Những năm vừa qua, nhiều trường đại học gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản, đặc biệt tỷ lệ người học các ngành này bậc sau đại học không cao.
Điều này gây ra nhiều ảnh hưởng trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới, cần nguồn nhân lực chất lượng cao các ngành khoa học công nghệ như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo,...Trước tình trạng trên, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, muốn có chất lượng đầu vào ngành khoa học cơ bản tốt, dù là bậc đại học hay sau đại học, thì đều cần quan tâm và chú trọng ngay từ bậc phổ thông.
Phải có chủ trương lớn tạo điều kiện để phát triển khoa học cơ bản
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc khó tuyển sinh của các ngành cơ bản ở bậc đại học là do nhận thức của xã hội về các ngành khoa học cơ bản chưa cao.
“Việc các ngành khoa học cơ bản gặp khó khăn trong tuyển sinh ở bậc đại học là do không thể cạnh tranh với những ngành học hấp dẫn, dễ xin việc. Trong khi đó, người học có xu hướng chọn ngành mang lại cơ hội việc làm rộng mở, thu nhập cao hơn như: quản trị kinh doanh, kinh tế, tài chính,... Điều này dẫn đến việc những ngành học đòi hỏi sự tập trung và nỗ lực cao như các ngành khoa học cơ bản lại không được đánh giá cao về cơ hội nghề nghiệp, khiến người học ngày càng e dè khi lựa chọn”, Giáo sư Vũ Minh Giang bày tỏ.

Theo Giáo sư Vũ Minh Giang, một quốc gia muốn phát triển mạnh về khoa học - công nghệ thì phải có một nền khoa học cơ bản vững chắc. Tuy nhiên, hiện tại, không thể kỳ vọng rằng nhiều người sẽ tự nguyện theo học khoa học cơ bản. Cùng với đó, việc thu hút người học vào các ngành khoa học cơ bản cũng là một thách thức lớn đối với các cơ sở đào tạo. Do đó, để giải quyết vấn đề này, cần có một chiến lược phát triển cấp quốc gia, từ đó, có những chính sách đầu tư đặc biệt nhằm phát triển và duy trì lĩnh vực này.
“Khoa học cơ bản phải được xem là nền tảng cho sự phát triển của một hệ thống khoa học quốc gia vững chắc. Khi lĩnh vực này nhận được sự quan tâm đặc biệt, sẽ tự nhiên thu hút những người đam mê nghiên cứu và khám phá. Vì vậy, cần có chính sách dài hạn, cam kết đào tạo bài bản và sự hậu thuẫn mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển của khoa học cơ bản. Đồng thời, cần một chiến lược tổng thể nhằm tạo điều kiện cho khoa học và công nghệ phát triển bền vững. Trong đó, giáo dục khoa học cơ bản ở bậc phổ thông phải được chú trọng, không chỉ đơn thuần truyền tải kiến thức, mà còn phải khơi dậy niềm yêu thích, giúp học sinh tiếp cận khoa học một cách tự nhiên và hứng thú”, thầy Giang bày tỏ.
Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Cao Cự Giác - Phó Trưởng khoa, Khoa Hóa học, Trường Đại học Vinh, Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên sách giáo khoa Khoa học tự nhiên (lớp 6,7,8,9) và sách giáo khoa Hoá học (lớp 10,11,12) thuộc bộ sách Chân trời sáng tạo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, nguồn lực ngành khoa học cơ bản đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Cự Giác, các trường đại học hiện đang rất cần người học các ngành khoa học cơ bản có chất lượng đầu vào tốt. Điều này sẽ thúc đẩy, nâng cao tốc độ và trình độ nghiên cứu của các trường đại học. Khi đầu vào chất lượng, sinh viên sẽ tiếp thu nhanh hơn và dễ dàng tiếp cận các nghiên cứu khoa học cơ bản trong quá trình học tập.
Do đó, khoa học cơ bản cần được đào tạo bài bản ngay từ bậc phổ thông, không chỉ qua giảng dạy, mà còn thông qua việc truyền cảm hứng để học sinh yêu thích các môn khoa học tự nhiên. Đồng thời, quá trình tuyển sinh đại học cũng cần có sự phân luồng rõ ràng. Các trường đào tạo ngành khoa học cơ bản phải xét tuyển dựa trên tổ hợp môn phù hợp với lĩnh vực này, tránh tình trạng tuyển sinh nhưng không yêu cầu các môn thuộc khoa học cơ bản, dẫn đến chất lượng đầu vào không đảm bảo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Cự Giác cũng cho rằng, để có học sinh có kiến thức khoa học cơ bản tốt ở bậc phổ thông, các môn học thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên cần phải được chú trọng hơn trong giai đoạn hiện nay.
