Một vài suy nghĩ về triết lý và sách giáo khoa của Cánh Buồm

27/06/2019 06:53
Nguyễn Lan Hương
(GDVN) - Xin thành kính tri ân bác Phạm Toàn, một người thầy và một nhân cách Việt Nam!

LTS: Trước tin nhà giáo Phạm Toàn qua đời, tác giả Nguyễn Thị Lan Hương gửi đến Tòa soạn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết như một nén tâm nhang gửi đến người quá cố, đồng thời chia sẻ những tâm tư của mình về giáo dục, những gì nhà giáo Phạm Toàn đã một đời theo đuổi.

Tòa soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi, văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của tác giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Sách Cánh Buồm (https://canhbuom.edu.vn/sach-canh-buom/). (Ảnh minh hoạ: Tác giả cung cấp)
Sách Cánh Buồm (https://canhbuom.edu.vn/sach-canh-buom/). (Ảnh minh hoạ: Tác giả cung cấp)

Cảm tạ về những thành tựu Cánh Buồm và Phạm Toàn đã làm cho giáo dục Việt Nam

Những gì Cánh Buồm và Phạm Toàn đã làm và đóng góp cho giáo dục Việt nam, tôi, người thế hệ sau, không dám nói lên điều gì.  

Nhưng để cho những chia sẻ bởi Quỹ Phan Chu Trinh với lời khen tặng về những thành tựu họ đã làm ở Việt Nam nói lên lời cảm ơn, thay cho tất cả. [1]

Cá nhân tôi, được biết Phạm Toàn và những con người thế hệ của ông, những bạn bè ông, qua Trần Văn Thủy và Báo Điện tử Giáo dục Việt nam.  

Khác nhau về nhiều điều, nhiều quan điểm, nhưng chúng tôi tự hào về bản thân là người Việt, người Hà Nội chân chính, và cốt cánh đó, không đổi theo năm tháng!  

Chỉ những ai biết yêu thương con người, mới biết làm giáo dục, là điều chúng tôi cùng chia sẻ, với Phạm Toàn và với những bạn hữu xa gần, dù có hay chưa gặp mặt, ở Việt Nam hay ở nước ngoài.

Tôi có giới thiệu sách Cánh Buồm cho những tổ chức nghiên cứu giáo dục ở nước ngoài, không phải vì tôi tin vào chất lượng của nó, mà theo quan điểm cá nhân tôi, nếu chúng ta có sách giáo khoa nhà nước làm, và nay có một bộ sách khác nữa, để tham khảo, thì chúng ta có nhiều điều để so sánh và suy ngẫm hơn.

Dẫu thú thật, với cá nhân tôi, tôi biết rõ những gì Cánh Buồm làm, cũng là những nỗ lực cá nhân vượt bậc của bao năm tháng với bao con người xa gần góp sức!

Vì điều này, tôi luôn coi Phạm Toàn như một người đáng tri ân, một người có thể rất khác mình, nhưng là bạn già, bạn để nói thật, bạn để thẳng thắn rằng, cháu không nghĩ đó là cách làm đúng, nếu đó là điều không nên làm, với giáo dục hay với con trẻ! 

Giáo dục là nhân cách con người, hay như Phạm Toàn hay nêu, là cách để thanh thiếu niên trưởng thành…mà hỡi ôi, trong thế giới phù phiếm của chúng ta hiện nay, người trưởng thành có khi lại bị ai đó “gắn mác” phản động, đi ngược xu hướng.

Còn có những kẻ tiểu nhân, đê tiện và sẵn sàng dùng mọi cách ngoi lên chức nọ tước kia hay vênh vanh vinh danh chỗ nào đó, nhưng lại chỉ là vỏ rỗng tuếch, trong đầu chả có một chữ nào để nói đến “Nhân – Nghĩa”, điều cốt tử của mọi con người, mọi xã hội.

Phạm Toàn ra đi, nhưng những bài thơ dịch “Những Đêm Mất Ngủ”, bài viết về linh hồn con người, và vô số những gì bác gửi cho tôi, sẽ đi theo tôi suốt cuộc đời này.  

Người bạn già vẫn luôn ở trong mỗi suy ngẫm về giáo dục và xã hội.  

Xin hãy yên nghỉ, đã xong một đời con người, đã sống và đáng sống, như một con người! 

(Câu này, tôi sẽ nói con tôi nhớ viết trên di ảnh của tôi, lúc nào tôi chết…bởi với tôi, cuộc sống đáng sống nhất là sống như một con người).

