Năm 2022, điểm số xếp hạng ĐH của Việt Nam bị giảm 0,8%, trong khi thế giới tăng

29/03/2022 06:32
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Điểm số xếp hạng đại học của Việt Nam trên bảng xếp hạng quốc tế đã giảm 0,8%, trong khi điểm trung bình của thế giới cao hơn và tăng 1.6%.

Ngày 28/3, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng việt Nam và Tổ chức Times Higher Education đồng tổ chức Hội thảo trực tuyến về Quốc tế hóa giáo dục đại học "Internationalization Masterclass”. Chương trình nhằm giúp các trường đại học đánh giá công tác quốc tế hóa trong giáo dục của trường và tìm phương án giúp các trường xác định sứ mệnh và giá trị trên thị trường lao động của mình.

Hội thảo trực tuyến về Quốc tế hóa giáo dục đại học "Internationalization Masterclass”. (Ảnh: TT)

Hội thảo trực tuyến về Quốc tế hóa giáo dục đại học "Internationalization Masterclass”. (Ảnh: TT)

Chương trình có sự tham gia của Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Về phía Tổ chức Times Higher Education có sự tham dự của bà Elizabeth Shepherd - Giám đốc điều hành, Dịch vụ tư vấn và ông David Watkins - Trưởng phòng dữ liệu khoa học. Hội thảo trực tuyến cũng đã kết nối với các trường đại học, cao đẳng trên cả nước cùng lắng nghe chia sẻ về vấn đề Quốc tế hóa trong giáo dục đại học.

Phát biểu tại chương trình, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến chia sẻ, trong những năm qua, toàn cầu hóa đã có tác động rất mạnh đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Các nền giáo dục đã ứng phó với quá trình toàn cầu hóa này theo nhiều cách khác nhau nhưng nổi trội nhất là xu thế quốc tế hóa giáo dục đại học.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ tại buổi Hội thảo. (Ảnh: TT)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ tại buổi Hội thảo. (Ảnh: TT)

Ở Việt Nam, để thích ứng với xu hướng này, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều chính sách, đề án khuyến khích tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác và liên kết đào tạo với các trường đại học trong khu vực, thế giới. Chúng ta đã có một số mô hình thành công nhưng cũng còn không ít vướng mắc khi triển khai.

Hội thảo trực tuyến “Quốc tế hóa giáo dục đại học” nhằm giới thiệu các kinh nghiệm thành công của quốc tế tới các cơ sở giáo dục Việt Nam với các chủ đề như: Các mô hình quốc tế hóa toàn cầu; Quốc tế hóa giáo dục tại Việt Nam; Tại sao các trường đại học nên có ưu tiên cho chiến lược này,…

Sau Hội thảo, các thành viên tham dự sẽ hiểu được cách để phát triển quan hệ đối tác nghiên cứu và giáo dục; Hình thành quan hệ đối tác trong ngành và chính phủ; Tăng tính di động toàn cầu: sinh viên quốc tế và học giả; Các chiến lược nâng cao danh tiếng quốc tế của trường; Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và liên kết đến các trích dẫn.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng việt Nam cũng gửi lời cảm ơn đến Tổ chức Times Higher Education đã cùng Hiệp hội tổ chức chương trình, mời những diễn giả giàu kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực quốc tế hóa giáo dục đại học đến chia sẻ tại buổi hội thảo.

Chia sẻ tại chương trình, bà Elizabeth Shepherd khẳng định, vấn đề quốc tế hóa trong giáo dục đại học vô cùng quan trọng. Trong một thập kỷ qua, quốc tế hóa trong giáo dục đã và đang diễn ra sâu rộng với nhiều hoạt động khác nhau.

Quốc tế hóa giáo dục đại học là quá trình thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa, là phản hồi liên quan đến các hoạt động quốc tế hóa của các trường đại học, đây là những tác nhân của thay đổi để hướng tới quốc tế hóa cộng đồng học thuật.

Hội thảo sẽ mang đến những thông tin hữu ích cho các trường về các chiến lược để thực hiện quốc tế hóa giáo dục đại học, đa dạng hóa tuyển sinh, đánh giá đo lường mức độ danh tiếng của một trường đại học, phát triển được những danh tiếng với những nỗ lực quốc tế hóa giáo dục đại học,…

Thực trạng xếp hạng thế giới của đại học Việt Nam

Ông David Watkins - Trưởng phòng dữ liệu khoa học của Tổ chức Times Higher Education cho biết, năm 2022 có 1662 cơ sở giáo dục đại học từ 99 quốc gia được xếp hạng vào bảng xếp hạng đại học thế giới (World University Ranking). Trong đó, Việt Nam có 5 cơ sở giáo dục được xếp hạng và đứng thứ 55.

