Nikkei Asian Review ngày 25/1 đưa tin, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ thăm Campuchia ngày hôm nay, đây là một phần chiến lược của Washington nhằm cải thiện quan hệ với khu vực và làm đối trọng với ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Campuchia Hun Sen, ảnh: VOA. |
Ông John Kerry đã lên kế hoạch hội đàm với Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Hor Namhong ngày hôm nay. Ngoại trưởng Mỹ dự kiến cũng sẽ gặp phe đối lập và đại diện xã hội dân sự Campuchia, truyền thông nước này cho biết.
Chheang Vannarith, một giảng viên chuyên nghiên cứu các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương từ Đại học Leeds cho rằng, Campuchia và Lào đang được Trung Quốc coi là đồng minh chiến lược. Mỹ đang chú ý đến ASEAN, đặc biệt là khu vực sông Mê Kông.
Không một nơi nào ở Đông Nam Á hiện nay mà có sự hiện diện đặc biệt của Trung Quốc như ở Campuchia. Những năm gần đây Bắc Kinh đã rót hàng trăm triệu USD cho vay và đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, bao gồm đường xá, cầu cống và đập thủy điện.
Hiện Trung Quốc cũng đẩy mạnh đầu tư vào bất động sản và kinh doanh nông nghiệp tại Campuchia. Đối với đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền và Thủ tướng Hun Sen, sự "hào phóng" của Trung Quốc đã giải quyết cơ bản nhu cầu vốn và được chào đón nhiệt liệt. Từ năm 2009, Hun Sen đã vui mừng nói rằng, Trung Quốc xây dựng cầu đường cho Campuchia mà "không đặt điều kiện gì phức tạp".
Để đổi lấy viện trợ của Trung Quốc, chính phủ Campuchia đã hỗ trợ Bắc Kinh trong một loạt vấn đề. Cuối năm 2009, Phnom Penh trục xuất 20 người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc, một ngày trước khi ông Tập Cận Bình sang thăm Phnom Penh trên cương vị Phó Chủ tịch nước.
Trong Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN 2012, Campuchia đứng về phía Trung Quốc khi nhấn mạnh rằng, tranh chấp Biển Đông là vấn đề riêng giữa Trung Quốc với các bên yêu sách, cần đàm phán trực tiếp chứ không phải đưa ra ASEAN.
Vannarith nói rằng, chuyến thăm Campuchia hôm nay của ông John Kerry là dấu hiệu cho thấy Mỹ muốn Campuchia và Lào "độc lập, trung lập hơn" trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Nói cách khác, Mỹ muốn hai nước này không ngả về Trung Quốc quá mạnh.
Thập kỷ qua, chính sách của Mỹ đối với Campuchia thường bị giằng xé giữa mong muốn xây dựng quan hệ gần gũi hơn với chính phủ ông Hun Sen, nhưng đồng thời vẫn muốn can thiệp vào vấn đề nhân quyền tại Campuchia.
Mặc dù những nhận thức khác biệt về nhân quyền vẫn còn, nhưng Mỹ đã từng bước củng cố cam kết của mình với Hun Sen. Hai nước tiến hành tập trận chung từ năm 2010, đồng thời Mỹ vẫn là thị trường quan trọng cho hàng may mặc Campuchia và các hàng hóa khác.
Trong một chuyến thăm giữa tháng này tới Washington DC, Hun Many, con trai 33 tuổi của ông Hun Sen và là một nhà lập pháp đã nói rằng, có triển vọng tốt trong việc mở rộng quan hệ Mỹ - Campuchia. "Nó bắt đầu bằng việc chúng tôi cố gắng hiểu nhau, cố gắng đặt mình vào vị trí của nhau", Hun Many phát biểu tại Đại học John Hopkins.
Hun Manet, anh trai ông Hun Many cũng đã được đào tạo tại một trường đại học ở Mỹ. Mặc dù quan hệ Mỹ - Campuchia đã có nhiều cải thiện gần đây, tuy nhiên Hun Sen vẫn còn rất nhạy cảm với bất kỳ chỉ trích nào của Hoa Kỳ.