Chiều ngày 21/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chủ trì Hội thảo về chuyển đổi số trong giáo dục đại học năm 2023.
Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội thảo (ảnh: P.L) |
Hội thảo này được tổ chức nhằm mục đích trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục đại học theo tinh thần Đề án 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thảo luận các xu hướng và công nghệ mới cho chuyển đổi số trong giáo dục đại học.
Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng lớp học trực tuyến ở đại học đạt 20%
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Tô Hồng Nam – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, cho đến nay, 100% các trường đại học đã có phòng máy, mạng LAN, wifi, cổng thông tin điện tử, 90% các trường đã lập ban biên tập cổng, có quy chế an toàn thông tin, 90% các trường đã dùng phần mềm quản lý đào tạo và quản lý văn bản, trên 60% các trường dùng phần mềm quản lý nhân sự, tài sản, thiết bị.
Ngoài ra, hiện có khoảng 50% các cơ sở giáo dục đại học triển khai đào tạo chính quy trực tuyến ở các mức độ, 60% các trường triển khai kho học liệu số và thi trắc nghiệm trực tuyến, 70% các trường triển khai thư viện điện tử.
Theo đánh giá chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện các trường đã chuyển biến tốt hơn về nhận thức, số trường quan tâm triển khai chuyển đổi số tăng, cách thức thực hiện ngày càng bài bản, có hệ thống nên do vậy mà đã có kết quả tốt hơn.
Ước tính hiện nay có khoảng 45% cơ sở giáo dục đại học đang thực hiện chuyển đổi số giữa giai đoạn 3 và 4 (thiết kế chuyển đổi số và triển khai chuyển đổi số), còn lại là đang ở giữa giai đoạn 1 và 2 (chưa có ý tưởng chuyển đổi số và có mong muốn thực hiện chuyển đổi số), hoặc ở giai đoạn 3 (thiết kế chuyển đổi số).
Tiến sĩ Tô Hồng Nam cũng nhìn nhận, việc chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như là một số trường chưa thực sự quan tâm, thiếu truyền thông nội bộ và chưa gắn liền với chiến lược phát triển của nhà trường.
Một số trường thiếu kế hoạch 5 năm, lộ trình hàng năm, thiếu mô hình và kiến trúc tổng thể việc ứng dụng công nghệ thông tin – chuyển đổi số.
Tiến sĩ Tô Hồng Nam phát biểu tại hội thảo (ảnh: P.L) |
Có một số trường thì gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, chưa chú trọng vào việc đảm bảo an toàn thông tin, chưa có quy chế quản lý và vận hành hạ tầng thông tin.
Song song đó còn có một số khó khăn liên quan đến nguồn lực như nguồn kinh phí đầu tư chuyển đổi số lớn, đội ngũ nhân lực chuyên trách cần được xây dựng cả về số lượng lẫn chất lượng, năng lực số của cán bộ, giáo viên và sinh viên còn hạn chế, chưa đồng đều.
Mục tiêu hướng đến năm 2025, hơn 50% cơ sở giáo dục đại học cung cấp các chương trình đào tạo (cấp bằng) hình thức từ xa, trực tuyến. Tỷ trọng các lớp học trực tuyến trong các cơ sở giáo dục đại học đạt trung bình 20%, có ít nhất 50% số người học văn bằng đại học 2 học theo hình thức trực tuyến (với thời lượng trực tuyến chiếm hơn 50%).
100% cơ sở giáo dục áp dụng hệ thống quản trị nhà trường dựa trên dữ liệu và công nghệ số.
Kinh nghiệm từ Đại học Missouri của Hoa Kỳ về ứng dụng chuyển đổi số
Chia sẻ tại hội thảo, đại diện hệ thống Đại học Missouri của Hoa Kỳ đang đầu tư vào một chiến lược phát triển nền tảng số, để cung cấp cho tất cả người dân tại bang này và người học ở khắp mọi nơi có quyền truy cập và giáo dục trực tuyến từ 4 trường đại học thành viên trong hệ thống.
Từ những năm 2000, trường đã ứng dụng hệ thống máy tính và kết nối internet bắt buộc trong các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu. Năm 2018, hơn 100 chuyên gia từ trong lĩnh vực công nghệ giáo dục, MU Course and Design Technology, Trung tâm Thiết kế và giảng dạy UMSL và Dịch vụ Công nghệ thông tin UMSL đã kết hợp xây dựng sáng kiến Missouri Online, một nền tảng số có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, tập trung vào hỗ trợ các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và quản lý hành chính đồng thời trên nền tảng số.
Toàn cảnh hội thảo về chuyển đổi số trong giáo dục đại học năm 2023 (ảnh: P.L) |
Trong đó có hơn 10.000 sinh viên có thể học hoàn toàn trực tuyến trong hơn 260 chứng chỉ, bằng cấp được thừa nhận tại trường. Trong 5 năm qua, số môn học được chuyển sang hình thức trực tuyến tăng hơn 49%.
Những thuận lợi của Đại học Missouri là được đầu tư cơ sở hạ tầng vào thời điểm năm 2018 sớm, với nguồn ngân sách hơn 20 triệu USD cho việc nâng cấp hệ thống máy tính chủ, đường truyền và các hỗ trợ kỹ thuật khác.
Các giảng viên được tập huấn, cung cấp các hướng dẫn để thực hiện chuyển đổi môn học sang hình thức online. Khi đại dịch xảy ra, hệ thống đã sẵn sàng để chuyển đổi gần như toàn bộ các môn học sang hình thức dạy trực tuyến.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thành Hải (Đại học Missouri), một trong những khó khăn nhất khi thực hiện chuyển đổi số đối với công tác giảng dạy, đó là cách xây dựng các hoạt động học tập, để làm sao cho người học cảm thấy họ được đối xử công bằng, không ai bị bỏ rơi lại phía sau.
Đó không phải là việc tập hợp các tài liệu, đưa các file lên website, hay gửi cho sinh viên các đường dẫn để truy cập, mà đó là sự tổ chức, sắp xếp, xây dựng các hoạt động có tương tác xã hội cao, tạo ra sự công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người.
Các công cụ hỗ trợ, giúp đánh giá người học theo tiến trình, tổ chức các buổi thi minh bạch, chống gian lận, và đặc biệt là tạo cơ hội cho người học được học chủ động và sáng tạo.