Reuters ngày 17/12 đưa tin, trong cuộc họp "2+2" lần đầu tiên giữa Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng 2 nước Nhật Bản và Indonesia hôm Thứ Năm, vấn đề Biển Đông được hai bên đặc biệt quan tâm. Theo Kyodo News, Nhật Bản và Indonesia đã nhất trí tăng cường hợp tác để ứng phó với tình hình căng thẳng leo thang trên Biển Đông do những hành động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo (bất hợp pháp) mà Trung Quốc tiến hành.
Lính Trung Quốc tập trận đổ bộ trên Biển Đông. |
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết: "Khi môi trường an ninh trong khu vực ngày càng trở nên khó khăn hơn, chúng tôi đã khẳng định trong cuộc họp ngày hôm nay rằng, Nhật Bản sẽ củng cố hợp tác với Indonesia, một thành viên chủ chốt của ASEAN trong các lĩnh vực an ninh và quốc phòng."
Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cho biết, ông có kế hoạch làm việc với phía Trung Quốc để cải thiện tình hình. "Tôi tin rằng lập trường của Trung Quốc không còn cứng rắn như trước nữa. Chúng tôi có ý định tiến hành các cuộc đàm phán với các nước, trong đó có Trung Quốc về các vấn đề như liên kết huấn luyện và tuần tra chung ở Biển Đông", Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia nói.
Trước đó, Nhật Bản cũng đã ký với Án Độ thỏa thuận Đối tác Chiến lược đặc biệt toàn cầu trong chuyến thăm New Delhi của Thủ tướng Shinzo Abe. Tuyên bố chung Nhật - Ấn đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tuyến đường hàng hải, hàng không ở Biển Đông đối với an ninh năng lượng và thương mại khu vực, toàn cầu, đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế không gây căng thẳng trong khu vực.
Thời báo Hoàn Cầu nhận xét, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ủng hộ lập trường của Thủ tướng Shinzo Abe can thiệp vào vấn đề Biển Đông, điều này thể hiện rõ qua việc Biển Đông được đưa vào tuyên bố chung Nhật - Ấn.
Trong một động thái có liên quan, BBC ngày 17/12 cho biết, vấn đề Biển Đông cũng được đặt ở vị trí khá cao trong thông cáo chung đối thoại chiến lược Thái Lan - Hoa Kỳ hôm Thứ Tư 16/12 tại Bangkok.
Thông cáo chung viết: "Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình và ổn định, đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải, quyền tự do đi lại trên biển cũng như trên không ở Biển Đông. Hai phái đoàn ghi nhận nhu cầu tránh quân sự hóa các khu vực trnah chấp.
Hai bên cũng tái khẳng định sự ủng hộ của mình đối với các nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc nhằm thực hiện đầy đủ, có hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC, đồng thời phấn đấu đạt được bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC".
Một đồng minh khác của Mỹ trong khu vực, Úc cũng đã có hoạt động bay tuần tra trên Biển Đông. Mặc dù Bộ Quốc phòng Úc chưa chính thức công bố, nhưng phóng viên BBC đã phát hiện thấy máy bay tuần tra của Úc bay sát một đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) thời gian gần đây.
Thời báo Hoàn Cầu ngày 17/12 dẫn lời một học giả Trung Quốc cho rằng, sau Philippines và Việt Nam, Nhật Bản đang tập trung vào vận động Indonesia, một nước có vai trò quan trọng trong ASEAN can thiệp sâu hơn vào Biển Đông (ngăn chặn bành trướng, bảo vệ công lý và luật pháp quốc tế, tự do hàng không hàng hải trên Biển Đông).