàu. Ảnh NVCC

Cô giáo Trịnh thị Liên, Trường Tiểu học Quang Trung, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, chia sẻ kinh nghiệm của bản thân khi phụ đạo học sinh: “Đối với học sinh cần phụ đạo, giáo viên ngoài việc phải nắm được đặc điểm tâm lí lứa tuổi của các em, thì giáo viên cần phải nắm được những điểm mạnh, điểm yếu của từng em.

Có em đọc chậm do bị ngọng, có em viết chậm do tay yếu; Có em thể trạng sức khỏe kém, không đảm bảo việc học. Có em tư duy chậm không biết suy luận khi làm toán,..... thậm chí có những đối tượng học sinh khuyết tật về cơ thể, về tư duy, ngôn ngữ,...

Giáo viên phải lên kế hoạch phụ đạo (mục tiêu, yêu cầu, cách tiến hành) phù hợp với từng đối tượng học sinh trong lớp.

Trong quá trình phụ đạo cần tiến hành phụ đạo cho học sinh theo kế hoạch đã lập, không vội vàng, nhảy cóc, luôn phải nhớ “dục tốc bất đạt” khi phụ đạo, bồi dưỡng học sinh yếu.

Thầy cô cần phải lưu ý : Luôn đánh giá từng giai đoạn đạt được của học sinh để có những điều chỉnh thích hợp với từng học sinh.

Luôn dành lời động viên khen ngợi nhưng tiến bộ dù nhỏ nhất của học sinh, chính những lời động viên đó là lời khích lệ, để các em có động lực vươn lên. Khi học sinh tiến bộ, giáo viên có phần thưởng cho các em, những phần thưởng nhỏ nhằm khích lệ, ghi nhận để các em vượt lên chính mình, các em hôm nay tiến bộ hơn hôm qua đó là niềm hạnh phúc của tôi.

Trong quá trình phụ đạo, luôn phối hợp với phụ huynh học sinh để giáo dục, rèn luyện cho các em ở nhà. Phối hợp được với phụ huynh, tức giáo viên có thêm người giúp đỡ, không đơn đọc, tỷ lệ thành công sẽ tăng lên”.

Một thành viên giám khảo hội thi cho biết: “Tôi là giám khảo hội thi, tôi cảm nhận giáo viên đăng kí dự thi đã tốn rất nhiều công sức, tâm huyết của mình để phụ đạo cho học sinh.

Các thầy cô đã rất nhẫn nại, ân cần, chịu khó theo sát các em. Bản thân tôi cũng hòa chung niềm hạnh phúc với giáo viên dự thi khi ở lần khảo sát cuối năm, có rất nhiều em tiến bộ rõ rệt, công sức của thầy cô đã có tác dụng rõ rệt.

Các em học sinh yếu đã biết đọc, biết viết, biết làm toán đạt yêu cầu của chương trình. Tưởng chừng như đó là điều đơn giản, là kết quả tối thiểu phải đạt được, song với các cô giáo có học sinh làm khảo sát thì đây là cả một sự kỳ công, cả một sự nỗ lực của cô và trò.

Thật hạnh phúc khi thấy rõ hiệu quả của hội thi, nhờ có hội thi mà có thêm nhiều em được hoàn thành chương trình lớp học nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh nhà. Tôi tin rằng, những giáo viên tham gia hội thi sẽ đúc rút, lan tỏa kinh nghiệm của mình, truyền cảm hứng cho đồng nghiệp công tác tốt hơn, hiệu quả hơn trong giáo dục học sinh”.

Một phụ huynh có con tham gia khảo sát lần 2 ngày 16/5/2025 tại Trường Tiểu học Bông Trang (Xuyên Mộc) cho biết: “Con tôi không được nhanh nhẹn trong học tập. Có những bài toán đơn giản nhưng phải hướng dẫn nhiều lần cháu mới hiểu, nên khi dạy cháu ở nhà tôi rất dễ nổi nóng, cáu giận.

Được cô giáo hướng dẫn, kèm cặp nhiều nên cháu cũng có nhiều tiến bộ. Tôi biết, cô giáo đã rất vất vả vì con tôi, cháu có tiến bộ hơn, tôi cũng mừng lắm, tôi xin cảm ơn cô giáo đã kiên nhẫn phụ đạo cho cháu”.

Hội thi nâng cao năng lực phụ đạo giúp học sinh hoàn thành chương trình lớp học đã có tác dụng tích cực trong giáo dục; nâng cao chất lượng dạy học, góp phần nâng cao nghiệp vụ cho giáo viên nói chung và giáo viên tham gia hội thi nói riêng;

Hội thi nâng cao năng lực phụ đạo giúp học sinh hoàn thành chương trình lớp học, là hội thi hay, các địa phương trên cả nước có thể tham khảo, thực hiện.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến