ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội là đơn vị duy nhất đào tạo Biên kịch điện ảnh

20/05/2025 06:28
Hồng Linh

GDVN - Chuyên ngành Biên kịch điện ảnh tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội được đào tạo dựa trên cơ sở lý luận là kịch học điện ảnh.

Hiện tại, ở Việt Nam, duy nhất khoa Nghệ thuật Điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đào tạo chuyên ngành Biên kịch điện ảnh (trong mã ngành 7210233 - Biên kịch Điện ảnh, truyền hình).

Theo thông báo tuyển sinh đại học chính quy năm 2025, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội dự kiến tuyển sinh 35 chỉ tiêu sinh viên ngành Biên kịch điện ảnh, truyền hình.

Trong đó, chuyên ngành Biên kịch điện ảnh 15 chỉ tiêu (mã ngành: 7210233A) và chuyên ngành Biên tập truyền hình 20 chỉ tiêu (mã ngành: 7210233B).

Chuyên ngành Biên kịch điện ảnh thi 2 vòng. Vòng sơ tuyển thi kiến thức chung về văn hóa xã hội và văn học nghệ thuật. Vòng thứ 2 gồm Môn năng khiếu 1 thi Viết sáng tác tiểu phẩm điện ảnh (Hệ số 2); Môn năng khiếu 2 thi Vấn đáp Khả năng sáng tác kịch bản, hiểu biết về điện ảnh (Hệ số 1); Môn 3 xét tuyển là Ngữ văn.

Mở rộng biên độ đào tạo để đáp ứng yêu cầu mới

Chia sẻ về vấn đề đào tạo, trao đổi phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đặng Thu Hà - Phó Trưởng khoa, Khoa Nghệ thuật Điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho biết: "Chuyên ngành Biên kịch điện ảnh sẽ đào tạo các biên kịch chuyên nghiệp để sáng tác kịch bản phim truyện, phim điện ảnh. Ngoài ra, người học có thể ứng dụng kiến thức để viết kịch bản cho một số loại hình như kịch bản chuyển thể, kịch bản tài liệu...

So với các chương trình đào tạo khác liên quan đến viết văn, viết kịch bản, chuyên ngành Biên kịch điện ảnh tại khoa Nghệ thuật Điện ảnh được đào tạo dựa trên cơ sở lý luận là kịch học điện ảnh.

Đặc thù và thế mạnh của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội là nghệ thuật điện ảnh. Bởi vậy, chúng tôi cố gắng đào tạo một cách bài bản biên kịch điện ảnh có thể sáng tạo kịch bản cho phim chiếu rạp và chúng tôi tin rằng đây vẫn là một loại hình kinh điển.

Ngoài ra, trước bối cảnh công nghệ số, phía khoa cũng có những hướng dẫn, giúp sinh viên được thực hành, chuyển đổi, vận dụng lý thuyết sang sản xuất để phục vụ thị trường.

Khoa không chủ trương thay đổi toàn bộ mà kế thừa, vận dụng để mở rộng biên độ đào tạo, nhằm mang lại sự thuận lợi hơn cho sinh viên, có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường".

6-127-1024x666.jpg
Tiến sĩ Đặng Thu Hà - Phó Trưởng khoa Nghệ thuật Điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Ảnh: Website nhà trường.

Đề cập thêm về chương trình đào tạo, Tiến sĩ Đặng Thu Hà cho biết, mỗi năm khoa Nghệ thuật Điện ảnh đều có những cải tiến. Một mặt, chương trình đảm bảo sinh viên nắm vững quy trình sáng tác kịch bản điện ảnh từ hình thành ý tưởng đến triển khai kịch bản chi tiết, có khả năng thực hành hoàn thiện kịch bản với dung lượng từ 90 đến 120 phút.

Ngoài ra, khoa đưa thêm các chuyên đề về phim hoạt hình, phim quảng cáo; mời chuyên gia trong lĩnh vực sáng tạo nội dung số để hướng dẫn sinh viết kịch bản thương mại, quảng bá thương hiệu cá nhân…

"Với sinh viên năm nhất chúng tôi hướng dẫn các bạn sáng tạo kịch bản phim ngắn để có thể chuyển sang cho sinh viên lớp Quay phim Điện ảnh và Đạo diễn Điện ảnh, từ đó sản xuất thành phim. Năm thứ 2 và thứ 3, khi sinh viên đã nắm vững quy trình sáng tạo, chúng tôi sẽ kết nối với các công ty đang có nhu cầu về biên kịch để sinh viên tham gia trực tiếp vào ê kíp sản xuất.

