Xếp hạng quốc tế không phải là căn cứ duy nhất xác lập chất lượng trường đại học

11/01/2022 06:44
Linh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- TS. Võ Minh Tuấn: “Các bảng xếp hạng đại học có những giá trị nhất định và rất cần thiết, nhưng chỉ nên coi đó là mang tính tham khảo cho một số mục đích nào đó".

Trong bối cảnh hội nhập giáo dục hiện nay, xếp hạng đại học có vai trò và ý nghĩa quan trọng, nhằm giúp cho các trường đại học định hướng được mục tiêu đào tạo để xây dựng chiến lược phát triển, góp phần công khai chất lượng và uy tín của các trường để sinh viên, phụ huynh, xã hội có cơ sở tham khảo và lựa chọn.

Trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Võ Minh Tuấn – Giảng viên Học viện Ngân hàng, cho biết, trên thế giới, đặc biệt là ở các nước phát triển, việc xếp hạng đại học đã được thực hiện cách đây gần 40 năm, và trở thành công việc thường niên của một số tổ chức xếp hạng độc lập, nhưng với Việt Nam thì đây dường như vẫn là một “sân chơi mới”.

Xếp hạng đại học ở Việt Nam ngày càng được quan tâm

Theo Tiến sĩ Võ Minh Tuấn, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đang ngày càng dành sự quan tâm nhiều hơn đến xếp hạng đại học, xuất phát từ 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, là do sự giao lưu quốc tế đa dạng và mật thiết hiện nay đã làm xuất hiện nhu cầu so sánh chất lượng của các trường đại học ở các quốc gia khác nhau và ở bản thân mỗi quốc gia.

Thứ hai, là do sự cạnh tranh về giáo dục đại học khiến các trường đại học phải quan tâm đến vị trí của mình trong bảng xếp hạng và xem đó là mục tiêu để nâng cao uy tín tuyển sinh.

Thứ ba, là do các quốc gia ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng về thứ hạng của mình trong bảng xếp hạng đại học như một chỉ báo quan trọng cho trình độ phát triển giáo dục đại học trong nước.

Vì thế, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu ngày càng sâu sắc, không một quốc gia, một trường đại học nào có thể đứng ngoài cuộc chơi xếp hạng này.

Xếp hạng đại học tại Việt Nam đang ngày càng được quan tâm. (Ảnh minh họa: T.L)

Xếp hạng đại học tại Việt Nam đang ngày càng được quan tâm. (Ảnh minh họa: T.L)

Từ năm 2005, xếp hạng đại học tại Việt Nam bắt đầu được quan tâm, qua các hội thảo khoa học, các mô hình thử nghiệm. Vấn đề này cũng đã được chính thức hóa bởi Nghị định số 73/2015/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học”, ngày 8/9/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/10/2015.

Theo đó, cơ sở giáo dục đại học được phân thành ba tầng: cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng, cơ sở giáo dục đại học định hướng thực hành.

Các cơ sở giáo dục đại học trong mỗi tầng tiếp tục được xếp vào một trong ba hạng của khung xếp hạng từ cao xuống thấp: hạng 1 bao gồm 30% các cơ sở giáo dục đại học có điểm cao nhất, hạng 2 bao gồm 40% các cơ sở giáo dục đại học không thuộc hạng 1 và 3, hạng 3 bao gồm 30% các cơ sở giáo dục đại học có điểm thấp nhất. Việc phân tầng này được thực hiện theo chu kỳ 10 năm và việc xếp hạng cơ sở giáo dục được thực hiện theo chu kỳ 2 năm.

Nên cho phép tồn tại các bảng xếp hạng đại học khác nhau

“Nhìn chung, tùy theo góc độ tiếp cận và mục đích mà các bộ tiêu chí xếp hạng đại học có thể sẽ khác nhau đôi chút, nhưng về cơ bản thì có những điểm tương đồng”, Tiến sĩ Võ Minh Tuấn nhận định.

Xét ở góc độ cụ thể, việc xếp hạng đại học thường căn cứ trên ba nhóm nội dung chính, mỗi nhóm này lại tiếp tục được chia thành các tiêu chí nhỏ hơn. Về trọng số đánh giá cho mỗi tiêu chí, tùy theo mục đích của tổ chức thực hiện việc xếp hạng mà sẽ có sự khác biệt.

Nhóm nội dung chính thứ nhất chủ yếu đánh giá chất lượng đầu vào, bao gồm ba tiêu chí: chất lượng đầu vào của sinh viên, bao gồm năng lực học thuật và các hoạt động khác; đánh giá trong, được thực hiện bởi các sinh viên và giảng viên của mỗi trường; đánh giá ngoài, được thực hiện bởi các thiết chế (nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội) và các cá nhân có uy tín.

