Muốn trẻ có tình yêu với sách, đầu tiên hãy giúp chúng "vui chơi" với sách

24/04/2019 06:27
Nguyễn Lan Hương
(GDVN) - Những điều có thể làm cho trẻ và mọi người Việt thích đọc sách không có gì khác ngoài việc đầu tiên, hãy có thời gian “vui chơi” với sách một cách thoải mái.

LTS: Với hy vọng đưa ra những giải pháp hữu ích trong việc khuyến khích trẻ và mọi người ham đọc sách hơn, tác giả Nguyễn Lan Hương đã gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tôi mới từ Boston (Mỹ) trở về Sài gòn sau hơn 4 tháng làm tình nguyện cho hoạt động xã hội phục vụ người khó khăn của thành phố. 

Trong thời gian đó, tôi có vinh dự được đọc rất nhiều sách tại 2 địa điểm là thư viện Boston và tiệm sách của Đại học Harvard.

Mỗi tuần, tôi đọc có lẽ tùy theo chủ đề và tiến độ, nhưng cũng đâu đó khoảng 4-10 cuốn sách.

Tôi muốn nói điều này để khẳng định rõ rằng, không có chuyện người Việt Nam chúng ta không có văn hóa đọc

Tôi tin là vẫn còn rất nhiều người ham đọc sách, chỉ có điều họ chưa có cơ hội, đặc biệt là giới trẻ và những em mới đi học.

Cần nâng cao văn hóa đọc đối với trẻ nhỏ (Ảnh minh họa: baolongan.vn).
Cần nâng cao văn hóa đọc đối với trẻ nhỏ (Ảnh minh họa: baolongan.vn).

Xin được chia sẻ mấy điểm chính, hy vọng có thể hữu ích trong việc khuyến khích trẻ và mọi người ham đọc sách hơn.

Đọc sách là một thú vui, nó cần có động lực cá nhân và khích lệ của gia đình, giáo viên, hay mọi người gần gũi với trẻ và các bạn. 

Với gia đình tôi, ít nhất 3 đời chúng tôi thích đọc sách bởi ông bà, cha mẹ làm gương, rồi cô thầy dạy văn, dạy toán đều những người chia sẻ niềm vui về tâm hồn, nhân cách khi đọc các cuốn sách hay, thầy cô gợi ý đầu sách cho đọc, rồi cứ thế mà đọc rồi dần dần nó thành ham thích.

Tất cả nó cần xuất phát từ tấm gương thực tiễn và khơi dậy lòng yêu thích của bản thân người đọc.

Mọi thứ bắt buộc, dù chính khóa trong giờ đọc, mà không thích hợp hoặc không có điều gì gây hứng thú, trẻ và học sinh cũng làm cho có, không giúp gì đến tình yêu “đọc sách” cả.

Do vậy, đề xuất việc chính thức hóa giờ đọc sách trong chương trình là một điều tốt, nhưng tốt hơn, cần nghĩ đến sẽ đọc gì, làm gì trong giờ đọc và làm sao để khơi dậy lòng yêu đọc sách trước hết, chứ xin đừng biến nó thành như “giáo dục công dân”, mang tính hình thức thì có lẽ còn hại hơn.

Đọc sách là văn hóa. Nếu đọc sách lại kết hợp với các hoạt động cộng đồng, hay các sinh hoạt chung giữa các thế hệ, giữa các tầng lớp nhân dân với học sinh và giới trẻ, nó có lẽ mang nhiều ý nghĩa hơn. 

Muốn trẻ có tình yêu với sách, đầu tiên hãy giúp chúng "vui chơi" với sách ảnh 2Đọc sách giúp cho cuộc sống của chúng ta hạnh phúc hơn

Lấy ví dụ, như trong đề xuất về kế hoạch Boston Care. Students Succeed của mình với thành phố Boston, tôi đề xuất thành lập các chương trình tình nguyện giao lưu giữa sinh viên đại học với các lớp học ở cấp 1 và cấp 2 ở đó. 

Nếu  mục tiêu chúng ta đang muốn hướng đến là tạo dựng thói quen đọc sách cho trẻ cấp 1 – cấp 2, chúng ta có thể thiết lập các đội tình nguyện từ đại học dành thời gian cho các bé hàng tuần, đọc sách và dành thời gian chơi như một hoạt động ngoài giờ.

Hơn thế, theo quan điểm mở, trường học nên để cha mẹ, hội phụ huynh, các tổ chức xã hội và tình nguyện, thiện nguyện như ở Boston, nhà thờ hoặc tổ chức tình nguyện của những người lớn tuổi rất mạnh.

Họ có thể hỗ trợ rất nhiều cho nhà trường, bao gồm từ nguồn lực tài chính đến các hoạt động bổ trợ, giúp đỡ học sinh cần học bổ sung thêm kiến thức, hay thậm chí những kỹ năng cuộc sống, mà thầy cô giáo không có đủ thời gian để chia sẻ.

Mọi điều lớn lao về sách, nó bắt đầu từ biết đọc và cảm nhận vẻ đẹp của nội dung. Điều này cần có thời gian, cần có những người có tâm hồn và có trải nghiệm chia sẻ.  

Hơn ai hết, đọc chính là nhiệm vụ của những thế hệ đi trước, ví như gia đình, thầy cô và các anh chị đang học cấp đại học, chỉ dẫn cho thế hệ sau.  

Những điều có thể làm được cho trẻ và mọi người Việt thích đọc sách không có gì khác ngoài việc đầu tiên, hãy có thời gian “vui chơi” với sách một cách thoải mái…

Chúng ta cần coi việc, người lớn thích đọc trước, để noi gương và rồi, chúng ta dành thời gian đọc đó cho con trẻ, có lẽ điều đó sẽ giúp nhiều người Việt thích đọc hơn.

Mặc dù, để tạo thành một xã hội học tập mà bắt đầu bằng việc yêu thích đọc sách của tất cả mọi người trong cộng đồng, còn rất nhiều việc phải làm, từ chính sách cho đến hoạt động từng khu phố, nhưng ít nhất, tôi hy vọng chương trình hoạt động tình nguyện của các bạn ở đại học với các học sinh cấp 1-2 có lẽ cũng có thể thử nghiệm và triển khai thực tế được.

Mong là, chúng ta không quên mất nền tảng gốc của người Việt là “yêu chữ, yêu nước” hay như Phạm Quỳnh có câu nói bất hủ có thể làm động lực cho chương trình Yêu Sách của người Việt “Tiếng Việt còn, Nước ta còn”.

Chúc mọi người thích đọc mỗi ngày!

Nguyễn Lan Hương