The Straits Times ngày 16/5 đưa tin, người vừa đắc cử Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm Chủ Nhật 15/5 nói với báo giới, ông muốn xây dựng mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc và khẳng định, Philippines bỏ ngỏ cánh cửa "đàm phán trực tiếp với Bắc Kinh về những tranh chấp giữa hai nước" trên Biển Đông đã làm hỏng quan hệ song phương.
Triệu Giám Hoa - Đại sứ Trung Quốc tại Philippines là vị Đại sứ thứ 2 được ông Rodrigo Duterte tiếp kiến sau Đại sứ Nhật Bản, người thứ 3 ông tiếp là Đại sứ Israel, theo Gulf Times ngày 17/5.
Về quan hệ đối ngoại, truyền thông hầu như tập trung vào hỏi tân Tổng thống Philippines xung quanh vấn đề Biển Đông và quan hệ Philippines - Trung Quốc liệu có gì khác so với thời người tiền nhiệm Benigno Aquino hay không.
Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ảnh: EPA / The Straits Times. |
Ông Rodrigo Duterte trả lời: "Quan hệ tốt thì chưa bao giờ nguội lạnh. Nhưng tôi mong có mối quan hệ thân thiện với tất cả mọi người".
Trong suốt nhiệm kỳ 6 năm của Tổng thống mãn nhiệm Benigno Aquino, quan hệ Trung Quốc - Philippines trở nên tồi tệ vì tranh chấp trên Biển Đông. Trung Quốc yêu sách "chủ quyền" một cách phi lý với gần như toàn bộ vùng biển chiến lược này.
Đường lưỡi bò mà họ tự vẽ "gặm" sát vào bờ biển các nước ven Biển Đông như Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei, đè lên phần lớn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa các nước.
Để thực thi tuyên bố của mình, những năm gần đây Trung Quốc ra sức xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp, trong đó có 3 đường băng quân sự. Năm 2012, Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Chính phủ Tổng thống Aqunio đã phản ứng bằng cách ký kết hiệp định hợp tác quốc phòng mở rộng với Hoa Kỳ và khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA).
Manila cũng nỗ lực đưa vấn đề Biển Đông với các hành vi phiêu lưu quân sự, bành trướng lãnh thổ - hàng hải mà Trung Quốc thực hiện trên Biển Đông ra các diễn đàn và sự kiện đa phương sau 18 năm đàm phán trực tiếp với Bắc Kinh mà không đi đến đâu.
Trung Quốc tức tối, giận dữ với chiến thuật của ông Aquino và ra sức tuyên truyền rằng ông Aqunio là người phá hoại quan hệ Trung Quốc - Philippines. Khi thấy ứng cử viên Rodrigo Duterte tranh cử Tổng thống và có quan điểm mềm dẻo hơn trong quan hệ với Trung Quốc, Bắc Kinh đã ra sức vỗ về, tranh thủ.
Muốn quan hệ với Trung Quốc không có gì xấu
Âm mưu của Đài Loan can thiệp bất ngờ và khả năng phán quyết của PCA |
Người viết cho rằng, việc tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte muốn xây dựng quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vốn dĩ không phải chuyện gì xấu.
Vấn đề là ông sẽ xây dựng quan hệ ấy như thế nào để không ảnh hưởng đến lợi ích cốt lõi của Philippines, không vô tình tiếp tay cho Trung Quốc tiếp tục bành trướng trên Biển Đông bằng đường lưỡi bò và phát huy được thành quả của người tiền nhiệm trong đấu tranh với Trung Quốc bằng con đường pháp lý. Đó mới là chuyện đáng bàn.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Họ có rất nhiều đòn bẩy về kinh tế - thương mại - tài chính - đầu tư, chính trị, quân sự cũng như ngoại giao mà ngay cả Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Australia cũng không thể bỏ qua, dù rất bức xúc trước hành vi phiêu lưu quân sự, leo thang mà Trung Quốc đang chạy theo trên Biển Đông.
Việc tân Tổng thống Philippines có thiện chí thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc là việc bình thường và nên làm trong cương vị ông là người đứng đầu đất nước, phải chăm lo cho lợi ích quốc gia mình, dân tộc mình.
Riêng trong vấn đề Biển Đông ông Rodrigo Duterte cũng đã thể hiện quan điểm khá rõ ràng. Theo Gulf Times ngày 17/5, trước khi tiếp Triệu Giám Hoa - Đại sứ Trung Quốc, ông đã khẳng định với báo giới: Philppines không lùi bước trong yêu sách của mình trên Biển Đông, mặc dù mở cửa khả năng đàm phán với Trung Quốc.
Trung Quốc đang ở thế bất hợp pháp trên Biển Đông, dù họ có muốn tin điều này hay không, tân Tổng thống Philippines khẳng định. Philippines sẽ không đánh đổi các yêu sách về lãnh thổ - hàng hải lấy các nhượng bộ về kinh tế - thương mại từ Bắc Kinh.