Nhóm nội dung chính thứ hai tập trung vào việc đánh giá chất lượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học, có ba tiêu chí: nguồn lực học thuật, bao gồm các thành tựu của sinh viên và giảng viên, việc đảm bảo nguồn tài chính và tài nguyên học tập; chất lượng và quy trình giảng dạy - nghiên cứu - học tập, nhóm cơ sở vật chất dịch vụ giáo dục; điều kiện và chất lượng đào tạo sinh viên, căn cứ tỉ lệ giảng viên/sinh viên/cơ sở vật chất.

Nhóm nội dung chính thứ ba coi trọng việc đánh giá chất lượng đầu ra, bao gồm các tiêu chí như: chất lượng nghiên cứu và chuyển giao tri thức khoa học, số bài báo khoa học, lượt trích dẫn, hiệu quả thực tế; chất lượng và hiệu quả đầu ra của sinh viên, mức độ hài lòng của cựu sinh viên, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm; mức độ phục vụ cộng đồng và quốc tế hóa của trường đại học, các công trình trực tiếp phục vụ cộng đồng, tỉ lệ sinh viên và giảng viên quốc tế.

Song, dù có bao nhiêu tiêu chí xếp hạng đại học đi nữa, thì trong các bảng xếp hạng đại học trên thế giới, đều có 8 chỉ số thường được sử dụng và có trọng số cao nhất, bao gồm đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài trường đại học, đánh giá của các nhà tuyển dụng, số lượng công trình khoa học và chỉ số trích dẫn, tỉ lệ sinh viên/giảng viên, thư viện và tài nguyên học liệu, tỉ lệ sinh viên quốc tế và sinh viên trao đổi/tổng số sinh viên, tỉ lệ giảng viên quốc tế/tổng số giảng viên, mức độ hài lòng của sinh viên và cựu sinh viên.

Tiến sĩ Võ Minh Tuấn cũng đưa ra hai khuyến nghị đối với việc thực hiện xếp hạng đại học tại Việt Nam.

Thứ nhất, Việt Nam nên cho phép tồn tại các bảng xếp hạng đại học khác nhau, thay vì chỉ có một bảng xếp hạng từ một cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục. Trong khi đó, các bảng xếp hạng đại học trên thế giới tỏ ra tương đối đa dạng và có những sự khác biệt đáng kể về cả tiêu chí, trọng số lẫn mục đích, phương pháp xếp hạng.

“Do đó, có những trường thay đổi thứ hạng đáng kể trong cùng một thời điểm ở các bảng xếp hạng khác nhau. Tuy nhiên, giữa các bảng xếp hạng vẫn có những tiêu chí tương đối thống nhất, góp phần đánh giá tương đối khách quan thứ hạng của trường đại học. Những tiêu chí này tập trung vào ba nhóm nội dung chính trên. Vì vậy, có thể coi chúng là mẫu số chung nhằm tham khảo khi xây dựng và áp dụng cho việc xếp hạng đại học Việt Nam”, Tiến sĩ Võ Minh Tuấn khẳng định.

Thứ hai, không nên xem xếp hạng đại học là căn cứ cơ bản, thậm chí duy nhất, để xác lập chất lượng và thứ hạng của một trường đại học. Các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học Việt Nam, vốn có những đặc thù khác nhau về mục tiêu đào tạo, do đó không một bảng xếp hạng nào có thể đánh giá được tuyệt đối chính xác về thứ hạng trường đại học một cách tổng quát.

Chưa kể, mỗi bảng xếp hạng lại thiên về một mục đích khác nhau, do đó đưa ra các phương pháp, tiêu chí xếp hạng khác nhau, dẫn đến một trường đại học có thứ hạng cao trong lĩnh vực này nhưng lại có thứ hạng thấp ở lĩnh vực khác, và bản thân thứ hạng của trường đó cũng có sự thay đổi tùy thuộc mỗi bảng xếp hạng.

Bởi thế, các bảng xếp hạng đại học có những giá trị nhất định của mình và rất cần thiết, nhưng chỉ nên coi đó là mang tính tham khảo cho một số mục đích nào đó, như để xác lập căn cứ cho sự định hướng trường đại học, để tuyển sinh, chứ không nên cho đó là căn cứ cơ bản, thậm chí duy nhất, để xác lập chất lượng và thứ hạng của một trường đại học, dẫn đến việc chỉ tập trung đầu tư vào một số lĩnh vực mà tiêu chí đề cập, thay vì chú ý phát triển chất lượng toàn diện.

Linh Trang