Giáo dục và đào tạo chỉ có thể đổi mới căn bản và toàn diện khi mỗi người thầy, mỗi học trò phải thực sự đổi mới phương pháp dạy và học. Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đỗ Văn Bảo - giáo viên dạy môn Toán Trường trung học Vinschool, người đã sáng tạo ra một phương pháp: Mời học sinh làm trợ giảng trong lớp học, chia sẻ:
“Thông thường trong những tiết học, có không ít giáo viên dạy theo phương pháp truyền thống với giáo án đã soạn sẵn, giáo viên cứ nói một mạch và học sinh chỉ có việc ngồi nghe, ghi chép. Với những tiết dạy như thế thì giáo viên sẽ không vất vả.
Nhưng học sinh sẽ ít được tương tác với kiến thức, ghi chép như một cái máy, giáo viên đã vô tình bỏ qua quyền được khám phá tri thức và năng lực bản thân của học sinh với những kiến thức mới.
Khắc phục nhược điểm trên, giáo viên nên tối đa hóa thời gian tương tác với kiến thức của học sinh trong quá trình giảng dạy, để các em thấm và sẽ nhớ lâu hơn.
Học sinh nên được tự nghiên cứu sách giáo khoa và trình bày về cách hiểu của mình đối với kiến thức vừa tự đọc, sau đó giáo viên sẽ bổ trợ những chỗ hổng kiến thức, như vậy các em sẽ rất nhớ”, thầy Bảo nêu quan điểm.
Để học sinh làm trợ giảng thì giáo viên sẽ vất vả hơn, nhưng bù lại việc này giúp các em hình thành tư duy phản biện, tạo kỹ năng chuẩn bị nhanh kiến thức chính xác để bổ trợ trong một thời gian rất ngắn. Ảnh: Văn Bảo. |
"Tôi muốn các em được trải nghiệm như một giáo viên tạm thời trong một thời gian ngắn, giáo viên thì đổi chỗ và ngồi bên dưới nghe các em trình bày kiến thức theo cách hiểu của chính các em.
Một điều nữa là những lời giáo viên dạy trên lớp thì học sinh sẽ mặc nhiên coi đó là chân lý, từ đó các em không có tính phản biện nhiều với những kiến thức mới.
Nhưng nếu tôi đổi chỗ và để cho một bạn học sinh lên trình bày thì học sinh ở dưới sẽ lắng nghe, các em sẽ để ý nghe theo hướng phát hiện chỗ nào bạn nói được và chỗ nào chưa được để mình còn chuẩn bị kiến thức bổ sung vào.
Việc này giúp các em hình thành tư duy phản biện, tạo kỹ năng chuẩn bị nhanh kiến thức chính xác để bổ trợ trong một thời gian rất ngắn.
Tôi quan niệm là học sinh có quyền được hiểu kiến thức chưa đúng hoặc chưa đầy đủ, nhưng giáo viên phải khích lệ những điều học sinh đã trình bày, đồng thời khuyến khích những học sinh khác góp ý, bổ sung cho bạn.
Trong quá trình học sinh trình bày, nhận phản hồi góp ý bổ sung của các bạn trong lớp, các em có thời gian tương tác với kiến thức lâu hơn, tiếp cận kiến thức theo nhiều phương diện, lượng kiến thức đó được nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Nó khuyến khích tinh thần phản biện của học sinh trong lớp, giúp các em hình thành và phát triển các kỹ năng nên tôi đã suy nghĩ và đưa ra mô hình: Mời học sinh làm trợ giảng trong lớp học”.
Sau khi nghe trợ giảng và phần đóng góp kiến thức của các em, đến lúc này giáo viên sẽ chỉnh sửa, bổ sung kiến thức, việc này đảm bảo tính chính xác của kiến thức mà các em đã được tiếp nhận. Ảnh: Văn Bảo. |
Học sinh trợ giảng là gì?
"Trong mỗi tiết dạy trên lớp thì tôi mời chính học sinh trong lớp đó làm trợ giảng, các em sẽ chịu trách nhiệm trình bày trước cả lớp một lượng kiến thức trong tiết học đó, và thường là trình bày phần lý thuyết.
Để có được 5 phút đồng hồ cho phần trình bày này, học sinh sẽ phải đọc và tìm hiểu trước phần đó qua sách giáo khoa, bất kể là nhận thức của các em về phần kiến thức đó như thế nào thì hôm sau các em sẽ trình bày lại cho các bạn khác ở trên lớp.
Có hai hình thức là trợ giảng cố định và trợ giảng luân phiên. Trợ giảng cố định thường là những học sinh khá giỏi, nhiệt tình, kiên nhẫn, có khả năng trình bày trước lớp và hỗ trợ các bạn trong học tập.
Trợ giảng luân phiên là hình thức mỗi học sinh trong lớp sẽ là trợ giảng một bài cụ thể và các em xung phong đăng ký trước.
Trợ giảng có thể từ 1 đến 2 học sinh, những bạn trợ giảng này sẽ chịu trách nhiệm trình bày kiến thức mới, hoặc củng cố kiến thức cũ trong một khoảng thời gian ngắn từ 5-7 phút, sau đó sẽ đến phần các bạn trong lớp phản biện, đặt câu hỏi về phần kiến thức vừa được trợ giảng trình bày.