Nhà giáo Phạm Toàn đã sống và đáng sống, như một con người! (Ảnh :do gia đình nhà giáo cung cấp).
Nhà giáo Phạm Toàn đã sống và đáng sống, như một con người!  (Ảnh :do gia đình nhà giáo cung cấp).

Suy ngẫm về triết lý của Cánh Buồm

Để nhớ đến Phạm Toàn và Cánh Buồm, xin được nhắc lại triết lý của nhóm về giáo dục:

“Giáo dục là tổ chức sự trưởng thành cho thanh thiếu niên, không phải là đào tạo, không phải là theo đường lối của ai cả. Thanh thiếu niên tự làm ra chính mình bằng cách tự trang bị cho mình một tư tưởng, một phương pháp học. Và tư tưởng phương pháp đó được dùng ngay trong một ngôi trường bình thường của người Việt, để trở thành người Việt”

Và câu ông hỏi “Giáo dục sẽ dẫn dắt dân tộc này đi đến đâu”?

Cá nhân tôi nhớ, ông luôn mong giáo dục và thay đổi giáo dục phải giản dị, dễ hiểu để đi vào cuộc sống.  

Triết lý giáo dục về “tổ chức sự trưởng thành” là một triết lý tầm xa với những thế hệ lãnh đạo hiện nay về giáo dục và xã hội Việt Nam, bởi sự trưởng thành mà Phạm Toàn muốn nói, là để đối lại với tiếng lòng của Tản Đà:

"Dân hai nhăm triệu ai người lớn

Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”. 

Thực trạng của Việt Nam ở nhiều lĩnh vực đều nói đến tính “chưa trưởng thành” của chúng ta, trong đó có tôi, trong những công việc đã làm và đang làm, hay sẽ làm.  

Nhưng đó là một quá trình, mà dẫn dắt quá trình trưởng thành đó là thế hệ trí thức ưu tú, mà có lẽ không chỉ thời đại mới này, từ lâu, chúng ta đã và vẫn tranh cãi, liệu chúng ta có những nhà tri thức thật sự hay chưa, có những thế hệ trí thức ưu tú hay chưa? 

Các nhà quản lý giáo dục, xin hãy nghĩ lại!

Và họ có được lãnh đạo xã hội hay không?

Hay họ cũng chỉ cố gắng nhất như Phạm Toàn, đứng nép một bên của cánh cửa giáo dục và cố gắng làm được gì đó thì làm, rồi cũng cứ thế thôi với thời cuộc? 

Có những ai đó trong xã hội này, họ mong muốn đi lên toàn cầu hóa nhanh quá, nhanh đến độ họ quên toàn bộ giá trị con người và giá trị con người Việt, văn hóa Việt là gì!  

Với họ, mới là sẵn sàng đạp phá, sẵn sàng nhổ bỏ, sẵn sàng chà đạp lên nhân phẩm và cuộc đời kẻ khác, và những kẻ đó lại đang được tôn vinh, còn những kẻ mang danh sống như con người thật sự, tử tế thì thật nhỏ nhoi và tàn tệ với tư cách của những kẻ thất thế, lỗi thời và “xa xưa” rồi…và trở thành mồi ngon cho những kẻ nước ngoài “copy và paste” những giá trị “cổ điển” với danh “tích lũy tri thức thế giới”! 

Trưởng thành của một dân tộc ư?  

Khi chính những con trẻ của chúng ta đã và đang là miếng mồi để thử nghiệm đủ các loại giáo dục nước ngoài và trong nước, trên những năm tháng đầu đời đi học và kéo dài suốt hơn 14 năm học tập của chúng? 

Liệu ai dám nói khi nào những thử nghiệm giáo dục, thử nghiệm công nghệ giáo dục, thử nghiệm dữ liệu giáo dục trên người Việt, trên học sinh Việt được chấm dứt, khi chúng ta đang nợ quá nhiều?  

Sách giáo khoa Cánh Buồm

Tôi không phải là chuyên gia về giáo dục phổ thông và sách giáo khoa, nên thú thật, tôi không dám nói gì nhiều về vấn đề này. 

Tuy nhiên, với trải nghiệm hơn 25 năm giáo dục con và kinh nghiệm làm trong lĩnh vực giáo dục quốc tế, với 5 năm hơn đau thương ở Mỹ về giáo dục đại học và buộc phải nhìn lại chất lượng đại học Mỹ từ giáo dục phổ thông, tôi có mấy suy ngẫm sau, nếu có đâu sai sót, xin tất cả lượng thứ bởi đây cũng chỉ là từ một kẻ không chuyên môn!

