Mức lương tối đa của 'sếp' công ích Hà Nội được 36 triệu đồng/tháng

04/09/2013 11:10
Ngọc Quang - Văn Phong
(GDVN) - Bên lề cuộc họp giao ban báo chí chiều 3/9 do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Phan Đăng Long – Phó trưởng Ban Tuyên giáo cho biết, sau khi có thông tin các lãnh đạo doanh nghiệp công ích TP Hồ Chí Minh nhận lương “khủng”, Hà Nội cũng kiểm tra các doanh nghiệp Nhà nước tại địa bàn.

'Sếp' công ích Hà Nội được 36 triệu đồng/tháng

Theo đó, ông Long cho biết: “Nếu nỗ lực làm việc hết sức, kể cả làm thêm ngày đêm... lương tối đa lãnh đạo doanh nghiệp công ích Hà Nội được khoảng 36 triệu đồng/tháng”.

Ông Phan Đăng Long – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội..
Ông Phan Đăng Long – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội..


Trước đó, như Báo Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, trong những ngày qua dư luận xôn xao về mức lương "khủng" của “sếp” doanh nghiệp công ích tại TP Hồ Chí Minh lên tới hơn 2 tỷ đồng/năm. Điển hình như lương của Giám đốc Công ty TNHH một thành viên thoát nước đô thị là 2,6 tỉ đồng/năm (hơn 200 triệu đồng/tháng); Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Chiếu sáng công cộng có mức lương 2,2 tỷ đồng/năm, lương Chủ tịch hội đồng thành viên của công ty này là 2,4 tỷ đồng, Phó Giám đốc 1,9 tỷ đồng...

Ông Phan Đăng Long – Phó trưởng Ban Tuyên giáo cho biết, sau khi có thông tin các lãnh đạo doanh nghiệp công ích TP Hồ Chí Minh nhận lương “khủng”, Hà Nội cũng kiểm tra các doanh nghiệp Nhà nước tại địa bàn.

Cần xem lại tổ chức Đảng ở 4 doanh nghiệp

TS.Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đặt vấn đề: Phải tìm được câu trả lời, vì sao sự việc này lọt hết các cửa kiểm soát và tồn tại hàng năm trời như vậy? Vai trò của tổ chức Đảng tại các doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên ở đó đâu rồi? 

Tuy nhiên, tôi muốn đề cập tới một khía cạnh khác, đó là vì sao sự việc xảy ra trong một thời gian dài như vậy mà các cơ quan đoàn thể lại không có ý kiến? Vai trò của Đảng bộ ở những doanh nghiệp ấy đâu rồi? Vai trò của tổ chức Công đoàn đâu? Vai trò của Đoàn thanh niên ở đâu? Chẳng lẽ không ai chịu lên tiếng, để cho mấy ông Giám đốc thích làm gì thì làm?”, ông Kiên nói.


Ông Long cho biết, do mới bắt đầu triển khai nên ông chưa thể cung cấp kết quả kiểm tra thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, ông được biết, kết quả sơ bộ ban đầu, chưa phát hiện có sai phạm gì lớn.

“Các doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn Hà Nội có cơ chế quản lý và giám sát chặt chẽ nên khả năng sai phạm nhận lương cao rất khó xảy ra”, ông Long nói.

Trước đó, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2013, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho biết, sau khi báo chí lên tiếng, Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực này đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức kiểm tra việc thực hiện chế độ tiền lương ở các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý, ai sai phải xử lý.

Bộ trưởng Đam cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin của báo chí về vấn đề này, Phó thủ tướng phụ trách đã có văn bản yêu cầu các bộ ngành, địa phương có báo cáo về tình hình chi trả lương tại các cơ quan, doanh nghiệp thuộc quyền quản lý để chấn chỉnh vấn đề này”.

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, với quy định hiện hành tại Nghị định 50 và 51 của Chính phủ, mức lương cao nhất Chủ tịch Hội đồng thành viên một doanh nghiệp nhà nước đượ hưởng không quá 36 triệu đồng/tháng. Trong trường hợp doanh nghiệp làm ăn tốt, có lãi cao, lãnh đạo có thể được thưởng, nhưng mức tối đa không quá 1,5 lần lương được hưởng.