Đưa âm nhạc vào Toán học, tại sao không? |
Tiếp đó đến phần học sinh chất vấn và chưa hiểu phần nào có thể hỏi hoặc đề nghị trợ giảng giảng lại, đến đây các học sinh có thể góp ý, bổ sung kiến thức còn thiếu cho bài giảng, thời gian này từ 3-5 phút.
Sau khi nghe trợ giảng và phần đóng góp kiến thức của các em, đến lúc này giáo viên sẽ chỉnh sửa, bổ sung kiến thức, việc này đảm bảo tính chính xác của kiến thức mà các em đã được tiếp nhận.
Trong nhiều trường hợp học sinh không hiểu hết những gì giáo viên giảng, tâm lý cũng ngại hỏi lại thầy cô và nếu để tình trạng này diễn ra lâu dài, học sinh không hiểu bài và đánh mất phản xạ phản biện.
Chính vì vậy tôi để cho các em tự vận động, khi nghe bạn mình trình bày, học sinh rất thoải mái trong việc phản biện ý kiến, đưa ra những câu hỏi trong trường hợp chưa hiểu, hoặc có những góp ý, bổ sung vào bài giảng, nhận xét về cách trình bày của bạn…
Hơn nữa, học sinh sẽ rút kinh nghiệm từ những lỗi sai nhiều hơn là từ giáo viên truyền giảng.
Qua mô hình học sinh trợ giảng, đọc sách và chuẩn bị bài giảng trước ở nhà, đến lớp trình bày, chất vấn với bạn, nghe bạn góp ý, bổ sung, nghe thầy giáo chỉnh sửa... các em được học đi, học lại kiến thức vài lần và sẽ hiểu kiến thức sâu sắc”, thầy Bảo nói.
Thời gian đầu khi tiến hành mời học sinh làm trợ giảng, các em chưa quen nên cả thầy và trò khá mất thời gian, vì vậy tôi tiến hành bằng cách cho các em làm quen dần dần.
Tôi cho các em trình bầy những phần kiến thức với nội dung ngắn, sau đó để các em tự nhận xét về phần trình bầy của mình, khi các em đã quen thì tôi đưa vào những nội dung kiến thức dài hơn, đồng thời khích lệ các em tự xung phong.
Việc này sau một thời gian ngắn đã rất cuốn hút học sinh, các em xung phong lên làm trợ giảng nhiều hơn, nêu ý kiến phản biện…tạo một không khí khá vui vẻ, thoải mái trong những tiết học.
Tiến hành một tiết học có trợ giảng, những gì mà học sinh và giáo viên thu hoạch được nhiều hơn lượng kiến thức của bài học đó, và đó là điều tôi hướng tới.
Đối với những em học sinh trợ giảng, ngoài việc nắm được kiến thức sâu hơn, phát triển kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng trình bày, kỹ năng phản hồi và nhận phản hồi, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng làm việc nhóm…
Học sinh dưới lớp hình thành và phát triển các kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng phản biện, kỹ năng nhận xét, góp ý, tích cực chủ động trong quá trình học tập.
Như vậy, học sinh đều là những người khám phá ra tri thức qua bài của trợ giảng và các bạn”, thầy Bảo chia sẻ.
Thầy giáo Đỗ Văn Bảo (người áo trắng ngoài cùng bên trái ảnh) và học sinh của mình trong ngày khai giảng. |
Chia sẻ phương pháp mới.
"Để giúp cho học sinh có được những kỹ năng quan trọng, cần thiết trong cuộc sống sau này, giáo viên nên khuyến khích học sinh vận động, tự chủ tìm đến với kiến thức mới, thay vì thụ động. Giáo viên có nhiệm vụ định hướng sắp xếp, hệ thống và đính chính lại lượng kiến thức mà các em đã được tiếp nhận
Một điều lưu ý với phương pháp này là giáo viên cần phải giới hạn thời gian trình bày của các trợ giảng, quản lý tốt hoạt động phản biện, góp ý, để học sinh tập trung vào chủ đề chính.
Tiếp theo giáo viên phải là người cuối cùng đưa ra những nhận xét góp ý, đánh giá và bổ sung kiến thức một cách đầy đủ cho học sinh để đảm bảo bài giảng là chính xác về mặt kiến thức, khoa học về mặt trình bày.
Thông thường, bảng trình bày kiến thức trong những trường hợp này thì có phần trình bày của trợ giảng, phần bổ sung của học sinh, phần chỉnh sửa, tổng kết của giáo viên.
Do đó, sản phẩm trên bảng là tác phẩm chung của cả lớp chứ không có của riêng thầy cô giáo.
Học sinh ý thức được những phần mình trình bày, hay góp ý đều tạo nên tác phẩm chung này nên rất có trách nhiệm trong việc góp ý, bổ sung cho bạn.
Ngoài ra, giáo viên cũng nên có hình thức là trợ giảng luân phiên, phân các bài giảng cho từng nhóm 2 bạn chịu trách nhiệm trình bày theo lịch.
Điều này giúp tất cả học sinh đều có cơ hội đóng góp vai trò trợ giảng, trình bày kiến thức cho các bạn.
Những học sinh tích cực chủ động sẽ được mời trình bày trước để những học sinh còn lại tham khảo, để có sự chuẩn bị tốt nhất cho bài trình bày của mình.
Khuyến khích học sinh trình bày, tạo điều kiện để các em phản biện, góp ý, bổ sung, nhận xét, đánh giá, nhằm gia tăng thời gian các em tương tác và nắm chắc kiến thức hơn”, thầy Bảo nhấn mạnh.