Trong bối cảnh thị trường tài chính ngân hàng đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trước làn sóng chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng trở nên cấp thiết.
Tại khu vực miền Trung Tây Nguyên, Trường Đại học Đông Á được biết đến là một địa chỉ uy tín trong đào tạo ngành Tài chính Ngân hàng, với chương trình theo định hướng ứng dụng, gắn chặt với nhu cầu doanh nghiệp.
Vừa qua, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố quyết định và trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cho 11 chương trình đào tạo của Trường Đại học Đông Á, trong đó có ngành Tài chính Ngân hàng. Việc đạt kiểm định chất lượng không chỉ khẳng định uy tín, năng lực đào tạo và cam kết của nhà trường đối với người học mà còn mang lại nhiều lợi thế cho sinh viên theo học.
Chương trình đào tạo theo chuẩn ứng dụng, sát thực tế doanh nghiệp
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Trương Văn Trí - Phó Trưởng khoa, Khoa Tài chính - Kế toán, Trường Đại học Đông Á chia sẻ: “Chương trình đào tạo ngành Tài chính Ngân hàng đạt chứng nhận kiểm định chất lượng có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả nhà trường lẫn sinh viên.
Trước hết, đối với nhà trường, đây là sự ghi nhận khách quan từ các tổ chức đánh giá độc lập về chất lượng đào tạo, từ mục tiêu chương trình, nội dung học phần, đội ngũ giảng viên, đến cơ sở vật chất, hoạt động hỗ trợ người học... Điều này giúp nâng cao uy tín và vị thế của trường trong hệ thống giáo dục đại học, đồng thời là cơ sở để tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo và thu hút người học.
Đối với sinh viên, việc theo học một chương trình đã được kiểm định chất lượng chính là một sự đảm bảo về giá trị văn bằng cũng như cơ hội nghề nghiệp sau này. Sinh viên sẽ được thụ hưởng một chương trình đào tạo chuẩn hóa, cập nhật, gắn với thực tiễn và đáp ứng tốt yêu cầu từ doanh nghiệp. Đồng thời, đây cũng là lợi thế khi các em xin việc, học tiếp hoặc chuyển tiếp ở các trường đại học khác”.

Thầy Trí cho hay, chương trình đào tạo ngành Tài chính Ngân hàng tại Trường Đại học Đông Á được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực, đặt trọng tâm vào việc hình thành kỹ năng nghề nghiệp và khả năng thích ứng thực tế.
Trên 50% thời lượng học là thực hành, mô phỏng tình huống thực tế, đi làm thực tế tại doanh nghiệp giúp sinh viên “học đi đôi với hành”, từng bước hoàn thiện bản lĩnh nghề nghiệp.
Bên cạnh khối kiến thức nền tảng vững chắc, linh động theo từng module nghề nghiệp giúp sinh viên có được đầy đủ kiến thức và lựa chọn được các module phù hợp hơn như: Tài chính doanh nghiệp, tài chính đầu tư, kế toán, ngân hàng thương mại hoặc ngoại, phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường việc làm hiện nay.
“Lợi thế nổi bật của chương trình là sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Ngành Tài chính Ngân hàng hiện có mạng lưới hợp tác với hơn 80 tổ chức tín dụng, ngân hàng và doanh nghiệp tài chính… tại khu vực miền Trung và trên toàn quốc như Chailease, Sacombank, BIDV, MB Bank, LP Bank, Agriseco, Mobiphone, Manulife… để sinh viên có cơ hội cao trong việc đi thực tập thực tế và làm việc tại doanh nghiệp.
Thông qua các kỳ thực tập định hướng, thực tập nghề nghiệp, thực tập tốt nghiệp, sinh viên được trực tiếp trải nghiệm môi trường làm việc thực tế, tham gia các đề án xử lý tình huống, góp phần hình thành kỹ năng chuyên sâu ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây là điểm mạnh của ngành Tài chính Ngân hàng, giúp sinh viên tự tin bắt nhịp với công việc ngay sau khi tốt nghiệp mà không cần đào tạo lại”, thầy Trí nhấn mạnh.

