Tổng thống Donald Trump "chữa" chính sách với Biển Đông và vai trò Việt Nam

14/06/2017 16:33
Hồng Thủy
(GDVN) - Đối phó với sự bành trướng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam dường như được (Hoa Kỳ) xem như nước đứng đầu.

Joseph Bosco, trưởng nhóm nghiên cứu Trung Quốc trong văn phòng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ giai đoạn 2005 - 2006, thành viên Viện Nghiên cứu Corean - Mỹ, cộng sự cấp cao Viện Nghiên cứu Hoa Kỳ - Đài Loan ngày 12/6 có bài phân tích đáng chú ý trên RealClearWorld:

"Donald Trump đang sửa chữa chính sách của Mỹ ở châu Á". [1]

Học giả Joseph Bosco nhận định:

"Trung Quốc đang lên, trong khi Hoa Kỳ suy thoái và nguy hiểm là những gì được kể, được phản ánh trong cục diện an ninh Đông Á mà ông Donald Trump tiếp quản khi trở thành Tổng thống.

Chiến lược "xoay trục" hoặc tái cân bằng của chính quyền Tổng thống Barack Obama sang châu Á đã không thể làm gì để đảo ngược xu hướng tiêu cực trong cân bằng quyền lực ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, ảnh: AP / Peter Kramer.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, ảnh: AP / Peter Kramer.

Trong đó, việc giảm nguồn lực cho quân đội Mỹ một cách có ý thức đã thực sự củng cố thêm xu hướng này.

Chiến dịch tranh cử Tổng thống của ứng viên Donald Trump với khẩu hiệu "nước Mỹ trên hết" hứa hẹn một hướng khác cho đối ngoại.".

Donald Trump sửa chữa chính sách của Mỹ tại châu Á, Biển Đông

Joseph Bosco bình luận:

"Với tư cách là Tổng thống đắc cử Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Donald Trump đã quyết định hãm Trung Quốc bằng cách làm náo động khu vực: 

Ông rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dươn (TPP), đe dọa tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ có nguy cơ gây chiến tranh thương mại;

Trump tuyên bố ngừng giúp đỡ Nhật Bản và Hàn Quốc, trừ phi hai nước trả nhiều tiền hơn hoặc tự bảo vệ mình, thậm chí là tự trang bị vũ khí hạt nhân. 

Tất cả những điều này là một tương lai đáng sợ đối với Bắc Kinh.

Cơ chế, chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đã chứng kiến những bước đi lạc hậu, chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng khó khăn của Mỹ.

Khi nhậm chức Tổng thống, ông Donald Trump đã chính thức rút Mỹ khỏi TPP, nhưng bỏ ngỏ một khả năng rõ ràng về việc mở lại các cuộc đàm phán những điều khoản làm sao có lợi hơn (cho Mỹ).

Ông chấp nhận làm mới những cam kết sau phản ứng kiên quyết của Nhật Bản, Hàn Quốc, rằng Washington có nghĩa vụ bảo vệ 2 đồng minh châu Á trên biển Hoa Đông và bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống Donald Trump "chữa" chính sách với Biển Đông và vai trò Việt Nam ảnh 2

Thế “lưỡng long tranh châu” trên Biển Đông và lựa chọn nào cho Việt Nam?

Đồng thời Tổng thống Mỹ đã chứng minh rằng, các lựa chọn khác về tình hình an ninh đang xấu đi ở châu Á vẫn được đặt lên bàn.

Ông đã nhận cú điện thoại từ nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, cho dù Bắc Kinh giận dữ.

Trump bày tỏ hoài nghi về nghĩa vụ của Mỹ trong việc tôn trọng nguyên tắc "một Trung Quốc".

Ngay cả khi công khai điều chỉnh quan điểm của mình về vấn đề rất nhạy cảm này đối với Bắc Kinh, Donald Trump vẫn nói rõ rằng, những lựa chọn này vẫn được giữ nguyên.

Chủ nhân Nhà Trắng cho Bắc Kinh "qua" trong vấn đề tiền tệ, nếu Trung Quốc chịu hợp tác về Bắc Triều Tiên.

