Hiệu trưởng cấp bằng tốt nghiệp THPT giúp tăng tính tự chủ và trách nhiệm

20/05/2025 06:33
Đình Nam

GDVN - Đề xuất chuyển giao quyền cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông cho hiệu trưởng cơ sở giáo dục được cho là phù hợp với thực tiễn và xu thế hiện nay.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Trong đó, Bộ đề xuất giao thẩm quyền cho hiệu trưởng trường trung học phổ thông/người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục trung học phổ thông cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông thay vì giám đốc sở giáo dục và đào tạo cấp như hiện nay.

Nội dung này nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục, tuy nhiên vẫn còn một số băn khoăn. Đồng thời, lãnh đạo các đơn vị cũng hi vọng nếu đề xuất này được thông qua thì cần có hướng dẫn cụ thể về quy trình sử dụng phôi bằng, cấp phát, lưu trữ.

Tăng tính tự chủ, vai trò và trách nhiệm, phù hợp với thực tiễn và xu thế

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lê Khánh Toàn, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lâm nghiệp - Trường Đại học Lâm nghiệp (Chương Mỹ, Hà Nội) cho rằng việc chuyển giao quyền cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông cho hiệu trưởng như dự thảo là hoàn toàn khả thi.

“Theo quan điểm của tôi, việc giao quyền cấp bằng tốt nghiệp cho hiệu trưởng các cơ sở giáo dục phổ thông hoàn toàn có thể thực hiện được và là một bước tiến phù hợp trong xu hướng tăng cường tính dân chủ, tự chủ và trách nhiệm tại các nhà trường.

Thực tế hiện nay, hiệu trưởng đã được giao quyền ký giấy chứng nhận hoàn thành chương trình học cho học sinh khi các em đủ điều kiện. Dù phôi giấy chứng nhận vẫn do cơ quan quản lý cấp trên cung cấp và quản lý, nhưng việc phân cấp, phân quyền ký đã và đang được triển khai tương đối hiệu quả.

Vì vậy, việc tiếp tục phân cấp thêm, giao quyền ký và cấp bằng tốt nghiệp cho hiệu trưởng là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, điều cốt lõi để đảm bảo sự thành công của chủ trương này vẫn là công tác quản lý và giám sát từ cấp trên, nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy định, minh bạch và nhất quán trong toàn hệ thống.

Chủ trương này cũng thể hiện sự tương đồng với xu hướng quốc tế, khi nhiều nước đã áp dụng cơ chế phân cấp trong cấp phát văn bằng, chứng chỉ. Vấn đề mấu chốt nằm ở việc đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong quy trình quản lý, đồng thời triển khai các giải pháp kỹ thuật như chữ ký số nhằm đảm bảo tính pháp lý, trách nhiệm và rút ngắn thời gian.

Khi đó, việc giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp sẽ rõ ràng hơn, cấp trên vẫn giữ vai trò kiểm soát, giám sát chặt chẽ để đảm bảo học sinh chỉ được cấp bằng khi đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định”, thầy Toàn bày tỏ.

unnamed-97.jpg
Thầy Lê Khánh Toàn - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lâm nghiệp - Trường Đại học Lâm nghiệp. Ảnh: website nhà trường.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lâm nghiệp, về mặt tổ chức bộ máy, việc phân cấp này là phù hợp với đặc điểm của chính quyền hai cấp ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách hành chính và giao quyền cho cơ sở. Đối với cấp học từ trung học cơ sở trở xuống, việc chuyển giao quyền cấp bằng, giấy chứng nhận về cấp xã là xu thế tất yếu.

Tương tự, với các cơ sở giáo dục như trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên... hiện đang thuộc quản lý của sở giáo dục và đào tạo, thì cũng nên xem xét phân quyền xuống cấp dưới để giảm tải cho các sở, giúp tinh gọn bộ máy và rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục hành chính.

Đồng quan điểm trên, thầy Ngô Văn Nghĩa - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Quốc Trinh (Thanh Trì, Hà Nội) khẳng định thay đổi này phù hợp với tình hình thực tiễn và xu thế hiện nay.

unnamed-98-8939.jpg
Thầy Ngô Văn Nghĩa - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Quốc Trinh (Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: website nhà trường.

“Đề xuất chuyển thẩm quyền cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông từ giám đốc sở giáo dục và đào tạo sang hiệu trưởng trường trung học phổ thông là một chủ trương lớn thể hiện sự phân cấp, phân quyền trong quản lý giáo dục, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, phù hợp với xu thế chung và phù hợp với nguyên tắc nơi nào đào tạo, nơi đó cấp bằng.