"Tôi nói mềm dẻo (trong quan hệ với Trung Quốc) là với ý nghĩa tôi không muốn đi đến chiến tranh. Nhưng nếu bạn cho rằng mềm dẻo có nghĩa là từ bỏ (lợi ích quốc gia, dân tộc) hay trở nên nhu nhược là điều không thể, không bao giờ", tân Tổng thống Philippines xác quyết.
Không thể dựa hoàn toàn vào Mỹ, phải tự lực cánh sinh
Chuck Hagel: Vụ kiện Biển Đông quan trọng sống còn đối với UNCLOS |
Rodrigo Duterte khẳng định rằng, ông sẽ không (chỉ biết) dựa vào Hoa Kỳ để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, bởi lẽ ông không tin Mỹ sẽ sẵn sàng ra tay cứu Philippines nếu chẳng may nước này rơi vào một cuộc xung đột, đối đầu với Trung Quốc.
"Hãy để tôi nói thẳng ra rằng, này Hoa Kỳ, các bạn sẽ đứng cùng phía với chúng tôi hay không cùng phía chúng tôi? Nếu nổ ra chiến tranh và chúng tôi bị tấn công, các bạn có ở lại và giúp đỡ chúng tôi hay không?
Hay các bạn sẽ nói, đi đến chiến tranh là quyết định của riêng các anh, hoặc điều kiện chưa sẵn sàng cho chiến tranh nhưng tại sao các anh lại đi đến chiến tranh?" Gulf Times dẫn lời ông Duterte cho biết.
Trong thực tế, dù Mỹ và Philippines là đồng minh hiệp ước, song Hoa Kỳ không cam kết sẽ bảo vệ Philippines trong trường hợp nước này bị Trung Quốc tấn công như những gì ông Obama đã khẳng định với người Nhật Bản về trường hợp nhóm đảo Senkaku / Điếu Ngư tranh chấp với Trung Quốc.
Mặt khác, bài học mất quyền kiểm soát Scarborough vào tay Trung Quốc năm 2012 đối với ông Rodrigo Duterte có lẽ vẫn còn nguyên giá trị. Nó nhắc nhở ông rằng, bảo vệ yêu sách lãnh thổ - hàng hải không thể dựa hoàn toàn vào nước khác. Đồng thời cũng chớ nhẹ dạ để mắc mưu Trung Quốc để phải ôm hận.
Bởi lẽ sau 2 tháng so găng ngoài Scarborough, bước vào mùa mưa bão Philippines đã chấp thuận đề nghị của Trung Quốc mà được cho là có sự trung gian môi giới của Washington, rằng hai bên cùng rút tàu.
Philippines thật thà thực hiện, Trung Quốc giả vờ rút rồi ngay lập tức quay lại và chiếm quyền kiểm soát bãi cạn này. Trong khi tiềm lực và thế lực của Philippines trên Biển Đông không thể bì với Trung Quốc.
Đành rằng không thể hoàn toàn dựa vào Mỹ, nhưng nói đi cũng phải nói lại. Trên thế giới hiện nay, chỉ có Hoa Kỳ là cường quốc duy nhất ngoài khu vực ngăn được Trung Quốc bành trướng, độc chiếm Biển Đông và biến nó thành ao tù của riêng mình.
Cũng chính Hoa Kỳ muốn ngăn cản những hành vi phiêu lưu, leo thang quân sự hóa, chà đạp luật pháp quốc tế mà Trung Quốc đang làm trên Biển Đông bởi nó đe dọa vai trò, vị thế của Mỹ cũng như trật tự hòa bình sau Chiến tranh Thế giới II.
Do đó phối hợp, hợp tác, tận dụng và khai thác tiếng nói, vị thế, hành động của Hoa Kỳ ở Biển Đông để cùng duy trì hòa bình, ổn định, luật pháp và trật tự quốc tế, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là việc hết sức quan trọng. Không thể xem nhẹ vai trò của Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước khác có chung lợi ích.
Dù Trung Quốc có tiếp tục dùng tiền để phân hóa, chia rẽ ASEAN, người viết thiết nghĩ Philippines vẫn nên tiếp tục cùng Việt Nam giữ cho được đoàn kết trong khối, tìm được "mẫu số chung nhỏ nhất" trong vấn đề Biển Đông mà các bên chấp nhận được.
Muốn vậy cần làm rõ và thường xuyên tuyên truyền lợi ích của việc bảo vệ tự do hàng hải hàng không, hòa bình ổn định, luật pháp quốc tế ở Biển Đông tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario trong một phiên điều trần của PCA về thẩm quyền của Tòa với vụ kiện, ảnh: PCA. |
Nước nào cũng đặt lợi ích quốc gia, dân tộc mình lên trên hết, đó là điều hết sức bình thường. Vấn đề đặt ra là làm sao tìm được tiếng nói chung, đồng thuận trong khối ASEAN, trong đó những quốc gia có tiếng nói trọng lượng như Singapore, Indonesia cần được đề cao và khai thác triệt để.
Muốn các nước khác phản ứng hoàn toàn theo ý mình là điều không thể. Do đó việc Campuchia bác bỏ tuyên bố của ông Vương Nghị về việc Bắc Kinh và Phnom Penh đạt được "nhận thức chung 4 điểm" về Biển Đông là việc rất đáng hoan nghênh.
