Chuyện nghề nghệ sĩ múa rối
Múa rối nước là một môn nghệ thuật truyền thống, nhưng không vì thế mà thiếu đi tính phức tạp, khéo léo. Bằng chứng là để thuần thục được việc điều khiển rối, các nghệ sĩ phải mất một thời gian khá dài.
Thùy Linh, một nghệ nhân múa rối nước có thâm niên tám năm làm việc tại Nhà hát Múa rối Trung ương chia sẻ:
“Mình phải mất bốn năm theo học tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, thêm một năm thử việc tại Nhà hát mới có thể chính thức ra mắt khán giả”.
Cũng có những nghệ sĩ múa rối xuất thân từ những đoàn hát chèo hay cải lương.
Dù chưa qua lớp đào tạo bài bản nhưng các nghệ sĩ vẫn có thể hoàn thành tốt công việc, nhờ có nền tảng cơ bản, cùng với đam mê nghề nghiệp và sự kèm cặp của các thành viên cùng đoàn.
Ngoài ra, nghệ sĩ múa rối cũng cần phải có thể lực tốt và độ dẻo dai nhất định để có thể thường xuyên luyện tập dưới nước trong thời gian dài. Đặc biệt, tính kỹ thuật là điều không thể thiếu ở người làm nghề.
Ắt hẳn ai cũng sẽ ngạc nhiên khi biết những con thuyền rối phức tạp này lại thường chỉ được điều khiển bởi một nghệ sĩ duy nhất. |
Không chỉ biểu diễn, các nghệ sĩ trong đoàn múa rối cũng tham gia vào việc xây dựng kịch bản.
Bên cạnh những tích, vở truyền thống, các nghệ sĩ múa rối cũng luôn nỗ lực sáng tạo các câu chuyện gần gũi với xã hội hiện đại và đáp ứng nhu cầu của khán giả.
Để cho ra đời các câu chuyện mới, các thành viên trong đoàn sẽ cùng nhau lên ý tưởng, sau đó trình lên hội đồng nghệ thuật tại nhà hát.
“Nếu được hội đồng thông qua, tổ đạo diễn sân khấu sẽ bắt đầu dựng kịch bản. Sau đó các thành viên trong đoàn sẽ thể hiện ý đồ của đạo diễn và tác giả qua vai diễn.”- Thùy Linh chia sẻ.
Thùy Linh cũng bén duyên với nghề múa rối nước từ cha và được tiếp xúc với nghề từ nhỏ.
Linh cho biết: “Mình rất yêu mến trẻ em, nên mình muốn làm một công việc nào đó gắn bó với trẻ. Mặt khác, mình cũng muốn tiếp bước gia đình, đóng góp một phần nào đó để lưu giữ loại hình văn hóa truyền thống này”.
Niềm đam mê dành cho những con rối xuất phát từ tấm lòng quý trẻ nhỏ và ý thức bảo vệ di sản cha ông để lại. |
Nhọc nhằn nghề múa rối nước
Múa rối nước là một môn nghệ thuật đòi hỏi nhiều sự hy sinh từ phía nghệ sĩ. Theo Thùy Linh, một trong những trở ngại lớn nhất mà các nghệ sĩ múa rối hay gặp phải đó là vấn đề về sức khỏe.
Do thường xuyên làm việc dưới môi trường nước, các nghệ sĩ rất dễ mắc phải các bệnh về khớp.
Người xem múa rối ắt hẳn ai cũng nhận ra nước của thủy đình (sân khấu múa rối) có màu ánh xanh đặc trưng. Nhưng ít ai biết đó là màu của một loại hóa chất đặc biệt được pha vào nước.
Hóa chất này có tác dụng tạo độ đục cho nước, để nghệ sĩ múa rối có thể che đi các thanh gỗ điều khiển rối. Khi làm việc dưới môi trường ngâm hóa chất này lâu, các nghệ sĩ thường mắc phải một số bệnh da liễu.
Những nguy cơ này khiến nghề múa rối nước càng trở nên khó khăn với các nghệ sĩ nữ. Có những nghệ sĩ đang trong thời kỳ mang thai vẫn có thể phải xuống nước biểu diễn.
Khung cảnh phía sau thủy đình của Nhà hát múa rối Trung ương - nơi làm việc của các nghệ sĩ múa rối. |
Làm nghệ thuật là một công việc vất vả. Điều này càng đúng đối với các ngành nghệ thuật truyền thống. Thông thường trong một đoàn múa rối sẽ có 12 - 13 nghệ sĩ.
Để nhuần nhuyễn được một buổi biểu diễn thông thường (kéo dài khoảng 30 phút/ buổi), các nghệ sĩ sẽ mất khoảng một tháng từ khâu dựng vở, tập luyện cũng như ghép nhạc, ánh sáng,...
Các nghệ sĩ múa rối tại Nhà hát Múa rối Trung ương thông thường chỉ được nghỉ mười ngày trong một tháng, còn lại hai mươi ngày là gắn bó với nước.
Thậm chí khi vào mùa đông, thời tiết rét buốt nhưng các nghệ sĩ vẫn phải dành phần lớn thời gian ngâm mình dưới nước để tập luyện và biểu diễn.
Ngoài các nghệ sĩ trực tiếp điều khiển rối, không thể không kể đến những con người thầm lặng phía sau cánh gà - những nghệ nhân làm rối.
Để làm ra một con rối nước cần phải trải qua khá nhiều giai đoạn công phu: từ tạo hình (phác thảo), đến điêu khắc, bồi, phơi hong và cuối cùng là sơn màu, trang trí.
Phần lớn các con rối và thanh điều khiển đều được làm từ gỗ sung để nhẹ, dễ nổi trên nước và chịu được nước.
Để làm ra một con rối hoàn chỉnh cũng mất khá nhiều thời gian. Trước sự mai một của các loại hình nghệ thuật truyền thống như hiện nay, số lượng nghệ nhân còn gắn bó với nghề làm rối không nhiều.
Ở Nhà hát Múa rối Trung ương, xưởng tạo hình (nơi trực tiếp làm ra những con rối) chỉ có khoảng mười người.
Một góc xưởng tạo hình tại Nhà hát Múa rối Trung ương. |
Đối với những vở cần tập gấp để kịp ra mắt khán giả hoặc đi lưu diễn, cường độ làm việc của các nghệ sĩ còn tăng cao hơn.
Những nghệ nhân làm rối thường xuyên phải thức đêm để làm việc. Việc ăn, ngủ luôn tại xưởng đã trở thành một điều quen thuộc đối với các nghệ sĩ.
Tuy công việc vất vả và nhọc nhằn, nhưng thu nhập của các nghệ sĩ cũng không cao.
“Nói đến làm nghệ thuật thì ít người làm nghệ thuật mà giàu được. Thu nhập nhìn chung cũng đủ để trang trải cuộc sống, tuy không phải là quá dư dả. Còn đương nhiên mua sắm những thứ như xe cộ, nhà cửa thì vẫn phải tiết kiệm dài dài rồi.” - Thùy Linh cười chia sẻ.
Múa rối nước nhiều khó khăn là thế, nhưng các nghệ sĩ vẫn luôn nỗ lực hết mình trong từng màn biểu diễn.
Đó không chỉ là sự tri ân đối với khán giả, mà đó còn là cái tâm của người làm nghề - cái tâm muốn lưu giữ lại những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.