Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc tham dự Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) tại Naypyidaw, Myanmar cuối tuần qua. |
Bưu điện Washington ngày 10/8 đưa tin, chính quyền Obama khẳng định họ không có ý tưởng chạy đua với Trung Quốc về vai trò lãnh đạo ở Đông Nam Á, nhưng cả 2 vẫn tiếp tục làm rõ quan điểm của mình tại Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) cuối tuần qua ở Naypyidaw, Myanmar.
Trung Quốc từ chối đề nghị của Mỹ và Philippines về việc đóng băng các hành động khiêu khích, gây mất ổn định trên Biển Đông, tuy nhiên các quan chức Mỹ vẫn tuyên bố chiến thắng sau khi các quốc gia Đông Nam Á có một lập trường vững chắc hơn trước các hành vi hung hăng của Trung Quốc.
Hoa Kỳ tuyên bố Trung Quốc đã hành động khiêu khích với Việt Nam và Philippines trên Biển Đông. Các tranh chấp này đã khiến khu vực nhích lại gần nhau và đặt Hoa Kỳ vào chỗ phải thay mặt cho đồng minh và đối tác của mình đứng ra phản ứng.
"Có một cuộc thảo luận rộng rãi và lặp đi lặp lại về Biển Đông. Tôi đã bày tỏ những mối quan tâm của rất nhiều người đã chia sẻ về những căng thẳng đã xảy ra", Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết hôm Chủ Nhật.
Ông John Kerry cho biết tất cả các nhà ngoại giao ASEAN đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đàm phán ký kết COC, vấn đề đang bị Trung Quốc tìm cách trì hoãn vô thời hạn. "Tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tất cả các bên làm rõ yêu sách của mình theo luật pháp quốc tế và tiến hành theo quy trình pháp lý."
"Chúng tôi hy vọng rằng các bên tranh chấp cuối cùng có thể đồng ý với nhau và tiến về phía trước", Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh sau cuộc họp với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Vấn đề Biển Đông không chỉ quan trọng đối với khu vực và Mỹ, mà nó quan trọng với tất cả mọi người trên thế giới.
Washington đang tìm kiếm một mặt trận thống nhất với các nước láng giềng Trung Quốc ở Đông Nam Á để gây áp lực buộc Bắc Kinh đàm phán và ký kết COC cho Biển Đông. Tuy nhiên mục tiêu của Bắc Kinh lại là ngăn chặn bất kỳ phản ứng mạnh mẽ nào trong khi tiếp tục theo đuổi yêu sách (vô lý và phi pháp) của mình.
Vương Nghị đã đe dọa "bất kỳ đề nghị nào như một sự thay thế sẽ chỉ làm gián đoạn các cuộc thảo luận COC", đồng thời quay ra cáo buộc các quốc gia khác "kích động Trung Quốc"?!
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị bên lề Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) tại Myanmar. |
"Là một cường quốc có trách nhiệm, Trung Quốc sẵn sàng duy trì sự kiềm chế. Nhưng đối với các hoạt động khiêu khích không hợp lý, Trung Quốc chắc chắn sẽ có phản ứng rõ ràng và vững chắc", ông Nghị đe dọa.
Tuyên bố chung của các thành viên ASEAN kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế, tranh có hành động làm phức tạp tình hình, phá hoại hòa bình và ổn định, an ninh ở Biển Đông. Tuy nhiên tuyên bố chung của ASEAN không chỉ đích danh Trung Quốc, chỉ kêu gọi giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực.
Bản tuyên bố cũng không được như kỳ vọng của Mỹ về mức độ cứng rắn trong phản ứng với Trung Quốc và nhấn mạnh các tranh chấp phải được giải quyết qua trọng tài quốc tế, nhưng các quan chức Mỹ vẫn xem đây là một chiến thắng ngoại giao của mình.
"Ngôn ngữ này đại diện cho một trở ngại đáng kể với những nỗ lực của Trung Quốc nhằm kéo dài thời gian và thay đổi chủ đề. Đó là một lời chỉ trích hành vi của Trung Quốc và nó tạo ra một số lượng lớn các tín hiệu áp lực lên Bắc Kinh trước mối quan hệ với láng giềng đang xấu đi", một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Theo Bưu điện Hoa Nam ngày 11/8, các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng việc tuyên bố chung của ASEAN và ARF không nhắc đích danh Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông "đã là kết quả tốt hơn so với dự kiến".
Lian Degui, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải nói: "Những tuyên bố trung lập cho thấy mối quan tâm chiến lược của ASEAN về vai trò tích cực của Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Nhưng đồng thời nó cho thấy ASEAN muốn duy trì quan hệ thân thiện với Trung Quốc khi hai bên có quan hệ kinh tế rộng rãi và gần gũi."
Trương Kiệt, một chuyên gia về an ninh khu vực tại Viện Chiến lược quốc tế thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc bình luận: "Tuyên bố chung của ASEAN không đề cập đến Trung Quốc và cũng không có điều khoản nào cụ thể riêng biệt, tôi nghĩ rằng đó không phải một thành tích nhỏ của ngoại giao Trung Quốc."