Theo New York Times ngày 26/12, quyết định đưa ra sau khi Thủ tướng Iraq Nuri Kamal al-Maliki yêu cầu sự giúp đỡ từ Tổng thống Mỹ Barack Obama trong một cuộc họp tại Washington hồi tháng trước.
|
Lính Mỹ bên cạnh một quả tên lửa Hellfire. |
Tình hình ở Iraq đã trở thành một mối quan tâm nghiêm trọng trong năm qua khi quân nổi dậy từ nhóm Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria có liên kết Al -Qaeda tràn qua phần phía tây và phía bắc của đất nước này giáp với Syria gây ra các cuộc tấn công bạo lực đẫm máu. Hơn 9.000 người Iraq đã thiệt mạng trong năm 2013 do các vụ tấn công khủng bố chết người, gồm cả 3 đánh bom giết chết gần 40 người vào ngày Giáng sinh.
Mặc dù 75 quả tên lửa Hellfire cùng với 10 máy bay giám sát ScanEagle đã được gửi tới Iraq, nhưng một số chuyên gia tin rằng phản ứng của Mỹ vẫn chưa đủ mạnh do không triển khai các vũ khí quân sự mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như máy bay chiến đấu.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Iraq đã đề nghị Mỹ hỗ trợ máy bay không người lái tấn công, nhưng ông Maliki - người có thể trúng cử nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 3 - vẫn chưa đưa ra yêu cầu như vậy.
Theo Michael Knights của Viện Nghiên cứu Chính sách Cận Đông tại Washington, các máy bay trinh sát không có khả năng đảo ngược tình hình bởi phạm vi hoạt động của nó khá nhỏ.
"Yêu cầu cơ bản hiện nay là cần có các máy bay tầm xa, độ bền cao như như máy bay không người lái tấn công. Có một nơi Al -Qaeda có thể ẩn náu mà không sợ bị máy bay không người lái Mỹ tấn công là Iraq và Syria", ông nói thêm.
Về phần mình, chính quyền Obama tuyên bố rằng các thiết bị quân sự đã hỗ trợ hiện tại sẽ rất hữu ích bởi vì Iraq hiện đang thiếu máy bay tuần tra và tên lửa.
Ngoài ra, các kế hoạch cung cấp vũ khí hạng nặng khác cho Iraq khó có thực hiện do vấp phải sự phản đối từ Quốc hội Mỹ, nơi một dự luật cho thuê và bán trực thăng vũ trang Apache cho Baghdad bị cản trở bởi lo ngại rằng chúng có thể được ông Maliki sử dụng hao để bắt nạt các đối thủ chính trị của ông. Tuy nhiên, nếu Mỹ không bán Apache, ông Maliki sẽ mua trực thăng Mi-35 của Nga.
Kể từ khi quân đội Mỹ rút khỏi Iraq vào năm 2011, Al-Qaeda đã trỗi dậy tại quốc gia này bằng một loạt vụ tấn công của người Sunni liên kết với tổ chức này chống lại chính phủ người Shiite của ông Maliki. Thông qua cơ sở mới ở Syria, nhóm này đã tiến hành tới 40 vụ đánh bom tự sát tại Iraq chỉ trong 1 tháng./.
Nguyễn Hường