“Các môn khoa học tự nhiên như Vật lý, Hóa học, Sinh học hiện có thời lượng học trong một năm học ngang với môn Toán là 140 tiết học. Tuy nhiên, các môn này thường không được chọn làm môn thi vào lớp 10, học sinh chủ yếu thi 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Trong bối cảnh cần nguồn nhân lực cho ngành khoa học cơ bản, điều này có thể dẫn tới học sinh không có đủ kiến thức về khoa học tự nhiên, không đáp ứng được các yêu cầu đầu vào đại học, dẫn tới những khó khăn đào tạo và làm giảm nguồn lực chất lượng cao.
Cần có một chính sách để kích cầu đối với khoa học cơ bản. Trong đó, cần phân luồng, định hướng chiến lược từ cấp trung học cơ sở, giúp học sinh tiếp cận và yêu thích đối với khoa học cơ bản”, thầy Giác chia sẻ.
Cần thay đổi cách giảng dạy, bổ sung giáo viên thực hành ở bậc phổ thông
Chia sẻ với phóng viên, thầy Mai Văn Túc - giáo viên môn Vật lí, Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, việc đào tạo các môn khoa học tự nhiên như: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học ở bậc phổ thông hiện nay gây nhiều lo ngại. Trong đó, việc học với mục đích qua các kỳ kiểm tra, thi cử khiến học sinh chỉ có khả năng ghi nhớ kiến thức cơ bản nhưng không thể vận dụng vào thực tế. Điều này có thể gây nên hệ lụy học sinh không mặn mà với các ngành khoa học cơ bản ngay ở bậc đại học, dẫn tới bậc sau đại học không có nguồn tuyển .
“Hiện nay, một số trường đại học đào tạo ngành khoa học cơ bản có đầu vào không cao. Điều này có nguồn gốc từ bậc trung học phổ thông, nơi mà học sinh thường học đối phó và chỉ tập trung vào các môn học như Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh. Trong khi đó, các môn khoa học tự nhiên như: Vật lý, Hóa học, Sinh học nhiều học sinh không mặn mà. Điều này dẫn tới tình trạng nguồn lực người theo học khoa học cơ bản không cao, khiến chất lượng đào tạo khoa học cơ bản cũng bị ảnh hưởng. Nếu không khắc phục được điều này sẽ để lại nhiều hệ lụy lâu dài”, thầy Túc cho hay.

Cũng theo thầy Túc, ngoài có những chính sách hỗ trợ đối với sinh viên các theo học các ngành khoa học cơ bản, việc đào tạo học sinh phổ thông dần tiếp cận với các môn học thuộc lĩnh vực này là nhiệm vụ rất quan trọng. Trong đó, cần nghiên cứu phương án thay đổi nội dung đề thi đánh giá, đề thi học sinh giỏi, đề thi vào trường chuyên,... nhằm hướng tới việc học sinh phải hiểu bản chất và phải biết vận dụng lý thuyết vào thực tế. Tránh tình trạng học sinh chỉ học thuộc lòng.
“Các chính sách hiện nay, như giảm học phí hay tăng học bổng, đã phần nào thu hút người học vào các ngành khoa học cơ bản. Tuy nhiên, nếu học sinh không được trang bị kiến thức nền tảng vững chắc, việc nghiên cứu khoa học ở bậc đại học và sau đại học sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, để giải quyết triệt để thách thức trong lĩnh vực này, cần đặc biệt chú trọng đào tạo từ bậc phổ thông, giúp học sinh không chỉ nắm vững kiến thức mà còn nuôi dưỡng niềm đam mê và theo đuổi đúng nguyện vọng của mình. Khi đó, lên bậc đại học và sau đại học, người học sẽ học tập và nghiên cứu với tinh thần khám phá thực sự. Chính niềm đam mê chinh phục đỉnh cao tri thức mới giúp người học có kiến thức tốt và nghiên cứu khoa học đạt chất lượng cao”, thầy Túc chia sẻ.
Thầy Túc cho biết thêm, hiện nay nhiều trường học đã được trang bị các thiết bị, phòng thí nghiệm phục vụ cho việc nghiên cứu và giảng dạy các môn khoa học tự nhiên. Làm sao để sử dụng hiệu quả trang thiết bị này, khơi gợi niềm đam mê nghiên cứu của học sinh.
Thầy Mai Văn Túc nhấn mạnh: “Để khắc phục tình trạng này, các trường học cần gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, giúp học sinh không chỉ nắm vững kiến thức, mà còn biết cách ứng dụng vào thực tế. Đồng thời, việc giảng dạy cần tính toán đảm bảo đội ngũ giáo viên có sự phân công hợp lý. Cụ thể, bên cạnh giáo viên giảng dạy lý thuyết đối với các môn khoa học tự nhiên, cần có một giáo viên chuyên trách thực hành, nhằm hướng dẫn học sinh tiếp cận và sử dụng các thiết bị một cách hiệu quả. Việc bổ sung giáo viên thực hành không chỉ giúp học sinh có điều kiện trải nghiệm thực tế mà còn khơi dậy niềm yêu thích đối với khoa học, đồng thời nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo ra một môi trường học tập cân bằng giữa lý thuyết và ứng dụng”, thầy Túc bày tỏ.