Và ông sẽ cân nhắc việc có thêm các cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Thái Anh Văn, tùy thuộc vào cách quan hệ Mỹ - Trung sẽ diễn biến như thế nào.

Triều Tiên vẫn đang là vấn đề cấp bách nhất.

Trong khi đó, việc chuẩn bị bán cho Đài Loan lô vũ khí mới dường như đang tiến triển, bất chấp những phản ứng từ Bắc Kinh.

Điểm nóng thứ 3 ở Đông Á là những bước đi hiếu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tổng thống Donald Trump đã giải phóng Hải quân Hoa Kỳ khỏi các xiềng xích của chính phủ tiền nhiệm trong việc thực hiện các hoạt động tuần tra tự do hàng hải.

Tàu khu trục mang tên lửa USS Dewey đã tiến hành huấn luyện bên trong phạm vi 12 hải lý xung quanh bãi Vành Khăn mà Trung Quốc xây đảo nhân tạo (bất hợp pháp) nhằm theo đuổi yêu sách vô căn cứ của họ về "vùng biển chủ quyền" trên Biển Đông.

Hoạt động này khác với những lần thực hiện tự do hàng hải thời Barack Obama. Những lần trước, tàu chiến Mỹ chỉ đi qua vô hại, do đó vô tình chấp nhận yêu sách của Trung Quốc đòi "lãnh hải".

(Bắc Kinh yêu sách "lãnh hải" cho các cấu trúc địa lý là bãi cạn lúc nổi, lúc chìm không có lãnh hải riêng, theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982).

Chiến hạm USS Dewey tiến hành diễn tập bên trong 12 hải lý quanh bãi Vành Khăn hôm 24/5, ảnh: ABC News.
Chiến hạm USS Dewey tiến hành diễn tập bên trong 12 hải lý quanh bãi Vành Khăn hôm 24/5, ảnh: ABC News.

Bộ Quốc phòng Mỹ hứa hẹn sẽ thực hiện các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông mạnh mẽ hơn nữa, mặc dù chúng không nhất thiết được triển khai như những thách thức toàn diện với Trung Quốc.

Tần suất và mức độ công khai các hoạt động này trong tương lai phụ thuộc vào bất kỳ động thái mới nào Trung Quốc có thể gây ra ở Biển Đông....

Sự thành công một cách ôn hòa, chừng mực trong chính sách của Donald Trump với châu Á, cho đến nay chủ yếu là kết quả của tư duy chiến lược và phương pháp phi truyền thống của Tổng thống.

Ông đã hạ lệnh bắn 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào một căn cứ quân sự ở Syria đúng lúc đang ăn tối với ông Tập Cận Bình, chắc chắn đã gây ấn tượng mạnh với người hùng của Trung Quốc.". [1]

Trong tuần này, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ, tướng Joseph Dunford sẽ điều trần trước Quốc hội Mỹ, để yêu cầu tăng ngân sách quốc phòng.

Ông tin rằng, các giới hạn ngân sách của chính quyền tiền nhiệm phải được dỡ bỏ, quân đội Mỹ mới có thể duy trì lợi thế cạnh tranh.

Trả lời phỏng vấn trang Breaking Defense ngày 12/6, tướng Joseph Dunford cho hay:

"Tôi biết, đã có những bàn tán xì xào về việc Hoa Kỳ bỏ chính sách tái cân bằng sang châu Á.

Đó là câu chuyện 'có thật trên truyền thông'.

Nhưng khi các bạn nhìn vào thực tế, chúng ta có một câu chuyện khá hấp dẫn.

Chúng tôi đang bố trí 60% lực lượng ở Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương.

Chúng tôi giám sát một sự gia tăng đáng kể các hoạt động diễn tập quân sự đa phương ở châu Á. 

Chúng tôi cũng đã triển khai những vũ khí mới nhất, có khả năng tác chiến tốt nhất trong kho vũ khí Mỹ tại Thái Bình Dương.

Tổng thống Donald Trump "chữa" chính sách với Biển Đông và vai trò Việt Nam ảnh 4

Học giả Trung Quốc đề xuất phương án mới giải quyết tranh chấp Biển Đông

Nó bao gồm chiến đấu cơ tàng hình F-35, máy bay tiêm kích thế hệ năm F-22, tàu chiến đấu ven biển (LCS).

