Yonhap ngày 4/6 đưa tin cho biết, một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ thúc giục Hàn Quốc nên lên tiếng phản đối các hành động leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông bởi Hàn Quốc là một quốc gia có vai trò quan trọng trong trật tự quốc tế.
Trong một hội thảo về Hàn Quốc mới đây, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel tố cáo các hoạt động bồi lấp xây dựng (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông rõ ràng là một nỗ lực nhằm củng bố yêu sách bá quyền (vô lý, phi pháp) của mình với gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm vùng biển, đảo của các quốc gia khác.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel. |
"Vai trò của Hàn Quốc là vai trò của một bên liên quan quan trọng trong trật tự quốc tế hiện nay. Đó là vai trò của một quốc gia có pháp luật. Đó là vai trò của một quốc gia thương mại. Đó là vai trò của một nước phát triển mạnh dưới các hệ thống quốc tế..."
"Việc Hàn Quốc, cũng như Mỹ, không phải là bên tranh chấp ở Biển Đông cho thấy Seoul càng có lý do để lên tiếng, bởi việc này không phải vì lợi ích của chính mình mà vì sự ủng hộ các nguyên tắc chung và luật pháp”, hãng tin Yonhap dẫn lời ông Russel phát biểu tại một hội thảo về Hàn Quốc ở Wangton do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế và Hàn Quốc tổ chức.
Đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao của Mỹ công khai đề nghị Hàn Quốc đóng một vai trò trong tranh chấp ở Biển Đông, Yonhap nhận định.
Ông Russel cũng lên án các hành động bồi lấp đảo nhân tạo (phi pháp) nhằm củng cố yêu sách (bành trướng) sai trái của Bắc Kinh ở Biển Đông. Ông cho rằng, những hành động trên của Trung Quốc đã đặt ra câu hỏi rằng: "Trung Quốc muốn trở thành cường quốc kiểu gì?"
"Việc Trung Quốc khẳng định yêu sách lãnh thổ của mình thông qua bồi lấp quy mô lớn, thông qua việc triển khai các lực lượng bán quân sự hoặc các lực lượng quân sự mà các nước láng giềng xem là mối đe dọa , không phù hợp với kiểu khu vực mà bạn và tôi muốn sống", ông Russel nhấn mạnh.
Ông Russel nhấn mạnh: "Trung Quốc cần phải tuân thủ trật tự quốc tế bởi vì nó là khuôn khổ mà trong đó Trung Quốc đã phát triển và đạt được sự thịnh vượng. Đó cũng là khuôn khổ giúp Hàn Quốc khởi sắc, là khuôn khổ mà chúng ta muốn thấy tranh chấp Biển Đông được giải quyết".
Tổng thống Park Geun-hye và Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có một hội nghị thượng đỉnh tại Washington trong chuyến thăm nước Mỹ ngày 16/6 tới của bà Park. |
Phản ứng sau thông điệp trên của ông Russel, chính phủ Hàn Quốc đã lên tiếng kêu gọi nới lỏng căng thẳng trong khu vực Biển Đông.
"Chính phủ của chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ diễn biến gần đây với một lập trường kiên quyết bảo vệ tự do hàng hải và hòa bình cũng như ổn định ở Biển Đông, một tuyến đường biển rộng lớn và có tầm quan trọng rất lớn", Yonhap dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kwang-il cho biết.
Seoul hy vọng rằng các nước có liên quan sẽ thực hiện "đầy đủ và có hiệu quả" DOC, ông Noh Kwang-il nói.
"Chính phủ của chúng tôi đã liên tục thể hiện một lập trường cơ bản như vậy, và có kế hoạch tiếp tục như vậy trong những dịp khác sau này, bao gồm trong cả các cuộc họp đa phương", ông Noh nói.
Theo Yonhap, các nhà phê bình tin rằng ý kiến của ông Russel là động thái gây áp lực cho Seoul trước thềm cuộc hội đàm thượng đỉnh giữa Tổng thống Park Geun-hye và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Washington trong chuyến thăm nước Mỹ ngày 16/6 tới của bà Park.
Tuy nhiên một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc bác bỏ quan điểm cho rằng ông Russel đang ép Seoul lựa chọn giữa Washington và Bắc Kinh.
"Chúng tôi không nghĩ rằng ông (Russel) đang gây áp lực. Chúng tôi hiểu rằng ông đã chỉ ra một cái nhìn tổng quát về vai trò của Hàn Quốc trong các vấn đề toàn cầu, về các nguyên tắc phổ quát và tiêu chuẩn toàn cầu", quan chức giấu tên trên nói với Yonhap. Trong mọi vấn song phương, quan chức này cho biết, Mỹ không bao giờ ép Hàn Quốc theo lập trường của họ, nhất là trong vấn đề chủ quyền vốn nhạy cảm.
Một quan chức khác trong Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh rằng Seoul vẫn trung lập về vấn đề này và vẫn đang cố gắng tìm hiểu tình hình chính xác./.