Nam Định nêu nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ năm 2023

06/04/2023 06:41
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tỉnh Nam Định xác định mục tiêu, năm 2023, tiếp tục duy trì 100% huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài đã ký văn bản số 50/KH-UBND về kế hoạch thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ năm 2023 trên địa bàn tỉnh này.

Theo đó, tỉnh Nam Định xác định mục tiêu về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trong năm 2023 là tiếp tục duy trì 100% huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, với các chỉ tiêu cụ thể:

Đối với trẻ: Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt từ 99% trở lên; 100% trẻ 5 tuổi ra lớp được học 2 buổi/ngày; 98% trẻ hoàn thành chương trình giáo dục mầm non; Trẻ khuyết tật được tiếp cận giáo dục đạt từ 85%.

Đối với giáo viên mầm non: Tỷ lệ giáo viên trên lớp: 2 giáo viên/lớp đối với bán trú và 01 giáo viên/lớp học 2 buổi/ngày.

Về phổ cập giáo dục tiểu học, tỉnh này đặt ra mục tiêu tiếp tục duy trì 100% (10/10) huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.

Về phổ cập giáo dục trung học cơ sở, trong năm 2023, phấn đấu 10/10 đơn vị cấp huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3; tỉnh phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

Đối với công tác xoá mù chữ, tỉnh Nam Định đặt chỉ tiêu phấn đấu trong năm 2023 như sau:

Đối với cấp xã: Duy trì 226/226 xã phường thị trấn hoàn thành công nhận đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2.

Đối với cấp huyện: Duy trì 10/10 huyện, thành phố hoàn thành công nhận đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2.

Đối với tỉnh: Duy trì công nhận đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2.

Ảnh minh họa: Báo Nam Định online

Ảnh minh họa: Báo Nam Định online

Qua đó, trong bản kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã nêu ra một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể sau:

1. Tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức và trách nhiệm về công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ trong hệ thống chính trị.

2. Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, bố trí giáo viên phụ trách công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ.

3. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, điều tra cơ bản, cập nhật dữ liệu thống kê, thực hiện kiểm tra định kỳ, sơ kết, tổng kết và đánh giá việc thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục, xoá mù chữ.

4. Phát triển và hoàn thiện hệ thống trường lớp; đầu tư cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đảm bảo điều kiện cần thiết cho thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ.

5. Nâng cao chất lượng giáo dục, huy động tối đa trẻ 5 tuổi ra lớp; hạn chế tối đa học sinh lưu ban, bỏ học.

6. Thực hiện xã hội hoá giáo dục trong công tác phổ cập thông qua việc, thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, huy động được mọi lực lượng trong, ngoài nhà trường và toàn xã hội tham gia đóng góp, phát triển giáo dục bằng cả vật chất và tinh thần.

Ngành giáo dục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội địa phương trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; xây dựng phong trào khuyến học - khuyến tài, xã hội học tập; gắn kết chặt chẽ công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ với nhiệm vụ xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, nhất là việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở.

7. Thời gian, quy trình, thủ tục kiểm tra công nhận phổ cập giáo dục, xoá mù chữ được thực hiện theo quy định tại Nghị định 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 của Chính phủ về công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ và Thông tư 07/2016/TTBGDĐT ngày 22/3/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy định điều kiện đảm bảo nội dung, quy trình, thủ tục kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xoá mù chữ.

Ngoài ra, văn bản này cũng nêu rõ, kinh phí thực hiện phổ cập giáo dục, xoá mù chữ được cân đối trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm theo phân cấp và nguồn huy động của các tổ chức trong và ngoài nước, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng.

Qua đó, kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã nêu lên một số nhiệm vụ cụ thể trong khâu tổ chức thực hiện đối với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này.

Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định được yêu cầu, cần tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời kiện toàn Ban chỉ đạo cấp tỉnh và tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; chịu trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức triển khai kế hoạch, theo dõi kiểm tra tiến độ thực hiện, kịp thời kiểm điểm rút kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tổng kết hằng năm hoặc theo từng giai đoạn, báo cáo các cấp quản lý về tiến độ thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Đồng thời, cần tập trung xây dựng các giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các ngành học, cấp học bảo đảm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tài liệu dạy học theo chương trình phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho các nhóm đối tượng.

Chủ động, linh hoạt trong việc triển khai kế hoạch, đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học (dạy học trên lớp, dạy học trực tuyến) sao cho phù hợp trong bối cảnh tình hình dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường.

Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt nội dung chi, mức chi thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, chế độ, chính sách đối với những người phụ trách, theo dõi công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và hỗ trợ người học phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Bên cạnh đó, Sở này cũng được yêu cầu, cần phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh động viên nhân dân tích cực, chủ động tham gia công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Trung Dũng