Vì vậy, bằng những hành động phù hợp của mình, chúng tôi xin tuyên bố rằng Hoa Kỳ vẫn giữ cam kết của mình với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nếu bạn đến các nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia để chứng kiến những hợp tác quân sự với Mỹ, bạn sẽ thấy các mối quan hệ này đang phát triển rất lành mạnh và hoàn toàn có giá trị trong khu vực.

Chúng tôi đã nói rõ với các đồng minh châu Á của mình rằng, chúng ta tiếp tục ủng hộ một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. 

Điều đó đòi hỏi Hoa Kỳ duy trì các nguyên tắc tự do hàng hải và hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

Cũng có một thực tế không thể chỗi cãi, đó là Trung Quốc đã quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo sau khi họ đã từng hứa hẹn không làm như vậy vào năm 2015.

Thực tế này cho chúng tôi thấy rằng, Trung Quốc đang cố gắng tìm cách hất quân đội Mỹ ra xa, ngăn chặn sự qua lại với các đồng minh đối tác trong khu vực.

Đó là chiến lược chống tiếp cận / chống xâm nhập (A2/AD) điển hình.

Nếu liên hệ điều này với việc phát triển tên lửa hành trình chống hạm tầm xa và hệ thống tên lửa của Trung Quốc, rõ ràng họ đang cố gắng chống lại hoạt động tự do của quân đội Hoa Kỳ trong khu vực.". [2]

Vai trò của Việt Nam trong chính sách của Mỹ với châu Á, Biển Đông dưới thời Tổng thống Donald Trump

Manik Mehta, một nhà báo tại New York chuyên viết về các vấn đề đối ngoại, ngày 12/6 có bài phân tích đăng trên New Straits Times, Malaysia:

"Mỹ và thực tế châu Á - Thái Bình Dương".

Trong bài viết này, nhà báo Manik Mehta nhận xét: 

"Donald Trump có thể đã già dặn khi rút lại các hùng biện chống Trung Quốc vì ông cần sự giúp đỡ của Bắc Kinh để kiềm chế các hoạt động quân sự và hạt nhân của Triều Tiên.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Washington sẽ nhắm mắt làm ngơ những nỗ lực của Bắc Kinh áp đặt "chủ quyền" với các đảo (và các cấu trúc địa lý) ở Biển Đông.

Tham vọng trở thành siêu cường quốc tế của Trung Quốc đã thể hiện tại Diễn đàn quốc tế "Một vành đai, một con đường", nơi thu thút nhiều nhà lãnh đạo từ châu Á - Thái Bình Dương.

Nhưng các chuyên gia cho rằng, sáng kiến "Một vành đai, một con đường" chỉ là "con ngựa thành Troy" để Trung Quốc thâm nhập vào các thị trường khác vốn bất khả xâm phạm, đồng thời tăng cường lợi ích an ninh cho Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters.

Chuyến thăm chính thức nước Mỹ gần đây của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, nhà lãnh đạo đầu tiên của ASEAN đến Hoa Kỳ từ khi ông Donald Trump nhậm chức, đã củng cố ý định của cả hai bên trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, an ninh chặt chẽ.

Đặc biệt là để đối phó với sự bành trướng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam dường như được (Hoa Kỳ) xem như nước đứng đầu trong việc chống lại các luận điệu hiếu chiến của Trung Quốc.

Tính toán của Mỹ là, những nước khác như Indonesia, Thái Lan, Singapore và Malaysia có thể hỗ trợ Việt Nam trong việc chống lại (yêu sách bành trướng và các hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế của) Trung Quốc.". [3]

Trong một động thái khác có liên quan, The Diplomat ngày 13/6 đưa tin, hôm 12/6 Hải quân Mỹ thông báo rằng, một tàu chiến của họ vừa ghé cảng quốc tế Cam Ranh, Việt Nam để bảo trì.

USS Coronado, một tàu chiến ven biển (LCS) đã cập cảng Cam Ranh hôm 11/6 và thực hiện việc bảo trì đến 15/6.