Xây dựng quan hệ với Trung Quốc như thế nào khi Bắc Kinh không từ bỏ tham vọng nuốt trọn Biển Đông?
Người viết cho rằng, mở đường đối thoại với Trung Quốc là lựa chọn sáng suốt của tân Tổng thống Philippines, bởi đối đầu hay chạy đua vũ trang với Bắc Kinh trên Biển Đông thì chắc chắn Manila không đủ sức.
Hai bên tranh chấp trong khi tương quan lực lượng mất cân bằng, những nước nhỏ như Philippines chỉ có cách ứng xử khéo léo, tận dụng tối đa các xu thế đối ngoại, đối nội để có thể nói chuyện phải quấy với Trung Quốc để hạn chế tối đa thiệt hại.
Cũng xin lưu ý về khái niệm "đàm phán song phương" mà ông Duterte đề cập. Tranh chấp trên Biển Đông rất phức tạp, có tranh chấp song phương như bãi cạn Scarborough hay đường lưỡi bò và vùng đặc quyền kinh tế mà Philippines yêu sách, có tranh chấp đa phương như chủ quyền đối với các thực thể ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).
Do đó, "đàm phán song phương" ở đây cần được hiểu là cách tiếp cận của ông Duterte với các tranh chấp song phương. Còn các vấn đề đa phương buộc phải có sự hiện diện và tham gia của tất cả các bên liên quan.
Ông Tập Cận Bình: Chỉ giải quyết tranh chấp Biển Đông qua đàm phán trực tiếp |
Trong quá trình đó, phán quyết của PCA sẽ là một đòn bẩy rất thuận lợi cho Nội các của Tổng thống Rodrigo Duterte, bởi lẽ đó là tiếng nói của công lý, công pháp quốc tế làm rõ yêu sách đường lưỡi bò, thu hẹp đáng kể phạm vi tranh chấp trên Biển Đông.
Tất nhiên Trung Quốc không thừa nhận phán quyết này và đang ráo riết vận động dư luận bác bỏ nó. Nhưng dường như Bắc Kinh sẽ vẫn đơn độc và tự kỷ trên con đường chống lại luật pháp và công lý.
Trước hết có lẽ ông Duterte và cộng sự cần nghiên cứu kỹ và chuẩn bị các phương án khai thác phán quyết của PCA, tạo thế về dư luận và đối ngoại để đối thoại với Trung Quốc.
Công cuộc chiến đấu bằng con đường pháp lý vẫn nên tiếp tục song hành cùng các giải pháp chính trị, ngoại giao. Chỉ có điều thay vì những lời lẽ căng thẳng như hắt nước đổ đi, hãy nên ôn hòa và mềm mỏng nhưng giữ vững quan điểm, yêu sách và chủ trương khi đối thoại với Trung Quốc.
Người tiền nhiệm của ông Rodrigo Duterte có công rất lớn trong việc khởi động vụ kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 ra Tòa Trọng tài Thường trực. Tuy nhiên cũng chính Tổng thống Benigno Aquino đã có những phát biểu làm mất mặt Trung Nam Hải trước dư luận.
Theo người viết điều đó hết sức bất lợi, bởi Philippines đã đóng lại mọi cánh cửa đối thoại với Bắc Kinh vì những phát biểu ấy. Khi người đứng đầu đất nước đã phải lên tiếng theo kiểu một mất một còn, thì tự nhiên mọi đường lùi về mặt ngoại giao sẽ bị đóng chặt. Mà muốn giữ hòa bình thì phải đối thoại, dù hai bên có mâu thuẫn đến đâu đi nữa.
Còn mặt nào hợp tác được thì vẫn nên triển khai thúc đẩy hợp tác, nhất là kinh tế - thương mại - đầu tư, nhưng luôn nhớ nằm lòng nguyên tắc bình đẳng - cùng có lợi. Trung Quốc rất giỏi chơi "cờ vây", rất thích dùng kinh tế làm đòn bẩy để thực hiện các mục đích khác phi kinh tế.
Trong khi riêng về mặt kinh tế, thiết nghĩ Trung Quốc có lợi khi đầu tư sang Philippines thì họ mới rót tiền. Quan điểm kiên quyết không có chuyện đánh đổi yêu sách lãnh thổ - hàng hải lấy lợi ích kinh tế như ông Duterte đã khẳng định người viết cho là hoàn toàn chính xác.
Ngoài ra, nhiều bài học từ khu vực và quốc tế cho thấy, để tiêu được đồng vốn Trung Quốc đầu tư và làm cho nó sinh lời lành mạnh cũng không phải chuyện dễ dàng.
Bộ máy tham mưu cho tân Tổng thống Philippines cần nghiên cứu kỹ cách làm ăn của doanh nghiệp và chính phủ Trung Quốc để tránh hậu quả: Cứ dự án nào doanh nghiệp Trung Quốc thắng thầu là đội vốn, là công nghệ lạc hậu, là chậm tiến độ, là kéo theo lao động chân tay Trung Quốc sang, chưa kể những tính toán khác về an ninh, quốc phòng mà Bắc Kinh tìm kiếm ở nước sở tại.