Ông David Watkins chia sẻ về vị trí của Đại học Việt Nam trên bảng xếp hạng quốc tế. (Ảnh: TT)

Ông David Watkins chia sẻ về vị trí của Đại học Việt Nam trên bảng xếp hạng quốc tế. (Ảnh: TT)

Có một số trường đại học Việt Nam không tham gia xếp hạng được vì số lượng nghiên cứu còn hạn chế.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổ chức Times Higher Education, các chỉ số đánh giá xếp hạng các trường đại học Việt Nam thấp hơn so với trung bình của thế giới. Các chỉ số trích dẫn, chỉ số thu nhập của các trường đại học Việt Nam khá cao nhưng chỉ số cán bộ giảng dạy quốc tế, sinh viên quốc tế của Việt Nam còn thấp so với các trường đại học khác trên thế giới.

So với năm 2018, xếp hạng của các trường đại học của Việt Nam đã tăng lên, Năm 2020, Việt Nam chiếm 0.2% trong tổng số 1397 các trường được xếp hạng. Đến năm 2022 con số này tăng lên là 0,3% trong 1662 trường được xếp hạng.

Có 1341 trường đại học trên thế giới được xếp hạng trong cả ba năm 2020, 2021, 2022, Việt Nam chỉ có 3 trường đại học được xếp hạng trong cả 3 năm này. Trong đó, ngành được xếp hạng thường xuyên nhất là ngành kỹ thuật. Ba ngành vật lý, kỹ thuật và khoa học máy tính được xếp hạng trong cả 3 năm này.

Xét về điểm số xếp hạng chung, điểm số của Việt Nam có giảm. Cụ thể, từ 2020 - 2022, điểm số của Việt Nam đã giảm trong khi số lượng các trường đại học lọt vào bảng xếp hạng Thế giới đã tăng 1397 lên 1662.

Điểm xếp hạng đại học của Việt Nam trên bảng xếp hạng quốc tế đã giảm 0,8%, trong khi điểm trung bình của thế giới cao hơn và tăng 1.6%.

Về chỉ số cụ thể, khoảng thời gian từ năm 2020 - 2022, Việt Nam có cải thiện về trụ cột nghiên cứu so với thế giới nhưng lại tụt giảm về chỉ số trích dẫn quốc tế và chỉ số giảng dạy.

Chỉ số trích dẫn quốc tế của Việt Nam bị giảm 6.15 điểm, các chỉ số khác cũng có sự giảm sút, chỉ riêng chỉ số nghiên cứu tăng 0.2 điểm. Số điểm trích dẫn quốc tế, giảng dạy đều giảm làm ảnh hưởng đến điểm số cũng như xếp hạng của Việt Nam.

Một số chỉ số mà Việt Nam có sự cải thiện so với thế giới là: số tiến sĩ/trường đại học, uy tín về nghiên cứu, thu nhập nghiên cứu, uy tín giảng dạy, thu nhập/nhân viên.

Theo bà Elizabeth Shepherd, các trường đại học muốn phát triển quá trình quốc tế hóa cho cơ sở mình cần phải thực hiện 3 chiến lược chính.

Thứ nhất là chiến lược tuyển đầu vào sinh viên. Từ 2004 đến 2019,có 5 quốc gia có số lượng sinh viên quốc tế đến học ở Việt nam nhiều nhất là Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Trung Quốc và Pháp.

Bà Elizabeth Shepherd chia sẻ tại chương trình Hội thảo. (Ảnh: TT)

Bà Elizabeth Shepherd chia sẻ tại chương trình Hội thảo. (Ảnh: TT)

5 quốc gia tiếp nhận nhiều sinh viên Việt Nam đến học nhất là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, Hàn Quốc, Canada. Đặc biệt, từ năm 2015 đến năm 2019, số lượng sinh viên Việt Nam du học tại Nhật Bản tăng từ 10.000 đến 40.000 sinh viên.

Theo khảo sát của THE, các yếu tố để sinh viên đánh giá độ danh tiếng của một trường đại học bao gồm kỳ vọng về khả năng giảng dạy chất lượng cao/trải nghiệm học tập; Cơ hội nghề nghiệp/khả năng xin việc, thu nhập và khả năng thăng tiến trong sự nghiệp; hiệu quả của trường đại học/triển vọng xếp hạng; Tính bền vững của trường đại học khi thực hiện nghiên cứu, hoạt động hỗ trợ, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững,…

Thứ hai về chiến lược quốc tế hóa giáo dục thông qua hợp tác quốc tế, bà Elizabeth Shepherd cho biết, hợp tác quốc tế đã tăng lên trong thời gian gần đây ở các trường đại học, Tổ chức THE cũng đang hỗ trợ các trường đại học tìm kiếm các đối tác nghiên cứu mới để mang lại những lợi ích tốt nhất cho các trường.

Thứ ba là chiến lược phát triển danh tiếng của các trường đại học. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy chiến lược quốc tế hóa giáo dục, có thể hỗ trợ các trường thực hiện tốt công tác tuyển sinh.

THE phân tích danh tiếng các trường dựa trên nền tảng các hoạt động chất lượng cao, đầu ra có chất lượng cao, thành tích có chất lượng cao

Tuy nhiên, các chương trình truyền thông được thiết kế chuyên nghiệp cũng là yếu tố quan trọng để cho thế giới biết các hoạt động chất lượng cao của trường đại học. Ngoài ra, việc tham gia xếp hạng đại học cũng cho biết danh tiếng của một cơ sở giáo dục đại học.

Thu Trang