Thông thường USS Coronado được bảo trì tại Singapore, nơi Hải quân Mỹ có kế hoạch bố trí đồng thời 2 tàu LCS vào năm 2018.

Chuẩn Đô đốc Don Gabrielson, Chỉ huy trưởng Lực lượng Đặc nhiệm 73 thuộc Hạm đội 7, cho biết:

"Chuyến thăm kỹ thuật này nâng cao khả năng bảo trì viễn chinh của chúng tôi, đồng thời tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác với Việt Nam.

Hoạt động này có lợi cho cả hai nước, tăng cường tính linh hoạt về địa lý cho chúng tôi trong việc sửa chữa và duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao."

Đầu tháng này, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke, USS Johns S. McCain cũng đã cập cảng Cam Ranh - điểm "dừng chân kỹ thuật quen thuộc". [4]

Tuyên bố chung về tăng cường Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày 31/5 sau chuyến thăm chính thức nước Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho biết:

Tổng thống Donald Trump "chữa" chính sách với Biển Đông và vai trò Việt Nam ảnh 6

Học giả Trung Quốc bình: tính toán khôn ngoan của Việt Nam với Hoa Kỳ, Nhật Bản

"Hai nhà lãnh đạo trao đổi về khả năng tàu sân bay Hoa Kỳ thăm cảng Việt Nam và các biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các lực lượng hải quân hai nước.".

Người viết xin lưu ý rằng, dẫn những bình luận nêu trên của nhà báo Manik Mehta để giúp quý bạn đọc có thêm thông tin và kiến giải.

Đó là những đánh giá của giới quan sát quốc tế xung quanh chính sách của Mỹ với Biển Đông, trong bối cảnh vốn đang có nhiều hoài nghi và tranh cãi về vấn đề này.

Xung quanh vai trò của Việt Nam trong chính sách của Mỹ, chúng tôi tin rằng đất nước mình có một vị trí quan trọng trong chiến lược của Hoa Kỳ tại châu Á - Thái Bình Dương nói chung, Biển Đông nói riêng.

Lợi ích chung giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thể hiện trong Tuyên bố chung sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính là:

Hòa bình, ổn định và trật tự dựa trên luật pháp quốc tế; giải quyết hòa bình các tranh chấp; tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý; không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực.

Để làm được điều này, không thể không đối thoại với Trung Quốc để xử lý các tranh chấp một cách hòa bình, đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Trong quá trình đó, người viết cho rằng cần tiếp tục đấu tranh ôn hòa về mặt ngoại giao, chính trị và pháp lý, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý quốc tế, bao gồm Phán quyết Trọng tài 12/7/2016.

Điều này không nên được luận giải thành chống nước này hay nước kia, mà đó là ý chí và nguyện vọng chung của khu vực đấu tranh chống lại các ý đồ bành trướng, hành vi áp đặt và vi phạm luật pháp quốc tế.

Bình luận của nhà báo Manik Mehta càng không nên được diễn giải thành Việt Nam được Mỹ "chấm" làm "tiền bộ tiên phong" trên mặt trận "chống Trung Quốc" theo ý nghĩa cạnh tranh giữa 2 siêu cường.

Việt Nam, Hoa Kỳ và cả khu vực bao gồm Trung Quốc, đều được hưởng lợi từ trật tự, hòa bình, ổn định dựa trên luật pháp quốc tế hậu Chiến tranh Thế giới II và có nghĩa vụ phải bảo vệ những yếu tố này để cùng phát triển, phồn vinh.

Trong quá trình đó, những biểu hiện bành trướng, áp đặt, cá lớn nuốt cá bé...cần phải đấu tranh chống lại.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.realclearworld.com/articles/2017/06/12/donald_trump_is_fixing_americas_asia_policy_112381.html

[2]http://breakingdefense.com/2017/06/us-military-advantage-eroding-coz-of-bca-cjcs-dunford/

[3]https://www.nst.com.my/opinion/columnists/2017/06/248092/u-s-and-asia-pacific-realities

[4]http://thutuong.chinhphu.vn/Home/Tuyen-bo-chung-ve-tang-cuong-Doi-tac-toan-dien-giua-Viet-Nam-va-Hoa-Ky/20176/26564.vgp

Hồng Thủy