Hiện nay, một số giáo viên tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở có thắc mắc về chuẩn trình độ đào tạo, đối tượng cần nâng chuẩn trình độ, thời gian và kinh phí học nâng chuẩn,…
Bài viết dưới đây nhằm cung cấp những thông tin về các vấn đề trên cho các giáo viên quan tâm.
Ảnh minh họa - Ngọc Ánh |
Chuẩn trình độ đào tạo nhà giáo theo Luật Giáo dục 2019
Một căn cứ quan trọng để xác định chuẩn trình độ đào tạo nhà giáo chính là Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực 01/7/2020.
Trước 01/7/2020, chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo được quy định sau đây: nhà giáo công tác ở bậc tiểu học, mầm non có bằng tốt nghiệp trung học sư phạm hoặc tương đương trở lên; giáo viên công tác tại các trường trung học cơ sở phải đạt trình độ đào tạo cao đẳng sư phạm hoặc tương đương trở lên.
Theo đó, tại Điều 72 Luật Giáo dục 2019, trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:
Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;
Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Như vậy, sau ngày Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành sẽ có một số đối tượng nhà giáo mầm non, phổ thông sẽ không còn đạt chuẩn trình độ đào tạo như:
Giáo viên mầm non, tiểu học có trình độ đào tạo trung cấp;
Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở có trình độ cao đẳng sư phạm.
Giáo viên chưa đạt chuẩn đào tạo vẫn có thể đánh giá chuẩn nghề nghiệp loại tốt, khá…
Câu hỏi được mọi người hết sức quan tâm là những đối tượng giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 được đánh giá đạt chuẩn hay chưa đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo?
Việc đánh giá đạt chuẩn nghề nghiệp hay không dựa vào quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non ban hành kèm theo Thông tư số 26/2018/TT-BGDĐT ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây viết tắt là Thông tư số 26/2018/TT-BGDĐT) và quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây viết tắt là Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT).
Theo đó, tại điểm c, d khoản 2 Điều 10 quy trình đánh giá và xếp loại kết quả đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông quy định:
“c) Đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non ở mức đạt: Có tất cả các tiêu chí được đánh giá từ mức đạt trở lên;
d) Chưa đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên: Có tiêu chí được đánh giá chưa đạt (tiêu chí được đánh giá chưa đạt khi không đáp ứng yêu cầu mức đạt của tiêu chí đó).”
Tại tiêu chí 3 phát triển chuyên môn bản thân, để đánh giá mức Đạt phải đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định.
Một số người cho rằng giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 sẽ bị đánh giá không đạt chuẩn nghề nghiệp.
Nhiều trường hợp giáo viên dạy ở mầm non, tiểu học, trung học cơ sở vì chưa hoàn thành các lớp bồi dưỡng nâng chuẩn hoặc đang trong quá trình học nâng chuẩn vẫn bị đánh giá xếp loại chuẩn nghề nghiệp chưa đạt.
Tuy nhiên, theo người viết, việc đánh giá như trên là không phù hợp vì ngày 20 tháng 10 năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư Số: 29/2021/TT-BGDĐT quy định ngưng hiệu lực quy định về chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo tại một số Thông tư do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Theo đó tại khoản 2, 4 Điều 1 quy định:
“2. Ngưng hiệu lực quy định đạt chuẩn trình độ đào tạo tại điểm a khoản 1 Điều 5 Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây viết tắt là Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT).
4. Ngưng hiệu lực quy định đạt chuẩn trình độ đào tạo tại điểm a khoản 1 Điều 5 Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non ban hành kèm theo Thông tư số 26/2018/TT-BGDĐT ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây viết tắt là Thông tư số 26/2018/TT-BGDĐT).”
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này có quy định: “1. Trong thời gian ngưng hiệu lực các nội dung quy định tại Điều 1 Thông tư này, các tổ chức, cá nhân liên quan không căn cứ quy định đạt chuẩn trình độ đào tạo hoặc đạt trên chuẩn trình độ đào tạo để đánh giá, tự đánh giá theo chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên,…” .
Như vậy, khi chưa có văn bản, hướng dẫn mới thì các cơ sở giáo dục không được căn cứ vào quy định chuẩn trình độ đào tạo (theo Luật Giáo dục 2019) để đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên.
Có nghĩa những giáo viên mầm non, tiểu học có trình độ trung cấp; giáo viên tiểu học, trung học cơ sở có trình độ cao đẳng hoặc tương đương đang giảng dạy thuộc lộ trình nâng chuẩn theo Nghị định 71 hay không vẫn có thể được đánh giá Đạt chuẩn nghề nghiệp mức Tốt, Khá, Đạt nếu đạt các tiêu chí quy định của Thông tư 20, 26/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đối tượng giáo viên nào không phải học nâng chuẩn?
Theo Điều 2 Nghị Định 71/2020/NĐ-CP, đối tượng phải thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo bao gồm:
“1. Giáo viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, tính từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.
2. Giáo viên tiểu học chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 còn đủ 08 năm công tác (96 tháng) đối với giáo viên có trình độ trung cấp, còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đối với giáo viên có trình độ cao đẳng đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.
3. Giáo viên trung học cơ sở chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.”
Như vậy, chỉ có những đối tượng được quy định tại Điều 2 Nghị định 71 như trên mới phải nâng chuẩn trình độ đào tạo. Còn lại, các trường hợp giáo viên không phải nâng chuẩn trình độ là:
Giáo viên mầm non chưa có bằng cao đẳng; giáo viên tiểu học có bằng cao đẳng; giáo viên trung học cơ sở chưa có bằng cử nhân nhưng còn ít hơn 07 năm công tác tính từ 01/7/2020;
Giáo viên tiểu học có trình độ trung cấp còn ít hơn 08 năm công tác tính từ 01/7/2020;
Căn cứ Điều 4, 5, 6 Nghị định 71 năm 2020, lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên thực hiện từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 31/12/2030.
Về kinh phí, tại khoản 1 Điều 9 quy định: “Kinh phí thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên do ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật; ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương khi chưa cân đối được ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước...”
Trên đây là những vấn đề giáo viên quan tâm về chuẩn nghề nghiệp giáo viên, lộ trình và kinh phí nâng chuẩn xin được cung cấp cùng độc giả và giáo viên quan tâm.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.