(i) Nếu so sánh sách của Cánh Buồm với sách do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, thú thật, chắc chắn ai cũng thích cách tiếp cận của Cánh Buồm. Văn minh, hiện đại và có nhiều thứ “mới, lạ”.

Mục đích của chúng tôi là thấy được một tâm hồn Việt ở từng tế bào xã hội

(ii) Tuy nhiên, nếu nhìn và đọc kỹ lại những cách thức để phát triển nội dung sách, tôi có nhận ra, chúng ta nói đến giáo dục tâm hồn Việt, thì những cách để làm thơ theo kiểu Nhật là rất hay, nhưng khi nào nên dạy, dạy ra sao, và làm sao để học trò học và cảm nhận những điều đẹp từ những bài thơ, văn từ tiếng Việt, ca dao và văn hóa Việt đủ để thấm sâu vào con người chúng và sẽ không bao giờ phai nhạt?  

Cấp 2 dạy văn và có bổ sung văn hóa nước ngoài liệu là hợp lý hơn, hay cứ dạy tất cả càng sớm càng tốt?  

Tương tự như vậy, với những bài văn thơ, điều nói đến nhân nghĩa, nói đến tình thương đồng loại và thiên nhiên trong Cánh Buồm rất hay, nhưng với cá nhân tôi, tôi nghĩ đến năng lực cảm thụ đó ở độ tuổi nào là hợp, bởi chúng ta phải luôn nhớ đến con người là đặc biệt, là duy nhất…và tôi rất ngại văn hóa “chuyên văn” trong giáo dục Việt Nam!

(iii) Khi nói đến trưởng thành, phương pháp học sinh học cách học (how to learn), hãy luôn nhớ đến, mỗi con người là một thực thể rất riêng biệt, và buồn thay, những đẹp đẽ chúng ta dạy chúng, lại được xã hội đo lường dưới con mắt và góc độ rất khác.  

Nếu những đứa trẻ được học những điều đẹp đẽ đó, nhưng hàng ngày chúng phải đối mặt với sự thật khác: đánh nhau giữa cha mẹ, cãi vã nhau vì tiền giữa những người thân, “mua bán” danh lợi vì mưu cầu chức tước và quyền lực…

Nhà giáo Phạm Toàn, vị thuyền trưởng của nhóm Cánh Buồm, ảnh: canhbuom.edu.vn.
Nhà giáo Phạm Toàn, vị thuyền trưởng của nhóm Cánh Buồm, ảnh: canhbuom.edu.vn.

Chúng ta đang xây một thế giới không thật và thật cho một đứa trẻ mà nó không hiểu, nó sẽ sống ra sao giữa những gì thật đẹp trong sách và những gì thật nhưng rất tệ ở ngay trong gia đình, xã hội và các mối quan hệ, nằm ngoài khả năng và nhận thức hay thay đổi của chúng! 

Còn rất nhiều điều để nói về sách, và sách giáo khoa.  

Nhưng quan điểm cá nhân tôi, đó là hãy để giáo viên quyết định điều gì là phù hợp cho mỗi đứa trẻ hay mỗi lớp học.  Họ và cha mẹ sẽ là người biết rõ nhất chúng cần gì.  

Nhưng khó khăn cho chúng ta và Cánh Buồm muôn vàn, là giáo viên Việt, cũng như giáo viên chung của thế giới, hơn 30 năm qua sống với “cuộc sống giáo dục không phải của mình”.  

Họ chỉ là thợ dạy và “thợ” thì cố lắm cũng chỉ đào tạo ra “gần giống thợ” thôi, đâu có là làm con người duy nhất và sáng tạo được!

Nói đến sách, nói đến học sinh, tất cả lại quay về với điểm xuất phát cơ bản: giáo viên và chế độ, chương trình đào tạo chất lượng ra sao, thì có sản phẩm tương ứng như vậy!

Những điều chúng ta biết, biết đến đâu…trên con đường đều chưa biết của nhân loại?

Trong thời gian qua, Cánh Buồm đã tổ chức dịch nhiều cuốn sách về tâm lý trẻ em và những sách phục vụ cho nghiên cứu giáo dục tại Việt Nam. Điều này thật đáng quý.  

Duy có một ý nhỏ, rất có thể tôi chủ quan và sai, nhưng thú thật, trong hơn 25 năm đọc và học theo chương trình học các cấp ở Phương Tây, dù là tâm lý họ rất giỏi, có những điểm tôi đã nhận ra:

(i) Khi nghiên cứu và đánh giá về tâm lý học, rất nhiều nhà nghiên cứu khoa học của Phương Tây đã dựa trên “con người” là đối tượng nghiên cứu khoa học, và đâu đó không khác gì nhiều với “động vật cao cấp”, nếu có ai nhìn lại từ thời “chó và phản xạ có điều kiện”, đến thời kinh tế hành vi của R. Thaler.  