Được biết, ngoài kiến thức chuyên ngành, sinh viên ngành Tài chính Ngân hàng tại Trường Đại học Đông Á còn được trang bị các kỹ năng như ngoại ngữ, khởi nghiệp, công nghệ… nhằm giúp sinh viên đạt chuẩn đầu ra, cũng như đạt năng lực toàn diện khi ra trường.
Nhờ chương trình đào tạo chuyên sâu nghề nghiệp, linh hoạt, sát thực tiễn và mạng lưới kết nối rộng rãi với doanh nghiệp, tỷ lệ sinh viên ngành Tài chính Ngân hàng có việc làm đúng chuyên ngành sau tốt nghiệp cao, khẳng định chất lượng đào tạo và uy tín của ngành.
Chia sẻ thêm về chương trình đào tạo, thầy Trí cho hay, ở năm học thứ 3 và 4, sinh viên sẽ thực hiện Đề án khởi nghiệp. Việc tham gia vào các đề án khởi nghiệp từ sớm mang lại rất nhiều giá trị thiết thực về kiến thức, kỹ năng lẫn định hướng nghề nghiệp.
“Trước hết, về mặt kiến thức, đây là cơ hội để sinh viên vận dụng tổng hợp những gì đã học vào thực tế, từ lập kế hoạch, quản trị tài chính, phân tích thị trường đến kỹ năng lập ngân sách, gọi vốn, quản trị rủi ro… Qua đó, các em không chỉ hiểu sâu hơn lý thuyết mà còn học cách triển khai trong môi trường thực tế.
Về kỹ năng, các đề án khởi nghiệp giúp sinh viên phát triển tư duy sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, giao tiếp và đặc biệt là năng lực lập kế hoạch và quản lý dự án. Đây đều là những năng lực cốt lõi mà thị trường lao động hiện đại đánh giá cao”, thầy Trí khẳng định.
Là một sinh viên theo học ngành Tài chính Ngân hàng tại Trường Đại học Đông Á, em Cao Thị Ngọc Mai (sinh viên năm 3) bày tỏ sự tự hào khi ngành học của mình đạt chất lượng kiểm định, khẳng định bản thân đã lựa chọn đúng ngành, đúng hướng.
“Em chọn ngành Tài chính Ngân hàng trước hết vì em yêu thích các con số, thích phân tích tài chính và mong muốn hiểu rõ cách dòng tiền vận hành trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, em nhận thấy đây là một ngành năng động, có vai trò quan trọng trong hệ thống kinh tế và mang đến nhiều cơ hội nghề nghiệp đa dạng. Ngành này không chỉ giúp em phát triển bản thân mà còn mang lại tiềm năng thu nhập hấp dẫn trong tương lai”, Ngọc Mai chia sẻ.

Nữ sinh cho biết, một trong những lý do khiến em càng thêm vững tin vào lựa chọn của mình là bởi chương trình đào tạo ngành Tài chính Ngân hàng của trường được thiết kế khá toàn diện và có tính cập nhật cao.
Sinh viên không chỉ được trang bị nền tảng kiến thức vững chắc về tài chính, ngân hàng mà còn được rèn luyện các kỹ năng chuyên môn thiết yếu. Đặc biệt, chương trình học được xây dựng theo hướng ứng dụng thực tiễn, giúp sinh viên có khả năng vận dụng lý thuyết vào công việc sau này. Em rất ấn tượng với đội ngũ giảng viên, những thầy cô giàu kinh nghiệm, tận tâm và luôn sẵn sàng hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập.
Bên cạnh kiến thức chuyên môn, chương trình đào tạo cũng chú trọng phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy phản biện… Ngọc Mai cho rằng đây là điểm cộng lớn bởi trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, kỹ năng mềm đóng vai trò không kém phần quan trọng so với chuyên môn.
Nữ sinh cũng đánh giá cao các hoạt động kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp. Khoa Tài chính - Kế toán thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu giữa sinh viên ngành Tài chính Ngân hàng với doanh nghiệp trong nước.
Theo nữ sinh, những buổi giao lưu này rất thiết thực, giúp sinh viên có cái nhìn rõ ràng hơn về môi trường làm việc thực tế, yêu cầu nghề nghiệp và qua đó định hình con đường phát triển sự nghiệp cho bản thân.