“Nếu những điều báo chí phản ánh là chính xác thì việc chi trả lương nêu trên là sai. Và sai thì sẽ được xử lý”, Bộ trưởng Đam khẳng định.

Anh Võ Văn Huệ và Bùi Văn Phước, công nhân Công ty TNHH-MTV Thoát nước đô thị TP.HCM - đơn vị mà giám đốc nhận lương 2,6 tỉ đồng/năm, nạo vét hệ thống cống trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh. Các anh cho biết tiền lương của mình hiện nay là 8 triệu đồng/tháng - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
Anh Võ Văn Huệ và Bùi Văn Phước, công nhân Công ty TNHH-MTV Thoát nước đô thị TP.HCM - đơn vị mà giám đốc nhận lương 2,6 tỉ đồng/năm, nạo vét hệ thống cống trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh. Các anh cho biết tiền lương của mình hiện nay là 8 triệu đồng/tháng - Ảnh: Hoàng Thạch Vân



Trả lời câu hỏi của phóng viên về sự so sánh lương của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo của 4 doanh nghiệp nêu trên, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết: "Tôi không nhớ con số chính xác lương Thủ tướng là bao nhiêu, nhưng khoảng 14 lần hệ số lương cơ bản. Theo hệ số mức lương tối thiểu mới điều chỉnh là 1.150.000 đồng thì có thể tính ra mức lương của Thủ tướng khoảng trên dưới 15 triệu đồng (hệ số lương của Thủ tướng là 12,5)".

Sự quan liêu trong quy trình phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước

Về vụ việc này, ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng: “Đó là vì chúng ta không xử lý nghiêm, thất thoát lãng phí thì rất nhiều, có khi hàng vài chục tỷ đồng nhưng rồi có thu hồi được không, quy trách nhiệm thế nào? Rốt cuộc, chúng ta lại kết luận chung chung là do buông lỏng quản lý...?!

Mức lương của vị giám đốc này cũng gấp khoảng 20 lần những đại biểu Quốc hội như tôi. Vai trò của các cơ quan liên quan có trách nhiệm giám sát hoạt động của 4 doanh nghiệp này không có tiếng nói gì, vì thế dư luận có quyền đặt câu hỏi: Một là có sự quan liêu trong quy trình phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, hai là đang có vấn đề lợi ích nhóm".

Nhắc đên câu chuyện lương “khủng” của nhiều vị lãnh đạo tại bốn công ty công ích trong TP. HCM, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, một trong những vị tướng tài ba đã từng giữ chức tham mưu trưởng chiến dịch Tây Nguyên lịch sử, tư lệnh trưởng quân khu 4 - góp công lớn vào chiến thắng miền Nam giải phóng đất nước tỏ ra bất bình lắm.

Về phương án xử lí vụ việc, ông cho rằng nếu sự việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì việc CQĐT khởi tố, bắt giam hay bỏ tù là cần thiết. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả đó là những người này đã tước đoạt tài sản của Nhà nước, của công nhân bao nhiêu thì phải hoàn trả lại bấy nhiêu rồi sau đó cho nghỉ việc.

“Chứ giờ bắt tù đày mấy ông Nhà nước lại phải nuôi cơm, thêm mệt ra...”. Tướng Thước bức xúc nói.

Chia sẻ với PV Báo Giáo dục Việt Nam tối 29/8, ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Vĩnh Phúc) nhận định, việc các lãnh đạo của 4 doanh nghiệp công ích nêu trên nhận những mức lương cao ngất ngưởng như vậy không chỉ là vấn đề sai trái về mặt luật pháp mà còn có cả vấn đề đạo đức.

Tôi không hiểu sao chuyện kéo dài hàng năm trời mà cho đến bây giờ vụ việc mới bị phanh phui? Trách nhiệm của cơ quan quản lý các doanh nghiệp này đặt ở đâu? Các cơ quan kiểm toán, thuế… không thấy có điều gì bất thường hay sao? Tất cả những điều bất thường ấy khiến cho người dân phải đặt ra câu hỏi: Liệu có lợi ích nhóm hay không?”, ông Bảo nói.
Ngọc Quang - Văn Phong