Ông giáo già và chuyện nghỉ hè thời Pháp thuộc

Nó không sai, chỉ có điều, giáo dục con người thì cần nhìn con người như là một con người đúng nghĩa;

(ii) Mọi tâm lý và nghiên cứu giáo dục, ở Mỹ, Anh và nhiều nước khác, nếu xét đến hệ thống giá trị đẳng cấp xã hội và phân loại tầng lớp, nó có những hệ quy chiếu khá rõ. 

Lấy ví dụ của Mỹ, những nghiên cứu hơn 70 năm hay 50 năm về phân biệt đẳng cấp, màu da, được chuyển đổi vào chính sách công nhằm hạn chế khả năng học tập và chuyển đổi tầng lớp trong xã hội là được thấy rõ. 

Thế nên, những nghiên cứu khoa học, dù gì, phải lưu ý đến tính đặc thù xã hội và chính trị - kinh tế do ai muốn thống trị ai, dẫu đó là trong lĩnh vực giáo dục và xã hội;

(iii) Hiện tại, với xu thế toàn cầu hóa về kinh tế thúc đẩy, hiện tượng và dần trở thành trào lưu là “quốc tế hóa” giáo dục ngày càng nhiều.  

Điều này tốt, bởi giao lưu thì tốt thôi, nhưng như chúng ta đã tự có kinh nghiệm trong bao năm về giáo dục, điều tốt thì khó học và ít ai đi dạy kẻ khác điều tốt, nhưng điều xấu thì nhập vào rất nhanh và làm biến đổi con người và xã hội sang một hình thức, mà có lẽ chính chúng ta không thể hiểu, không thể hình dung.  

Lấy ví dụ, làm sao giáo dục con trẻ trưởng thành trong thế giới mà internet có thể cung cấp tất cả những gì một con người cần, nhưng nó lại hủy hoại cuộc đời của chính những ai suốt ngày chỉ gắn với internet? Và bị thông tin “giả mạo” đánh lừa?

Hay làm sao để dạy chúng biết rằng, mọi thứ trên internet và ai đó, dù có uy tín nói ra, cũng phải kiểm chứng sự thật? 

Thú thật, điều tôi hiểu là cái đúng hôm qua có thể hôm nay không đúng, cái đúng hôm nay chắc gì mai đã đúng.   

Vậy, nền giáo dục như thế nào trong một thế giới giữa “ảo thật”, giữa đạo đức và phi đạo đức, giữa con người và phi con người…

Tất cả, không riêng gì Việt Nam, đang quờ quạng đi vào một thời đại, mà cá nhân tôi hiểu là, nếu không dựa trên chuẩn mực về đạo đức làm người, giá trị làm người là điều quan trọng nhất, chúng ta sẽ không thể có điểm tựa để bàn và cải cách bất kỳ điều gì, không chỉ trong giáo dục, mà ở bất kỳ lĩnh vực nào.

Đây là điểm Phạm Toàn và tôi rất thống nhất. 

Chúng tôi yêu con người, tin vào con người và giáo dục phải là vì con người.  

Mọi thứ cải cách, mọi thứ mang màu sắc giáo dục, nhưng chà đạp lên giá trị làm người và quyền con người, dùng tham vọng của người lớn “tô vẽ” lên những thứ giáo dục mang đầy màu sắc ảo ảnh, nhưng chỉ tạo ra những con người vô hồn, sẵn sàng làm mọi thứ để mưu lợi cá nhân và nhóm lợi ích, chúng chỉ làm thế giới loài người thêm đau đớn và tan nát hơn thôi.   

Thế giới này, và Việt Nam chúng ta, đã và đang trả giá cho chính nền giáo dục phi con người đó, nên hy vọng, chỉ biết hy vọng thôi, rằng sẽ có một nền giáo dục vì con người thật sự cho con trẻ Việt Nam và thế giới. 

Xin Phạm Toàn hãy yên nghỉ.  Giá trị con người, giá trị một cuộc đời như Phạm Toàn, tôi tin, cũng đáng để sống. 

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.quyphanchautrinh.org/giai-phan-chau-trinh/ChiTiet/858/giai-thuong-nam-2008?bc=62&nam=61

Nguyễn Lan Hương