Năm thứ 4, chúng tôi khuyến khích và giới thiệu sinh viên nộp ý tưởng truyền hình sang các đơn vị sản xuất series truyền hình. Như vậy, quá trình ứng dụng thực hành sẽ đi song song cùng với các học phần lý thuyết" - cô Hà nói.

Tiến sĩ Đặng Thu Hà cho biết, nghề biên kịch điện ảnh đòi hỏi người học, người làm nghề phải có vốn sống, trải nghiệm. Ngoài ra, họ cần có niềm đam mê với việc kể chuyện bằng hình ảnh, có khả năng quan sát và xử lý thông tin.

Người biên kịch phải lật qua, lật lại các vấn đề của cuộc sống để phát hiện hiện thực, qua đó bộc lộ cái nhìn về nhân sinh quan, thế giới quan, giá trị quan.

Bàn về tiềm năng của chuyên ngành trên, Tiến sĩ Đặng Thu Hà khẳng định, nhu cầu về nhân lực, kịch bản hiện nay đang rất bức thiết, tuy nhiên vẫn có khoảng cách giữa cung và cầu. Điều này liên quan tới nhiều đối tượng.

Ví dụ, mỗi đơn vị sản xuất đều có tiêu chí riêng hay mỗi khán giả lại có thị hiếu khác nhau. Ngoài ra, còn xuất phát từ những điều muốn kể của người biên kịch. Do đó, tại Việt Nam vẫn luôn trong tình trạng thiếu kịch bản hay, thiếu biên kịch.

Khi theo học ở trường, sinh viên được cung cấp những kiến thức học thuật, hàn lâm nhưng thị trường thì lại đang đòi hỏi những sản phẩm nhanh, phục vụ nền tảng số. Vì vậy, điều này cũng gây ra những bất cập.

Không ai có thể chỉ làm nghệ thuật thuần túy nhưng cũng không nên chạy theo việc sản xuất hàng loạt mà không tính đến những yếu tố nghệ thuật bài bản đã được đào tạo. Do đó, người biên kịch phải cố gắng tìm cách cân bằng giữa thương mại và nghệ thuật. Tức là trong quá trình trải nghiệm, va đập với việc sáng tạo cho thị trường vẫn cần luôn nghĩ đến tác phẩm nghệ thuật riêng mình để tích lũy kinh nghiệm và nuôi dưỡng dự án.

Với niềm đau đáu đó, sinh viên sẽ không bỏ phí tài năng, kiến thức, cũng là thế mạnh mà những người làm sáng tạo nội dung khác không có được.

"Biên kịch điện ảnh là chuyên ngành học khó, làm nghề gian nan, chúng tôi không tô hồng bằng tiền bạc hay sự nổi tiếng mà thành thật rằng nghề này rất gian nan và cũng chọn người phù hợp.

Niềm vui với người biên kịch đến từ việc đào sâu suy ngẫm về cuộc đời để được sống sâu hơn, lâu hơn. Họ có mong muốn bộc lộ quan điểm riêng của mình với hiện thực và đưa ra thái độ, ý kiến riêng để đóng góp cho cuộc đời. Nỗ lực đó nó mới khiến người biên kịch không thể ngừng viết" - cô Hà bày tỏ.

Viết kịch bản không phải chỉ dựa vào cảm xúc

Nói về lý do lựa chọn chuyên ngành Biên kịch điện ảnh, em Thuận Vương Thùy Anh - sinh viên năm thứ 4 cho biết: "Với em, phim ảnh như một cách để chữa lành. Em học cách thấu cảm cuộc đời từ những câu chuyện trên màn ảnh. Càng xem nhiều, em càng tò mò về cách những câu chuyện được viết ra, và điều đó dẫn em đến chuyên ngành này.

Trở thành biên kịch, đối với em, là một hành trình không ngừng học hỏi và tìm kiếm những vẻ đẹp tiềm ẩn trong từng câu chuyện, từng con người. Em chọn viết, vì mong một ngày, câu chuyện của mình cũng có thể chạm vào ai đó, như cách những bộ phim từng chạm vào em.

So với hình dung ban đầu, việc học tại khoa Nghệ thuật Điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đã vượt kỳ vọng của em. Em được thực hành nhiều, từ viết kịch bản, phân tích phim, đến thảo luận và chỉnh sửa theo phản hồi của các thầy cô. Những kiến thức và trải nghiệm này giúp em viết tốt hơn và biết nhìn nhận, đánh giá phim dựa trên góc độ nghề nghiệp hơn là một người xem phim cảm tính".

