Trung Quốc đang tự tạo "tin xấu" cho mình ở Biển Đông?

30/01/2016 13:00
Đông Bình
(GDVN) - Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Vượng báo Đài Loan đang cố tình thay đổi khái niệm, diễn giải sai lệch bản chất phát biểu của các quan chức Mỹ

Mỹ tiếp tục bảo vệ tự do hàng không, hàng hải ở Biển Đông

Ngày 27/1, tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Mỹ, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris tuyên bố, Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động bảo vệ tự do hàng không, hàng hải ở Biển Đông.

Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ
Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ

Đô đốc Harry Harris còn cho biết, trong tương lai, cộng đồng quốc tế sẽ nhìn thấy nhiều hơn các hành động như hoạt động tuần tra của tàu khu trục USS Lassen tuần tra bên trong 12 hải lý một số thực thể Trung Quốc chiếm đóng (bất hợp pháp) ở Biển Đông vào ngày 27/10/2015.

Ngày 29/1, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân phản ứng về phát biểu của Đô đốc Harry Harris. Ông Quân né tránh vấn đề Hoa Kỳ đặt ra là hiệu lực pháp lý của các bãi cạn lúc nổi lúc chìm mà Trung Quốc bồi lấp (bất hợp pháp) cùng các hoạt động tự do hàng không, hàng hải theo luật pháp quốc tế qua khu vực này.

Ngược lại, ông Quân nhắc lại lập luận sai trái và chẳng ăn nhập gì với vấn đề Hoa Kỳ đặt ra khi tuyên bố cái gọi là "Trung Quốc có bằng chứng lịch sử và pháp lý” để khẳng định chủ quyền với các thực thể này. Thậm chí ông Quân còn chế nhạo Đô đốc Harry Harris thiếu “kiến thức lịch sử thông thường”, đòi “các nước ngoài khu vực” không được can thiệp.

Ngoài ra, tướng Harry Harris còn cho hay, Mỹ sẽ triển khai máy bay chiến đấu F-35, tàu khu trục DD-1000, tàu sân bay lớp Ford thứ hai, máy bay vận tải cánh xoay nghiêng V-22 Osprey và máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon ở khu vực Thái Bình Dương. Mỹ có một loạt đồng minh và đối tác, trong khi Trung Quốc không hề có.

“Tin xấu” cho Trung Quốc

Tờ Vượng báo Đài Loan ngày 30/1 bình luận rằng, phát biểu “các hòn đảo ở Biển Đông không thuộc về Trung Quốc” của Đô đốc Harry Harris rốt cuộc là có liên quan đến vụ kiện Biển Đông sắp được Tòa Trọng tài Thường trực Liên hợp quốc ở The Hague ra phán quyết.

Philippines có thể chiến thắng Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông
Philippines có thể chiến thắng Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông

Theo bài báo, Tòa ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, phát biểu của Đô đốc Harry Harris có thể cũng sẽ báo hiệu, Mỹ sẽ từ bỏ lập trường không thiên vị bất cứ bên nào trong tranh chấp Biển Đông, về mặt pháp lý, căn bản phủ nhận chủ quyền Trung Quốc ở Biển Đông.

Đô đốc Harry Harris là sĩ quan chỉ huy cấp cao của Quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, một quan chức cấp cao như vậy đã lần đầu tiên đi ngược lại với nguyên tắc nhất quán “không thiên vị bên nào” đối với chủ quyền quần đảo Trường Sa như các quan chức Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn tuyên bố.

Vượng báo cho rằng, đây là “thủ đoạn” hai mặt của quân đội và chính phủ Mỹ, giúp Quân đội Mỹ tranh thủ ngân sách quốc phòng, không phù hợp với quan điểm của Chính phủ Mỹ trong các tranh chấp điểm nóng toàn cầu, đã chủ động thách thức và can thiệp tranh chấp chủ quyền khu vực, “không phải là tin tốt” đối với Trung Quốc.

Mặc dù Chính phủ Trung Quốc luôn tuyên bố không tham gia vụ kiện đường lưỡi bò mà Philippines khởi xướng, cũng không chấp nhận kết quả phán quyết của Tòa, nhưng thực ra Trung Quốc luôn có một đội ngũ theo dõi chặt chẽ quá trình xét xử của tòa.

Họ làm như vậy nhằm tránh để bất lợi từ kết quả trọng tài làm mờ nhạt yêu sách chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông trong nhận thức của cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng, không biết do vô tình hay cố ý, cả người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Vượng báo Đài Loan đang cố tình thay đổi khái niệm, diễn giải sai lệch bản chất phát biểu của các quan chức Mỹ, trong đó có Đô đốc Harry Harris.

Mỹ không đứng về bên nào trong các bên yêu sách "chủ quyền" ở Biển Đông, nhưng Mỹ kịch liệt phản đối các hành vi thay đổi hiện trạng, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, vi phạm luật pháp quốc tế, cản trở tự do hàng không hàng hải ở Biển Đông.

Hoạt động của tàu hay máy bay quân sự bên trong 12 hải lý quanh đá Xu Bi, Vành Khăn mà Trung Quốc chiếm đóng và xây đảo nhân tạo trái phép không phải nhằm phản đối "yêu sách chủ quyền", mà nhằm phá âm mưu của Bắc Kinh đòi quy chế lãnh hải 12 hải lý cho các bãi cạn lúc nổi lúc chìm không được hưởng quy chế lãnh hải 12 hải lý theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 - PV.

Đông Bình