“Chính từ những lần giao lưu đó, em học được cách ứng xử chuyên nghiệp, mở rộng mối quan hệ và nhận ra mình cần trau dồi thêm điều gì để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Đây thực sự là cầu nối quan trọng giữa lý thuyết trên giảng đường và thực tiễn nghề nghiệp”, Ngọc Mai hào hứng nói.
Được biết, Cao Thị Ngọc Mai và một số sinh viên cùng lớp Tài chính Ngân hàng vừa hoàn thành nghiên cứu khoa học năm học 2024 - 2025. Đề tài nghiên cứu được thầy Trương Văn Trí đánh giá cao. Đây cũng là một trong những hoạt động giúp sinh viên trau dồi kiến thức và tinh thần học thuật, mang lại nhiều lợi ích cho chặng đường học tập sau này.
Lĩnh vực tài chính, ngân hàng là “áp lực tạo kim cương”
Dưới góc nhìn của thầy Trương Văn Trí, ngành Tài chính Ngân hàng là một lĩnh vực có sức hút mạnh mẽ, mang đến nhiều cơ hội nghề nghiệp phong phú cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Thầy Trí cho biết, sinh viên ngành Tài chính Ngân hàng khi tốt nghiệp có thể làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước, công ty đầu tư, ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán hay các tổ chức tài chính công nghệ (fintech).
Mỗi môi trường đều mở ra cơ hội vị trí việc làm cụ thể như chuyên viên tài chính doanh nghiệp, chuyên viên lập kế hoạch - ngân sách, phân tích đầu tư, môi giới chứng khoán, chuyên viên tín dụng, thẩm định tài chính, quản lý rủi ro hay kế toán doanh nghiệp.

Ngoài ra, các vị trí tư vấn tài chính cá nhân, bảo hiểm và dịch vụ tài chính số cũng đang ngày càng phát triển, đặc biệt khi công nghệ đang định hình lại cách thức vận hành của thị trường tài chính.
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, sinh viên không chỉ cần vững kiến thức chuyên ngành mà còn phải nhanh chóng thích nghi với xu hướng mới.
“Ba nhóm kỹ năng then chốt cần được trang bị gồm: kỹ năng công nghệ số, kỹ năng phân tích và ra quyết định dựa trên dữ liệu, kỹ năng mềm và tư duy đổi mới sáng tạo. Sự hiểu biết về công nghệ, khả năng xử lý dữ liệu và linh hoạt trong giao tiếp, hợp tác là nền tảng để sinh viên bắt nhịp kịp với thời đại số hóa trong tài chính”, thầy Trí chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, vị giảng viên nhận định, con đường vào ngành không chỉ trải đầy hoa hồng. Sinh viên sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức ngay từ khi mới bắt đầu bước vào thị trường lao động. Trước hết là áp lực cạnh tranh rất cao, do ngành Tài chính Ngân hàng có nhiều cơ hội hấp dẫn nên số lượng ứng viên luôn đông đảo.
Muốn nổi bật, sinh viên cần có chuyên môn sâu, kỹ năng tốt và đặc biệt là tinh thần cầu tiến, ham học hỏi. Thêm vào đó, môi trường làm việc trong ngành đòi hỏi sự kỷ luật và hiệu quả cao. Tại các ngân hàng thương mại, việc đáp ứng các chỉ tiêu, KPI thường xuyên là điều không thể tránh khỏi. Áp lực không chỉ đến từ kết quả công việc mà còn đến từ nhịp độ làm việc nhanh, đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối.
Một thách thức khác là yêu cầu cập nhật kiến thức liên tục. Tài chính là lĩnh vực có tốc độ thay đổi chóng mặt, đặc biệt khi gắn liền với công nghệ. Nếu không chủ động học tập và thích ứng, sinh viên sẽ nhanh chóng bị tụt lại phía sau. Thầy Trí nhận định, ngành tài chính có thể coi là ngành áp lực cao, nhưng sẽ “tạo kim cương” cho chính nhân sự trong ngành nếu biết cách tận dụng.