Việc giao quyền này sẽ nâng cao quyền tự chủ của cơ sở giáo dục cũng như vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục, giúp cơ quan quản lý giảm tải công việc trong bối cảnh sáp nhập tỉnh thành. Người đứng đầu cơ sở giáo dục vẫn hoàn toàn chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên là sở giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh đó, điều này thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục về chất lượng đào tạo, chất lượng đầu ra, uy tín, thương hiệu của nhà trường. Một số nền giáo dục tiên tiến trên thế giới cũng đã thực hiện việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục.

Vì vậy, việc thay đổi này là phù hợp với thực tiễn và xu thế. Đây là một chủ trương mang tính cải cách hành chính mạnh mẽ, hướng đến phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ và trách nhiệm giải trình cho các cơ sở giáo dục, trong bối cảnh nước ta đang thực hiện chính quyền địa phương hai cấp”, thầy Nghĩa cho hay.

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lâm nghiệp chia sẻ thêm, đối với các nhà trường, sự thay đổi này mang lại nhiều thuận lợi hơn trong khâu tổ chức, xử lý hồ sơ sau khi có kết quả tốt nghiệp.

“Trước đây, chúng tôi phải chờ sự phê duyệt từ sở giáo dục và đào tạo rồi mới cấp bằng cho học sinh, điều này gây không ít chậm trễ, đặc biệt với những em có nguyện vọng du học hoặc cần hồ sơ sớm.

Nếu phân cấp được quyền cấp bằng về trường, đồng thời thống nhất về thời gian phát bằng trên toàn hệ thống, thì sẽ hỗ trợ đáng kể cho các em học sinh trong việc hoàn thiện hồ sơ, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế”, thầy Toàn bày tỏ.

Cần có hướng dẫn và quy định rõ ràng về quy trình sử dụng phôi bằng, cấp phát, lưu trữ

Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục đề xuất giao quyền cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông cho hiệu trưởng các cơ sở giáo dục phổ thông nhận được nhiều sự ủng hộ, tuy nhiên vẫn còn một số băn khoăn.

Theo thầy Hà Văn Hải - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), đây là một chủ trương thể hiện quyết tâm phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, nhằm nâng cao tính tự chủ và trách nhiệm của các cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, việc chuyển giao thẩm quyền này cũng đặt ra một số băn khoăn. Đặc biệt là về tâm lý học sinh và xã hội khi bằng tốt nghiệp mang chữ ký của hiệu trưởng thay vì giám đốc sở giáo dục và đào tạo.

Theo đó, học sinh sẽ cảm thấy tự hào khi tốt nghiệp từ trường danh tiếng, trường chuyên, trường có uy tín. Nhưng ngược lại, học sinh ở các trường ít tiếng tăm, hoặc trường vùng sâu, vùng xa, có thể nảy sinh tâm tư khi bằng cấp không mang tính “long trọng” - được giám đốc sở giáo dục và đào tạo ký như trước đây.

Một lo ngại khác là việc cấp bằng tại từng trường có thể dẫn đến cảm giác phân biệt giữa các loại hình trường học (công lập, tư thục). Điều này đi ngược lại với nguyên tắc bảo đảm sự công bằng và thống nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Tuy vậy, thầy Hải cho biết, nếu nhìn ở góc độ quản trị, việc giao quyền cho hiệu trưởng là bước đi phù hợp với nguyên tắc "nơi nào đào tạo, nơi đó cấp bằng", góp phần nâng cao năng lực tự chủ và trách nhiệm giải trình của nhà trường.

Đây là xu hướng tất yếu trong cải cách giáo dục nhưng cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt tâm lý xã hội và quy định pháp lý để đảm bảo tính minh bạch, công bằng và sự đồng thuận trong toàn ngành.

Cùng bàn về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Quốc Trinh cho biết việc giao quyền cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông cho hiệu trưởng có thể đặt ra một số thách thức trong khâu quản lý, lưu trữ văn bằng.

Từ trước đến nay, nhiệm vụ này do sở giáo dục và đào tạo đảm nhiệm nên bảo đảm được tính đồng bộ và thống nhất. Khi chuyển giao cho các cơ sở giáo dục, cần có hướng dẫn và quy định rõ ràng về quy trình sử dụng phôi bằng, cấp phát, lưu trữ… để tránh xảy ra sai sót hoặc thiếu nhất quán.

Bên cạnh đó, việc trao quyền này cũng đòi hỏi hiệu trưởng các nhà trường phải phát huy vai trò tự chủ, nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời bảo đảm tính minh bạch và công khai trong việc công nhận, cấp phát văn bằng - vì đây là yếu tố thể hiện uy tín và trách nhiệm của nhà trường trước xã hội.

Đồng thời, việc trao quyền cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông cho hiệu trưởng cơ sở giáo dục cần đi kèm với công tác tuyên truyền sâu rộng, bảo đảm tính minh bạch và tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ người học, lấy chất lượng giáo dục làm ưu tiên hàng đầu; bởi chất lượng đầu ra chính là thước đo uy tín của mỗi nhà trường.

Đình Nam