Với Thùy Anh, điều hấp dẫn nhất của việc học Biên kịch điện ảnh là giúp người viết được sống nhiều cuộc đời khác nhau. Mỗi kịch bản mở ra một thế giới mới, buộc người viết phải quan sát, tìm hiểu đời sống, chạm vào thực tế – từ đó vốn sống cũng dày lên theo từng trang viết.

Nói thêm về bí quyết học tập, bạn sinh viên cho hay, kỳ học thách thức nhất với em là xây dựng ý tưởng và viết kịch bản phim truyền hình dài tập. Vì điều này vừa cần cảm xúc, vừa cần kỹ thuật và sự kỷ luật. Viết một câu chuyện ngắn có thể chỉ dựa vào cảm xúc, nhưng để giữ mạch cảm xúc xuyên suốt hàng chục tập phim, người viết phải thật tỉnh táo và đồng bộ khi làm việc nhóm.

Để tiếp thu tốt nhất các bài học, Thùy Anh luôn ghi chép kỹ góp ý của thầy cô, xem lại phim, đọc sách, tổng hợp kiến thức để sửa kịch bản nhiều lần. Thùy Anh đặt ra thời hạn cho từng bước, rèn tính kỷ luật bằng cách đọc – xem – viết – lắng nghe và kiên nhẫn. Em cũng tìm đọc thêm kịch bản phim trong và ngoài nước để học hỏi cách xử lý câu chuyện từ nhiều góc nhìn.

92a9693-1-2959.jpg
Sinh viên chuyên ngành Biên kịch điện ảnh trong buổi học với chuyên gia nước ngoài. Ảnh: Website trường.

Dưới góc nhìn của cựu sinh viên, chị Đỗ Thị Hảo - hiện đang đảm nhận vị trí Biên kịch tại Công ty Cổ phần Nghệ thuật giải trí Hoa Dương cho biết: “Khi theo học chuyên ngành Biên kịch điện ảnh tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, tôi không chỉ được học kiến thức chuyên sâu, bài bản về nghiệp vụ biên kịch, mà còn được bổ sung thêm một phần kiến thức về nghiệp vụ quay phim, đạo diễn, dựng phim…

Những kiến thức này giúp tôi hiểu rõ hơn về toàn bộ quá trình làm phim, từ đó viết ra những kịch bản phù hợp với thực tiễn sản xuất. Ngoài ra, tôi còn có cơ hội được rèn luyện trong một môi trường nghệ thuật có tính định hướng lâu dài".

Chị Hảo cho biết, trước khi vào học, chị tương đối mơ hồ về khái niệm “biên kịch”. Việc sáng tác đối với chị chủ yếu dựa trên bản năng để thỏa mãn trí tưởng tượng và cảm xúc cá nhân.

Tuy nhiên, sau khi trở thành sinh viên chuyên ngành Biên kịch điện ảnh, chị nhận ra rằng viết kịch bản không chỉ là sáng tạo mà còn là một công việc mang tính khoa học, đòi hỏi sự rõ ràng, rành mạch và có tổ chức.

Khối kiến thức khiến chị Hảo cảm thấy thách thức nhất là việc giữ đúng cấu trúc kịch bản và phát triển nhân vật một cách hợp lý, có chiều sâu. Việc sắp xếp tình tiết, giữ mạch cảm xúc, và đảm bảo tính logic cho toàn bộ kịch bản là điều rất khó. Đặc biệt, phát triển một nhân vật có "hành trình" rõ ràng, vừa thuyết phục vừa độc đáo đòi hỏi rất nhiều kỹ năng quan sát, phân tích và trải nghiệm thực tế.

Chia sẻ về kinh nghiệm viết kịch bản, chị Hảo bày tỏ: “Trong quá trình hoàn thành một kịch bản, người viết cần chủ động chuẩn bị cho một quá trình quá trình chuyển biến về tâm lý, thái độ như sau: Khi bắt đầu viết phải thực sự tin vào câu chuyện, nhân vật và thông điệp mà mình đang viết.

Sau khi hoàn thành bản thảo, cố gắng giữ thái độ khách quan, cầu thị, lắng nghe góp ý, không chỉ từ giảng viên mà có thể từ các bạn học xung quanh, mỗi người là mỗi góc nhìn mới.