“Dù vậy, cơ hội nghề nghiệp vẫn vô cùng rộng mở với những ai có định hướng rõ ràng và không ngừng rèn luyện bản thân. Nhu cầu nhân lực trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, đầu tư… đang tăng nhanh, đặc biệt tại các đô thị lớn, trung tâm tài chính và trên thị trường quốc tế.
Điều quan trọng là mỗi sinh viên cần hiểu rõ thế mạnh và đam mê của mình để chọn hướng đi phù hợp. Có người phù hợp với phân tích đầu tư, người khác lại phát huy tốt khi làm công việc chăm sóc khách hàng tài chính hoặc tư vấn doanh nghiệp. Khi tìm được công việc phù hợp, những khó khăn ban đầu sẽ trở thành cơ hội quý báu để trưởng thành và phát triển”, thầy Trí bộc bạch.
Ngành Tài chính Ngân hàng là cánh cửa rộng mở với nhiều cơ hội lớn, nhưng cũng là một hành trình đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ càng, bản lĩnh và tinh thần cầu tiến. Với sự đầu tư nghiêm túc ngay từ hôm nay, sinh viên hoàn toàn có thể vững vàng bước vào thị trường lao động và khẳng định mình trong một lĩnh vực năng động, đầy thách thức nhưng cũng vô cùng triển vọng.
Thường xuyên hợp tác tổ chức các buổi giao lưu với Trường Đại học Đông Á, đồng thời là giảng viên khách mời, giảng dạy các tiết thực hành, anh Nguyễn Đức Min - Giám đốc Chi nhánh VIB Sông Hàn (Đà Nẵng) chia sẻ: "Thị trường lao động ngành này sẽ có nhiều thay đổi, chủ yếu do quá trình số hóa và phát triển ngân hàng số ngày càng mạnh mẽ.
Khi công nghệ dần thay thế những công việc mang tính thủ công, lực lượng lao động trực tiếp trong ngành ngân hàng chắc chắn sẽ bị thu hẹp. Những vị trí như giao dịch viên vốn từng cần đến 5 - 7 chuyên viên, trong tương lai chỉ còn 1 - 2 người vì khách hàng đã chuyển sang sử dụng ứng dụng ngân hàng số. Do đó, sinh viên ngành sẽ cảm thấy có đôi chút áp lực".

Với xu hướng chuyển đổi này, theo anh Đức Min, sinh viên ngành Tài chính Ngân hàng cần thay đổi tư duy và phương thức học tập, tích cực bổ sung thêm các kỹ năng về công nghệ, kỹ năng phân tích dữ liệu và sử dụng các công cụ số. Anh cũng nhấn mạnh các bạn sinh viên cần trang bị thêm các chứng chỉ nghề nghiệp, kiến thức về công nghệ tài chính (fintech), cũng như các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy sáng tạo… để có thể bắt kịp yêu cầu của thị trường lao động tương lai.
Khi được hỏi về những kỹ năng cụ thể cần ưu tiên, anh chia sẻ: "Kỹ năng mềm sẽ trở thành yếu tố then chốt. Trong thời đại ngân hàng số, việc bán hàng cũng thay đổi, không còn theo kiểu truyền thống mà là bán hàng thông minh. Điều này đòi hỏi khả năng tương tác, giao tiếp và thích nghi linh hoạt trong môi trường số".
Bên cạnh đó, vị giám đốc chi nhánh cũng đề cập đến vai trò quan trọng của việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp.
"Quá trình hợp tác này mang lại lợi ích cho cả hai bên. Sinh viên được tiếp cận với môi trường làm việc thực tế, bổ sung kinh nghiệm và kỹ năng, còn các ngân hàng thì có thể tận dụng nguồn nhân lực trẻ, năng động trong quá trình vận hành. Ở đơn vị anh, sinh viên thực tập không chỉ học mà còn được giao việc phù hợp với năng lực, góp phần hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động của ngân hàng", anh Min bày tỏ.
Từ những chia sẻ này có thể thấy, ngành Tài chính Ngân hàng vẫn là một lĩnh vực đầy tiềm năng. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội, sinh viên cần chủ động học hỏi, linh hoạt thích nghi và liên tục cập nhật tri thức, kỹ năng trong một thế giới tài chính đang vận hành ngày càng thông minh.