Việc lắng nghe không đồng nghĩa với việc dễ dàng thay đổi theo mọi ý kiến mà vẫn cần giữ được chất riêng và kiên định với những giá trị cốt lõi, sẵn sàng trao đổi, phản biện cho đến khi tìm ra phương án phù hợp nhất.

Bên cạnh đó, không ngừng chủ động học hỏi từ những người xung quanh, không chỉ quan sát những ví dụ tốt để noi theo, mà còn ghi nhớ cả những điều chưa hiệu quả để tránh mắc lại".

Hiện tại, chị Hảo đã tốt nghiệp đại học được 3 năm. Chị đang muốn thử sức ở nhiều công việc có yếu tố sáng tạo, sẵn sàng tham gia vào các dự án liên quan đến viết nội dung, phát triển ý tưởng, biên tập sáng tạo cho các nền tảng số, quảng cáo, hoặc là làm việc trong lĩnh vực truyền thông - miễn là có thể vận dụng khả năng kể chuyện và rèn luyện tư duy hình ảnh.

Việc trải nghiệm đa dạng có thể giúp chị mở rộng góc nhìn, tích lũy kinh nghiệm thực tế và hiểu sâu hơn về tâm lý khán giả cũng như xu hướng thị trường.

Song song với quá trình đó, chị không ngừng trau dồi và phát triển kỹ năng chuyên môn về biên kịch, hướng tới con đường lâu dài là trở thành biên kịch chuyên nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh, truyền hình

Theo chị Hảo, ngoài kiến thức chuyên môn về biên kịch, bản thân cần bổ sung thêm nhiều kỹ năng khác để thích nghi với môi trường làm việc thực tế như kiến thức về sản xuất phim - để hiểu rõ quy trình từ kịch bản đến khi sản xuất, từ đó có ý thức sáng tạo những kịch bản “phù hợp với sản xuất”, không chỉ là những kịch bản thoả mãn nhu cầu sáng tạo cá nhân.

Bên cạnh đó, chị bổ sung kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm, vì làm phim là công việc tập thể, biên kịch phải biết lắng nghe và thuyết phục. Ngoài ra, chị Hảo học thêm kiến thức về thị trường và thị hiếu khán giả để tác phẩm không chỉ hay mà còn có khả năng tiếp cận công chúng.

create-a-short-film-educational-presentation-in-dark-blue-yellow-textured-flat-graphic-style-6723-631.jpg
Ảnh minh họa: Hồng Linh.

Từ phía đơn vị sử dụng lao động, chị Nguyễn Thu Trang - Phó phòng Tổ chức sản xuất, Công ty Truyền thông Viettel (Viettel Media) cho biết: “Những sinh viên được đào tạo về biên kịch điên ảnh có nền tảng kiến thức vững chắc nên nhanh chóng phân tích, tìm hiểu, đào sâu vấn đề khi tiếp xúc với yêu cầu thực tế của các đơn vị sản xuất.

Hiện tại, công ty chúng tôi cũng đang có nhu cầu tuyển dụng biên kịch dù số lượng không nhiều. Khi đánh giá ứng viên, ngoài kiến thức, chúng tôi nhìn vào khả năng đáp ứng đa dạng yêu cầu công việc. Ứng viên có thể viết kịch bản phim sitcom, series, kịch bản quảng cáo… cho mục tiêu kinh doanh và nhu cầu khán giả".

Chị Trang cũng cho biết, Công ty Truyền thông Viettel từng nhận sinh viên học Biên kịch điện ảnh của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đến thực tập. Chị đánh giá, các bạn sinh viên năng động, có kiến thức nền tảng, đáp ứng được nhu cầu của đơn vị đồng thời chịu được áp lực công việc.

Dành lời khuyên cho các bạn biên kịch trẻ, chị Trang nói: "Điều quan trọng là các bạn phải áp dụng được kiến thức vào thực tế để có thể viết được một kịch bản vừa logic, chặt chẽ vừa hấp dẫn lại đảm bảo kinh phí sản xuất, tiến độ sản xuất.

Ngoài ra, các bạn cũng cần nắm bắt nhanh các yêu cầu, thay đổi linh hoạt, thích ứng với công việc. Bên cạnh đó, nhà biên kịch không chỉ trau dồi kiến thức mà còn cần nhìn vào cuộc sống, nắm bắt hơi thở của cuộc sống để biết cách khai thác, tìm hiểu sâu thông tin".

Hồng Linh